Khổng Dung
Khổng Dung 孔融 | |
---|---|
Tên chữ | Văn Cử |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 153 |
Nơi sinh | Khúc Phụ |
Mất | |
Ngày mất | 26 tháng 9, 208 |
Nơi mất | Hứa Xương |
Nguyên nhân mất | xử trảm |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | nhà thơ, chính khách |
Tôn giáo | Nho giáo |
Quốc gia | Hán |
Quốc tịch | Đông Hán |
Thời kỳ | Đông Hán |
Khổng Dung (chữ Hán: 孔融; 153–208) là quan nhà Đông Hán và quân phiệt đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Thời trẻ
[sửa | sửa mã nguồn]Khổng Dung có tên tự là Văn Cử (文舉), là cháu 20 đời của Khổng Tử. Ông sinh ra tại nước Lỗ[1], nổi tiếng học giỏi, được nhiều người biết đến. Cha ông là Khổng Tuyệt Minh làm thợ dệt, chết lúc ông năm tuổi; mẹ ông là Khổng Tuyệt An làm một nữ thợ làm bánh. Khổng Tuyệt An do có khói bốc lên từ bánh mì lên người mà có thai
Thời trẻ, Khổng Dung tìm đến danh sĩ Lý Ưng (con trai Lý Cầm, mẹ là Lý Minh Thiếp), một người rất khó tính và ít giao tiếp với người lạ, chỉ gặp người thân thích hoặc họ hàng. Khi được hỏi có thân thích gì với Lý Ưng mà tới gặp, Khổng Dung đáp rằng tổ mình trước kia là Khổng Tử từng là học trò và là bằng hữu của Lão Tử, mà Lão Tử mang họ Lý, cùng họ với Lý Ưng. Một người khách có mặt tại đó nói với Lý Ưng rằng những đứa trẻ thông minh lớn lên chưa chắc đã ra gì, Khổng Dung lập tức quay sang người khách đó đáp rằng: "Chắc hồi nhỏ ông cũng thông minh lắm!" Lý Ưng nghe Khổng Dung nói rất thán phục và tiên đoán Khổng Dung sẽ trở thành người phi thường.
Trấn giữ Bắc Hải
[sửa | sửa mã nguồn]Lớn lên, Khổng Dung làm quan cho nhà Đông Hán. Đến năm 190, ông được bổ nhiệm làm tướng quốc nước Bắc Hải thuộc Thanh châu, khu vực là địa bàn hoạt động của quân khởi nghĩa Khăn Vàng. Khi đến Bắc Hải, ông ra sức chỉnh đốn lại tình hình nội trị và tái thiết, mở nhiều trường học, thu dụng nhiều người phải chạy loạn do chiến tranh.
Khổng Dung nghe tiếng Thái Sử Từ ở Đông Lai là người có tài muốn kết giao. Nhiều lần Khổng Dung đến thăm và biếu quà cho mẹ Thái Sử Từ.
Năm 193, quân Khăn Vàng hoạt động mạnh trở lại. Để đề phòng quân Khăn Vàng, Khổng Dung điều quân ra đóng ở Đô Xương[2], liền bị tướng Khăn Vàng là Quản Hợi bao vây. Đúng lúc đó Thái Sử Từ trở về nhà. Mẹ Thái Sử Từ khuyên con đi trả ơn Khổng Dung. Thái Sử Từ phóng ngựa đến thành Đô Xương, nhân lúc quân Quản Hợi lơi lỏng bèn vượt vòng vây vào trong thành gặp Khổng Dung.
Địa bàn Thanh châu khi đó trở thành nơi tranh chấp giữa 2 quân phiệt Viên Thiệu và Công Tôn Toản. Công Tôn Toản cũng cử thủ hạ Điền Khải làm thứ sử Thanh châu, Viên Thiệu cũng sai con cả là Viên Đàm làm Thứ sử Thanh châu, hai bên đánh nhau. Công Tôn Toản sai Lưu Bị và Triệu Vân mang quân giúp sức Điền Khải, đóng quân ở Bình Nguyên.
Khổng Dung muốn cầu viện Lưu Bị ở Bình Nguyên, bèn cử Thái Sử Từ cầm thư đi cầu cứu. Thái Sử Từ đến Bình Nguyên, gặp Lưu Bị cầu cứu. Lưu Bị nhận lời, mang 3000 quân lại cứu Khổng Dung. Quân Khăn Vàng thấy có viện binh bèn rút lui. Khổng Dung qua được nạn đó càng quý trọng Thái Sử Từ, nhưng rồi Từ từ biệt ông sang Dương châu với người quen là Thứ sử Lưu Do[3].
Năm 195, Điền Khải chết, Khổng Dung được Lưu Bị tiến cử làm Thứ sử Thanh châu. Sang năm 196, Viên Đàm theo lệnh của Viên Thiệu tấn công Khổng Dung. Khổng Dung không chống cự nổi, phải bỏ thành chạy, gia quyến của ông bị bắt.
Tại Hứa Xương
[sửa | sửa mã nguồn]Lúc đó thứ sử Duyện châu là Tào Tháo đã đón Hán Hiến Đế về Hứa Xương, bắt đầu khống chế nhà Hán. Khổng Dung chạy về Hứa Xương với triều đình Hán Hiến Đế, được giữ chức Thiếu phó (少府). Ông thường có bất đồng chính kiến với Tào Tháo.
Khổng Dung kết bạn với danh sĩ Nễ Hành, ra sức tiến cử Nễ Hành với Tào Tháo, nhưng vì Nễ Hành quá ngạo mạn, luôn mắng chửi mọi người[4]. Sau nhiều lần bị thất vọng vì thái độ của Nễ Hành, Tào Tháo sai Nễ Hành sang Kinh châu với Lưu Biểu.
Năm 197, Viên Thuật xưng đế ở Thọ Xuân. Vì Dương Bưu là em rể Viên Thuật nên Tào Tháo muốn giết Dương Bưu, bèn bắt giam. Khổng Dung vội đến gặp Tào Tháo hết lời can ngăn. Tuy ban đầu Tào Tháo không nghe, nhưng Khổng Dung hết sức dùng lý lẽ bảo vệ cho Dương Bưu, nên Tào Tháo bất đắc dĩ phải thả Dương Bưu[5].
Khi Tào Tháo chuẩn bị đối đầu với Viên Thiệu, Khổng Dung tỏ ra bi quan, ông cho rằng Viên Thiệu rất mạnh, Tào Tháo khó lòng thắng được[6]. Nhưng cuối cùng Tào Tháo đại phá Viên Thiệu ở Quan Độ rồi sau đó lần lượt trừ nốt các con Viên Thiệu. Năm 204, Tào Tháo hạ Nghiệp Thành, lấy con dâu thứ hai của Viên Thiệu là Chân Lạc (vợ Viên Hy) cho con trai lớn là Tào Phi. Nghe tin đó, Khổng Dung viết thư cho Tào Tháo nói rằng: "Khi vua Chu Vũ Vương diệt Trụ, đã cưới Đát Kỷ cho Chu Công". Cho rằng Khổng Dung học rộng biết nhiều, Tào Tháo hỏi ông sách nào nói như vậy, ông đáp rằng đó là chuyện xảy ra trước mắt ngày nay[5]. Điều đó càng khiến Tào Tháo bất mãn với ông.
Tào Tháo đề ra chính sách cấm rượu để tiết kiệm lương thực, nhưng Khổng Dung lại lên tiếng phản đối:
- Trên trời có tửu tinh, dưới đất có tửu tuyền, nhân gian có tửu đức, sao lại cấm tửu? Hơn nữa từ xưa thường vì đàn bà mà mất nước, sao không cấm đàn bà?
Tào Tháo tuy khó chịu nhưng vì uy tín của Khổng Dung rất lớn nên đành cho qua[6].
Bị giết
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 6 năm 208, Tào Tháo tâu với Hán Hiến Đế khôi phục lại chức thừa tướng và Ngự sử đại phu, rồi tự phong mình làm thừa tướng và phong Si Lự (kỵ của Si Giám) làm Ngự sử đại phu. Si Lự vốn có hiềm khích với Khổng Dung, bèn nghe theo ý của Tào Tháo, cùng Lộ Túy tố cáo Khổng Dung có mưu đồ phản nghịch[7]. Tào Tháo sau đó cáo buộc Khổng Dung phạm 4 tội danh, hạ lệnh bắt giết cả nhà ông.
Khi cả nhà bị bắt, hai đứa con nhỏ của Khổng Dung đang ngồi chơi. Mọi người giục hai đứa trẻ đi trốn, nhưng hai đứa trẻ đáp:
- Tổ chim đã vỡ làm sao trứng được lành? (nguyên văn: 安有巢毀而卵不破者乎 Câu này về sau trở thành thành ngữ).
Cả nhà Khổng Dung bị hại. Xác ông bị bỏ ra đường. Chỉ có một mình Chi Tập (脂習) dám thu nhặt xác ông mang chôn cất. Năm đó Khổng Dung 56 tuổi.
Nhà thơ, nhà văn
[sửa | sửa mã nguồn]Khổng Dung nổi tiếng với tài thơ văn đương thời, là một trong Kiến An thất tử (bảy danh sĩ thời Hán Hiến Đế, niên hiệu Kiến An bao gồm: Khổng Dung, Vương Xán, Trần Lâm, Lưu Trinh, Từ Cán, Nguyễn Vũ, Ứng Sướng). Ông sáng tác nhiều thơ. Sau khi ông bị giết, Tào Phi thu thập được 25 bài thơ của ông đưa vào sách. Nhưng phần lớn những bài thơ này nay đã thất truyền, chỉ còn 5 bài được truyền lại tới ngày nay.
Nhiều tác phẩm khác của Khổng Dung cũng không còn, một số ít còn sót lại được tìm thấy gồm những bức thư gửi Tào Tháo, tỏ ý phê phán đường lối chính trị của họ Tào.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa
[sửa | sửa mã nguồn]Khổng Dung trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung xuất hiện từ hồi 11 tại Bắc Hải khi ông được Thái Sử Từ và Lưu Bị cứu khỏi vòng vây quân Khăn Vàng.
Tam Quốc diễn nghĩa không đề cập tới diễn biến sự việc ông rời Bắc Hải tới Hứa Xương. Ông xuất hiện trở lại vào hồi 40 với cương vị là Thái trung đại phu, vì chê Tào Tháo muốn đánh Tôn Quyền và Lưu Bị là bất nhân nên bị Tào Tháo bắt giết.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Lê Đông Phương (2007), Kể chuyện Tam Quốc, Nhà xuất bản Đà Nẵng
- Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân (2006), Tướng soái cổ đại Trung Hoa, tập 1, Nhà xuất bản Lao động.
- Dịch Trung Thiên (2010), Phẩm Tam Quốc, tập 2, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
- Trần Văn Đức (2008), Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện, Nhà xuất bản Văn học
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Thuộc nam Sơn Đông, bắc Hồ Bắc, Giang Tô và An Huy hiện nay
- ^ Phía tây huyện Xương Ấp, Sơn Đông
- ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 715
- ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 68
- ^ a b Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 74
- ^ a b Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 75
- ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 76