Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2020/08
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tội phạm nhân bản 2049Tội phạm nhân bản 2049 là một bộ phim điện ảnh đề tài khoa học viễn tưởng của Mỹ năm 2017 do Denis Villeneuve đạo diễn và Hampton Fancher cùng Michael Green đảm nhiệm phần kịch bản. Đây là phần tiếp theo của bộ phim Blade Runner (1982), với Ryan Gosling và Harrison Ford đảm nhiệm hai vai chính và Ana de Armas, Sylvia Hoeks, Robin Wright, Mackenzie Davis, Carla Juri, Lennie James, Dave Bautista cùng Jared Leto tham gia vào các vai phụ. Cả Ford lẫn Edward James Olmos đều quay trở lại với vai diễn của mình từ phần phim đầu tiên. Ridley Scott vốn là đạo diễn ban đầu của tác phẩm, tuy nhiên sau này trong dự án ông lại làm việc dưới vai trò giám đốc sản xuất. Lấy bối cảnh ba mươi năm sau mốc thời gian trong nguyên tác Blade Runner, câu chuyện của Tội phạm nhân bản 2049 xoay quanh việc K, một người nhân bản thế hệ Nexus-9 và đồng thời cũng là một "blade runner", đã tình cờ phát hiện bí mật gây chấn động: một người nhân bản đời cũ từng có thai và đã qua đời khi sinh con. Để che giấu bí mật có thể dẫn đến chiến tranh giữa con người và người nhân bản, cấp trên buộc K phải tìm ra đứa trẻ và thủ tiêu tất cả các bằng chứng liên quan đến nó. Ý tưởng cho phần phim tiếp nối của Blade Runner bắt đầu được nhen nhóm từ những năm 1990, tuy nhiên các vấn đề về bản quyền đã khiến cho việc phát triển ý tưởng bị đình trệ. Sau đó với mục tiêu tăng lợi nhuận cho hãng phim của mình, Andrew Kosove và Broderick Johnson đã đàm phán và sở hữu được bản quyền tác phẩm từ phía Bud Yorkin. Quá trình quay phim chính được thực hiện chủ yếu tại hai phim trường ở thành phố Budapest, Hungary trong khoảng thời gian hơn bốn tháng—từ tháng 7 tới tháng 11 năm 2016. Tội phạm nhân bản 2049 được hỗ trợ tài chính bởi liên danh Alcon Entertainment–Sony Pictures và chính sách miễn giảm thuế do chính phủ Hungary tài trợ. Hãng Warner Bros. đại diện cho Alcon phụ trách công tác phân phối tác phẩm tại thị trường Bắc Mỹ, còn Sony đảm nhiệm vai trò phân phối tại các thị trường quốc tế. [ Đọc tiếp ] |
Chung kết Cúp FA 1927Chung kết Cúp FA 1927 là một trận thi đấu bóng đá giữa hai câu lạc bộ Cardiff City và Arsenal trong khuôn khổ Cúp FA do Hiệp hội bóng đá Anh tổ chức, diễn ra vào ngày 23 tháng 4 năm 1927 tại Sân vận động Empire (Sân vận động Wembley cũ). Trận đấu khép lại với chiến thắng tối thiểu 1–0 dành cho Cardiff City, qua đó giúp đội bóng đến từ xứ Wales này trở thành nhà vô địch đầu tiên bên ngoài nước Anh. Tính đến năm 2020[cập nhật], chức vô địch của Cadiff vẫn là lần duy nhất mà chiếc cúp (trước đây thường gọi là "Cúp Anh") được trao cho một câu lạc bộ có trụ sở bên ngoài nước này. Hai đội cùng tham gia giải đấu ở lượt trận thứ thứ ba với tư cách là đại diện của Football League First Division và đều trải qua năm vòng để tiến vào chung kết. Tại lượt trận thứ năm, Cadiff hạ gục Bolton Wanderers để chính thức biến đội bóng này thành cựu vương. Cho đến vòng tứ kết, Arsenal và Cardiff là hai đội bóng duy nhất của First Division còn sót lại. Vào ngày diễn ra trận chung kết, ban tổ chức đã bổ sung thêm một số đoàn tàu nhằm vận chuyển người hâm mộ của Cardiff đến sân theo dõi trận đấu. Số lượng cảnh sát được huy động tối đa nhằm ngăn chặn những người dùng vé giả vào sân. Trước khi trận đấu diễn ra, ban tổ chức đã tiến hành một buổi lễ long trọng có sự trình diễn của ca khúc "Abide with Me", bài hát sau này trở thành truyền thống trong các trận chung kết. Đây cũng là lần đầu tiên, một trận chung kết được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh của BBC. Có nhiều thông tin cho rằng chương trình phát sóng này là nguồn gốc của cụm từ "back to square one", mặc dù từ ngữ này xuất hiện trước khi trận đấu diễn ra. Hơn 91.206 người đã đến sân theo dõi trực tiếp trận đấu, bên cạnh đó là hơn 15.000 cổ động viên Cardiff có mặt tại Cathays Park, trung tâm hành chính thành phố để theo dõi đội bóng con cưng qua hệ thống phát thanh. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Cảng Sài Gòn 0–2 Tổng cục Đường sắt (1976)Cảng Sài Gòn 0–2 Tổng cục Đường sắt (1976), được biết đến với tên gọi Trận cầu đoàn tụ (ở Việt Nam) hay Trận cầu thống nhất (theo cách gọi của báo chí nước ngoài), là một trận giao hữu bóng đá diễn ra ngày 7 tháng 11 năm 1976 giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt trên sân vận động Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là trận đấu đầu tiên giữa hai đội bóng đến từ hai miền Nam, Bắc của Việt Nam sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Cảng Sài Gòn có tên gọi cũ là Đội bóng đá Tổng nha Thương cảng. Đội hình của họ bao gồm nhiều cầu thủ từng thuộc biên chế Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa tham dự các giải đấu quốc tế. Trong khi đó, Tổng cục Đường sắt, đội bóng đại diện cho lớp công nhân ngành đường sắt, vừa mới giành chức vô địch giải bóng đá Công đoàn miền Bắc. Trận đấu diễn ra trong bối cảnh sau khi sân vận động Cộng Hòa được đổi tên thành sân vận động Thống Nhất và cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất vừa diễn ra trước đó vài tháng. Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam cử đại diện là Đội bóng đá Tổng cục Đường sắt vào miền Nam tham gia loạt trận giao hữu với nhiệm vụ hàn gắn nền bóng đá hai miền sau nhiều năm chiến tranh. [ Đọc tiếp ] |
Ai Cập cổ đạiAi Cập cổ đại là một nền văn minh cổ đại nằm ở Đông Bắc châu Phi, tập trung dọc theo hạ lưu của sông Nile thuộc khu vực ngày nay là đất nước Ai Cập. Đây là một trong sáu nền văn minh phát sinh một cách độc lập trên thế giới. Nền văn minh Ai Cập được thống nhất lại vào năm 3150 TCN với sự thống nhất chính trị của Thượng và Hạ Ai Cập dưới thời vị pharaon đầu tiên. Lịch sử của Ai Cập cổ đại đã trải qua một loạt các thời kỳ vương quốc ổn định, và các giai đoạn hỗn loạn giữa chúng được gọi là các giai đoạn chuyển tiếp: Cổ Vương quốc tương ứng giai đoạn Sơ kỳ Đồ đồng, Trung Vương quốc tương ứng Trung kỳ Đồ Đồng và Tân Vương quốc ứng với Hậu kỳ Đồ đồng. Ai Cập đạt đến đỉnh cao của quyền lực vào giai đoạn Tân Vương quốc, trong thời kỳ Ramesside, trước khi bước vào giai đoạn dần suy yếu và rơi vào tay đế quốc La Mã, trở thành một tỉnh La Mã dưới thời nữ hoàng Cleopatra VII. Những thành tựu của người Ai Cập cổ đại bao gồm khai thác đá, khảo sát và kỹ thuật xây dựng hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình kim tự tháp, đền thờ, và cột tháp tưởng niệm; một hệ thống toán học, một hệ thống thực hành y học hiệu quả, hệ thống thủy lợi và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, những tàu thủy đầu tiên được biết đến trên thế giới, công nghệ gốm sứ và thủy tinh của Ai Cập, những thể loại văn học mới, và các hiệp ước hòa bình được biết đến sớm nhất. Ai Cập đã để lại một di sản lâu dài. [ Đọc tiếp ] |