Quân đoàn bộ binh Bắc Kỳ
Quân đoàn bộ binh Bắc Kỳ | |
---|---|
Hoạt động | 1884-?? |
Quốc gia | Pháp |
Chức năng | Hỗ trợ Quân đoàn viễn chinh Bắc Kỳ |
Quy mô | 14.000 |
Tham chiến | Chiến tranh Pháp-Thanh, Cuộc bình định Bắc Kỳ |
Quân đoàn bộ binh Bắc Kỳ (tirailleurs tonkinois) là một Quân đoàn bộ binh nhẹ Bắc Kỳ, được thành lập năm 1884 để hỗ trợ cho các hoạt động của Quân đoàn viễn chinh Bắc Kỳ. Họ được chỉ huy bởi sĩ quan Pháp, và tham chiến trong một số trận giao chiến với quân Trung Hoa trong cuộc Chiến tranh Pháp-Thanh, và cũng tham gia tiễu phạt các cuộc nổi dậy của người Việt chống lại Pháp trong Cuộc bình định Bắc Kỳ.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Trong cuộc biến cố Bắc kỳ 1873, Francis Garnier cho tuyển mộ các đơn vị dân quân Bắc Kỳ, phần nhiều là các tín đồ Công giáo, là những người không có thiện cảm và thiếu trung thành với triều đình Tự Đức, vốn vẫn đối xử không nương tay với họ. Các toán quân này chỉ tồn tại trong vài tuần, và bị giải tán khi người Pháp rút khỏi Bắc Kỳ vào mùa xuân năm 1874. Tuy nhiên, thí nghiệm này cũng chứng tỏ cho người Pháp thấy tiềm năng của việc tuyển mộ binh lính phụ trợ ngay tại Bắc kỳ.
Việc triển khai các đơn vị quân hỗ trợ người Việt được tiến hành trước hết tại Nam Kỳ, với việc người Pháp thành lập một trung đoàn bộ binh An Nam năm 1879 (thường được gọi là lính tập An Nam, lính tập Sài Gòn hay là lính tập Nam Kỳ - hay lính khố đỏ).[1]
Trong khoảng những năm 1883 và 1885, quân Pháp hết sức bận rộn đánh dẹp quân cờ đen tại Bắc Kỳ, cũng như chống lại các lực lượng quân Việt và Trung Hoa. Các chỉ huy Quân đoàn viễn chinh Bắc Kỳ nối tiếp nhau sử dụng các lực lượng hỗ trợ Bắc Kỳ bằng cách này hay cách khác. Việc thiết lập các trung đoàn chính quy lính tập Bắc kỳ (hay lính khố đỏ Bắc kỳ) năm 1884 đã có tiền lệ là việc thí nghiệm lập ra các đội lính tập do tướng Bouët và Đô đốc Courbet tiến hành từ nửa cuối năm 1883. Quân Pháp sử dụng vài trăm quân cờ vàng như một toán quân hỗ trợ, trong các cuộc giao tranh chống lại quân cờ đen trong các trận đánh xảy ra vào tháng 8 năm 1883. Quân cờ vàng, dưới sự chỉ huy của một viên chỉ huy người Hy Lạp, là một tay phiêu lưu mạo hiểm, tên là Georges Vlavianos, vốn từng tham gia trong cuộc viễn chinh do Garnier tiến hành đánh Bắc kỳ năm 1873, đánh khá tốt trong vai trò quân xung kích tiền phương trong Trận Phủ Hoài (15 tháng 8 năm 1883) và Trận Palan (1 tháng 9 năm 1883), nhưng bị giải tán nhanh chóng sau cuộc giao tranh, vì chúng rất vô kỷ luật.
Lực lượng viễn chinh Pháp do Đô đốc Amédée Courbet chỉ huy trong trận Sơn Tây bao gồm bốn tiểu đoàn bộ binh lính mộ người An Nam từ Nam kỳ. Lực lượng này cũng có một đơn vị riêng biệt gồm 800 lính mộ Bắc kỳ, gọi là tirailleurs tonkinois, tức lính khố đỏ (hay lính tập) Bắc kỳ, dưới quyền chỉ huy của chỉ huy tiểu đoàn Bertaux-Levillain. Rất nhiều người trong số lính mộ Bắc kỳ đó là những kẻ đã phục vụ dưới trướng Vlavianos trong các trận giao chiến hồi mùa thu, và tái nhập ngũ phục vụ người Pháp sau khi tiểu đoàn Cờ vàng bị giải tán. Đô đốc Courbet không kiếm được các đại úy Pháp để chỉ huy các đại đội này, và họ chỉ đóng vai trò không đáng kể trong trận chiến tại chiến lũy Phù Sa trong trận Sơn Tây ngày 14 và 16 tháng 12. Số lính khố đỏ Nam kỳ, ngược lại, chiến đấu dưới sự chỉ huy của sĩ quan Pháp, giành được nhiều chiến công trong trận chiếm chiến lũy Phù Sa.
Tướng Charles-Théodore Millot, người lên thay Đô đốc Courbet làm chỉ huy lực lượng viễn chinh Bắc kỳ tháng 2 năm 1884, rất tin tưởng vào hiệu quả việc sử dụng các lực lượng phụ trợ người bản xứ. Millot cho rằng nếu các đội quân người bản xứ được chỉ huy bởi sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp, họ sẽ chiến đấu hiệu quả hơn nhiều, và còn không có vấn đề kỷ luật, như quân Cờ vàng. Để kiểm nghiệm lý thuyết của mình, ông ta tổ chức các toán quân phụ trợ Bắc kỳ dưới quyền Bertaux-Levillain thành các đại đội quân chính quy, mỗi đại đội được đặt dưới quyền chỉ huy của một đại úy thủy quân đánh bộ. Một số đại đội này tham gia trận Bắc Ninh (tháng 3 năm 1884) và trận Hưng Hóa (tháng 4 năm 1884). Tới tháng 5 năm 1884, trong thành phần lực lượng viễn chinh Pháp đã có đến 1.500 quân phụ trợ người bản xứ Bắc kỳ[2]
Thiết lập và tổ chức
[sửa | sửa mã nguồn]Hài lòng trước những chiến tích thu được của đội lính mộ Bắc kỳ trong các trận giao tranh hồi tháng 3 và 4 năm 1884, tướng Millot quyết định chính thức hóa các đơn vị này bằng cách thành lập hai trung đoàn lính mộ Bắc kỳ tirailleurs (tức bộ binh, hay còn gọi là lính khố đỏ, mỗi trung đoàn gồm 3.000 quân, tổ chức thành ba tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gồm 4 đại đội, mỗi đại đội có 250 lính, chỉ huy bởi các sĩ quan hải quân đánh bộ giàu kinh nghiệm. Mô hình này được sử dụng mấy năm trước tại Nam kỳ, nay được áp dụng cho các trung đoàn lính mộ Bắc kỳ. Theo sắc lệnh ngày 12 tháng 5 năm 1884, tướng Millot thành lập các trung đoàn bộ binh Bắc kỳ số 1 và 2. Các trung đoàn này được chỉ huy bởi Trung tá de Maussion và Trung tá Berger, là hai sĩ quan kỳ cựu, có nhiều chiến công trong các chiến dịch mà các tướng Bouët và Courbet chỉ huy. Các tiểu đoàn trưởng dưới quyền họ là Tonnot, Jorna de Lacale, Lafont, Merlaud, Pelletier và Pizon.[1]
Do không có đủ sĩ quan hải quân đánh bộ chỉ huy, hai trung đoàn này ban đầu không được thành lập với đầy đủ quân số. Trong vài tháng, các đơn vị này chỉ gồm 9 đại đội, chia làm hai tiểu đoàn.[1] Tuy nhiên, việc tuyển quân vẫn tiếp tục trong suốt mùa hè năm 1884 và tới 30 tháng 10 cả hai trung đoàn này đã đạt đủ quân số 3.000 người.[3]
Một phương thức được tướng Millot thực hiện để đẩy nhanh việc tuyển quân là sử dụng lính đào ngũ từ quân cờ đen. Có khoảng vài trăm quân cờ đen đầu hàng Pháp tháng 7 năm 1884, sau khi quân Pháp hạ thành Hưng Hóa và Tuyên Quang, và xin được phục vụ quân Pháp. Tướng Millot cho phép họ nhập vào các trung đoàn lính mộ Bắc kỳ như một đại đội độc lập, và họ được phái đến một đồn lẻ của Pháp trên sông Đáy dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp có thiện cảm với họ, Thiếu úy Bohin. Nhiều sĩ quan Pháp khác tỏ ra hoảng sợ trước việc tướng Millot sẵn lòng tin tưởng quân cờ đen, và Bohin được mệnh danh là le condamné à mort - tức coi như đã chết. Trên thực tế, quân cờ đen đáp lại sự tử tế của thiếu úy, và trong vòng vài tháng, phục vụ tốt dưới trướng ông này, tham gia một số cuộc càn quét quân nổi dậy người Việt và giặc cướp. Tuy nhiên, trong đêm ngày 25 tháng 12 năm 1884, họ đào ngũ hàng loạt, mang theo vũ khí, quân trang quân dụng và bỏ chạy về phía sông Đà. Họ cũng giết một trung sỹ người Bắc kỳ khi người này định báo động, nhưng không đụng đến thiếu úy Bohin đang ngủ say. Có lẽ là họ bị chấn động trước ưu thế của quân Thanh trên chiến trường Bắc kỳ, và mất lòng tin vào khả năng chiến thắng của quân Pháp, nên quyết định gia nhập trở lại vào hàng ngũ quân Cờ đen, rồi tham gia trong trận Tuyên Quang. Thí nghiệm thất bại của tướng Millot không được người kế nhiệm ông là tướng Brière de l'Isle lặp lại, và người Pháp từ đó về sau không tìm cách sáp nhập quân Cờ đen vào thành phần các trung đoàn bộ binh Bắc kỳ nữa.
Trung đoàn bộ binh Bắc kỳ thứ ba được Tướng de Courcy thành lập bởi sắc lệnh ra ngày 28 tháng 7 năm 1885. Trung đoàn thứ tư được Tướng Warnet thành lập với sắc lệnh ngày 19 tháng 2 năm 1886.[4]
Hoạt động trong Chiến tranh Pháp-Thanh
[sửa | sửa mã nguồn]Đại đội 8, trung đoàn số 1 Bắc kỳ (Đại úy Dia, trung úy Goullet) là một bộ phận trong đoàn quân Pháp đánh hạ thành Tuyên Quang ngày 2 tháng 6 năm 1884.[5] Đại đội này cũng tham gia trong cuộc hành binh dưới quyền tướng Duchesne để giải vây cho thành Tuyên Quang tháng 11 năm 1884, tham chiến trong trận Yu Oc[6]. Tiếp đó, với tư cách là một bộ phận của lực lượng đồn trú Tuyên Quang, đơn vị này chiến đấu rất anh dũng cùng hai đại đội Lê Dương Pháp trong trận vây hãm Tuyên Quang (tháng 11 năm 1884 tới tháng 3 năm 1885).[7]
Đại đội 12, trung đoàn 1 Bắc kỳ (Đại úy Bouchet, trung úy Delmotte và Bataille) tham chiến trong trận Bắc Lệ (23-24 tháng 6 năm 1884) và trận Lam (6 tháng 10 năm 1884) trong chiến dịch Kép. Trung úy Bataille bị thương nặng trong cuộc giao chiến tại Lam và binh lính của ông do không có chỉ huy, tháo lui trước quân Thanh. Việc họ tháo lui đã tạo ra một lỗ hổng nguy hiểm tại trung tâm đội hình quân Pháp, và chỉ nhờ sự có mặt tình cờ của một tiểu đoàn bộ binh mà lỗ hổng này được bịt lại. Về cuối trận đánh, quân Pháp phản công, và quân bộ binh Bắc kỳ của Bataille giao chiến trong cuộc tấn công cuối cùng.[8]
Đại đội 1, trung đoàn 1 Bắc kỳ (Đại tá de Beauquesne) tham chiến trong trận Núi Bóp (4 tháng 1 năm 1885).[9]
Tiểu đoàn 1, trung đoàn 1 Bắc kỳ (chỉ huy tiểu đoàn Jorna de Lacale) và tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 (chỉ huy tiểu đoàn Tonnot) tham gia trong trận Lạng Sơn (tháng 2 năm 1885). Tiểu đoàn của Tonnot cũng tham chiến kịch liệt trong trận Bắc Vie (Bắc Vi?) (12 tháng 2 năm 1885).[10]
Đại đội 1, trung đoàn 2 Bắc kỳ (Đại úy Geil) giao chiến trong trận Đồng Đăng (23 tháng 2 năm 1885).[11]
Đại đội 7, trung đoàn 1 Bắc kỳ (Đại úy Granier, trung úy Donnat) trinh sát chiến lũy của quân Thanh trước khi trận Hóa Mộc (2 tháng 3 năm 1885) và bị tổn thất nặng trong loạt súng đầu tiên từ phía quân Thanh. Trung úy Donnat cũng bị thương trong cuộc giao tranh này.[12]
Trung đội của trung úy Fayn thuộc đại đội 1 của đại úy Dufoulon, trung đoàn 1 Bắc kỳ, gồm 50 binh sĩ, đánh đuổi một cánh quân Thanh, Việt và Mường tại Thai That (Thạch Thất) gần Sơn Tây trong ngày 18 tháng 4 năm 1885. Cuộc chạm trán diễn ra chỉ 4 ngày sau khi cuộc ngưng bắn giữa quân Pháp và quân Thanh tại Bắc kỳ có hiệu lực. Sự hùng dũng của quân bộ binh Bắc kỳ trong trận chiến này được tuyên dương rộng rãi bởi các chỉ huy Pháp, và được ghi nhớ trong bản nhật lệnh của Tướng Brière de l'Isle ra ngày 26 tháng 4.[13]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c Thomazi, Histoire militaire, trang 86
- ^ Thomazi, Conquête, trang 188
- ^ Mounier-Kuhn, 66
- ^ Huard, trang 971 và 972
- ^ Nicolas, trang 384
- ^ Lecomte, Lang-Son, trang 144
- ^ Thomazi, Conquête, trang 237–41
- ^ Lecomte, Lang-Son, 60–61
- ^ Nicolas, 362
- ^ Lecomte, Lang-Son, trang 288–98
- ^ Lecomte, Lang-Son, trang 337–49; Nicolas, trang 382
- ^ Nicolas, trang 402
- ^ Huard, trang 757–8 và 970
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Tiếng Pháp
- Huard, L., La guerre du Tonkin (Paris, 1887)
- Lecomte, J., Lang-Son: combats, retraite et négociations (Paris, 1895)
- Lecomte, J., La vie militaire au Tonkin (Paris, 1893)
- Lecomte, J., Le guet-apens de Bac-Lé (Paris, 1890)
- Mounier-Kuhn, A., Les services de santé militaires français pendant la conquête du Tonkin et de l’Annam (1882–1896) (Paris, 2005)
- Nicolas, V., Livre d'or de l'infanterie de la marine (Paris, 1891)
- Thomazi, A., Histoire militaire de l’Indochine française (Hanoi, 1931)
- Thomazi, A., La conquête de l'Indochine (Paris, 1934)
Tiếng Anh
- Karl Hack and Tobias Rettig. (2006). Colonial armies in Southeast Asia. New York: Routledge. ISBN 0-415-33413-6.