Bước tới nội dung

Zingiber monophyllum

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Zingiber monophyllum
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Monocots
(không phân hạng)Commelinids
Bộ (ordo)Zingiberales
Họ (familia)Zingiberaceae
Phân họ (subfamilia)Zingiberoideae
Tông (tribus)Zingibereae
Chi (genus)Zingiber
Loài (species)Z. monophyllum
Danh pháp hai phần
Zingiber monophyllum
Gagnep., 1902 xb. 1903[2]

Gừng một lá[1][3] (danh pháp khoa học: Zingiber monophyllum) là một loài thực vật có hoa trong họ Gừng. Loài này được François Gagnepain miêu tả khoa học đầu tiên năm 1902 (xuất bản năm 1903).[2][4]

Mẫu định danh

[sửa | sửa mã nguồn]

Mẫu định danh: ZRC ghi nhận 2 mẫu syntype là Balansa B. 4214Bon H-F. 3234,[5] nhưng theo thông tin trong mô tả gốc của Gagnepain thì ông dựa theo 3 mẫu và chúng là tương tự như các thông tin tại MNHN.[2]

Theo thông tin tại MNHN thì mẫu Balansa B. 4214 (MNHN-P-P00289159) là holotype và 2 mẫu thu thập khác với địa điểm và ngày thu thập khác nhau đều là Bon H-F. 3024 và là mẫu syntype, tương ứng là MNHN-P-P00450953MNHN-P-P00450954. Tất cả đều được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp ở Paris (P).

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Tính từ định danh monophyllum (giống đực: monophyllus, giống cái: monophylla) là tiếng Latinh; nghĩa là một lá. Ở đây để nói thực tế là loài này hầu như chỉ có một lá.[2]

Phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Loài này có tại miền bắc Việt Nam (IUCN ghi nhận các điểm là Vườn quốc gia Cúc Phương và các huyện Yên Thủy, Tam Nông) và đông bắc Lào (tỉnh Xiengkhuang).[1][2][5][6][7][8][9] Môi trường sống là rừng, tại những nơi có bóng râm trong hỗn hợp lá rộng thường xanh; ở cao độ 150–600 m.[1] Môi trường sống tại các địa điểm lấy mẫu syntype (Kiện Khê, Lạt Sơn) đã bị phá hủy do hoạt động nông nghiệp và công nghiệp hóa.[1]

Phân loại

[sửa | sửa mã nguồn]

Schumann (1904) xếp Z. monophyllum trong tổ Lampugium (= tổ Zingiber),[6] nhưng theo Souvannakhoummane và Leong-Škorničková (2017) thì nó thuộc tổ Pleuranthesis.[8]

Cây thảo lâu năm, gần như không có thân lá, cộng lá cao 1,1 m. Thân rễ dày đặc đốt, nằm ngang; bẹ dưới 2-3, kích thước 8 × 2 cm, lỏng lẻo, rộng, hầu như không uốn nếp, không phiến lá, có sọc, nhẵn nhụi; bẹ trên rất lớn, dài 35 cm, đỉnh tổng thể phủ đầy phấn hoặc có lông tơ. Lá 1 (hoặc hiếm khi 2, với lá phía dưới rất nhỏ), có cuống lá; cuống lá dài 22 cm, có rãnh, có sọc, nhẵn nhụi; phiến lá to, 35-52 × 17–18 cm, hình mác-hình trứng tới hình trứng thuôn dài, đáy thon nhỏ dần, men xuống hai bên cuống lá, đỉnh tù hầu như không có mấu nhọn, mặt trên nhẵn nhụi, mặt dưới thưa lông hoặc nhẵn nhụi, rất nhiều đốm nhỏ màu đen, có lông măng ở mép. Cán hoa có lông, dài 2–5 cm, xuất hiện ở gốc thân giữa các bẹ lá, khoảng 2–3 cm từ gốc. Cụm hoa gần mọc từ thân rễ, hình chóp, 9-12 × 2–4 cm; lá bắc hình xoan, thuôn tròn hoặc cắt cụt, có sọc, xếp lợp chặt, mép rậm lông nhung nhỏ; lá bắc dưới đường kính 2,5–3 cm; lá bắc hoa ở phía trên, dài tới 4 cm và hẹp. Hoa màu trắng hồng. Đài hoa .... Ống tràng thanh mảnh, dài tới 4 cm; các thùy hình mác nhọn, dài 1,7 cm, các thùy tràng bên rộng 2–3 mm, thùy tràng lưng rộng tới 6–7 mm. Nhị dài 18 mm, rộng 3,5 mm. Bao phấn không cuống, các ngăn song song, dài 10 mm, mô liên kết là phần phụ dài hơn bao phấn, hình mỏ, phát triển. Cánh môi từ thuôn dài tới hình mác-cắt cụt, 1,6 × 0,5-0,6 cm, đỉnh 3 thùy hay 3 răng, thùy giữa/răng giữa nhỏ và ngắn hơn; nhị lép bên hình mác nhọn, dài 10 mm, rộng 3–4 mm, nhọn, rẽ ra, đáy có vuốt nhỏ và hợp sinh với đáy cánh môi trong khoảng 2–3 mm từ đáy. Vòi nhụy hình chỉ; đầu nhụy hình ống, miệng nở rộng, có lông rung. Đĩa ... Bầu nhụy hình trứng, hầu như không lông, hạt ít (5-7), thuôn dài, hơi cong, 8 × 3–4 mm; áo hạt mọng, gần nguyên, bám quanh hạt. Ra hoa tháng 7-8.[2][3][6][7]

Z. monophyllumZ. ellipticum từng bị nghi ngờ là đồng loài dựa trên các hồ sơ vật liệu phòng mẫu cây, nhưng quan sát gần đây với vật liệu đang ra hoa của Z. monophyllum tại Vườn quốc gia Cúc Phương xác nhận rằng chúng là hai loài khác biệt.[1]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tư liệu liên quan tới Zingiber monophyllum tại Wikimedia Commons
  • Dữ liệu liên quan tới Zingiber monophyllum tại Wikispecies
  • Vườn thực vật hoàng gia Kew; Đại học Harvard; Australian Plant Name Index (biên tập). “Zingiber monophyllum”. International Plant Names Index.
  1. ^ a b c d e f Leong-Skornickova, J.; Tran, H.D.; Newman, M.; Lamxay, V.; Bouamanivong, S. (2019). Zingiber monophyllum. The IUCN Red List of Threatened Species. 2019: e.T201913A132690971. doi:10.2305/IUCN.UK.2019-3.RLTS.T201913A132690971.en. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2021.
  2. ^ a b c d e f Gagnepain F., 1902 (xuất bản 1903). Zingibéracées nouvelles de l’Herbier du Muséum: Zingiber monophyllum. Bulletin de la Société Botanique de France 49(8): 250-251.
  3. ^ a b Phạm Hoàng Hộ, 1999. Cây cỏ Việt Nam. Mục từ 9482, trang 446, quyển III. Nhà xuất bản Trẻ.
  4. ^ The Plant List (2010). Zingiber monophyllum. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013.
  5. ^ a b Zingiber monophyllum trong Zingiberaceae Resource Centre. Tra cứu ngày 31-5-2021.
  6. ^ a b c Schumann K. M., 1904. IV. 46. Zingiberaceae: Zingiber monophyllum trong Engler A., 1904. Das Pflanzenreich Heft 20: 180-181.
  7. ^ a b Gagnepain F., 1908. Zingibéracées: Zingiber monophyllum trong H. Lecomte (biên tập) Flore générale de l'Indo-Chine, vol. 6. Masson & Co., Paris, tr. 25-121, xem trang 78.
  8. ^ a b K. Souvannakhoummane & J. Leong-Škorničková, 2017. Eight new records of Zingiber Mill. (Zingiberaceae) for the Flora of Lao P.D.R.. Edinburgh Journal of Botany 75(1): 3-18, doi:10.1017/S0960428617000312.
  9. ^ Zingiber monophyllum trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 31-5-2021.