Cảnh báo! Bản dịch này đã lạc hậu, vui lòng xem bản gốc.
Tự do nghĩa là gì? hay Phần mềm tự do được hiểu như thế nào?
Ghi chú: Vào tháng 2 năm 1998, một nhóm đã thay thế thuật ngữ "Phần mềm tự do" bằng "Phần mềm mã nguồn mở". Cuộc tranh luận về thuật ngữ này phản ánh sự khác biệt về triết học cơ bản, nhưng các yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với các giấy phép phần mềm, và cuộc thảo luận trong phần còn lại của trang này, về cơ bản là giống nhau đối với phần mềm tự do và cả phần mềm mã nguồn mở.
Nhiều người mới tiếp cận phần mềm tự do thấy lúng túng bởi từ "free" trong thuật ngữ "phần mềm tự do" không được sử dụng theo cách mà họ mong đợi. Đối với họ, free nghĩa là "miễn phí". Từ điển tiếng Anh liệt kê gần hai mươi ý nghĩa khác nhau dành cho từ "tự do". Chỉ một trong số đó là "miễn phí". Phần còn lại đề cập đến tự do và không ràng buộc. Khi chúng tôi nói đến Phần mềm tự do, ý chúng tôi là tự do, chứ không phải liên quan đến giá cả.
Phần mềm miễn phí nghĩa là bạn không cần phải trả tiền để sử dụng nhưng nó hầu như cũng không hẳn là miễn phí. Bạn có thể bị cấm chia sẻ nó, bạn sẽ bị ngăn cản nếu cải tiến phần mềm. Phần mềm được cấp phép miễn phí thường là một vũ khí trong một chiến dịch marketing để quảng bá một sản phẩm liên quan hoặc loại một đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn trong kinh doanh. Không có gì đảm bảo rằng nó sẽ luôn miễn phí.
Đối với người không chuyên, một phần mềm hoặc miễn phí hoặc không. Còn cuộc sống thì phức tạp hơn thế nhiều. Để hiểu ngụ ý của mọi người khi gọi phần mềm tự do, chúng ta phải đi một đường vòng vào thế giới của giấy phép phần mềm.
Quyền tác giả là một cách thức bảo vệ quyền của các tác giả đối với những loại sản phẩm nhất định. Ở hầu hết các nước, phần mềm bạn viết được tự động bản quyền. Giấy phép là cách các tác giả cho phép người khác sử dụng sản phẩm của họ (trong trường hợp này là phần mềm), theo những cách có thể chấp nhận được. Tùy vào tác giả quy định trong giấy phép việc phần mềm có thể được sử dụng theo những cách thức nào. Thảo luận riêng về bản quyền, vui lòng xem tại https://www.copyright.gov/.
Tất nhiên, tình huống khác nhau yêu cầu giấy phép khác nhau. Các công ty phần mềm sẽ tìm cách để bảo vệ tài sản của họ vì thế họ chỉ phát hành mã biên dịch (mà không phải ai cũng đọc được) và đặt nhiều hạn chế trong việc sử dụng phần mềm. Mặt khác, tác giả của các phần mềm tự do tìm kiếm sự kết hợp của những điều sau đây:
- Không cho phép sử dụng mã nguồn của họ trong phần mềm độc quyền. Vì họ phát hành mã nguồn cho mọi người sử dụng, họ không muốn thấy người khác ăn cắp nó. Trong trường hợp này, việc sử dụng mã được xem như một sự tin tưởng: bạn có thể sử dụng nó, miễn là bạn tuân thủ những quy tắc.
- Bảo vệ danh tính tác giả tạo mã. Vốn ai cũng rất tự hào về sản phẩm của họ làm ra và không muốn người khác lấy đi thành quả của mình và bị thay bằng tên của một người khác.
- Phân phối mã nguồn. Một trong những vấn đề với hầu hết các phần mềm độc quyền là bạn không thể sửa chữa lỗi hoặc tùy chỉnh nó từ mã nguồn không có sẵn. Ngoài ra, công ty có thể quyết định ngừng hỗ trợ các phần cứng mà bạn sử dụng. Nhiều giấy phép miễn phí bắt buộc phân phối mã nguồn. Điều này bảo vệ người dùng bằng cách cho phép họ tùy chỉnh phần mềm theo nhu cầu của họ.
- Bắt buộc bất cứ sản phẩm nào sử dụng một phần sản phẩm của tác giả (những sản phẩm như thế được gọi là sản phẩm dẫn xuất trong các thảo luận về bản quyền) sử dụng cùng một giấy phép.
Rất nhiều tác giả tự viết giấy phép. Điều này không được tán đồng bởi viết một giấy phép thực hiện những điều bạn muốn sẽ dính dáng đến những vấn đề không thực sự minh bạch. Thường thì những từ ngữ được họ sử dụng hoặc mơ hồ hoặc đưa ra những điều kiện mâu thuẫn với nhau. Viết một giấy phép luôn giữ được tính hiệu lực trước toà thậm chí còn khó khăn hơn. May mắn thay, có một số giấy phép viết là bạn có thể làm những gì bạn muốn.
Ba trong số các giấy phép được phát hành rộng rãi nhất là:
- Giấy phép công cộng GNU (GPL). Một số thông tin cơ bản về giấy phép phần mềm và một bản sao của giấy phép có thể được tìm thấy ở Trang thông tin điện tử của GNU. Đây là giấy phép tự do sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
- Giấy phép nghệ thuật.
- Giấy phép BSD.
Một số các tính năng chung của các loại giấy phép.
- Bạn có thể cài đặt phần mềm trên bao nhiêu máy cũng được.
- Không giới hạn số lượng người sử dụng phần mềm cùng lúc.
- Bạn có thể sao nhiều bản phần mềm và cho bất cứ ai theo ý muốn của bạn (miễn phí hoặc tự do tái phân phối).
- Không hạn chế việc sửa đổi phần mềm (trừ giữ các thông báo nguyên vẹn).
- Không hạn chế về việc phân phối, hoặc thậm chí bán phần mềm.
Ở điểm cuối cùng này, việc cho phép bán phần mềm để kiếm tiền dường như đi ngược lại toàn bộ ý tưởng về phần mềm tự do. Nhưng thực ra, đây là một trong những thế mạnh của nó. Vì giấy phép cho phép tự do tái phân phối, nên một khi ai đó có một bản sao thì họ có thể tự phân phối nó. Họ thậm chí có thể thử bán nó. Trong thực tiễn, để sao ra một bản sao điện tử của phần mềm về cơ bản không tốn tiền. Cung và cầu sẽ làm giảm chi phí. Nếu thuận lợi tạo nên một lượng lớn phần mềm hoặc một tập hợp phần mềm được phân phối bởi một số phương tiện truyền thông nào đó, chẳng hạn như đĩa CD, thì các nhà cung cấp có thể tự do thu phí theo ý của họ. Nếu tỷ suất lợi nhuận quá cao, các nhà cung cấp mới sẽ gia nhập thị trường và sự cạnh tranh sẽ đẩy giá xuống. Kết quả là, bạn có thể mua một bản phát hành Debian trên nhiều đĩa CD với giá chỉ một vài đô la.
Trong khi phần mềm tự do không có nghĩa hoàn toàn không có sự ràng buộc (chỉ phần mềm đưa vào miền công cộng mới như thế) nó mang lại cho người dùng sự linh hoạt làm những gì họ cần để hoàn thành công việc. Đồng thời, nó cũng bảo vệ các quyền của tác giả. Đây mới chính là sự tự do.
Dự án Debian là một tổ chức ủng hộ mạnh mẽ phần mềm tự do. Vì nhiều giấy phép khác nhau được sử dụng trên các phần mềm, nên một bộ chỉ dẫn, Chỉ dẫn phần mềm tự do Debian (DFSG) đã được phát triển để đưa ra một định nghĩa hợp lý về những thành phần cấu thành phần mềm tự do. Chỉ có phần mềm phù hợp với DFSG mới được phép trong phân phối chính của Debian.