Thiên hoàng Kōkaku
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Thiên hoàng Quang Cách | |
---|---|
Thiên hoàng Nhật Bản | |
Thiên hoàng Kōkaku | |
Thiên hoàng thứ 119 của Nhật Bản | |
Trị vì | 1 tháng 1 năm 1780 – 7 tháng 5 năm 1817 (37 năm, 126 ngày) |
Lễ đăng quang và Lễ tạ ơn | 29 tháng 12 năm 1780 (ngày lễ đăng quang) 5 tháng 1 năm 1788 (ngày lễ tạ ơn) |
Chinh di Đại Tướng quân | Tokugawa Ieharu Tokugawa Ienari |
Tiền nhiệm | Thiên hoàng Hậu Đào Viên |
Kế nhiệm | Thiên hoàng Nhân Hiếu |
Thái thượng Thiên hoàng thứ 59 của Nhật Bản | |
Tại vị | 7 tháng 5 năm 1817 – 11 tháng 12 năm 1840 (23 năm, 218 ngày) |
Tiền nhiệm | Hậu Anh Đinh Nữ Thái thượng Thiên hoàng |
Kế nhiệm | Thượng hoàng Akihito |
Thông tin chung | |
Sinh | 23 tháng 11 năm 1771 |
Mất | 11 tháng 12 năm 1840 (69 tuổi) |
An táng | 18 tháng 1 năm 1841 Nochi-no tsuki-no wa-no misasagi (Kyoto) |
Phối ngẫu | Nội thân vương Yoshiko |
Hậu duệ | Thiên hoàng Ninkō Và những người con khác |
Hoàng tộc | Hoàng gia Nhật Bản |
Thân phụ | Thân vương Kan'in-no-miya Sukehito |
Thân mẫu | Ōe Iwashiro |
Chữ ký |
Thiên hoàng Quang Cách (光格天皇 (Quang Cách thiên hoàng) Kōkaku-tennō , 23 tháng 11, 1771 – 11 tháng 12, 1840) là vị Thiên hoàng thứ 119 của Nhật Bản[1], theo Danh sách Thiên hoàng truyền thống[2]. Triều đại ông kéo dài từ năm 1780 đến 1817[3].
Phả hệ
[sửa | sửa mã nguồn]Ông có tên thật là Morohito (師仁; Sư Nhân), là con trai thứ 6 của Thân vương Sukehito (ông có tước là Kan'in-no-miya - một chức tước đứng đầu dòng nhánh của Hoàng gia Nhật Bản được Hoàng tử Naohito (con trai của Thiên hoàng Higashiyama) lập ra năm 1718 để tiếp tục duy trì ngôi Thiên hoàng sau khi dòng chính của Hoàng triều Nhật Bản khủng hoảng người thừa kế ngai vàng).
Thời còn niên thiếu, Thân vương Morohito được cha dự kiến đưa vào làm tu sĩ Phật giáo tại Đền thờ Shugoin.
Bước ngoặt xảy ra trong cuộc đời ông khi Thiên hoàng Go-Momozono sắp lâm chung mà không có người thừa kế. Năm 1779, Thiên hoàng vội vã nhận ông làm con nuôi để chuẩn bị thừa kế ngai vàng.
Lên ngôi Thiên hoàng
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 16 tháng 12 năm 1779, Thiên hoàng Go-Momozono băng hà và con nuôi là Thân vương Morohito chính thức kế vị, lấy hiệu là Thiên hoàng Kōkaku.
Là một người thông minh, cần mẫn; Kōkaku có nhiều hoạt động nhằm chấn hưng đất nước. Ông là tín đồ nhiệt thành với phát triển giáo dục và văn hóa, phục hồi lại các nghi lễ ở đền Iwashimizu và Kamono.
Nạn đói Tenmei (1781)
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1781 (Tenmei nguyên niên), Nhật Bản hứng chịu loạt khó khăn: núi lửa Iwaki và Asama phun trào[4] và sự sụt giảm ánh nắng Mặt Trời làm thời tiết trở nên lạnh giá, làm hàng loạt cây trồng bị chết. Hơn nữa, Mạc phủ đánh thuế cao nhiều mặt hàng làm giá cả đội lên quá cao làm nhân dân thiếu lương thực trầm trọng, dẫn tới nạn đói lớn diễn ra ở phía đông bắc của đảo Honshū. Từ phía đông bắc của đảo, nạn đói lan nhanh sang làng thuộc vùng Tohoku, tỉnh Mutsu (hơn 10 vạn người chết)[5]. Tại phiên Hirosaki (Tsugaru), nạn đói làm chết mất phân nửa dân số tại vùng này. Tính chung toàn cục, nạn đói kéo dài từ 1781 đến 1786 làm tổng cộng 920.000 người chết[6]. Trước tình hình đó, Thiên hoàng đề xuất với Shogun Tokugawa Ieharu một chương trình cứu đói cho nhân dân.
Cải cách Kansei (1787)
[sửa | sửa mã nguồn]Cuộc cải cách này do Matsudaira Sadanobu đề nghị với Shogun tiến hành. Những việc làm chính trong cuộc cải cách[7]:
Giải quyết những khó khăn về kinh tế của những người hatamoto và go-kenin (đám bầy tôi thân tín của mạc phủ) đang gặp khó khăn kinh tế. Theo chính sách này, những món nợ nào họ ký trước đây thì cho phép thương lượng để thay đổi khế ước, còn các món nợ họ có đối với các tay fudasashi (hay kurayado) tức là những kẻ chuyên làm nghề đem tiền đổi lấy gạo trong kho của mạc phủ, hay cho vay nặng lãi, thì họ được xóa nợ. Kết quả của chính sách này là các tay fudasashi đã mất trắng một món nợ lớn là 118 vạn lạng.
Về tư tưởng, Sadanobu ra lệnh cấm tất cả những gì gọi là "dị học". Việc ấy nhằm cổ võ cho Chu tử học (được gọi là Seigaku = Chính học hay cái học đúng đắn) bởi vì nó đề cao "đại nghĩa danh phận", điều mà mạc phủ nghe rất xuôi tai. Ngoài đạo lý của Chu Hi thì tất cả những học phái khác đều bị nhà nước xem như là "dị học" (igaku), không được nghiên cứu hay đem ra giảng ở nhà học chính thức là Yushima seidô (Thang Đảo thánh đường) tức Khổng miếu nằm ở khu Yushima (khu Bunkyô bây giờ) thuộc Edo.
Về xuất bản sách báo, Sadanobu ra lệnh kiểm soát gắt gao việc xuất bản. Những gì có tính phúng thích hay phê phán chính trị đều bị kềm kẹp. Phải nói thêm là mạc phủ cũng nhân đó mà chấn chỉnh phong tục. Hayashi Shihei (Lâm Tử Bình, 1738-1793), một nhà kinh tế, trong khi đi dò la về người ngoại quốc ở Nagasaki, đã xuất bản sách Sangoku Tsuuran Zusetsu (Tam Quốc Thông Lãm Đồ Thuyết) và Kaikoku Heidan (Hải Quốc Binh Đàm), nội dung phê bình mạc phủ thiếu kế sách phòng thủ bờ biển. Nhất là trong Kaikoku Heitan, Hayashi Shihei viết: "Edo là đất thang mộc (hizamoto) của mạc phủ thế mà mạc phủ không nghĩ tới việc phòng thủ cửa biển Edo. Thật là một điều quái lạ. Từ khu Nihonbashi của Edo trở ra, tất cả chỉ là một con đường thủy nối đến tận Hà Lan và Trung Quốc chứ có thấy biên giới nào đâu!". Mạc phủ nổi giận, cho rằng Hayashi đã mê hoặc lòng người, năm 1792 (Kansei 4) xử ông án cấm cố. Và để ông khỏi có thể xuất bản thêm một lần thứ hai, nhà nước đã tịch thu cả bản khắc gỗ (hangi).
Về phong tục tập quán, Mạc phủ cấm cả phong tục onnna kamiyui (phụ nữ hành nghề bới tóc, cạo trán cho đàn ông)[8] hay danjo kon.yoku (đàn ông đàn bà tắm chung). Những qui chế này đã giúp quyền uy mạc phủ củng cố được một thời gian thế nhưng việc cưỡng ép dân chúng phải khắc khổ và kiệm ước đã sinh ra sự bất mãn nơi họ. Những câu vè, câu ca có ý phúng thích về Sadanobu đã nói lên điều đó.
Đối ngoại[9]
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1792, Nữ hoàng Ekaterina II của Nga đã gửi sứ thần Adam Erikovich Laxman (có Daikokuya Kodayu, 1751-1828[10], một thương lái người Nhật bị bão giạt tới Nga, tháp tùng) đến Nemuro trên Ezochi. Laxman nhân chuyến đi mà trả ông ta về bản quán. Lúc ấy, Laxman yêu cầu được thông thương với Nhật nhưng mạc phủ vì vẫn theo quy định ngoại giao rất hạn chế áp dụng từ trước đến nay nên rất khó lòng.
Để giải quyết việc này, Sadanobu hạ lệnh trao cho Laxman tín bài (shinbai) tức giấy phép để người Nga có quyền cập bến Nagasaki. Thế nhưng Laxman chẳng xuống Nagasaki, chỉ mang tín bài về nước. Thế là Mạc phủ cho tiến hành điều tra và đo đạc các vùng đất để phòng thủ bờ biển. Vào năm 1804 (Bunka nguyên niên), Sa hoàng Aleksandr I của Nga lại một đoàn khác, lần này sứ thần là Nicolai Petrovitch Rezanov (1764-1807). Ông ta đem tín bài ấy đến yêu cầu thông thương và cập bến Nagasaki nhưng gặp phải phản ứng lãnh đạm của mạc phủ. Kết cuộc, nhân danh "tỏa quốc là tổ pháp" (luật có từ đời tổ tiên), mạc phủ lại cự tuyệt giao thương với họ. Có lẽ vì lý do đó mà sang năm sau, người Nga đã tấn công các trạm gác và ngư dân ở hai đảo Karafuto (Hoa Thái) và Etorofu (Trạch Tróc) để trả đũa.
Khi biết được liệt cường nhòm ngó và tìm cách tiến gần với mình, Mạc phủ không còn tỏ ra hòa nhã, hiếu khách, cấp nước và cấp củi cho các tàu ngoại quốc nữa. Shogun lập chức quan bugyô quản lý trực tiếp vùng Ezochi và ra lệnh cho các phiên trấn miền Tôhoku (Đông Bắc Honshu) phải tổ chức canh phòng và báo động vùng duyên hải Ezochi.
Sau đó đã xảy ra sự cố chiến hạm Phaeton năm 1808 (Bunka 5). Vào đầu thế kỷ 19, khi nước Pháp của Hoàng đế Napoléon Bonaparte chinh phục Hà Lan rồi thì nước Anh để đối kháng lại họ, đã đoạt hết tất cả căn cứ mà người Hà Lan lập ra trên Biển Đông. Trong quá trình diễn tiến, quân hạm Phaeton của Anh, nhân đánh đuổi một thuyền Hà Lan -lúc đó là địch quốc - nên xâm phạm hải cảng Nagasaki. Lính Anh trên chiếc Phaeton đã bắt người trong Thương quán Hà Lan làm con tin, chẳng những thế, đoạt lấy củi và nước, rồi kéo đi mất.Chức bugyô của Nagasaki là Matsudaira Yasuhide (Tùng Bình, Khang Anh) bị hỏi tội nên phải tự sát để lãnh trách nhiệm, còn người có nhiệm vụ bảo vệ an ninh của Nagasaki là lãnh chúa phiên Saga thì bị mạc phủ xử phạt.
Tiếp đến, năm 1811, lại xảy ra vụ Golovnin[11]. Nguyên do là ông này trong lúc đi đo đạc hải vực phía nam đảo Chishima (Kurils), bị tuần cảnh của Nhật bắt được khi ông đổ bộ lên đảo Kunashiri. Ông bị đưa về Hakodate (sau đó là Matsumae) để giam giữ. Biết tin này, Sa hoàng là Aleksandr I của Nga ra lệnh câu lưu nhà buôn Nhật gốc người vùng Awaji (gần Kobe) là Takada Yakahê (Cao Điền, Ốc Gia Binh Vệ) đang khai thác thương mại trên tuyến đường Etorofu (Trạch Tróc). Takada đã đấu tranh liên tục cho Golovnin được phóng thích. Rốt cuộc đến năm 1813 (Bunka 10) thì cả hai đều được tha về và sự kiện này được giải quyết
Khoa học kỹ thuật
[sửa | sửa mã nguồn]Địa lý, thiên văn[9]
[sửa | sửa mã nguồn]Hoạt động thám hiểm quanh Nhật Bản diễn ra mạnh mẽ. Năm 1798 (Kansei 10), Kondo Jozo (Cận Đằng Trọng Tàng, 1771-1829)[12] đã đi thám hiểm và điều tra các đảo Chishima (Kuriles). Nhân đó mà năm sau,vùng Higashi-Ezochi tức vùng phía đông của Ezochi (nay thuộc phân nửa phía nam Hokkaidô) trở thành đất Nhật Bản trực tiếp cai quản. Tiếp theo vào năm 1808 (Bunka 5) và bước qua năm sau, một nhà thám hiểm và chuyên gia đo đạc, Mamiya Rinzô (Gian Cung, Lâm Tàng, 1775-1844) đã thám hiểm và điều tra vùng hạ lưu Hắc Long Giang (Heilung Jiang), nhân đó mới biết Karafuto (Sakhalin) là một hòn đảo. Chỗ eo biển ngăn chia vùng ven lục địa với Karafuto (Sakhalin) ngày nay vì thế mang tên "eo biển Mamiya" để nhớ đến sự khám phá của ông.
Người vùng Shimoza Sawara là Ino Tadataka (Y Năng Trung Kính, 1745-1818) nhà địa lý và đo đạc, từng theo học một nhân vật làm ở Sở Thiên Văn của mạc phủ là Takahashi Yoshitoki (Cao Kiều Chí Thì). Ban đầu Inô chỉ đo đạc vùng Ezochi sau nới rộng ra, đi khắp nước đo tại chỗ. Kết quả là các đệ tử của ông đã hoàn thành vào năm 1821 (Bunsei 4) tấm Đại Nhật Bản Duyên Hải Dự Toàn Đồ (Bản đồ toàn thể vùng ven biển và các đảo Nhật Bản). Bức ấy được gọi là Inôzu (Bản đồ của ông Inô) cho gọn nhưng chính ra nó được vẽ theo ba khổ đại, trung, tiểu khác nhau và có kẻ đường ven biển cũng như các kinh tuyến, vĩ tuyến rất chính xác.
Khoa học tự nhiên
[sửa | sửa mã nguồn]Dựa trên quan sát bầu trời, Sở Thiên văn của mạc phủ (Tenmonkata) đã tính toán và làm ra lịch Kanseireki. Hoạt động dịch thuật phát triển mạnh với việc Shibukawa Shunkai dồn công sức vào việc dịch sách phương Tây trong nhiều lãnh vực kể cả thiên văn và trắc địa (geodesy). Shidzuki Tadao cũng ra công dịch một quyển sách của một y sĩ người Đức làm việc tại Thương quán Hà-Lan ở Nagasaki tên là Engelbert Kaempfer (1651-1716), người chỉ sống hai năm (1690-92) nhưng hiểu sâu biết rộng về Nhật. Quyển sách dịch ấy tên là Nihonshi (Nhật Bản Chí) đề cập đến lịch sử, địa lý và văn hóa của Nhật và rất nổi tiếng. Shidzuki cũng là người học được thiên văn, vật lý nên đã soạn ra quyển Rekishô Shinsho (Lịch tượng tân thư), giới thiệu thuyết trọng lực của vạn vật (banyuu inryoku-setsu = theory of universal gravitation) của Newton bàn về sức hút và thuyết địa động (chidôsetsu = Corpenian heliocentric theory) của Copernic chủ trương trái đất quay quanh mặt trời, cho người Nhật.
Cuối thời Kōkaku, động đất xảy ra liên tục: phía tây bắc Honshu và đảo Sado (1802, 1810)[13][14] làm nhiều người dân chết
Ngày 7 tháng 5 năm 1817, Kōkaku thoái vị và nhường ngôi cho con trai thứ tư là Thân vương Ayahito. Thân vương sẽ lên ngôi, lấy hiệu là Thiên hoàng Ninkō.
Kugyō
[sửa | sửa mã nguồn]- Sesshō, Kujo Naozane, 1779-1785
- Kampaku, Kujo Naozane, 1785-1787
- Quan bạch: Takatsukasa Sukehira, 1787-1791
- Quan bạch: Ichijo Teruyoshi, 1791-1795
- Quan bạch: Takatsukasa Masahiro, 1795-1814
- Quan bạch: Ichijo Tadayoshi, 1814-1823
- tả đại thần
- hữu đại thần
- nội đại thần
- Đại nạp ngôn
Niên hiệu
[sửa | sửa mã nguồn]- An'ei (1772-1781)
- Tenmei (1781-1789)
- Kansei (1789-1801)
- Kyowa (1801-1804)
- Bunka (1804-1818)
Gia đình
[sửa | sửa mã nguồn]- Hoàng hậu: Nội Thân vương Yoshiko (欣子内親王; 11/3/1779 - 11/8/1846), là con gái duy nhất còn sống của Thiên hoàng Go-Momozono.
- Phi tần:
- Không rõ.
- Hamuro Yoriko (葉室頼子; 1773 - 1846), là con gái của Hamuro Yorihiro.
- Kajyūji Tadako (勧修寺婧子; 1780 - 1843), là con gái của Kajyūji Tsunehaya.
- Takano Masako (高野正子; 1774 - 1846), là con gái của Takano Yasuka.
- Anekouji Toshiko (姉小路聡子; 1794 - 1888), là con gái của Anekouji Kōsō.
- Higashiboujo Kazuko (東坊城和子; 1782 - 1811), là con gái của Higashiboujo Masunaga.
- Tominokōji Akiko (富小路明子; ? - 1828), là con gái của Tominokōji Sadanao.
- Nagahashi-no-tsubone (? - ?).
- Con cái:
- Công chúa Kaijin'in (開示院宮; 1789 - 1789), mẹ là Phi tần không rõ tên tuổi. Chết non khi chưa ra đời.
- Thân vương Ayahito (礼仁親王; 1790 - 1791), mẹ là Hamuro Yoriko. Chết yểu.
- Công chúa Juraku'in (受楽院宮; 1792 - 1792), mẹ là Nagahashi-no-tsubone. Chết non khi chưa ra đời.
- Công chúa Noto (能布宮; 1792 - 1793), mẹ là Hamuro Yoriko. Chết yểu.
- Hoàng tử Toshi (俊宮; 1793 - 1794), mẹ là Hamuro Yoriko. Chết yểu.
- Thân vương Masuhito (温仁親王; 1800 - 1800), mẹ là Yoshiko. Chết non khi chưa ra đời.
- Thân vương Ayahito (恵仁親王; 1800 - 1846), mẹ là Kajyūji Tadako. Lên ngôi, tức Thiên hoàng Ninko.
- Công chúa Tashi (多祉宮; 1808 - 1808), mẹ là Kajyūji Tadako. Chết non khi chưa ra đời.
- Thân vương Katsura-no-Miya Takehito (桂宮盛仁親王; 1810 - 1811), mẹ là Higashiboujo Kazuko. Chết yểu.
- Công chúa Reimyoshin'in (霊妙心院宮; 1811 - 1811), mẹ là Higashiboujo Kazuko. Chết non khi chưa ra đời.
- Hoàng tử Ishi (猗宮; 1815 - 1819), mẹ là Takano Masako. Chết yểu.
- Thân vương Toshihito (悦仁親王; 1816 - 1821), mẹ là Yoshiko. Chết yểu.
- Công chúa Nori (娍宮; 1817 - 1819), mẹ là Kajyūji Tadako. Chết yểu.
- Công chúa Eijun (永潤女王; 1820 - 1830), mẹ là Anekouji Toshiko. Chết yểu.
- Công chúa Haru (治宮; 1822 - 1822), mẹ là Anekouji Toshiko. Chết yểu.
- Nội Thân vương Shinko (蓁子内親王; 1824 - 1842), mẹ là Anekouji Toshiko.
- Công chúa Seisho (聖清女王; 1826 - 1827), mẹ là Anekouji Toshiko. Chết yểu.
- Công chúa Katsu (勝宮; 1826 - 1827), mẹ là Tominokōji Akiko. Chết yểu.
- Hoàng tử Kana (嘉糯宮; 1833 - 1835), mẹ là Anekouji Toshiko. Chết yểu.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Imperial Household Agency (Kunaichō): 光格天皇 (119)
- ^ Ponsonby-Fane, Richard. (1959), The Imperial House of Japan, pp. 120–122
- ^ Titsingh, Isaac. (1834). Annales des empereurs du japon, pp. 420-421.
- ^ Screech, T. (2006), Secret Memoirs of the Shoguns: Isaac Titsingh and Japan, 1779–1822, pp. 146–148;
- ^ "詳説日本史研究" 山川出版社, p.289.
- ^ 石井寛治 "日本経済史", University of Tokyo Press, p.77
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2016.
- ^ Tư(o)ng truyền, sau cuộc loạn Ônin (1467-69), để khí huyết người samurai khỏi bốc lên đầu nên có tục lệ đàn ông cạo một phần tóc trên trán theo hình bán nguyệt cho nó cao h(o)n. Tục lệ gọi là sakayaki này trở thành bằng chứng của một người đàn ông đã thành nhân. Khi cấm đàn bà hành nghề ở các tiệm bới tóc (kamiyuidoko, vì đàn ông Nhật xưa để tóc dài) gồm có cả dịch vụ sakayaki cho khách hàng, có lẽ mạc phủ muốn ngăn chặn nạn mãi dâm trá hình?
- ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2016.
- ^ Daikoku Kôdayu (Đại Hắc Ốc, Quang Thái Lang, 1751-1828), người Nhật, thuyền trưởng người vùng Ise, bị bão lớn,trôi giạt đến Kamchatka, được Nga cứu thoát, từng đến Điện mùa hè ở St Petersburg bái yết nữ hoàng Ekatherina II. Sau khi theo sứ bộ A.E.Laxman trở lại Nhật, ông bị giam lỏng cho đến cuối đời. Ông có đem nhiều địa đồ về nước và những câu chuyện ông thuật lại đã được Katsuragawa Hoshuu chép thành Hokusa Bunryaku (Bắc tra văn lược, trà = bè, cò lẽ chỉ việc Daikoku bị trôi giạt, văn lược = vài điều nghe được), một tác phẩm về tình hình nước Nga thời đó.Ngoài Katsuragawa, ông cũng quen biết và kiến thức về nước ngoài của ông đã ảnh hưởng tới các học giả khác như Takami Senseki, Watanabe Kazan và Ban Nobutomo.
- ^ Vasalii Mikhailovitch Golovnin, thuyền trưởng chiếc tàu Nga Diana, bị người Nhật bắt được và bỏ ngục khi đang đi điều tra trên đảo Kurils (Chishima) Ông bi6 giam từ 1811 đến 1813 và đã viết lại nhật ký nhan đề Golovnin nhật bản u tù ký (Zapiskio Priklyucheniyakhvplenuu Yapontsev) xuất bản năm 1816, dịch sang tiếng Anh năm 1818.
- ^ Kondô Juuzô (1771-1829) là nhà thám hiểm và thư chí học thời Edo hậu kỳ. Thừa lệnh mạc phủ, đã 5 lần thám hiểm vùng Ezochi, quần đảo Chishima (Kuriles).Từng viết Kingin Zuroku (Kim ngân đồ lục), Gaiban tsuusho (Ngoại phiên thông thư), Ezochi Zenzu (Hà Di địa toàn đồ), Ken kyô ruiten (Hiến giáo loại điển). Đặc biệt trong Ngoại phiên thông thư có ghi lại thư trao đổi giữa mạc phủ Tokugawa và các Chúa Nguyễn ở Quảng Nam.
- ^ NOAA/Japan "Significant Earthquake Database" -- US National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA), National Geophysical Data Center (NGDC)
- ^ Cullen, LM (2003), A History of Japan, 1582-1941: Internal and External Worlds, pp. 117, 163
Tài liệu tham khảo chính
[sửa | sửa mã nguồn]- Meyer, Eva-Maria. (1999). Japans Kaiserhof in der Edo-Zeit: unter besonderer Berücksichtigung der Jahre 1846 bis 1867. Münster: LIT Verlag. 10-ISBN 3825839397, 13-ISBN 9783825839390; OCLC 42041863
- Ponsonby-Fane, Richard Arthur Brabazon. (1959). The Imperial House of Japan. Kyoto: Ponsonby Memorial Society. OCLC 194887
- Screech, Timon. (2006). Secret Memoirs of the Shoguns: Isaac Titsingh and Japan, 1779-1822. London: RoutledgeCurzon. 10-ISBN 0203099850, 13-ISBN 9780203099858; OCLC 65177072
- __________. (2000). Shogun's Painted Culture: Fear and Creativity in the Japanese States, 1760-1829. London: Reaktion. 10-ISBN 1861890648/13-IBN 9781861890641; OCLC 42699671
- Titsingh, Isaac. (1834). Nihon Odai Ichiran; ou, Annales des empereurs du Japon. Paris: Royal Asiatic Society, Oriental Translation Fund of Great Britain and Ireland. OCLC 5850691
- Varley, H. Paul. (1980). Jinnō Shōtōki: A Chronicle of Gods and Sovereigns. New York: Columbia University Press. 10-ISBN 0-231-04940-4; 13-ISBN 978-0-231-04940-5; OCLC 59145842