Bước tới nội dung

Tứ Xuyên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tứ Xuyên
四川
—  Tỉnh  —
Chuyển tự tên
 • Giản xưngXuyên (川) hoặc Thục (蜀)
Vị trí của Tứ Xuyên
Tứ Xuyên trên bản đồ Thế giới
Tứ Xuyên
Tứ Xuyên
Quốc gia Trung Quốc
Thủ phủThành Đô
Chính quyền
 • Bí thư Tỉnh ủyVương Hiểu Huy (王晓晖)
 • Tỉnh trưởngHoàng Cường (黄强)
Diện tích
 • Tỉnh485.000 km2 (187,000 mi2)
Thứ hạng diện tíchthứ 5
Dân số (2017)
 • Tỉnh83,020,000
 • Mật độ170/km2 (440/mi2)
 • Đô thị42,170,000
Múi giờUTC 8
Mã ISO 3166CN-SC
Thành phố kết nghĩaCeprano, Yamanashi, Hiroshima
GDP (2018)
 - trên đầu người
4.068 tỉ (615 tỉ USD) NDT (thứ 6)
48.998 (7.404 USD) NDT (thứ 18)
HDI (2016)0,780 (thứ 24) — trung bình
Các dân tộc chínhHán - 95%
Di - 2,6%
Tạng - 1,5%
Khương - 0,4%
Ngôn ngữ và phương ngôntiếng Tứ Xuyên, tiếng Tương, tiếng Di, tiếng Tạng, tiếng Khương, tiếng Khách Gia
WebsiteSC.gov.cn
Nguồn lấy dữ liệu dân số và GDP:
《中国统计年鉴—2005》/ Niên giám thống kê Trung Quốc 2005 ISBN 7503747382

Nguồn lấy dữ liệu dân tộc:
《2000年人口普查中国民族人口资料》/ Tư liệu nhân khẩu dân tộc dựa trên điều tra dân số năm 2000 của Trung Quốc ISBN 7105054255

Tứ Xuyên (tiếng Trung: 四川; bính âm: Sìchuān) là một tỉnh nằm ở tây nam của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tỉnh lị của Tứ Xuyên là Thành Đô, một trung tâm kinh tế trọng yếu của miền Tây Trung Quốc. Giản xưng của Tứ Xuyên là Thục (蜀), do thời Tiên Tần, trên đất Tứ Xuyên có hai nước chư hầuThụcBa, nên Tứ Xuyên còn có biệt danhBa Thục (巴蜀).

Năm 2018, Tứ Xuyên là tỉnh đông thứ tư về số dân, đứng thứ sáu về kinh tế Trung Quốc với 83 triệu dân, tương đương với Đức [1] và GDP đạt 4.068 tỉ NDT (615,4 tỉ USD) tương ứng với Đài Loan.[2]

Tỉnh Tứ Xuyên có một lịch sử lâu dài, cảnh quan đẹp, sản vật phong phú, từ xưa đã được gọi là Thiên phủ chi quốc (天府之国; dịch nghĩa: Nước trời). Phía tây Tứ Xuyên là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số như người Tạng, người Dingười Khương.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào khoảng triều nhà Thương, vùng đất Tứ Xuyên đã xuất hiện nước Ba, Thục, đặc biệt là nền văn minh Tam Tinh Đôi (hoặc gọi là nền văn minh đồi Ba Sao), văn minh Kim Sa là đại biểu cho nền văn minh Thục thời xa xưa phát đạt cao độ. Sau khi vương triều Tần thống trị Tứ Xuyên, văn hoá Ba Thục và văn hoá Trung Nguyên hoà trộn lẫn nhau, trở thành một trong những đầu nguồn trọng yếu của văn hoá Trung Hoa, nắm giữ vị trí quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

Nguồn gốc tên đất Tứ Xuyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào khoảng năm Hàm Bình hoàng đế Tống Chân Tông triều Bắc Tống, xuyên hạp lộ (川峡路) là đường phân chia ranh giới hành chính, mà nằm ở vành đai bồn địa Tứ Xuyên ngày nay, bao gồm tổng cộng bốn lộ là Ích Châu lộ, Tử Châu lộ, Lợi Châu lộ và Quỳ Châu lộ, tất cả hợp lại gọi là xuyên hạp tứ lộ (川峡四路), sau này thường gọi tắt là tứ xuyên, tỉnh Tứ Xuyên được đặt tên từ đó. Có cách giải thích khác là cảnh nội Tứ Xuyên thời đó có bốn con sông lớn là sông Dân, sông Đà, sông Gia Lăng, sông Ô, ngày xưa gọi sông (江) là xuyên (川), tỉnh Tứ Xuyên được đặt tên từ đó [3].

Tiên Tần

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong suốt thời kỳ tiền sử và lịch sử ban đầu của mình, Tứ Xuyên và các vùng phụ cận trong lưu vực Trường Giang là các nôi của các nền văn minh bản địa có thể có niên đại ít nhất từ thế kỷ XV TCN và trùng hợp với những năm cuối của nhà Thương và trong thời nhà Chu ở phía bắc Trung Quốc. Tứ Xuyên đã xuất hiện trong các thư tịch cổ Trung Hoa với cái tên Ba Thục (巴蜀) do kết hợp tên gọi của hai quốc gia cổ trong bồn địa Tứ XuyênBaThục. Lãnh thổ của nước Ba nay là Trùng Khánh, vùng đất đông bộ Tứ Xuyên dọc theo Trường Giang và một số chi lưu của nó, trong khi nước Thục có lãnh thổ tại khu vực Thành Đô cùng các đồng bằng xung quanh và lãnh thổ lân cận ở tây bộ Tứ Xuyên.[4]

Văn vật khai quật tại Tam Tinh Đôi, một đầu đồng lớn với hai mắt lồi ra, được cho là để mô tả Tàm Tùng (蠶叢), người sáng lập nước Cổ Thục
Tứ Xuyên
Tiếng Trung
Bính âm Hán ngữSìchuān [nghe]
Bính âm tiếng Tứ XuyênSi4cuan1
Latinh hóaSzechwan or Szechuan

Sự tồn tại của nước Cổ Thục được ghi lại rất nghèo nàn trong các chính sử của Trung Hoa, song trong Kinh Thư nước Thục được ghi là một đồng minh đã giúp nhà Chu lật đổ được nhà Thương.[5] Các mô tả về nước Thục chủ yếu là pha trộn giữa các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết lịch sử, chúng được chép trong các biên niên sử địa phương như Hoa Dương quốc chí (華陽國志) được biên soạn vào thời nhà Tấn,[6][7] với các truyện kể dân gian rằng ông vua Đỗ Vũ (杜宇) đã dạy người dân làm nông nghiệp và đã tự hóa thân thành một con chim cu cu sau khi chết.[8] Khám phá khảo cổ học tại một thôn nhỏ có tên là Tam Tinh Đôi (三星堆) ở huyện Quảng Hán đã đưa ra ánh sáng về sự tồn tại của một nền văn minh phát triển cao với một ngành công nghiệp đồng độc lập tại Tứ Xuyên.[9] Di chỉ này được tin là một thành cổ của nước Cổ Thục, ban đầu nó được một nông dân địa phương phát hiện ra vào năm 1929 và ông ta đã tìm thấy các đồ tạo tác bằng ngọc bích và đá. Các cuộc khai quật do những nhà khảo cổ tiến hành trong khu vực đã mang lại một vài phát hiện có ý nghĩa cho đến năm 1986, khi người ta tìm thấy hai hố cúng tế lớn với các đồ vật bằng đồng đẹp đẽ cũng như các đồ tạo tác bằng ngọc bích, vàng, đất nung và đá.[10] Khám phá này cùng các phát hiện khác tại Tứ Xuyên gây mâu thuẫn với quan niệm truyền thống trong sử sách rằng văn hóa và kỹ thuật của Tứ Xuyên thua kém khi so sánh với nền văn minh tại thung lũng Hoàng Hà.

Nước Ba thường được mô tả là một liên minh lỏng lẻo hoặc là một tập hợp các tù trưởng, bao gồm một số thị tộc độc lập liên kết lỏng lẻo cùng công nhận một vị vua. Các thị tộc người Ba rất đa dạng, bao gồm nhiều sắc tộc. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy người Ba dựa chủ yếu vào đánh cá và săn bắn, hoạt động nông nghiệp ở mức độ thấp và không có bằng chứng về thủy lợi. Nước Ba đã liên minh với nước Tần khi Tần đánh Thục. Sau khi Thục bị diệt, Tần ngay lập tức chinh phục đồng minh và bắt vua nước Ba. Ba sau đó trở thành một quận của Tần.

Khu vực Tứ Xuyên thời cổ có niềm tin tôn giáo và thế giới quan riêng biệt. Có các tài nguyên quặng khác nhau. Thêm vào đó, khu vực này cũng thêm phần quan trọng khi nằm trên tuyến đường thương mại giữa thung lũng Hoàng Hà và các quốc gia khác ở phía tây nam, đặc biệt là các nước nay thuộc lãnh thổ Ấn Độ.

Nhà Tần

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi nước Tần tiêu diệt cả hai nước Thục và Ba, các bản văn cùng các thành tựu của hai nước này đều bị Tần phá hủy. Triều đình Tần sáp nhập Thục và Ba thành hai quận của mình, Tần gửi quan chức đến trực tiếp cai trị tại Thục và chủ động khuyến khích dân di cư từ Tần tới Thục. Tuy nhiên đối với Ba, ban đầu Tần vẫn để tầng lớp trên của nước Ba cũ tiếp tục cai trị trực tiếp và không tiến hành cưỡng bách người Tần di cư quy mô lớn đến lãnh thổ Ba, song tầng lớp này về sau đã bị đẩy ra ngoài lề trong một chính sách chia để trị. Tần dường như cũng đã đưa các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến đến Tứ Xuyên, khiến trình độ nông nghiệp tại đây ngang bằng với thung lũng Hoàng Hà. Tần đã cho xây dựng nên hệ thống thủy lợi Đô Giang Yển vào thế kỷ thứ III TCN trên sông Dân tại Tứ Xuyên. Công trình do thái thú Thục quận Lý Băng (李冰) giám sát thi công và là biểu tượng cho kỹ thuật nông nghiệp vào thời kỳ đó. Công trình này bao gồm một loạt đập nước, nó chuyển hướng dòng chảy từ sông Dân (một chi lưu lớn của Trường Giang) đến các cánh đồng và cũng làm giảm thiệt hại của các trận lũ lụt theo mùa. Việc xây dựng hệ thống thủy lợi này đã khiến sản lượng nông nghiệp của Tứ Xuyên tăng lên rất nhiều, Tứ Xuyên cũng trở thành một nguồn cung lương thảo và binh lính chính cho Tần khi nước này tiến hành các cuộc chiến nhằm thống nhất Trung Quốc.

Trong suốt lịch sử sau đó của Trung Quốc, tầm quan trọng về quân sự của Tứ Xuyên cũng nổi lên ngang bằng với ý nghĩa về thương mại và nông nghiệp. Bồn địa Tứ Xuyên nằm lọt giữa cao nguyên Thanh-Tạng ở phía tây, Tần Lĩnh-Mễ Thương Sơn ở phía bắc, cao nguyên Vân-Quý ở phía nam, phía đông có Tam Hiệp, dãy núi Vu Sơn, và thường có sương mù. Do Trường Giang chảy qua bồn địa và là đầu nguồn so với vùng Hoa TrungHoa Đông, thủy quân có thể dễ dàng từ Tứ Xuyên đi thuyền về hạ du. Do đó, Tứ Xuyên đã trở thành căn cứ của nhiều lực lượng quân sự và cũng là nơi ẩn náu lý tưởng cho những người tị nạn chính trị của các triều đại Trung Quốc.

Thời Hán

[sửa | sửa mã nguồn]
Một khuyết (闕), tức cột trụ chạm khắc đá ở cửa, có chiều cao 6 m, nằm ở lăng mộ của Cao Di (高颐) tại Nhã An, được xây vào thời Đông Hán

Giao thời nhà TầnNhà Hán, Hạng Vũ đã phong cho Lưu Bang làm Hán vương, cai trị đất Hán Trung và Ba Thục. Tháng 4 năm 206 TCN, Lưu Bang trở về đất phong, được cấp 3 vạn quân. Theo lời khuyên của Trương Lương, ông đi qua đường sạn đạo xong liền đốt và cắt đứt đường sạn đạo để đề phòng quân chư hầu đánh úp, đồng thời cũng để chứng tỏ cho Hạng Vũ thấy rằng mình không có ý đi về hướng đông. Trong chiến tranh Hán-Sở, vùng Tứ Xuyên không bị ảnh hưởng trực tiếp của chiến loạn và là nơi cung cấp hậu cần trọng yếu cho việc Lưu Bang xưng đế lập nên Nhà Hán.

Thời kỳ đầu Tây Hán, tình hình xã hội, kinh tế, văn hóa của khu vực Tứ Xuyên phát triển nhanh chóng, mức thịnh vượng vượt quá vùng Quan Trung nên được gọi là "Thiên phủ chi quốc", mỹ xưng này vẫn tồn tại đến nay. Những năm Hán Cảnh Đế, Văn Ông (文翁) nhậm chức thái thú Thục quận, đã thiết lập học đường do chính quyền quản lý đầu tiên tại Trung Quốc, "Văn Ông Thạch Thất" (文翁石室), tại Thành Đô, từ đó truyền thống học tập của Tứ Xuyên lên cao, ngang bằng với vùng Tề Lỗ.

Cuối thời Tây Hán, nhân lúc thiên hạ có biến loạn, năm 25, Công Tôn Thuật (公孫述) đã chiếm cứ Ích châu, xưng đế, đặt quốc hiệu là "Thành Gia", lập quốc đô tại Thành Đô. Công Tôn Thuật đặt tên thành trì xây bên khe Cù Đường là "Bạch Đế Thành", cử nhiều binh sĩ phòng thủ. Công Tôn Thuật làm hoàng đế tại Thành Đô được 12 năm thì đến năm 37, Lưu Tú sau khi gây dựng triều Đông Hán ở Trung Nguyên đã đưa quân tấn công Công Tôn Thuật, Công Tôn Thuật chết trong loạn binh. Tổng cộng, Công Tôn Thuật đã thống trị miền tây nam Trung Quốc trong vòng 28 năm. Trong 28 năm ấy, khu vực miền này rất ổn định, không bị chiến loạn Trung Nguyên ảnh hưởng. Trong thời gian làm hoàng đế, Công Tôn Thuật đã phát triển nông nghiệp, xây dựng thủy lợi, đem đến cuộc sống no đủ cho cư dân. Cho nên sau khi Công Tôn Thuật chết, nhân dân địa phương xây dựng "đền Bạch Đế" trong Bạch Đế thành để tưởng nhớ ông.[11]

Cuối thời Đông Hán, cha con Lưu Yên đã cát cứ tại Ích châu. Ích châu bấy giờ do Khước Kiệm làm thứ sử, áp dụng chính sách thuế khoá hà khắc khiến người dân bất mãn. Lưu Yên khi đến Ích châu bèn thực hiện chính sách khoan dung, vỗ về dân chúng và tranh thủ sự ủng hộ của các quý tộc địa phương. Một số quan chức triều đình như Đổng Phù, Triệu Vĩ từ quan theo Lưu Yên vào đất Thục. Ích châu khi đó cai quản 9 quận: Thục quận, Quảng Hán, Kiến Vi, Ba quận (đông Tứ Xuyên), Việt Huề (Tứ Xuyên), Tây Khang, Tường Kha (Quý Châu), Vĩnh Xương (Vân Nam), Ích Châu (Vân Nam). Năm 194, Lưu Yên lâm bệnh và qua đời. Trưởng quan Triệu Vĩ lập Lưu Chương lên làm Ích châu mục. Ích châu tương đối yên ổn trong 20 năm thì bị Lưu Bị đánh chiếm. Lúc đó, ở Ích châu, Lưu Chương có 3 mối lo: thù với Trương Lỗ, sự đe dọa của Tào Tháo và sự chống đối của các thế lực bản địa người Thục vẫn chưa thực sự phục tùng cha con Lưu Chương.[12] Sau đó, Lưu Chương lại sai Pháp Chính sang Kinh châu mời Lưu Bị (người cùng họ) mang quân nhập Xuyên, Lưu Bị coi đây là thời cơ tốt để tiến vào Ích châu. Lưu Bị sau đó đã trở mặt tiến đánh Lưu Chương, cuối cùng chiếm được Thành Đô. Lưu Chương mở cửa thành ra hàng, được Lưu Bị đưa về an trí cùng gia quyến. Quan lại các châu quận của Ích châu đều ngả theo Lưu Bị, chỉ có Hoàng Quyền đóng cửa thành cố thủ. Mãi đến khi Lưu Chương đầu hàng, Hoàng Quyền mới ra quy thuận.

Thời Tam Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ Tam Quốc năm 262

Năm 221, sau khi Tào Phi phế Hán Hiến Đế và xưng đế (tức Ngụy Văn Đế), Lưu Bị lên làm hoàng đế, lấy quốc hiệu là Hán với hàm ý kế tục Nhà Hán, đóng đô ở Thành Đô. Tuy nhiên sử thường gọi là nước Thục hoặc Thục Hán, ít khi gọi là nước Hán. Cương vực của Thục Hán bao trùm lên các khu vực Tứ Xuyên, Trùng Khánh, đại bộ phận Vân Nam, toàn bộ Quý Châu và một bộ phận nhỏ ở phía nam Thiểm Tây và Cam Túc. Thục Hán cùng Tào NgụyĐông Ngô hình thành thế đối đầu Tam Quốc. Trước đó, Đông Ngô vào năm 220 đã đánh chiếm Kinh châu và giết chết Quan Vũ; hai thủ hạ của Trương PhiPhạm CươngTrương Đạt đã sát hại Trương Phi rồi sau đó sang hàng Đông Ngô. Vì thế, Lưu Bị sau khi xưng đế đã quyết định thân chinh cầm quân đi đánh Đông Ngô, giao cho thừa tướng Gia Cát Lượng giúp thái tử Lưu Thiện giữ Thành Đô. Tháng 7 năm 211, Lưu Bị hạ lệnh tập trung quân ở Giang châu huyện thuộc Ba quận rồi tiến về Kinh châu. Kết quả là Thục Hán thất bại trước Đông Ngô, Lưu Bị phải lui về Bạch Đế thành rồi mất ở đó. Thất bại trong trận Di Lăng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quân sự và chính trị của Thục Hán. Sức quân, sức nước của Thục Hán bộc lộ sự suy yếu rõ ràng; bản thân chính quyền tự xưng là kế thừa ngôi chính thống của nhà Đông Hán bắt đầu đi vào con đường gập ghềnh.[13]

Thái tử Lưu Thiện sau đó lên ngôi hoàng đế Thục Hán, Gia Cát Lượng vẫn làm thừa tướng và đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên trong lúc này ở vùng Nam Trung xảy ra cuộc nổi loạn vũ trang ở Ích Châu quận của một số địa chủ do Ung Khải cầm đầu, những người này đã nổi dậy giết chết quan thái thú do Thục Hán bổ nhiệm. Tiếp đó xảy ra hai cuộc nổi loạn tiếp theo để hưởng ứng là cuộc khởi nghĩa ở Chu Bảo cầm đầu ở Hoàng Bình-Quý Châu và Cao Định ở Tây Xương-Tứ Xuyên. Ung Khải còn sai Mạnh Hoạch tiến hành tuyên truyền trong vùng dân tộc thiểu số ở Nam Trung. Vì thế, đích thân thừa tướng Gia Cát Lượng đã phát đích thân dẫn quân nam chinh. Sau khi giành được thắng lợi ở phương Nam, thừa tướng Gia Cát Lượng tiếp tục dẫn quân Thục thực hiện 5 cuộc Bắc phạt chống Tào Ngụy, song đã không đạt được mục tiêu chiến lược, đều phải lui binh.

Sau cái chết của Gia Cát Lượng, vị trí thừa tướng của Thục Hán lần lượt do Tưởng Uyển, Phí VĩĐổng Doãn đảm nhận. Sau năm 258, triều đình Thục Hán ngày càng bị kiểm soát bởi các hoạn quan và tham nhũng tràn lan mà điển hình là Hoàng Hạo, ngoài ra, còn vì hoàng đế bất tài nhu nhược nên Thục Hán dần suy sụp. Các cuộc chiến tranh với Ngụy khiến binh lực Thục Hán dần hao mòn. Đến mùa đông năm 263, quân Ngụy chiếm được kinh đô Thành Đô của Thành Hán, hoàng đế Lưu Thiện đầu hàng.

Thời Tây Tấn

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi chiếm được đất Thục, nhà Tấn bắt đầu chuẩn bị xâm chiếm Đông Ngô bằng việc xây dựng hạm đội và huấn luyện thủy quân tại Tứ Xuyên dưới quyền Vương Tuấn. Năm 279, khi nhà Tấn tiến hành chiến dịch quyết định tiêu diệt Đông Ngô, các tướng Đỗ Dự, Vương Tuấn của Tấn đã chỉ huy hạm đội từ Tứ Xuyên xuôi dòng Trường Giang tới Kinh Châu. Nhà Tấn sau đó đã chia Ích châu thành ba châu là Lương châu, Ích châu và Ninh châu.[14]

Thời Thành Hán

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau loạn Bát vương, Tây Tấn suy yếu trầm trọng. Người Đê (hay Chi) vốn ở Quan Trung, vì mất mùa mấy năm, đã kéo hàng chục vạn người vào Thục kiếm sống. Nhà Tấn sai La Thượng (羅尚) vào Thục, ép lưu dân người Đê rời khỏi Ích Châu vào tháng 7 năm 302. Thủ lĩnh người Đê là Lý Đặc xin được gặt mùa xong, tới mùa đông sẽ đi. La Thượng không bằng lòng, mang quân đến đánh đuổi Lý Đặc. Người Đê bèn theo Lý Đặc nổi dậy làm phản. Tuy nhiên, mùa xuân năm 303, Lý Đặc sau một chiến thắng lớn trước La Thượng, đã bất cẩn tin lời thỉnh cầu của La Thượng về việc đình chiến (chống lại lời khuyên của Lý HùngLý Lưu). Sau đó, La Thượng đã tiến hành một cuộc đánh úp và giết chết Lý Đặc. Tàn quân của Lý Đặc lập Lý Lưu làm lãnh đạo mới. Vào mùa đông năm 303, Lý Lưu lâm bệnh và trước khi qua đời ông đã chỉ định Lý Hùng làm người kế vị. Vào đầu năm 304, Lý Hùng chiếm được Thành Đô, đô phủ của Ích Châu, buộc La Thượng phải chạy trốn. Vào mùa đông năm 304, Lý Hùng xưng Thành Đô vương, đến năm 306 thì xưng đế và đặt quốc hiệu là "Thành". Sau đó ngôi vị hoàng đế của nước Thành về tay Lý Ban rồi Lý Kỳ.

Lý Thọ sau khi tiến hành binh biến và tiến về Thành Đô lật đổ Lý Kỳ, đã lên ngôi và cải quốc hiệu từ Thành sang "Hán" và lập một tông miếu mới cho cha ông là Lý Tương và mẹ, tuyệt giao với chế độ mà Lý Hùng đã gây dựng nên. Mùa xuân năm 339, Thánh Hán bị mất Ninh châu, là vùng mà Lý Thọ đã chiếm của Đông Tấn vài năm trước đó. Trong vài năm sau đó, Đông Tấn và Thành Hán tiếp tục giao chiến tại nhiều nơi ở Ninh châu. Lý Thọ cũng áp dụng hình thức cai trị khắc nghiệt và cho bắt đầu xây dựng nhiều công trình, thần dân Thành Hán phải chịu gánh nặng và điều này đã khiến họ suy giảm lòng trung thành với đất nước. Sau khi Lý Thọ chết, Lý Thế lên kế vị, đến mùa đông năm 346, tướng Lý Dịch (李奕) đã nổi loạn và nhanh chóng tiến về Thành Đô, song cuộc nổi loạn đã thất bại. Sau khi đánh bại Lý Dịch, Lý Thế càng trở nên ngạo mạn và lơ là chính sự quốc gia, ông cũng cho thực thi các hình phạt dã man khiến cho người dân mất tin tưởng. Thành Hán cũng bị tổn hại với sự xuất hiện của một bộ lạc được gọi là Lão (獠), chính quyền địa phương không thể kiểm soát người Lão một cách dễ dàng. Quân Đông Tấn do Hoàn Ôn chỉ huy sau đó đã tiêu diệt nước Hán của người Đê vào năm 347.

Thời Đông Tấn

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Thành Hán bị tiêu diệt, Tứ Xuyên được sáp nhập vào lãnh thổ Đông Tấn. Từ đó, Đông Tấn hoàn toàn kiểm soát được miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng thời điểm này, Hoàn Ôn bắt đầu độc lập thực tế trong việc ra các quyết định ở các châu phía tây, trong đó có vùng Tứ Xuyên. Năm 373, Tiền Tần đã tấn công, chiếm Lương châu (梁州) và Ích châu. Sau trận Phì Thủy, quân Đông Tấn đã lấy lại được Lương châu và Ích châu.

Tiều Thục

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào mùa xuân năm 405, quân của Mao Cừ (毛璩) ở Ích Châu bất mãn rằng Mao Cừ đã đưa họ vào các chiến kéo dài chống Hoàn HuyềnHoàn Chấn nên đã nổi loạn, họ ủng hộ tướng Tiều Túng (譙縱) làm lãnh đạo của mình. Quân nổi loạn đánh bại và giết chết Mao Cừ, chiếm Thành Đô, Tiều Túng lập nên nước Tây Thục độc lập ở đây. Tiều Túng sau đã khuất phục làm chư hầu của hoàng đế Diêu Hưng của nước Hậu Tần. Ông cũng bí mật duy trì một mối quan hệ với thứ sử Quảng Châu (廣州, nay là Quảng Đông và Quảng Tây) của Đông Tấn là Lư Tuần. Năm 412, Lưu Dụ cử tướng Chu Linh Thạch (朱齡石) dẫn 2 vạn quân đi đánh Tây Thục, quân Đông Tấn đã tiến theo một tuyến đường khác so với tuyến đường trước đó mà Lưu Kính Tuyên (劉敬先) đã đi. Tiều Túng không dự đoán được điều này nên đã bố trí phòng thủ sai lầm, quân Đông Tấn tiến theo sông Dân rồi bỏ thuyền tiến thẳng đến kinh thành Thành Đô. Tây Thục diệt vong, đất Tứ Xuyên lại về tay Đông Tấn.

Thời Nam-Bắc triều

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 420, Lưu Dụ đã ép Tấn Cung Đế thoái vị và nhường ngôi cho mình, lập ra triều Lưu Tống. Năm 432, dưới thời Lưu Tống Văn Đế, căm giận trước sự cai trị tồi của thứ sử Ích châu là Lưu Đạo Tế (劉道濟), người dân Ích Châu đã nổi dậy, dưới sự chỉ huy của Hứa Mục Chi (許穆之), người này đã đổi tên thành Tư Mã Phi Long (司馬飛龍) và tự tuyên bố là một hậu duệ của hoàng tộc nhà Tấn. Lưu Nghĩa Khang đã nhanh chóng đánh bại và giết chết Tư Mã Phi Long, song một sư tăng tên là Trình Đạo Dưỡng (程道養) ngay sau đó đã nổi dậy và đe dọa thủ phủ Thành Đô của Ích Châu, và mặc dù tướng Bùi Phương Minh (裴方明) đã có thể bao vây quân nổi loạn, Trình vẫn còn là một mối đe dọa trong vài năm, ông ta tự xưng tước hiệu là Thục vương. Trong khi chiến dịch đang được tiến hành, người cai trị của Cừu Trì [một nước chư hầu trên danh nghĩa của cả Lưu Tống và Bắc Ngụy] tên là Dương Nan Đương (楊難當) cũng tấn công và chiếm giữ Lương châu vào năm 433. Mùa xuân năm 434, tướng Lưu Tống là Tiêu Tư Thoại (蕭思話) đã đánh bại quân của Dương Nan Đương và tái chiếm Lương châu. Năm 441, Dương Nan Đương không sẵn lòng từ bỏ thèm muốn với Lương Châu và Ích Châu nên đã tấn công Lưu Tống, thất bại, ông phải chạy trốn đến Bắc Ngụy.

Sau khi Lương Vũ Đế mất, miền Nam Trung Quốc trở nên biến loạn. Sau khi Tiêu Luân chết, Thứ sử Ích châu Vũ Lăng Vương Tiêu Kỷ vốn là em thứ 8 của Tiêu Dịch lại trở thành đối tượng mà Dịch tiêu diệt. Từ năm Đại Đồng thứ 3 (537), Tiêu Kỷ được bổ nhiệm làm thứ sử Ích châu. Đến năm 552 đã trấn thủ Lương châu, Ích châu cả thảy hơn 16 năm, có trong tay 4 vạn tinh binh, 8 nghìn con ngựa. Trong thời gian Tiêu Kỷ cai quản Ích châu, kinh tế và quân đội tại đây được củng cố. Thấy Tiêu Kỷ xua quân về Đông, Tiêu Dịch liền sai sứ thần đến Tây Ngụy xin binh đánh Tiêu Kỷ. Tiêu Dịch ra lệnh cho cháu là Nghi Phong hầu Tiêu Tuân, thứ sử Lương Châu (Nam Thiểm Tây) rút khỏi thủ phủ Lương Châu là Nam Trịnh (Hán Trung, Thiểm Tây) và nhường thành Nam Trịnh cho Tây Ngụy. Tây Ngụy liền phái đại quân đánh xuống Lương Châu, chiếm được Ích châu.

Thời Tùy và Đường

[sửa | sửa mã nguồn]
Lạc Sơn Đại Phật tại Tứ Xuyên, được xây dựng từ thời Đường mạt

Năm Khai Hoàng thứ 1 (581) thời Tùy Văn Đế, Tứ Xuyên đã được nhập vào bản đồ nhà Tùy, dưới thời Tùy Đường, khu vực Tứ Xuyên có tình hình xã hội ổn định, kinh tế phát triển toàn thịnh; vào thời Trung Đường có thuyết nói là "Dương nhất, Ích nhị". Trong loạn An Sử, Đường Huyền Tông đã chạy đến đất Thục tị nạn. Sau đó, một số hoàng đế Đại Đường cũng nhập Thục tị nạn, như Đường Đức Tông trong loạn Chu Thử (朱泚之乱), Đường Hy Tông trong loạn Hoàng Sào. Vào năm Thiên Bảo thứ 7 (748), Nam Chiếu thống nhất một vùng tây nam bao gồm Vân Nam, Quý Châu, phía nam Tứ Xuyên. Năm 829, Thành Đô đã bị quân Nam Chiếu chiếm đóng; nó đã là một phần thưởng lớn, vì Nam Chiếu nay đã có khả năng chiếm toàn bộ Tứ Xuyên với những cánh đồng màu mỡ. Kiếm Nam tiết độ sứ là Đỗ Nguyên Dĩnh không chuẩn bị trước nên khi quân Nam Chiếu công nhập ngoại thành Thành Đô, đã chạy trốn cùng với tổng cộng hơn mười vạn người và rất nhiều châu báu. Đến Đại Độ Hà, gặp quân Nam Chiếu, người Đường ngảy xuống sông tự vẫn đến 3 phần 10. Điều này là quá đủ với người Hán, họ đã không mất nhiều thời gian để phản công, Đường và Nam Chiếu sau đó ký kết hòa ước. Sau khi không được chấp nhận lời cầu hôn và đánh bại được Thổ Dục Hồn, quân Thổ Phồn của Tùng Tán Can Bố đã thừa cơ tiến đánh Tùng Châu (nay là Tùng Phan, A Bá) thuộc đất Đường và đánh thắng quân Đường ở đây. Khi quân Đường đem quân đến đánh, Tùng Tán Can Bố đã cho người đến giảng hòa.

Thời Ngũ Đại Thập Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 891, Vương Kiến được Nhà Đường phong Tây Xuyên Tiết độ sứ. Khi Nhà Đường suy yếu, ông mở rộng phạm vi quản lý của mình sang phía đông. Ông xưng đế khi Nhà Đường sụp đổ năm 907, không thần phục nhà Hậu Lương, triều đại thay thế Nhà Đường. Quốc đô Tiền Thục là Thành Đô, Tiền Thục có lãnh thổ bao gồm gần như toàn bộ tỉnh Tứ Xuyên, một phần phía nam tỉnh Cam Túc và Sơn Tây, phía tây tỉnh Hồ Bắc và toàn bộ Trùng Khánh. Đến năm 925, Hậu Đường Trang Tông đã sai tướng Quách Sùng Thao mang quân thôn tính Tiền Thục. Mạnh Tri Tường là một trong các tướng lĩnh Hậu Đường lĩnh nhiệm vụ đi chinh phục Tiền Thục. Ông được Hậu Đường Trang Tông phong làm Nam Tứ Xuyên, Thành Đô quân Tiết độ sứ, quản lý vùng đất thuộc Tiền Thục cũ. Sau khi Hậu Đường Minh Tông Lý Tự Nguyên lên ngôi vào năm 926, Mạnh Trí Tường mưu phản Hậu Đường. Hậu Đường Minh Tông bị sự đe dọa của người Khiết Đan phía bắc nên phải an trí Mạnh Tri Tường bằng cách phong ông làm Thục vương. Năm 933, Hậu Đường Minh Tông mất, nhà Hậu Đường suy yếu do mâu thuẫn nội bộ, Mạnh Tri Tường quyết chí cát cứ, tự xưng đế, chính thức lập ra nước Hậu Thục. Nước Hậu Thục kiểm soát vùng đất tương tự nước Tiền Thục trước đây, quốc đô cũng đặt ở Thành Đô. Vùng Tứ Xuyên chỉ phải chịu ảnh hưởng nhỏ của chiến loạn trong thời kỳ này, vì thế đã trở thành vùng phồn hoa nhất tại Trung Quốc lúc đó. Nước Hậu Thục bị Nhà Tống tiêu diệt vào năm 965.

Thời Nhà Tống

[sửa | sửa mã nguồn]
"giao tử" được phát hành tại Tứ Xuyên là tiền giấy đầu tiên trên thế giới

Thời Tống Thái Tông. trên địa bàn Xuyên Hiệp Tứ lộ đã phát sinh nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô nhỏ, như khởi nghĩa Vương Tiểu Ba (王小波) Lý Thuận (李顺); Lý Thuận đã lập ra nước Lý Thục, tồn tại từ tháng 1 đến tháng 5 năm 944. Tuy nhiên, so với các khu vực khác của đất nước, Tứ Xuyên vẫn là vùng yên ổn, kinh tế duy trì phát triển, vẫn nằm ở vị trí dẫn đầu cả nước.

Thời Nam Tống, Tứ Xuyên là hậu phương kháng cự quân Kimquân Mông. Năm Thiên Hi thứ 5 (1021) thời Tống Chân Tông, tại Tứ Xuyên đã phát hành tiền giấy đầu tiên trên thế giới, gọi là "giao tử" (交子).[15][16][17] Vào thời toàn thịnh của Nam Tống, nhân khẩu của Xuyên Hiệp Tứ lộ chiếm 23,6% tổng dân số toàn quốc Nam Tống (năm 1231 có 5,4 triệu hộ), tổng lượng kinh tế chiếm 1/4 của toàn Nam Tống, quân lương chiếm 1/3.

Thời Nhà Nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1231, Đà Lôi dẫn quân tiến hành cướp phá Hán Trung, Tứ Xuyên, bắt đầu gần một nửa thế kỷ thảm sát, cướp bóc và đốt phá tại Tứ Xuyên. Sau khi quân Mông Cổ hoàn toàn chiếm lĩnh Tứ Xuyên, nhân khẩu suy giảm rõ rệt. Kinh tế và văn hóa Tứ Xuyên bị tàn phá, người dân cơ cực, quay ngược trở lại 1550 năm trước. Năm Chí Nguyên thứ 15 (1278) thời Nguyên Thế Tổ, Tứ Xuyên nhập vào bản đồ Nhà Nguyên, nhân khẩu có 15,5 vạn hộ với khoảng 77,5 vạn người. Về mặt kinh tế, Tứ Xuyên khi đó đội sổ trong số 11 hành tỉnh, song điều này chỉ kéo dài trong vài thập niên.

Thời Nhà Minh

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Hồng Vũ thứ 4 (1371) thời Minh Thái Tổ, khu vực Tứ Xuyên được nhập vào bản đồ Nhà Minh. Sau đó, đã có các đợt di dân, đến năm Hồng Vũ thứ 26 (1393), nhân khẩu của Tứ Xuyên thừa tuyên bố chánh sứ ti đã tăng lên 1,34 triệu người. Đến năm Vạn Lịch thứ 6 (1578) thời Minh Thần Tông, nhân khẩu của khu vực Tứ Xuyên thừa tuyên bố chánh sứ ti đã tăng lên 3.102.073 người. Trong những năm này, kinh tế và văn hóa Tứ Xuyên đã khôi phục, Tứ Xuyên một lần nữa lại trở thành một trong những khu vực cường thịnh nhất nước. Tuy nhiên, từ sau những năm Vạn Lịch trở đi, Tứ Xuyên bắt đầu rơi vào trong chiến họa, triều đình Nhà Minh phải mất 10 năm để ứng phó với việc Dương Ứng Long (杨应龙) nhiều lần làm phản rồi lại hàng phục ở Bá châu tại phía nam Tứ Xuyên, cuối cùng Dương Ứng Long đã bị tiêu diệt vào năm 1600. Năm 1621, Xa Sùng Minh (奢崇明) đã phản lại triều Minh, đặt niên hiệu là Thụy Ứng, từng chiếm Trùng Khánh, đánh Thành Đô. Đến năm 1623, nữ danh tướng Tần Lương Ngọc của Nhà Minh đã đánh bại quân Xa Sùng Minh. Cuối cùng, Xa Sùng Minh và thúc thúc là An Bang Ngạn (安邦彦) tử trận vào năm 1629.

Thời Nhà Minh, đã có các công trình kiến trúc lớn được xây dựng tại Tứ Xuyên. Chùa Báo Ân (报恩寺) là một khu phức hợp tu viện được bảo quản tốt, nó được xây dựng trong thời gian giữa 1440 và 1446 dưới thời Minh Anh Tông. Đại Bi điện (大悲殿) còn cất giữ được một tượng Quan Âm nghìn tay bằng gỗ và Hoa Nghiêm điện (华严殿) là một kho chứa với một tủ quay đựng kinh Phật. Các bức họa trên tường, các tác phẩm điêu khắc và các chi tiết khác của chùa là những kiệt tác của thời Nhà Minh.[18]

Đại Tây

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân khởi nghĩa nông dân cuối thời Minh của Trương Hiến Trung vào năm Sùng Trinh thứ 13 (1640), khi bị Tả Lương Ngọc đánh bại, đã đưa quân nhập Xuyên. Sau đó lại giao chiến với quân của Tả Lương Ngọc song lần này đã thu được chiến thắng. Trương Hiến Trung sau khi tự xưng "Đại Tây vương", kiến lập chính quyền nông dân Đại Tây tại Vũ Xương, lại tiến vào Tứ Xuyên để mưu sự lâu dài. Ngày 4 tháng 7 năm 1644, Trương Hiến Trung mệnh cho Lưu Đình Cử giữ Trùng Khánh, tự mình đưa quân đi đánh thủ phủ của Tứ Xuyên là Thành Đô. Tứ Xuyên tuần phủ Long Văn Quang từ Thuận Khánh đến chi viện Thành Đô, lại điều tổng binh Lưu Trấn Phiên đưa thổ binh vùng phụ cận đến giữ thành. Vào lúc quân Minh tập trung về Thành Đô, Trương Hiến Trung sai bộ hạ giả làm viện binh, chạy bừa vào thành, Long Văn Quang không thể phân biệt được. Ngày 7 tháng 8, nghĩa quân bốn mặt công thành, trong ứng ngoài hợp, trong ba ngày đã phá được thành. Ngày 16 tháng 11 cùng năm, Trương Hiến Trung đã xưng đế tại Thành Đô, đặt quốc hiệu là Đại Tây, đổi niên hiệu là Đại Thuận, lấy Thành Đô làm Tây kinh. Để đáp lại sự kháng cự của giới tinh hoa bản địa, Trương Hiến Trung đã cho thảm sát một lượng lớn cư dân bản địa.[19]

Không lâu sau, tướng lĩnh Nhà Minh là Tằng Anh, Lý Chiêm Xuân, Vu Đại Hải, Vương Tường, Dương Triển, Tào Huân… các nơi nối nhau tụ tập binh mã, tập kích quân đội Đại Tây, giết chết quan viên Đại Tây ở địa phương, gây ra sự uy hiếp rất lớn lên chính quyền Đại Tây. Sau khi quân Thanh nhập quan và Nam Minh diệt vong, Đại Tây phải chống lại cả tàn dư quân đội Nhà Minh và địa chủ vũ trang ở Tứ Xuyên. Đầu năm Đại Thuận thứ 3 (1646), Nhà Thanh phái Túc thân vương Hào Cách làm Tĩnh Viễn đại tướng quân và Ngô Tam Quế thống soái đại quân Mãn Hán tiến đánh quân đội nông dân Đại Tây. Tháng 7, vì muốn lên Thiểm Tây ở phía bắc nhằm chống lại quân Thanh, Trương Hiến Trung quyết định rời bỏ Thành Đô, tuy nhiên, quân khởi nghĩa đã thất bại.

Thời Nhà Thanh

[sửa | sửa mã nguồn]
Đinh Bảo Trinh (丁宝桢), tổng đốc Tứ Xuyên, một thành viên trọng yếu của Dương Vụ vận động (洋务运动), tức phong trào Tây hóa

Sau khi Nhà Thanh nhập quan, Tứ Xuyên tiếp tục xảy ra chiến loạn, đến năm Khang Hi thứ 20 (1681) thì mới ổn định. Thời Minh mạt Thanh sơ, do hậu quả của thảm sát cũng như những năm hỗn loạn sau khi người Mãn nhập quan, dân số Tứ Xuyên lại suy giảm mạnh, cần có một lượng người nhập cư lớn từ các tỉnh khác.[20][21] Do đó, triều đình Nhà Thanh từ đời Thuận Trị đến thời Càn Long đã tiến hành vận động di dân trên quy mô lớn đến Tứ Xuyên, sử sách gọi là "Hồ Quảng điền Tứ Xuyên", kéo dài trên 100 năm. Làn sóng di dân đã bù đắp cho Tứ Xuyên một lực lượng lao động lớn, kinh tế cũng được khôi phục, vào thời trung và hậu kỳ Nhà Thanh, kinh tế tỉnh Tứ Xuyên đứng thứ tư cả nước sau Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, là một tỉnh kinh tế phát đạt.[22]

Năm Gia Khánh thứ 1 (1796), đã bùng phát đại khởi nghĩa Bạch Liên giáo Xuyên-Sở. Đầu năm 1797, quân khởi nghĩa Tương Dương chia làm 3 đạo tiến vào Tứ Xuyên. Tháng 7, quân khởi nghĩa Tứ Xuyên bị quân Thanh bao vây, quân khởi nghĩa Tương Dương đến kịp giải vây, tại Đông Hương cùng quân khởi nghĩa Tứ Xuyên hội sư. Cuộc khởi nghĩa của Bạch Liên giáo cuối cùng đã thất bại vào năm 1804.

Đến năm 1895, Lý Hồng Chương và đại diện chính phủ Nhật Bản là Ito Hirobumi đã ký kết hiệp ước Shimonoseki, trong đó quy định Trùng Khánh là một cảng thông thương hiệp ước. Từ đó, kinh tế và xã hội của Tứ Xuyên dần dần suy sụp, cũng như bị bán thực dân hóa, chủ nghĩa tư bản dân tộc cũng bắt đầu manh nha tại Tứ Xuyên. Vào những năm 1860, một tướng lĩnh của Thái Bình Thiên QuốcThạch Đạt Khai (石达开) đã dẫn quân nhập Xuyên, sau đó lại nổ ra vụ "Thành Đô giáo án", cùng với khởi nghĩa Nghĩa Hòa đoàn. Bảo Lộ vận động (保路运动) bùng phát tại Tứ Xuyên nhằm chống đối việc triều đình Nhà Thanh định trao quyền kiểm soát đường sắt địa phương cho ngoại quốc cũng là một ngòi nổ của cách mạng Tân Hợi.

Thời Trung Hoa Dân Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Nhà Thanh sụp đổ, Thành Đô tuyên bố độc lập, chính thể quân phiệt Tứ Xuyên được thành lập, Bồ Điện Tuấn (蒲殿俊) và Doãn Xương Hành (尹昌衡) lần lượt nhậm chức đô đốc. Đến ngày 11 tháng 3 năm 1912, hai chính thể quân phiệt Thành Đô và Trùng Khánh hợp nhất, thành lập Tứ Xuyên đô đốc phủ của Trung Hoa Dân Quốc. Đến tháng 6 năm 1913, Viên Thế Khải bổ nhiệm Hồ Cảnh Y (胡景伊) làm Tứ Xuyên đô đốc. Ngày 22 tháng 5 năm 1916, Tứ Xuyên đốc quân Trần Hoạn (陈宦) tại Tứ Xuyên đã tuyên bố độc lập, phản đối Viên Thế Khải xưng đế. Tháng 6 năm 1916, sau khi Viên Thế Khải mất, Lê Nguyên Hồng kế nhiệm chức đại tổng thống, đến ngày 6 tháng 7 đã bổ nhiệm Thái Ngạc (蔡锷) làm Tứ Xuyên đốc quân kiêm tỉnh trưởng. Song do bệnh tình xấu đi, đến tháng 9 thì Thái Ngạc rời khỏi Tứ Xuyên đến Nhật Bản trị bệnh. Năm 1918, Hùng Khắc Vũ (熊克武) đã tự bổ nhiệm mình làm Tứ Xuyên tĩnh quốc quân tổng tư lệnh, cai quản cả lĩnh vực quân sự và dân chính của tỉnh Tứ Xuyên. Tháng 4 năm 1919, Tứ Xuyên phòng khu chế được hình thành, các quân phiệt cát cứ các phòng khu, hỗn chiến với nhau trong gần 15 năm sau đó. Trong đó, tám phái hệ quân phiệt chủ yếu là của Lưu Tương (刘湘), Lưu Văn Huy (刘文辉), Đặng Tích Hầu (邓锡侯), Điền Tụng Nghiêu (田颂尧), Dương Sâm (杨森), Lý Gia Ngọc (李家钰), La Trạch Châu (罗泽洲) và Lưu Tồn Hậu (刘存厚). Tháng 6 năm 1921, Hùng Khắc Vũ từ chức, Lưu Tương kế nhiệm làm Xuyên quân tổng tư lệnh kiêm Tứ Xuyên tỉnh tưởng. Năm 1924, Lưu Tương nhậm chức Xuyên Điền biên phòng đốc biện, Tứ Xuyên thiện hậu đốc biện. Năm 1929, chính phủ Quốc dân phong cho Lưu Văn Huy làm chủ tịch chính phủ tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1932, Lưu Tương và Lưu Văn Huy giao chiến. Năm 1933, Lưu Tương đón Tưởng Giới Thạch nhập Xuyên để bình loạn. Tháng 12 năm 1934, Lưu Tương nhậm chức chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, chủ nhiệm văn phòng chính quyền bình định Xuyên-Khang. Lưu Văn Huy về sau nhậm chức chủ tịch tỉnh Tây Khang, một tỉnh được thành lập năm 1939 với lãnh thổ nay thuộc đông bộ khu tự trị Tây Tạng và tây bộ Tứ Xuyên, dân cư bao gồm người Di, người Tạng và người Khương.

Năm 1930, quân Tây Tạng của Đạt-lại Lạt-ma thứ 13 đã chiếm được Garzê mà không gặp phải kháng cự đáng kể nào. Năm 1932, quân Hồi của Mã Bộ Phương (馬步芳) và quân của Lưu Văn Huy đã đánh bại quân Tây Tạng khi người Tạng cố tiến đánh Thanh Hải. Mã Bộ Phương đã chiếm lại một số huyện thuộc khu vực sẽ là Tây Khang sau đó từ tay quân Tây Tạng.[23][24][25] Quân Tây Tạng bị đẩy lui sang bờ kia của sông Kim Sa.[26][27] Mã Bộ Phương và Lưu Văn Huy đã cảnh báo giới lãnh đạo Tây Tạng rằng chứ nên vượt qua sông Kim Sa một lần nữa.[28] Sau khi người Tạng bị mất thêm rất nhiều lãnh thổ vào tay hai quân phiệt này,[29] một hiệp định đình chiến đã kết thúc cuộc chiến.[30]

Năm 1937, chiến tranh Trung-Nhật bùng phát, Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam KinhVũ Hán đều lần lượt rơi vào tay quân Nhật. Chính quyền Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc đã triệt thoái và tái tổ chức ở Trùng Khánh, một thành phố lớn của Tứ Xuyên lúc đó. Ngoài ra, các xí nghiệp công nghiệp và khai khoáng, học hiệu cấp cao và các đoàn thể văn hóa ở các khu vực cũng di chuyển đến Tứ Xuyên, Tứ Xuyên trở thành hậu phương lớn của Trung Quốc. Đồng thời, 3 triệu quân Tứ Xuyên đã xuất Xuyên kháng Nhật, có cống hiến lớn cho cuộc chiến kháng Nhật của Trung Quốc. Quân Nhật gặp khó khăn trong việc nhập Xuyên từ phía đông, khí hậu sương mù của vùng bồn địa đã cản trở tính chính xác trong các vụ ném bom của người Nhật.

Tháng 9 năm 1939, Tưởng Giới Thạch kiêm nhiệm chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, trong cùng tháng, Trùng Khánh trở thành một "viện hạt thị" (tức trực thuộc trực tiếp Hành chính viện), đến tháng sau Tưởng Giới Thạch lại thăng Trùng Khánh làm thủ đô thứ hai ("bồi đô"). Tháng 11 năm 1940, Tưởng Giới Thạch từ chức chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên và giao cho Trương Quần kiêm nhiệm. Tháng 12 năm 1940, Trùng Khánh trở thành bồi đô vĩnh viễn, tách hoàn toàn khỏi tỉnh Tứ Xuyên. Sau năm 1946, Đặng Tích và Vương Lăng Cơ (王陵基) lần lượt làm chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi chiến tranh Trung-Nhật kết thúc, lại tiếp tục nổ ra Nội chiến Trung Quốc, và khi các thành phố ở phía đông lần lượt rơi vào tay quân Cộng sản, chính quyền Quốc dân lại một lần nữa cố gắng biến Tứ Xuyên thành một thành trì tại lục địa. Tuy nhiên ngày 30 tháng 11 năm 1949, quân Cộng sản chiếm được Trùng Khánh. Cũng trong ngày 10 tháng 12 năm 1949, Tưởng Giới Thạch và con trai là Tưởng Kinh Quốc đã lên máy bay từ Thành Đô đến Đài Loan, từ đó không bao giờ trở lại đại lục. Ngày 11 tháng 12, Tưởng Văn Huy với danh nghĩa chủ tịch tỉnh Tây Khang kiêm quân trưởng đội quân số 24 đã đầu hàng Giải phóng quân. Đến ngày 27 tháng 12 năm 1949, Giải phóng quân chiếm lĩnh Thành Đô.[31] Một tướng Quốc Dân đảng là Vương Thăng (王昇) muốn cùng quân lính ở lại để tiếp tục chiến tranh du kích chống cộng sản tại Tứ Xuyên, song đã bị triệu đến Đài Loan. Nhiều binh lính của ông sau đó vẫn tiếp tục chiến đấu chống cộng theo cách của họ khi dùng Miến Điện làm bàn đạp.[32]

Thời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

[sửa | sửa mã nguồn]
Lễ thông xe tuyến đường sắt Thành-Du (từ Thành Đô đến Trùng Khánh) vào tháng 7 năm 1952
Một tòa nhà tại Đô Giang Yển bị hủy hoại trong trận động đất Tứ Xuyên năm 2008

Sau khi kiểm soát được Tứ Xuyên, chính quyền mới đã thành lập các hành thự khu Xuyên Đông, Xuyên Tây, Xuyên Nam, Xuyên Bắc từ năm 1950 song đến năm 1952 thì bãi bỏ và khôi phục lại hệ thống hành chính cấp tỉnh tại Tứ Xuyên, thành lập thành phố Bắc Bội thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Đến năm 1954, Trùng Khánh lại được sáp nhập vào Tứ Xuyên, trở thành một thành phố trực thuộc tỉnh. Đến năm 1955, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bãi bỏ tỉnh Tây Khang, vùng đất phía đông sông Kim Sa (thượng du Trường Giang) được nhập vào Tứ Xuyên còn vùng đất phía tây song được sáp nhập vào Tây Tạng.

Trong ba năm xảy ra nạn đói lớn (1959-1961), ngoài vùng đồng bằng Thành Đô và một vài thành thị khác là có tương đối đủ cơm ăn áo mặc, người dân Tứ Xuyên đã phải chịu một nạn đói chưa từng thấy trong lịch sử, đặc biệt là ở vùng đồi núi Xuyên Đông có dân đông và ít đất canh tác. Tổng số người chết không tự nhiên ở Tứ Xuyên là 9,4 triệu người, đứng đầu về số lượng; con số này chiếm 13,07% so với dân số tỉnh trước nạn đói (71,915 triệu), tỷ lệ này cao thứ hai chỉ sau An Huy. Nạn đói nghiêm trọng nhất là tại Đạt huyện và Trùng Khánh, số người chết đói là 6,42 triệu người, chiếm 37% tổng dân số Đạt huyện và Trùng Khánh.[33] Nạn đói cũng đã làm tổn hại đến sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trong tỉnh, ba năm này có thể xem là một bước ngoặt của Tứ Xuyên bởi vì kể từ đó Tứ Xuyên đã không còn là một trong những khu vực phát triển nhất tại Trung Quốc (mà nó nắm giữ tuyệt đại đa số thời gian trong 2000 năm trước đó), và trở thành một tỉnh phát triển tầm trung bình.

Từ năm 1964, tỉnh Tứ Xuyên là một trong các khu vực trọng điểm của Tam tuyến kiến thiết (phát triển công nghiệp trong vùng nội địa tây nam để ứng phó với chiến tranh có thể xảy ra), trong đó Trùng Khánh và Thành Đô là trung tâm. Trùng Khánh là thành phố có lượng người nhập cư lớn nhất trong số các thành phố của Tam tuyến kiến thiết. Năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Tứ Xuyên là một trong những tỉnh đầu tiên trải qua thử nghiệm hạn chế đối với các doanh nghiệp kinh tế thị trường.

Từ năm 1955 cho đến năm 1997, Tứ Xuyên là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, tổng dân số của tỉnh đã đạt 99.730.000 người trong cuộc điều tra nhân khẩu năm 1982.[34] Song điều này đã thay đổi vào năm 1997 khi thành phố Trùng Khánh cùng các địa cấp thị Phù Lăng, Vạn Huyện và Kiềm Giang tách khỏi Tứ Xuyên để hình thành nên thành phố Trùng Khánh trực thuộc Trung ương. Đô thị mới này được thành lập trong nỗ lực phát triển kinh tế các khu vực miền Tây của Trung Quốc, cũng như để giải quyết việc tái định cư các cư dân từ các khu vực sẽ nằm trong lòng hồ chứa của dự án đập Tam Hiệp. Năm 1997, khi chia tách, tổng dân số của Trùng Khánh và Tứ Xuyên là 114.720.000 người.[35]

Tháng 5 năm 2008, một trận động đất với cường độ 7,9/8,0 độ richter đã xảy ra cách 79 kilômét (49 mi) về phía tây bắc của Thành Đô. Theo ước tính chính thức, trận động đất đã khiến 69.188 người thiệt mạng, 374.177 người bị thương và 18.440 người mất tích, tuyệt đại đa số là tại Tứ Xuyên.[36] Tháng 11 năm 2008, chính phủ Trung ương của Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ dành 1 nghìn tỉ NDT (khoảng 146,5 tỉ USD) trong ba năm sau đó để tái thiết các khu vực bị tàn phá do động đất.[37]

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa hình

[sửa | sửa mã nguồn]
Bồn địa Tứ Xuyên được các dãy núi bao quanh

Tứ Xuyên nằm ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, ở thượng du của Trường Giang, nằm sâu trong nội địa. Chiều dài đông-tây của Tứ Xuyên là 1.075 km, chiều dài bắc-nam là 921 km, diện tích trên 484 nghìn km². Khu vực tây bộ Tứ Xuyên là một bộ phận của cao nguyên Thanh-Tạng, phần lớn đông bộ Tứ Xuyên thuộc bồn địa Tứ Xuyên. Theo chiều kim đồng hồ từ phía bắc, Tứ Xuyên lần lượt giáp với Cam Túc, Thiểm Tây, Trùng Khánh, Quý Châu, Vân Nam, khu tự trị Tây Tạng và Thanh Hải.

Núi non là loại địa hình chủ yếu của Tứ Xuyên và chiếm 77,1%, tiếp đến là gò đồi (12,9%), đồng bằng (5,3%) và cao nguyên (4,7%). Tứ Xuyên có đặc điểm tây cao đông thấp một cách rõ rệt, các cao nguyên ở tây bắc và núi non ở tây nam cao trên 4.000 m so với mực nước biển, các bồn địa và gò đồi ở phía đông cao từ 1000-3000 mét so với mực nước biển. Địa hình Tứ Xuyên phức tạp và đa dạng, bao gồm bồn địa Tứ Xuyên với diện tích trên 160.000 km² (song chia sẻ với Trùng Khánh); cao nguyên Thanh-Tạng và dãy núi Hoành Đoạn ở phía tây; phía nam liền với cao nguyên Vân-Quý. Phía bắc bồn địa Tứ Xuyên là Mễ Thương Sơn (米仓山) và đây cũng là ranh giới tự nhiên giữa Tứ Xuyên với Thiểm Tây, phía nam bồn địa là Đại Lâu Sơn (大娄山), phía đông bồn địa là dãy núi Vu Sơn (巫山), phía tây bồn địa là Cung Lai Sơn (邛崃山), phía tây bắc bồn địa là Long Môn Sơn, đông bắc là Đại Ba Sơn (大巴山), đông nam bồn địa là Đại Lương Sơn (大凉山). Đỉnh cao nhất tại Tứ Xuyên là Cống Ca Sơn (贡嘎山) thuộc dãy núi Đại Tuyết Sơn với cao độ 7.556 mét so với mực nước biển. Đứt gãy Long Môn Sơn (龙门山断层) là nguyên nhân gây nên trận động đất Tứ Xuyên vào năm 2008, đứt gãy này nằm ở ranh giới phía đông của cao nguyên Thanh Tạng. Tại khu vực đứt gãy, độ cao tăng từ 600m so với mực nước biển tại khu vực phía nam bồn địa Tứ Xuyên lên đến độ cao trên 6500 m của cao nguyên Thang Tạng trong một khoảng cách dưới 50 km.[38]

Thủy văn

[sửa | sửa mã nguồn]
Tê Ngưu Hải (犀牛海), hồ lớn thứ hai tại Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu

Phần phía bắc châu Ngawa thuộc lưu vực Hoàng Hà, tại châu này, Hoàng Hà tạo thành một đoạn ranh giới tự nhiên giữa Tứ Xuyên và Cam Túc, tại Ngawa có hai chi lưu đáng kể của Hoàng Hà là Bạch HàHắc Hà. Toàn bộ phần còn lại của Tứ Xuyên thuộc lưu vực Trường Giang. Tứ Xuyên là một trong hai tỉnh duy nhất có cả Trường Giang và Hoàng Hà chảy qua địa bàn. Trường Giang là sông lớn nhất chảy qua Tứ Xuyên, đoạn thượng du của Trường Giang gọi là sông Kim Sa, đoạn sông này cũng tạo thành toàn bộ đường ranh giới tự nhiên giữa Tứ Xuyên và khu tự trị Tây Tạng. Các chi lưu chủ yếu của Trường Giang trên địa phận Tứ Xuyên là sông Nhã Lung (dài 1.637 km), sông Dân [1.062 km, bao gồm sông Đại Độ (1.155 km) và sông Thanh Y], sông Đà (702 km), sông Gia Lăng [1.119 km, bao gồm sông Phù (700 km) và sông Cừ (720 km)], sông Xích Thủy (436,5 km). Tổng cộng, Tứ Xuyên có tới 1.400 sông lớn nhỏ, còn gọi là "tỉnh nghìn sông" (thiên hà chi tỉnh).

Tổng lượng tài nguyên nước của Tứ Xuyên ước tính đạt 348,97 tỉ m³. Lượng tài nguyên nước ngầm của Tứ Xuyên là 54,69 tỉ m³, có thể khai thác 15,5 tỉ m³. Tứ Xuyên có hơn 1.000 hồ và 200 sông băng, cũng có một diện tích đầm lầy nhất định, phân bố nhiều tại tây bắc và tây nam, tổng lượng nước của các hồ trên địa bàn là 1,5 tỉ m³, cộng với lượng nước trong các đầm lầy thì lên đến 3,5 tỉ m².[39] Các hồ nổi tiếng tại Tứ Xuyên là Cung Hải (邛海) và hồ Lô Cô (泸沽湖), khu vực Zoigê ở bắc bộ Tứ Xuyến là khu vực đầm lầy trọng yếu tại Trung Quốc.

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]
Sông băng Hải Loa Câu (海螺沟) bên dưới Cống Ca Sơn, đỉnh núi cao nhất Tứ Xuyên

Do ảnh hưởng của địa hình và gió mùa, khí hậu trong tỉnh Tứ Xuyên có sự đa dạng. Nói chung, bồn địa Tứ Xuyên ở đông bộ Tứ Xuyên có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, song tại khu vực cao nguyên phía tây do chịu ảnh hưởng của địa hình nên khí hậu biến đối dần từ cận nhiệt đới đến cận hàn đới với các vùng đất đóng băng vĩnh cửu, trong đó khu vực tây nam có khí hậu cận nhiệt đới bán ẩm còn khu cực tây bắc có khí hậu hàn đới cao nguyên núi cao. Khu vực bồn địa Tứ Xuyên có từ 900-1600 giờ nắng mỗi năm, là khu vực có số giờ nắng thấp nhất Trung Quốc. Do điều kiện khí hậu đa dạng, Tứ Xuyên có nhiều loại đất, tài nguyên động thực vật và cảnh quan địa lý khác nhau, tạo thuận lợi cho phát triển một nền nông-lâm nghiệpdu lịch đa dạng.

Bồn địa Tứ Xuyên có nhiệt độ trung bình năm là từ 14-19 °C, cao hơn khoảng 1 °C so với các vùng cùng vĩ độ ở trung hạ du Trường Giang. Trong đó, tháng lạnh nhất là tháng 1 với nhiệt độ không khí bình quân là từ 3-8 °C, tháng nóng nhất là tháng 7 với nhiệt độ bình quân là 25-29 °C, nhiệt độ mùa xuân và mùa thu gần với nhiệt độ trung bình năm, Khu vực có bốn mùa rõ rệt, trong năm có từ 280-300 ngày không có sương giá. Vùng cao nguyên phía tây đại bộ phận có nhiệt độ trung bình năm thấp hơn 8 °C, nhiệt độ trung bình tháng 1 là khoảng -5 °C và nhiệt độ tháng 7 là từ 10-15 °C, suốt cả năm không có mùa hè, mùa đông kéo dài. Tuy nhiên, tại vùng núi tây nam Tứ Xuyên, nhiệt độ bình quân của vùng thung lũng là 15-20 °C, còn của vùng núi là 5-15 °C.

Đại bộ phận bồn địa Tứ Xuyên có lượng giáng thủy hàng năm là từ 900–1200 mm, trong đó những nơi nằm gần vùng núi bao quanh thì có lượng mưa cao hơn những nơi nằm sâu trong bồn địa, khu vực giáp núi phía tây của bồn địa có lượng mưa lớn nhất toàn tỉnh với 1.300-1.800 mm, vì thế thành phố Nhã An còn được gọi là "vũ thành", Liễu Tông Nguyên từng thuyết pháp "Thục khuyển phệ nhật" (Chó đất Thục sủa mặt trời, ý chỉ nhọc công làm điều vô ích). Theo mùa, lượng giáng thủy vào mùa đông là thấp nhất, chỉ chiếm từ 3-5% tổng lượng mưa hàng năm, mùa hè có lượng giáng thủy lớn nhất, chiếm 80% tổng lượng mưa hàng năm. Đại bộ phận vùng cao nguyên phía tây Tứ Xuyên có lượng mưa thấp, lượng giáng thủy hàng năm là từ 600–700 mm, trong đó thung lũng sông Kim Sa chỉ có 400 mm, là khu vực khô hạn nhất của tỉnh. Tại các khu vực có một mùa mưa rõ ràng, mùa này sẽ diễn ra trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, lượng mưa chiếm 70-90% của cả năm; tháng 11 đến tháng 4 là mùa khô. Khu vực tây nam Tứ Xuyên có lượng giáng thủy khác biệt lớn, có một mùa mưa rõ ràng. Trong nhiều năm, lượng giáng thủy bình quân của Tứ Xuyên là 488,975 tỉ m³.[39]

Sinh vật

[sửa | sửa mã nguồn]
Những con gấu trúc lớn tại Cơ sở nghiên cứu gây giống gấu trúc lớn Thành Đô (成都大熊猫繁育研究基地)

Tỉnh Tứ Xuyên rất phong phú về tài nguyên sinh vật, có nhiều loài động thực vật quý hiếm và cổ xưa, là ngân hàng gen sinh học quý giá của Trung Quốc cũng như thế giới.

Tứ Xuyên có nhiều loài thực vật. Toàn tỉnh có gần 10.000 loài thực vật có phôi, chiếm 1/3 tổng số thực vật có phôi của cả nước và chỉ xếp thứ hai sau Vân Nam. Trong đó, có hơn 500 loài rêu, có hơn 230 họ và hơn 1.620 chi thực vật có mạch; có 708 loài dương xỉ; có hơn 100 loài thực vật hạt trần; có hơn 8.500 loài thực vật có hoa; có 87 loài tùng, sam, bách và ở vị trí đứng đầu cả nước. Tứ Xuyên có 84 loài thực vật quý hiếm nguy cấp được bảo hộ cấp quốc gia, chiếm 21,6% của cả nước. Số loài thực vật hoang dã có giá trị kinh tế là hơn 5.500 loài, trong đó số loài thực vật có thể dùng làm thuốc là hơn 4.600 loài, tổng sản lượng dược thảo Trung dược của Tứ Xuyên chiếm 1/3 và đứng đầu tại Trung Quốc. Tứ Xuyên cũng có trên 300 loài thực vật có thể dùng làm hương liệu, là địa phương sản xuất dầu thơm lớn nhất cả nước. Tứ Xuyên có nhiều loài cây có quả hoang dã, phong phú nhất là dương đào. Tứ Xuyên có tài nguyên nấm phong phú, trong hoang dã có 1.291 loài nấm, chiếm 95% của Trung Quốc. Tỷ lệ che phủ rừng của Tứ Xuyên là 31,3%, trữ lượng gỗ đứng thứ hai tại Trung Quốc.[39]

Tứ Xuyên cũng có tài nguyên động vật phong phú, toàn tỉnh có 1.246 loài động vật có xương sống, chiếm hơn 45% số loài này của Trung Quốc, các loài thú và chim chiếm 53% số các loài này của cả nước. Trong đó, có 217 loài thú, 625 loài chim, 84 loài bò sát, 90 loài lưỡng cư, 230 loài . Tứ Xuyên có 144 loài động vật hoang dã được bảo hộ trọng điểm cấp quốc gia, chiếm 39,6 toàn quốc, cũng xếp hạng cao nhất Trung Quốc. Năm 2011, Tứ Xuyên có khoảng 1.206 cá thể gấu trúc lớn, chiếm 76% cá thể loài này trên toàn quốc. Có hơn 50% số loài động vật tại Tứ Xuyên có giá trị về kinh tế. Tứ Xuyên có rất phong phú về trĩ, có 20 loài thuộc họ Trĩ, chiếm 40% số loài thuộc họ Trĩ tại Trung Quốc, trong đó các loài trĩ quý hiếm và được bảo hộ cấp một quốc gia như Tetraophasis obscurus, gà so Tứ Xuyên (Arborophila rufipectus), Lophophorus lhuysii.[39]

Nhân khẩu

[sửa | sửa mã nguồn]
Những người Tạng ở châu Ngawa, phía tây Tứ Xuyên

Đến cuối năm 2011, số nhân khẩu thường trú tại Tứ Xuyên là 80,5 triệu người, tăng 80.000 người so với năm trước. Trong đó, nhân khẩu đô thị là 33,67 triệu người (41,83%), nhân khẩu nông thôn là 46,83 triệu người. Trong năm này, Tứ Xuyên có 788.800 trẻ được sinh ra trong khi có 548.700 người tử vong, tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên của tỉnh là 0,298%. Cuối năm 2007, tổng nhân khẩu của Tứ Xuyên là 88,152 triệu người, trong đó nam có 45,664 triệu người và nữ có 42,488 triệu người, tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên so với năm trước là 0,29%.[40] Trong những năm gần đây, Tứ Xuyên thặng dư lao động, vì thế đã trở thành nguồn cung lao động ngoại tỉnh lớn nhất tại Trung Quốc.

Trước khi Trùng Khánh trở thành một "trực hạt thị", Tứ Xuyên là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc. Do có số nhân khẩu lớn, số lượng người tăng trưởng tuyệt đối hàng năm của Tứ Xuyên cũng rất lớn. Từ năm 1980, khi Trung Quốc thi hành chính sách kế hoạch hóa sinh sản, tốc độ tăng trưởng nhân khẩu của Tứ Xuyên xuống thấp hơn so với trước, song phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số.[40] Cũng như nhiều tỉnh khác tại Trung Quốc, nhiều gia đình tại nông thôn có tư tưởng "trọng nam khinh nữ",[41] gây nên hiện tượng mất cân bằng tỷ lệ giới tính.[42]

Dân tộc

[sửa | sửa mã nguồn]

Tỉnh Tứ Xuyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, có mặt tất cả các dân tộc được công nhận tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Người Hán là dân tộc chủ yếu tại Tứ Xuyên, trong đó phân nhóm chủ thể là người Ba Thục, ngoài ra còn có người Khách Gia, người Hồ Tương. Tổng nhân khẩu của các dân tộc thiểu số vào năm 2011 là 4,22 triệu người. Có 14 dân tộc thiểu số đã sinh sống nhiều đời tại Tứ Xuyên là Di, Tạng, Khương, Miêu, Hồi, Mông Cổ, Thổ Gia, Lật Túc, Mãn, Nạp Tây, Bố Y, Bạch, Choang, Thái. Các dân tộc thiếu số có số lượng đáng kể tại Tứ Xuyên là người Di (2,12 triệu), người Tạng (1,27 triệu), người Khương (300.000), người Miêu (150.000). Các dân tộc thiểu số tại Tứ Xuyên chủ yếu cư trú tại châu tự trị dân tộc Di-Lương Sơn, châu tự trị dân tộc Tạng-Garzê, châu tự trị dân tộc Tạng và dân tộc Khương-Ngawa cùng huyện tự trị dân tộc Di-Mã Biên và huyện tự trị dân tộc Di-Nga Biên, huyện tự trị dân tộc Khương-Bắc Xuyên và huyện tự trị dân tộc Tạng-Mộc Lý.

Ngôn ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]
Các phương ngôn của tiếng Tứ Xuyên

Ngôn ngữ thông dụng của người Tứ Xuyên được gọi là tiếng Tứ Xuyên (Tứ Xuyên thoại), thuộc nhánh Quan thoại Tây Nam của tiếng Hán. Tiếng Tứ Xuyên hiện nay có khoảng 120 triệu người sử dụng, nếu như xem nó là một ngôn ngữ độc lập, số người sử dụng tiếng Tứ Xuyên sẽ đứng ở vị trí thứ 10 thế giới, thấp hơn tiếng Nhật và cao hơn tiếng Đức. Tiếng Tứ Xuyên hiện nay hình thành từ thời kỳ vận động đại di dân "Hồ Quảng điền Tứ Xuyên" những năm Nguyên mạt Minh sơ, tiếng Ba Thục được lưu hành trước đó đã dung hợp với các phương ngôn của những di dân đến từ Hồ Quảng và Lưỡng Quảng, tiếng Tứ Xuyên có liên hệ mật thiết với tiếng Tươngtiếng Cám trong nhánh phương Nam của tiếng Hán.

Ngoài tiếng Tứ Xuyên, tại tỉnh Tứ Xuyên còn có tiếng Khách Gia (Thổ Quảng Đông) và tiếng Tương (Lão Hồ Quảng), với các đảo ngôn ngữ phân bố tại các khu vực của Tứ Xuyên. Trong đó, những người nói tiếng Thổ Quảng Đông chủ yếu tập trung tại vùng gò đồi ở vùng biên của đồng bằng Thành Đô, vùng gò đồi Xuyên Trung và vùng núi non Xuyên Bắc, với tổng cộng 1 triệu người; những người nói tiếng Lão Hồ Quảng tập trung chủ yếu tại vùng gò đồi trung thượng du sông Đà, tổng số khoảng 900.000 người.[43]

Ngoài ra, các dân tộc thiểu số tại Tứ Xuyên cũng sử dụng ngôn ngữ của mình như tiếng Di, tiếng Khương, các phương ngữ tiếng Tạng tại Tứ Xuyên là tiếng Khamtiếng Gia Nhung (嘉绒语).

Tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]
Thanh Dương cung (青羊宫) tại Thành Đô, được hình thành từ thời nhà Chu, công trình hiện nay được tái xây dựng vào những năm Khang Hy

Tôn giáo tại Tứ Xuyên[44]

  Phật giáo (15%)
  Tôn giáo khác (10.6%)
  Kitô giáo (0.68%)
  Hồi giáo (0.1%)

Các đơn vị hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Tứ Xuyên có 18 thành phố (địa cấp thị) và 3 châu tự trị:

Bản đồ # Tên gọi Thủ phủ Chữ Hán
Bính âm
Dân số (2010) Diện tích
(km²)
Thành thị cấp phó tỉnh
9 Thành Đô Thanh Dương 成都市
Chéngdū Shì
14.047.625 12.121
Thành phố cấp địa khu
3 Miên Dương Phù Thành 绵阳市
Miányáng Shì
4.613.862 20.249
4 Quảng Nguyên Lợi Châu 广元市
Gǔangyúan Shì
2.484.125 16.314
5 Nam Sung Thuận Khánh 南充市
Nánchōng Shì
6.278.622 12.479
6 Ba Trung Ba Châu 巴中市
Bāzhōng Shì
3.283.771 12.301
7 Đạt Châu Thông Xuyên 达州市
Dázhōu Shì
5.468.092 16.600
8 Nhã An Vũ Thành 雅安市
Yǎ'ān Shì
1.507.264 15.314
10 Đức Dương Tinh Dương 德阳市
Déyáng Shì
3.615.759 5.954
11 Toại Ninh Thuyền Sơn 遂宁市
Sùiníng Shì
3.252.551 5.324
12 Quảng An Quảng An 广安市
Guǎng'ān Shì
3.205.476 6.344
13 Mi Sơn Đông Pha 眉山市
Méishān Shì
2.950.548 7.186
14 Tư Dương Nhạn Giang 资阳市
Zīyáng Shì
3.665.064 7.962
15 Lạc Sơn Thị Trung 乐山市
Lèshān Shì
3.235.756 12.826
16 Nội Giang Thị Trung 内江市
Nèijiāng Shì
3.702.847 5.386
17 Tự Cống Tự Lưu Tỉnh 自贡市
Zìgòng Shì
2.678.898 4.373
18 Nghi Tân Thúy Bình 宜宾市
Yíbīn Shì
4.472.001 13.283
19 Lô Châu Giang Dương 泸州市
Lúzhōu Shì
4.218.426 12.247
21 Phàn Chi Hoa Đông khu 攀枝花市
Pānzhīhūa Shì
1.214.121 7.440
Châu tự trị
1 Garzê (Cam Tư)
của người Tạng
Khang Định 甘孜藏族自治州
Gānzī Zàngzú Zìzhìzhōu
1.091.872 152.629
2 Ngawa (A Bá)
của người Tạng & Khương)
Barkam
(Mã Nhĩ Khang)
阿坝藏族羌族自治州
Ābà Zàngzú Qiāngzú Zìzhìzhōu
898.713 84.242
20 Lương Sơn
của người Di
Tây Xương 凉山彝族自治州
Liángshān Yízú Zìzhìzhōu
4.532.809 60.423
Tập tin:The launch of Change 1, Xichang Satellite Center, China.jpg
Hằng Nga 1 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương tại Tứ Xuyên

Năm 2011, tổng GDP của Tứ Xuyên là 2.102,67 tỉ NDT, tăng trưởng 15% so với năm trước, còn thu nhập bình quân đầu người là 21.633 NDT, tăng trưởng 15,9% so với năm trước. Thu nhập có thể chi phối (sau khi đã nộp các khoản thuế và phí) của cư dân đô thị là 17.899 NDT, thu nhập thuần của cư dân nông thôn là 6.128,6 NDT, lần lượt tăng trưởng 15,8% và 20,5% so với năm trước. Cũng trong năm 2011, tỷ lệ các khu vực trong nền kinh tế Tứ Xuyên là: khu vực một đạt 298,35 tỉ NDT, tăng trưởng 4,5%; khu vực hai đạt giá trị 1.102,79 tỉ NDT, tăng trưởng 20,7%; khu vực ba đạt giá trị 701,53 tỉ NDT, tăng trưởng 10,9%. Tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của ba khu vực lần lượt là 4,3%:, 70,0% và 25,7%. Kết cấu ba khu vực kinh tế của Tứ Xuyên vào năm 2011 tương ứng là 14,2:52,4:33,4.[39]

Nông nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Tứ Xuyên từ xưa đã có tiếng là "Tỉnh giàu có". Đây là một trong những nơi sản xuất nông nghiệp chính của Trung Quốc. Sản lượng ngũ cốc gồm lúa gạo và lúa mì của Tứ Xuyên đứng hàng đầu toàn Trung Quốc năm 1999. Thu hoạch từ các loại cam chanh, mía đường, khoai lang, và hạt cải dầu cũng đáng kể. Tứ Xuyên còn sản xuất lượng thịt lợn lớn nhất trong tất cả các tỉnh và đứng thứ nhì về sản lượng nong tằm tại Trung Quốc năm 1999.

Khoáng sản

[sửa | sửa mã nguồn]

Tứ Xuyên là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản. Tỉnh có hơn 132 loại khoáng sản có tiềm năng với trữ lượng của 11 loại; Trong số đó Tứ Xuyên có trữ lượng vanadium, titanium, và lithium lớn nhất Trung Quốc. Riêng tỉnh Tứ Xuyên đã có trữ lượng 13,3% quặng sắt, 93% quặng titanium, 69% vanadium, 83% cobalt của toàn quốc.

Công nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Tứ Xuyên là một trong các vùng kỹ nghệ chính của Trung Quốc. Ngoài kỹ nghệ nặng như than, năng lượng, và sắt thép, tỉnh đã thiết lập được một ngành sản xuất nhẹ gồm vật liệu xây dựng, làm gỗ, thực phẩm và dệt lụa.

Thành Đô và Mân Giang là trung tâm sản xuất hàng dệt may và đồ điện tử. Đức Dương, Phàn Chi Hoa, và Nghi Tân là trung tâm sản xuất cơ khí, kỹ nghệ luyện kim và rượu (theo thứ tự). Sản lượng rượu Tứ Xuyên chiếm 21,9% tổng sản lượng toàn quốc vào năm 2000.

Công nghệ cao

[sửa | sửa mã nguồn]

Những bước tiến kinh tế vĩ đại đã góp phần phát triển Tứ Xuyên nhanh chóng thành một trung tâm công nghệ cao hiện đại qua nhiều cách như khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước trong ngành điện tử và công nghệ thông tin (như nhu liệu), máy móc và luyện kim (bao gồm xe hơi), thủy điện, dược phẩm, lương thực và giải khát. Công nghệ chế tạo xe hơi là một ngành quan trọng nắm chủ chốt của công nghệ chế tạo máy móc tại Tứ Xuyên. Đa số các công ty sản xuất xe hơi có trụ sở ở Thành Đô, Mân Giang, Nam Sung, và Lô Châu. Các ngành kỹ nghệ quan trọng khác tại Tứ Xuyên còn có kỹ nghệ không gian và quốc phòng. Một số tên lửa của Trung Quốc (tên lửa Trường Chinh) và vệ tinh nhân tạo đã được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương nằm trong thành phố Tây Xương.

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]
Cầu Bỉnh Thảo Cương (炳草岗大桥), bắc qua sông Kim Sa tại Phàn Chi Hoa

Do ảnh hưởng của địa hình, giao thông của Tứ Xuyên không có nhiều thuận lợi, người Trung Quốc có câu "Thục đạo nan" (蜀道难, tức đường đến Tứ Xuyên khó khăn). Kể từ thời cận đại đến nay, các ngành giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không, đường ống tại Tứ Xuyên liên tục được cải thiện. Tính quan trọng về vận chuyển hàng hóa của Tứ Xuyên thấp hơn vận chuyển hành khách.

Đường bộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Đến cuối năm 2008, tổng chiều dài công lộ đã thông xe của Tứ Xuyên là 200.500 km, đứng đầu cả nước, song vì là tỉnh có diện tích lớn nên vẫn tụt hậu. Đến cuối năm 2007 thì Tứ Xuyên có 14.000 km đường cấp hai, năm 2008 có 2.162 km đường cao tốc. Một số tuyến đường cao tốc tại Tứ Xuyên là: Thành Đô-Trùng Khánh, Thành Đô-Miên Dương, Miên Dương-Quảng Nguyên, Thành Đô-Nam Sung, Thành Đô-Lạc Sơn, Thành Đô-Nhã An, Thành Đô-Đô Giang Yển, Thành-Ôn-Cung (quanh Thành Đô), Thành Đô-Bành Châu, vòng quanh Thành Đô, Đô Giang Yển-Mân Xuyên, Nội Giang-Nghi Tân, Nghi Tân-Thủy Phú (Vân Nam), Long Xương-Nạp Khê, Toại Ninh-Trùng Khánh, Nam Sung-Trùng Khánh (bộ phận của tuyến Lan Châu-Hải Khẩu), Nam Sung-Quảng An, Đạt Châu-Trùng Khánh, Nhã An-Tây Xương, Miên Dương-Toại Ninh, đường cao tốc Thành Miên, Thành Đô-Thập Phương-Miên Trúc. Đến cuối năm 2011, tỉnh Tứ Xuyên đã có 283.000 km công lộ, trong đó có 3.009 công lộ cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ là 19.700 km, công lộ nông thôn là 258.700 km. Năm 2011, hệ thống công lộ của tỉnh đã phục vụ vận chuyển được 2,426 tỉ lượt người và 1,998 tỉ tấn hàng hóa.[39]

Đường sắt

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2011, tổng chiều dài đường sắt đã thông tuyến của Tứ Xuyên là 3.564 km, trong năm này, mạng lưới đường sắt Tứ Xuyên đã vận chuyển được 78,6 tỉ tấn.km hàng hóa và 2.95 tỉ người.km hành khách. Tuy nhiên, mật độ đường sắt của Tứ Xuyên so với cả nước là rất thấp. Các tuyến đường sắt đi trên địa phận Tứ Xuyên là Bảo Kê-Thành Đô, Thành Đô-Trùng Khánh, Thành Đô-Côn Minh, Nội Giang-Côn Minh, Đạt Châu-Thành Đô, Toại Ninh-Trùng Khánh. Cục Đường sắt Thành Đô quản lý mạng lưới đường sắt quốc hữu và hợp doanh tại Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Quý Châu. Một số tuyến đường khác đã và đang trong quá trình thi công là Thành Đô-Miên Dương-Lạc Sơn, Thành Đô-Trùng Khánh, Thành Đô-Lan Châu, Lan Châu-Trùng Khánh, Thành Đô-Quý Dương, Tứ Xuyên-Thanh Hải, Tứ Xuyên-Tây Tạng, Tây An-Thành Đô cùng các tuyến đường khác.[47]

Hàng không

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà ga thứ hai của sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô (trong ảnh đang trong thời gian xây dựng)

Các sân bay có các tuyến bay hành không dân dụng định kỳ tại Tứ Xuyên bao gồm Sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô, sân bay Cửu Trại Hoàng Long, sân bay Thanh Sơn Tây Xương, sân bay Nam Giao Miên Dương, sân bay Bảo An Doanh Phàn Chi Hoa, sân bay Thái Bá Nghi Tân, sân bay Lam Điền Lô Châu, sân bay Hà Thị Đạt Châu, sân bay Nam Bình Cao Sung, sân bay Khang Định, sân bay Bàn Long Quảng Nguyên. Năm 2009, sân bay Song Lưu Thành Đô đã sử dụng đường băng thứ hai.[48] Thành Đô cũng là thành phố có sân bay với hai đường băng thứ 4 tại Trung Quốc đại lục sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.[49] Hiện nay, tại Thành Đô có trụ sở của chi nhánh Tây Nam thuộc Air China, cùng Sichuan Airlines, và Chengdu Airlines, ba công ty này đặt sân bay căn cứ tại sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô. Năm 2011, Tứ Xuyên có 31 tuyến bay hàng không, trong đó có 10 tuyến bay quốc tế. Năm 2011, các sân bay của tỉnh đã phục vụ được trên 33 triệu lượt hành khách, lượng hàng hóa vận chuyển là 494.000 tấn.

Đường thủy

[sửa | sửa mã nguồn]

Tứ Xuyên có cả vạn km tuyến đường thủy nội địa, trong đó các tuyến cấp 3 đến cấp 7 có tổng chiều dài 4.026 km (năm 2006). Sáu cảng sông một năm vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa, Đoạn Trường Giang tại Tứ Xuyên là tuyến thông hành cấp 3, còn các sông Gia Lăng và sông Dân được liệt là một trong 10 tuyến đường thủy cấp cao tại Trung Quốc. Tứ Xuyên cũng tiến hành quy mô hóa, chuyên sâu hóa và hiện đại hóa các cụm cảng Lô Châu-Nghi Tân-Lạc Sơn ở Xuyên Nam và Quảng An-Nam Sung-Quảng Nguyên ở Đông Bắc. Năm 2011, tổng lượng hàng hóa thông quan tại các cảng sông của Tứ Xuyên là 70,75 triệu tấn, và vận chuyển được 30,83 triệu lượt người.[39]

Đường ống

[sửa | sửa mã nguồn]

Tứ Xuyên là tỉnh phát triển mạng lưới vận chuyển đường ống lớn nhất tại Trung Quốc. Tại Tứ Xuyên, mạng đường ống vận chuyển khí thiên nhiên đã được xây dựng từ năm 1243, sớm hơn gần 500 năm so với các tỉnh khác. Từ thời Tống, người dân Tứ Xuyên đã biết dùng các ống tre trúc để vận chuyển khí thiên nhiên, các đường ống dẫn khí bằng thép bắt đầu được sử dụng từ năm 1933. Từ thập niên 1950, các đường ống dẫn khí đã đưa khí thiên nhiên đến các thành thị dọc tuyến Thành Đô-Trùng Khánh. Đến đầu năm 2008, Tứ Xuyên đã có 7.000 km đường ống thu khí và 6.000 km đường ống dẫn khí, chiều dài toàn mạng lưới đường ống dẫn khí thiên nhiên của Tứ Xuyên chiếm 46% toàn Trung Quốc.

Khu thắng cảnh Hoàng Long

Tứ Xuyên có tài nguyên du lịch phong phú, với cảnh quan tự nhiên đẹp, có văn hóa và lịch sử lâu dài, phong tục dân tộc độc đáo. Tài nguyên du lịch của Tứ Xuyên về cả số lượng và chất lượng đều vào hàng đứng đầu tại Trung Quốc, là một khu vực du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Tứ Xuyên có năm di sản thế giới, bao gồm ba di sản tự nhiên là Cửu Trại Câu, Hoàng Long, Khu bảo tồn gấu trúc Lớn; một di sản văn hóa là núi Thanh Thành-hệ thống tưới tiêu Đô Giang Yển; một di sản tự nhiên và văn hóa là Nga Mi Sơn-Lạc Sơn Đại Phật. Đến năm 2011, Tứ Xuyên có 14 điểm danh thắng phong cảnh trọng điểm cấp quốc gia, 74 điểm danh thắng phong cảnh cấp tỉnh. Thanh Thành sơn-Đô Giang Yển, Nga Mi Sơn, Cửu Trại Câu là những thắng cảnh cấp 5A tại Trung Quốc. Tứ Xuyên có 156 điểm danh lam thắng cảnh cấp A. Tổng cộng Tứ Xuyên có 166 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 89.100 km², chiếm 18,4% diện tích toàn tỉnh, có sáu khu bảo tồn tự nhiên loài gấu trúc lớn là Ngọa Long, Phong Dũng Trại (蜂桶寨), Lạt Bá Hà (喇叭河), Thảo Pha (草坡), An Tử Hà (鞍子河), Hắc Thủy Hà (黑水河), chúng cũng là các khu bảo tồn quan trọng nhất của loài vật quý hiếm này trên thế giới. Tứ Xuyên có 103 công viên rừng, quản lý tổng diện tích 741.000 ha (7.410 km²), chiếm 1,5% diện tích toàn tỉnh. Tứ Xuyên có cấu tạo địa chất phức tạp, cảnh quan địa chất địa mạo đa dạng, đã phát hiện được trên 220 di tích địa chất, trong đó có hai công viên địa chất cấp thế giới ở Hưng Văn và Tự Cống, ngoài ra còn có 14 công viên địa chất cấp quốc gia, số lượng cao nhất tại Trung Quốc. Tứ Xuyên có bảy danh thành văn hóa-lịch sử cấp quốc gia, có 128 điểm bảo vệ văn vật trọng điểm cấp quốc gia và 576 điểm bảo vệ văn vật trong điểm cấp tỉnh.[39]

Món La tử kê (辣子鸡, gà ớt, gà cay)

Đền tưởng niệm Lý Bạch, được xây tại nơi sinh của ông là thị trấn Trọng Ba thuộc phía bắc huyện Giang Du trong tỉnh Tứ Xuyên, là một viện bảo tàng tưởng niệm Lý Bạch, một thi sĩ thời Nhà Đường (618-907). Nó được bắt đầu xây dựng vào năm 1962 nhân dịp lễ kỷ niệm 1.200 năm ngày ông mất, hoàn thành năm 1981 và mở cửa cho công chúng vào tháng 10 năm 1982. Đền tưởng niệm được xây theo lối kiến trúc hoa viên cổ thời Nhà Đường. Do yếu tố địa lý và xã hội nông nghiệp, khu vực Tứ Xuyên tồn tại một số "ý thức bồn địa" và "tư tưởng tiểu nông". Người xưa có câu "Tự cổ văn nhân đa nhập Thục" để nói về sự phát triển văn học của Tứ Xuyên. Xuyên kịch, Xuyên trà, Xuyên tửu, Xuyên thái (ẩm thực), Xuyên dược và Thục tú (thêu), Thục cẩm là các đặc sản đặc sắc của Tứ Xuyên.[50]

Ẩm thực Tứ Xuyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Các món ăn Tứ Xuyên có thể truy nguyên từ thời Tần Hán, đến thời Tống thì đã phát triển thành trường phái. Trường phái ẩm thực Tứ Xuyên là một trong 8 trường phái ẩm thực Trung Hoa, có đặc điểm là nhiều mùi vị và có độ nồng đậm, đặc biệt là cay do sử dụng nhiều tỏiớt, cũng như loại gia vị độc nhất vô nhị là tiêu Tứ Xuyên (花椒, hoa tiêu). Lạc, vừng, gừng cũng là những thành phần nổi bật trong ẩm thực Tứ Xuyên.[51] Có nhiều biến thể khác nhau của âm thực Tứ Xuyên tại Tứ Xuyên và Trùng Khánh (là một phần của Tứ Xuyên cho đến năm 1997), bốn tiểu trường phái của ẩm thực Tứ Xuyên là Trùng Khánh, Thành Đô, Tự Cống và ăn chay Phật giáo.[51] UNESCO đã tuyên bố Thành Đô là một thành phố mĩ thực học vào năm 2011, do sự tinh tế trong cách nấu nướng.[52] Các phương thức nấu nướng cơ bản của ẩm thực Tứ Xuyên là xào, hấp, kho, và nếu liệt kê đầy đủ thì sẽ lên tới 38 phương thức chế biến riêng biệt.

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]
Lầu chuông của Trung tâm Y học Hoa Tây thuộc Đại học Tứ Xuyên

Địa phương kết nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Dân số thế giới”. https://www.worldometers.info/world-population/. Truy cập Ngày 26 tháng 9 năm 2019. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  2. ^ “GDP thế giới năm 2018” (PDF). Ngân hàng Thế giới. Truy cập Ngày 26 tháng 9 năm 2019.
  3. ^ “Tái thuyết sông Trường”. Hệ thống truyền hình Trung ương nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (CCTV). Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2017.
  4. ^ Steven F. Sage (2006). Ancient Sichuan and the Unification of China. State University of New York Press. tr. 2–3. ISBN 0-7914-1038-2.
  5. ^ Kinh Thư Bản văn gốc: 王曰:「嗟!我友邦塚君御事,司徒、司鄧、司空,亞旅、師氏,千夫長、百夫長,及庸,蜀、羌、髳、微、盧、彭、濮人。稱爾戈,比爾干,立爾矛,予其誓。」
  6. ^ The Sanxingdui site: mystical mask on ancient Shu Kingdom. Wu Weixi, Zhu Yarong. 五洲传播出版社. 2006. tr. 7–8. ISBN 7-5085-0852-1.Quản lý CS1: khác (liên kết)
  7. ^ Thương Cừ. “quyển 3 (卷三)”. [[Hoa Dương quốc chí]] (華陽國志). tr. 90–91. Tựa đề URL chứa liên kết wiki (trợ giúp)
  8. ^ Terry F. Kleeman (1998). Ta Chʻeng, Great Perfection - Religion and Ethnicity in a Chinese Millenial Kingdom. University of Hawaii Press. tr. 22. ISBN 0-8248-1800-8.
  9. ^ Terry F. Kleeman (1998). Ta Chʻeng, Great Perfection - Religion and Ethnicity in a Chinese Millenial Kingdom. University of Hawaii Press. tr. 17–19. ISBN 0-8248-1800-8.
  10. ^ Sanxingdui Museum & Wu Weixi, Zhu Yarong (2006). The Sanxingdui site: mystical mask on ancient Shu Kingdom. 五洲传播出版社. tr. 5–6. ISBN 7-5085-0852-1.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  11. ^ “Chuyện Tam hiệp Trường Giang”. CRI. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2012.
  12. ^ Dịch Trung Thiên (2010). Phẩm Tam Quốc, tập 2. Nhà xuất bản Công an nhân dân. tr. 122.
  13. ^ Lê Đông Phương (2007). Kể chuyện Tam Quốc. Nhà xuất bản Đà Nẵng. tr. 410.
  14. ^ Lịch sử Trung Quốc từ thượng cổ đến Năm đời Mười nước. Học viện quân sự cấp cao. 1992. tr. 93.
  15. ^ Ebrey, Walthall, Palais, (2006). East Asia: A Cultural, Social, and Political History. Boston: Houghton Mifflin Company. pg.156.
  16. ^ Bowman, John S. (2000). Columbia Chronologies of Asian History and Culture. New York: Columbia University Press. pg.105
  17. ^ Gernet, Jacques (1962). Daily Life in China on the Eve of the Mongol Invasion, 1250-1276. Stanford: Stanford University Press. ISBN 0-8047-0720-0. pg.60.
  18. ^ Guxi, Pan (2002). Chinese Architecture -- The Yuan and Ming Dynasties . Yale University Press. tr. 245–246. ISBN 0-300-09559-7.
  19. ^ “Skeletons of massacre victims uncovered at construction site”. Shanghai Star. ngày 11 tháng 4 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2012.
  20. ^ James B. Parsons (1957). “The Culmination of a Chinese Peasant Rebellion: Chang Hsien-chung in Szechwan, 1644-46”. The Journal of Asian Studies. 16 (3): 387–400. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2012.
  21. ^ Yingcong Dai (2009). The Sichuan Frontier and Tibet: Imperial Strategy in the Early Qing. University of Washington Press. tr. 19–26. ISBN 978-0-295-98952-5.
  22. ^ “《宋元明清时期》”. 新华网. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2010.
  23. ^ Jiawei Wang, Nimajianzan (1997). The historical status of China's Tibet. 五洲传播出版社. tr. 150. ISBN 7-80113-304-8. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2010. Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)
  24. ^ Hanzhang Ya, Ya Hanzhang (1991). The biographies of the Dalai Lamas. Foreign Languages Press. tr. 442. ISBN 0-8351-2266-2. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2010.
  25. ^ B. R. Deepak (2005). India & China, 1904-2004: a century of peace and conflict. Manak Publications. tr. 82. ISBN 81-7827-112-5. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2010. Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)
  26. ^ International Association for Tibetan Studies. Seminar, Lawrence Epstein (2002). Khams pa histories: visions of people, place and authority: PIATS 2000, Tibetan studies, proceedings of the 9th Seminar of the International Association for Tibetan Studies, Leiden 2000. BRILL. tr. 66. ISBN 90-04-12423-3. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2010. Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)
  27. ^ Gray Tuttle (2005). Tibetan Buddhists in the making of modern China. Columbia University Press. tr. 172. ISBN 0-231-13446-0. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2010. Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)
  28. ^ Xiaoyuan Liu (2004). Frontier passages: ethnopolitics and the rise of Chinese communism, 1921-1945. Stanford University Press. tr. 89. ISBN 0-8047-4960-4. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2010. Đã định rõ hơn một tham số trong |pages=|page= (trợ giúp)
  29. ^ Richardson, Hugh E. (1984). Tibet and Its History. 2nd Edition, pp. 134-136. Shambhala Publications, Boston. ISBN 0-87773-376-7 (pbk).
  30. ^ Oriental Society of Australia (2000). The Journal of the Oriental Society of Australia, Volumes 31-34. Oriental Society of Australia. tr. 35, 37. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2010.
  31. ^ “《近代四川政局和政权演变概述》”. )巴蜀网:民国历史. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2010.
  32. ^ Marks, Thomas A., Counterrevolution in China: Wang Sheng and the Kuomintang, Frank Cass (Luân Đôn: 1998), ISBN 0-7146-4700-4. Partial view on Google Books. p. 116.
  33. ^ 曹树基 (2005). 大饥荒:1959 - 1961 年的中国人口. 香港时代国际出版有限公司.
  34. ^ Citypopulation.de:China
  35. ^ National Statistics Agency Tables:4-3 Total Population and Birth Rate, Death Rate and Natural Growth Rate by Region (1997)
  36. ^ “视频:汶川地震69188人遇难”. 中国央视. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2010.[liên kết hỏng]
  37. ^ “FACTBOX-China's recent measures to spur growth”. News.alibaba.com. 6 tháng 11 năm 2008. Truy cập 2 tháng 11 năm 2009.
  38. ^ E. Kirby, P. W. Reiners, M. A. Krol, K. X. Whipple, K. V. Hodges, K. A. Farley, W. Tang, and Z. Chen, Eric (2002). “Late Cenozoic evolution of the eastern margin of the Tibetan Plateau”. Tectonics. 21 (1): 1001. Bibcode:2002Tecto..21a...1K. doi:10.1029/2000TC001246. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2012.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  39. ^ a b c d e f g h “四川”. 中央政府门户网站. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2012.
  40. ^ a b “《四川人口老龄化速度不断加快》”. 全国老龄工作委员会网. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2010.[liên kết hỏng]
  41. ^ “《全国婚育新风总结表彰会发言稿》” (bằng tiếng Trung). 四川省人口和计划生育委员会办公业务资源网. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2010.
  42. ^ “《性别失衡引发社会问题 我国将严打弃女婴行为》”. 四川在线. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2010.
  43. ^ 严奇岩 (2007年第4期). “《移民与四川人"打乡谈"》”. 成都大学学报(社科版). Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  44. ^ China General Social Survey (CGSS) 2009, Chinese Spiritual Life Survey (CSLS) 2007. Report by: Xiuhua Wang (2015, p. 15) Lưu trữ 2015-09-25 tại Wayback Machine
  45. ^ “《佛教在四川》”. 四川巴蜀网. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2010.
  46. ^ “《 伊斯兰教传入及发展概况》”. 巴蜀文化网. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2009.
  47. ^ “《成都铁路局运营线路图》”. 中国铁路货物运输网. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2010.
  48. ^ “成都双流机场二跑道竣工验收 可起降空客A380”. 腾讯网. ngày 16 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2011.
  49. ^ “明年底前 双流机场第二跑道投用成都将成为继北京、上海、广州之后,第四个拥有第二跑道的城市”. ngày 13 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2011.
  50. ^ “《四川概况-文化地理特点》”. 四川省人民政府网站. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2009.
  51. ^ a b Marshall Cavendish Corporation (2007). World and Its Peoples: Eastern and Southern Asia. Marshall Cavendish. tr. 126.
  52. ^ UNESCO (2011). “Chengdu: UNESCO City of Gastronomy”. UNESCO. Truy cập ngày 26 tháng 5 năm 2011.
  53. ^ “《美国"常青之州"—华盛顿州》”. 新华网. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2010.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]