Bước tới nội dung

Khô nhái

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phần thịt chân của nhái đang được phơi khô

Khô nhái (tên khác là Vũ nữ chân dài) là một món ăn được chế biến từ thịt nhái hoặc chàng hiu bắt nguồn từ một số huyện giáp ranh Campuchia của tỉnh An Giang và tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi "vũ nữ chân dài" bắt nguồn từ nhái làm khô của vùng Bảy Núi (An Giang) và một số vùng lân cận như Bạc Liêu, Đồng Tháp.[1] Người dân địa phương tại đây thường bắt nhái kể từ khi xuất hiện những cơn mưa trái mùa trước khi bước sang mùa mưa.[2][3] Theo một số báo điện tử, người dân nơi đây cho biết khô nhái là món ăn xuất phát từ Campuchia nhưng sang Việt Nam được người dân thay đổi chế biến theo cách riêng nhằm phù hợp với khẩu vị.[4]

Chế biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhái đồng xuất hiện quanh năm ở vùng đồng ruộng như Tịnh Biên, Bạc Liêu, Đồng Tháp... Khi đến thời điểm hoàng hôn, nhái thường phát ra nhiều tiếng kêu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bắt với số lượng lớn.[5] Ngoài ra, nhái đồng thường có số lượng nguồn hàng không ổn định do nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào thời tiết và tự nhiên.[6]

Người dân địa phương sau khi bắt về sẽ phơi khô để có thể dự trữ trong nhà hoặc mang bán. Do sống trong môi trường hoang dã, không thể chăn nuôi công nghiệp như ếch nên thịt của nhái được xem là rất dai và không chứa độc tố.[5] Để làm ra khô nhái, nhái sống sau khi được bắt về phải chặt bỏ đầu, lột da, mổ bụng, lôi hết phần ruột, rửa kỹ lưỡng, sau đó đem ướp cùng muối, hạt tiêuớt để thấm đều trước khi phơi khô.[7] Sau khi trải qua phơi 2 lần nắng, thành phẩm là khô nhái bé lại chỉ còn bằng ngón tay.[5] Khô nhái có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau như xào, nấu canh chua, nhúng lẩu hoặc chiên giòn.[2]

Kinh doanh

[sửa | sửa mã nguồn]
Một đĩa vũ nữ chân dài được bày bán ngoài chợ

Theo một bài báo năm 2014, nhái được dân địa phương huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên của tỉnh An Giang làm khô bán quanh năm với giá 300.000 đến 350.000 đồng trên 1kg,[2] nhưng giá thị trường năm 2016 đã lên tới 500.000 đồng 1kg.[8]Vĩnh Trung của huyện Tịnh Biên từng được xem là "làng vũ nữ chân dài" khi có số lượng người bắt nhái để chế biến và mang đi bán nhiều.[9][10] Nghề săn bắt nhái cũng như nghề làm khô nhái đều mang lại cho người dân trong vùng thu nhập ổn định,[11][12] thậm chí còn có thể khiến cho người săn bắt nhái kiếm một số tiền nhiều hơn bình thường chỉ trong mỗi đêm.[13][14]

Trong dịp Tết Nguyên Đán của một số năm, vũ nữ chân dài thường tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ và cũng vì thế nên được bán với giá tăng cao đột biến.[8][15] Món ăn này không chỉ được bán cho các đầu mối hàng quán tại Việt Nam mà còn được người dân bán sang cả hai nước láng giềng là Campuchia và Lào.[16]

Vấn đề

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu thập niên 2010, dạng khô nhái có chân dài đặc biệt từng là mặt hàng thịnh hành ở một số nhà hàng sang trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh được bán với giá đắt. Những lúc khan hiếm hàng, giá nhập vào tới 1.000.000 đồng một kg. Nhưng sau đó vài năm, mặt hàng khô nhái trên các trang mạng chuyên hàng đặc sản đã bị tiếp thị tràn lan với giá rẻ, dấy lên nghi vấn về việc không đảm bảo chất lượng.[17] Theo báo Thanh Niên, khô nhái làm từ nhái của Campuchia được cho là chất lượng hơn của Việt Nam nên giá thành đắt hơn, thậm chí một số nơi có thể đã làm khô nhái từ một loài ếch từ Ấn Độ để bán với giá cao hơn.[17]

Đón nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo nhiều báo nhận định, nhờ công đoạn chế biến tỉ mỉ, hình dạng món ăn khi chế biến và hương vị khi ăn mà món khô nhái đã trở nên nổi tiếng trong khu vực. Người dân khi ăn đã tặng cho loại thực phẩm này những cái tên như "vũ nữ chân dài", "kiều nữ đại gia",...[5][11][18] Ban đầu, vũ nữ chân dài chỉ là đặc sản của những người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng dần dần đã được yêu thích trong các nhà hàng, quán nhậu.[4][19][20] Tên gọi của món ăn cũng được xem là một yếu tố khác gây tò mò và kích thích thực khách đến thử.[21] Món ăn đã trở nên nổi tiếng đến mức khi người dùng tra Google với cụm từ "vũ nữ chân dài", nhiều người tỏ ra bất ngờ vì kết quả cho thấy lại không phải hình ảnh của những nữ vũ công mà thay vào đó là món ăn khô nhái.[22]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Kiều Phương (31 tháng 10 năm 2019). “[ẢNH] "Vũ nữ chân dài" và những đặc sản nức tiếng xứ "công tử Bạc Liêu". An ninh thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  2. ^ a b c Ái Nam (2 tháng 6 năm 2014). “Đậm đà những món ngon từ thịt nhái”. Ngôi sao. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  3. ^ Má Lúm (1 tháng 6 năm 2017). “5 món ăn tên lạ hút khách ở Sài Gòn”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  4. ^ a b Hiệp Nguyễn (26 tháng 7 năm 2018). "Vũ nữ chân dài": Đặc sản trứ danh ở miền Tây”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  5. ^ a b c d Hà Lâm (22 tháng 12 năm 2014). 'Vũ nữ chân dài' chiên nước mắm lạ tai lạ miệng”. Ngôi sao. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  6. ^ Lê Trang (28 tháng 5 năm 2022). “Đặc sản "vũ nữ chân dài" giá hơn nửa triệu đồng/kg vẫn khan hàng”. Công luận. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  7. ^ Thảo Nguyên (3 tháng 5 năm 2019). “Bật mí các món ngon từ đặc sản "vũ nữ chân dài" của miền Tây”. Tri thức & Cuộc sống. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  8. ^ a b L.Phong (6 tháng 2 năm 2016). “Đua nhau săn Vũ nữ chân dài làm quà biếu Tết”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  9. ^ “Kì lạ món "vũ nữ chân dài" độc nhất miền Tây”. Báo Lao Động. 3 tháng 1 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  10. ^ “Độc đáo xóm "vũ nữ chân dài" ở An Giang”. Khoa học & Đời sống. 23 tháng 11 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  11. ^ a b “Về miền Tây thưởng thức 'vũ nữ chân dài'. Báo điện tử Tiền Phong. 4 tháng 3 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  12. ^ “Quy trình đưa "vũ nữ chân dài" miền Tây lên bàn nhậu”. Tin tức Online. 18 tháng 9 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  13. ^ “Ảnh: Săn đặc sản "vũ nữ chân dài" kiếm bội tiền mỗi đêm”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. 4 tháng 5 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  14. ^ “Ngôi làng đàn ông chuyên săn 'vũ nữ chân dài', thức trắng đêm thu tiền triệu”. VietNamNet. 17 tháng 5 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  15. ^ “[Ảnh]: 'Vũ nữ chân dài' phục vụ Tết”. Báo Nông nghiệp Việt Nam. 24 tháng 11 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  16. ^ "Vũ nữ chân dài" - Món ngon miền Tây sông nước”. scov.gov.vn. 19 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  17. ^ a b Tạ Tri (16 tháng 6 năm 2014). “Khô 'vũ nữ chân dài' xuống đường”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  18. ^ Rachel Phạm (15 tháng 6 năm 2021). 'Vũ nữ chân dài' - Đặc sản trứ danh ở miền Tây làm điên đảo 'dân nhậu'. Báo điện tử VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  19. ^ Mai Anh; Ngọc Quyên (29 tháng 4 năm 2019). “Dàn "vũ nữ chân dài" - đặc sản An Giang "đốn tim" dân nhậu miền Tây”. Báo Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  20. ^ "Vũ nữ chân dài" miền Tây lừng danh làm ngây ngất thực khách”. Người Đưa Tin. 8 tháng 7 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  21. ^ Bình An (1 tháng 8 năm 2018). "Vũ nữ chân dài" - món ăn kiêu kỳ thực khách đã từng thử?”. Petro Times. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.
  22. ^ "Vũ nữ chân dài" khô nhái: Đặc sản độc đáo của An Giang”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. 4 tháng 1 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2023.