Bước tới nội dung

Inugami

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
"Inugami" trong tác phẩm Hyakkai Zukan của Sawaki Suushi
"Inugami" trong tác phẩm Gazu Hyakki Yagyō của Sekien Toriyama. Nhân vật trông như đứa trẻ ở góc dưới bên trái là "shirachigo" (白児, "đứa trẻ da trắng"), có thể nó là học trò của inugami hoặc đứa con yêu quái (yōkai) của một người tàn tật.[1][2]
Inugami (犬神) trong tác phẩm Bakemono no e (化物之繪, c. 1700), Harry F. Bruning Bộ sưu tập sách và bản thảo tiếng Nhật Bản, Thư viện L. Tom Perry Special Collections, thư viện Harold B. Lee, Brigham Young University.

Inugami (犬神? "khuyển thần/linh hồn"), tương tự kitsunetsuki, là ám linh của một con chó, được biết đến rộng rãi ở miền tây Nhật Bản, có vẻ đã dần lan sang khu vực phía tây tỉnh Ōita, tỉnh Shimane và một phần của tỉnh Kōchi ở phía bắc Shikoku vài năm trở lại đây. Cũng có một giả thuyết cho rằng vùng Shikoku nơi không xuất hiện loài cáo (Kitsune) chính là căn cứ của inugami. Hơn nữa, niềm tin vào inugami tồn tại ở tỉnh Yamaguchi, đảo Kyushu, thậm chí kéo dài từ quần đảo Satsunan đến tận tỉnh Okinawa. Tại tỉnh Miyazaki, quận Kuma thuộc tỉnh Kumamoto, và đảo Yakushima, trong tiếng địa phương đọc là "ingami",[3][4] ở đảo Tanegashima họ gọi nó là "irigami".[3] Trong kanji có một cách viết khác là "狗神".[5]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Ám linh inugami là một kojutsu (còn được gọi là "kodō" hoặc "kodoku", một nghi lễ rất đáng sợ sử dụng linh hồn của một số loài động vật) đã bị cấm vào thời Heian và được cho là phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Nghi lễ có liên quan đến việc chặt đầu của một con chó chết đói và chôn con chó ở ngã tư đường, khi mọi người bước qua đầu qua thời gian sẽ thổi bùng mối hận thù của nó để linh hồn đó biến thành một lời nguyền, sau đó có thể sử dụng.

Một cách thức khác là chôn sống một con chó chỉ chừa lại mỗi đầu nhô lên khỏi mặt đất hoặc cột nó vào một cây cột, sau đó đặt một ít thức ăn trước mặt nó, đợi đến khi nó sắp chết đói thì chặt đầu con chó đó để đầu của nó bay đến ăn chỗ thức ăn kia, hỏa táng con chó đó rồi đặt phần hài cốt còn sót lại vào một chiếc bình và thờ cúng nó. Bằng cách này, linh hồn con chó sẽ mãi mãi đi theo và thực hiện mong ước của người sở hữu. Một cách khác là cho nhiều con chó chiến đấu với nhau cho đến khi còn lại một con sống sót cuối cùng, sau đó cho nó vài con cá, cắt đầu nó và ăn nốt phần cá còn sót lại.[6] Ở thị trấn Yamaga, quận Hayami thuộc tỉnh Ōita (hiện tại là thành phố Kitsuki), từng có các trường hợp một vu nữ giữ đền (Miko) chặt đầu của các con chó theo cách này, bán những con giòi phơi khô lấy từ đầu các con chó đó và gọi đó là inugami, cũng có nhiều người biết ơn và mua chúng.[6][7]

Một miêu tả về Inugami trong tác phẩm Chiriyahokori của Oka Kumaomi

Tuy nhiên, trong các mô tả về ngoại hình của inugami, người ta nói rằng chúng có một mảng màu lớn bằng kích thước của một con chuột, phần cuối đuôi của chúng chẻ làm đôi, chúng là một loài thuộc họ Chuột chũi, không thể nhìn thấy được đôi mắt của chúng và chúng di chuyển nối đuôi nhau theo một hàng. Nếu như thế thì chúng sẽ trông giống Kuda-gitsune hay Osaki (cả hai đều là cáo) hơn là chó, vì vậy có vẻ như là chúng không hoàn toàn tuân theo truyền thuyết về những lời nguyền kodō (chẳng hạn như "lời nguyền của chó" được tìm thấy trong Soushen Ji). Thực tế cho thấy, có vẻ như trọng tâm chính của những mô tả này là bắt chước vào niềm tin vào linh hồn cáo. Chúng cũng có vẻ ngoài tương tự như chuột nhắt nhà, miệng của chúng được cho là bị xé theo chiều dọc với đầu nhọn ở cuối, ở tỉnh Ōita, chúng được cho là có vẻ ngoài giống với chuột chù dsinezumi,[8] ở thị trấn Toyooka, quận Hayami thuộc tỉnh Ōita, chúng được cho là một con chồn có đốm đen và trắng.[9] Trên đảo Aishima thuộc tỉnh Yamaguchi, người ta gọi chúng là "inugami nezumi" (đàn chuột inugami), tương tự như chuột nhà mũi dài, chúng được cho là sống theo từng nhóm khoảng 75 con sống trong mỗi nhà. Trên núi Iyayama thuộc quận Miyoshi thuộc tỉnh Tokushima, có một loại inugami gọi là "suikazura", người ta nói chúng lớn hơn đàn chuột một chút và biết sưởi ấm bằng lò sưởi.[10] Trong cuốn sách "Chiriyahokori" của Oka Kumaomi, một học giả Kokugaku, khẳng định cơ thể chúng dài 1 shaku và 1 sun và bề ngoài trông như loài dơi.[9] Tương tự, trong cuốn Otogi Bōko của Asai Ryōi, inugami của tỉnh Tosa được cho là có hình dạng và chiều dài tương tự như hạt gạo, cơ thể có các mảng màu đen và trắng cùng nhiều màu khác.[11]

Có nhiều giả thuyết về việc inugami ra đời như thế nào, bao gồm câu chuyện rằng cơ thể của nue sau khi bị Minamoto no Yorimasa giết đã phân tán thành 4 phần và bay đến các vùng đất khác nhau sau đó trở thành inugami,[12][Ghi chú 1] hay một câu chuyện khác kể rằng nó được sinh ra từ bức tranh của Kōbō-Daishi vẽ một con chó được tạo ra để xua đuổi lợn rừng.[13] Cũng có một truyền thuyết kể rằng khi Gennō Shinshō cố gắng xoa dịu lời nguyền của hòn đá Sessho-seki (sát sinh thạch) bằng cách tách nó ra, các mảnh vỡ của nó bay đến tỉnh Kōzuke (nay là tỉnh Gunma) biến thành osaki và các mảnh vỡ bay đến vùng Shikoku đã trở thành inugami.[8]

Sở hữu inugami

[sửa | sửa mã nguồn]

Gia đình chủ sở hữu nuôi inugami trong tansu (một chiếc rương di động của Nhật), đặt dưới sàn nhà trong một bình nước. Giống như các ám linh khác, inugami dễ dàng chiếm hữu những người yếu đuối, có cảm xúc không ổn định hay ý chí không vững. Người ta nói những người bị inugami ám thường cảm thấy đau ở ngực, cánh tay và bàn chân, thường bất chợt lắc lư và sủa hoặc tru như chó. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua tai, những người bị ám được cho là sẽ dần trở nên đố kị với người khác.[8] Tại tỉnh Tokushima, người ta cho rằng người bị inugami ám sẽ trở nên ham ăn và có dấu răng trên cơ thể sau khi họ chết.[9] Không chỉ con người, inugami còn ám lên những con bò, ngựa hay ngay cả những thứ vô tri khác như khi chúng ám lên một cái cưa nó sẽ không dùng được nữa.[6]

Quan niệm cho rằng những người có cùng huyết thống với người dễ bị inugami ám cũng như huyết thống của inugami xuất phát từ các câu chuyện trong vùng được kể lại bởi những người có cùng huyết thống với các phù thủy, Yamabushi (ẩn sĩ), tư tế và fuko tham gia Kodoku. Nhiều trường hợp cho thấy những người dân du mục tham gia vào các ma thuật dân gian sẽ chiếm được lòng tin và tôn trọng, nhưng đồng thời cũng bị phân biệt đối xử. Điều này là do inugami đi theo họ lẫn con cháu của họ, thông thường dân làng coi việc kết hôn với một người có cùng huyết thống với người sở hữu inugami là điều cấm kỵ, thậm chí ngại kết giao với họ. Tại nhiều nơi trên đảo Shikoku có một phong tục trong hôn nhân là kiểm tra xem một người có cùng huyết thống với người sở hữu inugami hay không, có không ít trường hợp là do có liên quan đến "vấn đề đồng hóa" (dōwa mondai).

Trong các huyền thoại của thị trấn Komatsu, quận Shūsō thuộc tỉnh Ehime (hiện là một phần của thành phố Saijō), có nhiều inugami cũng như nhiều người trong gia đình sở hữu inugami, số lượng của inugami tăng theo số lượng thành viên trong gia đình đó. Người ta nói rằng những inugami đó có thể biết họ đang nghĩ gì và chúng sẽ ngay lập tức chiếm hữu những thứ họ muốn.[6] Tuy nhiên, người ta cũng nói rằng đôi khi chúng không ngoan ngoãn nghe lời và sẽ cắn chết những thành viên sở hữu inugami trong gia đình đó.[6]

Người ta cho rằng những căn bệnh gây ra bởi inugami không thể chữa được bởi bác sĩ mà cần mời phù thủy đến để loại bỏ inugami ra khỏi người đó. Tại đảo Tanegashima, có một tập tục gọi là "inugami-tsure" (nghĩa là "mang theo một inugami") được thực hiện khi một gia đình nuôi inugami bị phát hiện hoặc thậm chí khi họ chỉ bị nghi ngờ đã lén chuyển một inugami sang một gia đình khác dù cho không có bằng chứng cụ thể, theo đó, gia đình ban đầu có inugami đó sẽ mang thức ăn vào nhà của gia đình khác để mang inugami đi cùng họ và sau đó họ sẽ sống ẩn dật trong một túp lều ở ngoại ô thị trấn cho đến khi người bị inugami gây bệnh đó được chữa khỏi, và người ta nói rằng con cháu của họ sau này vẫn sẽ tiếp tục sống một mình như vậy trên núi.[4]

Những gia đình sở hữu inugami được cho là sẽ trở nên giàu có thịnh vượng. Đồng thời cũng có trường hợp những inugami không được đối xử như những linh hồn hồ ly mang tài lộc vào gia đình thông qua việc thờ phụng, mà thay vào đó chúng bị khinh miệt như những vị thần nguyền rủa.[4]

Trong văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nhân vật Inuki trong manga X của CLAMP là một inugami, là linh hồn của mộ chú chó yêu quý của Yuzuriha Nekoi. Nó cũng theo cách nào đó là một thành viên của nhóm Dragons of Heaven (tạm dịch: Những con rồng trên thiên đường).
  • Trong tập 17 mùa thứ 5 của tuyển tập phim Grimm có tựa đề "Inugami", trong đó mạng sống của hai cậu bé tuổi teen đang bị đe dọa bởi một Inugami có tên Wesen, kẻ cảm thấy hai người họ không nhận đủ hình phạt cho cái chết tình cờ của người bạn của họ.
  • Trong anime Yo-kai Watch, Inugami là một con yêu quái (Yokai) cáo hai màu xám và bạc, nó là phiên bản đổi màu của Kyubi, được gọi là Frostail trong bản lồng tiếng Anh.
  • Trong mangaanime Inuyasha nhân vật chính Inuyasha là một hanyo (bán yêu) sinh ra trong một gia đình Inugami. Bố của cậu Inu no Taisho là một inugami huyền thoại. Anh trai cùng cha khác mẹ của Inuyasha là Sesshomaru cũng là một inugami hùng mạnh.
  • Loạt game Megami Tensei mêu tả inugami như một con quỷ có thể được tuyển mộ ở phần đầu game. Xuất hiện lần đầu tiên trong phần Shin Megami Tensei III: Nocturne, inugami có sức mạnh chuyên về lửa, bệnh tật và các kỹ năng dựa trên hỗ trợ.
  • Trong manga, anime Nura: Rise of the Yokai Clan, có một inugami trong nhóm của Inugamigyobu Tamazuki, một yêu quái lửng chó Nhật Bản.
  • Trong tập 45 của anime Gin Tama, Sadaharu uống một ít sữa dâu và biến thành inugami.
  • Trong tập 2 Gugure! Kokkuri-san, một inugami đã xuất hiện và bắt đầu quấy rầy nhân vật chính Kohina.
  • Trong manga Engaged to the Unidentified, vị hôn thê của Kobeni Yonomori, cả em chồng và mẹ chồng đều là inugami.
  • Trong loạt tiểu thuyết Kakuriyo no Yadomeshi, nhân vật Ranmaru là một inugami.
  • Trong phần ngoại truyện của truyện Gunnerkrigg Court nói về cốt truyện của nhân vật Coyote, Coyote đến thăm nhiều giống chó trong thần thoại và dân gian, trong đó có inugami.[14]
  • hololive Production có một VTuber tên là Inugami Korone, trong tên của cô có liên quan đến inugami.
  • Bối cảnh của manga Gantz và phần anime Gantz OVA diễn ra ở Osaka của Nhật Bản, là nơi bách quỷ dạ hành (cuộc diễu hành của 100 con quỷ trong đêm) tấn công thành phố. Trong đó inugami là yêu quái có chức vụ thấp nhất trong số 3 thủ lĩnh hàng đầu của nhóm, bao gồm cả Tengu cũng như Nurihayon với vai trò là thủ lĩnh.
  • Trong loạt tiểu thuyết Inukami!, nhân vật chủ chốt của gia tộc Keita Kawahira hợp tác với inugami để đánh bại yêu quái độc ác. Keita lãnh trọng trách cùng cô nàng Yoko rắc rối.
  1. ^ nue kể trên được cho là nguồn gốc của khuyển thần (inugami), rắn thần (hebigami) và khỉ thần (sarugami; được cho là có đầu khỉ, thân chó, và đuôi rắn, hơi khác so với mô tả thông thường, xét theo hình dáng nó cũng tương tự chimera ở phương tây).

Tài liệu tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Takeshi Abe, Adam Beltz: The Negima Reader: Secrets Behind the Magic. DH Publishing Inc, 2007, ISBN 1932897240, page 49–51.
  • Stephen H. Sumida: And the View from the Shore: Literary Traditions of Hawaiʻi. University of Washington Press, 1991, ISBN 0295970782, page 228.
  • Moku Jōya: Mock Jōya's Things Japanese. Japan Times, Tokyo 1985, page 408–412.
  • Herbert E. Plutschow: A reader in Edo period travel. Global oriental, 2006, ISBN 1901903230, page 16–19.
  • Michaela Haustein: Mythologien der Welt: Japan, Ainu, Korea epubli, Berlin 2011, ISBN 3844214070, page 19.
  • Keiko I. McDonald: Reading a Japanese Film: Cinema in Context. University of Hawaii Press, Honolulu 2006, ISBN 082482993X, page 11.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ 湯本豪一編著 (2006). 続・妖怪図巻. 国書刊行会. tr. 161. ISBN 978-4-336-04778-6.
  2. ^ 粕三平編著 (1973). お化け図会. 芳賀書店. tr. 190. NCID BN0895133X.
  3. ^ a b 日野 2006, tr. 234
  4. ^ a b c 大藤他 1955, tr. 108-130
  5. ^ 浅井了意 (2001). 伽婢子・狗張子. 江戸怪談集. 藤堂憶斗訳. 鈴木出版. tr. 139. ISBN 978-4-7902-1101-3.
  6. ^ a b c d e 石塚 1977, tr. 56-59
  7. ^ 中村友紀夫他編 biên tập (1999). 妖怪の本 異界の闇に蠢く百鬼夜行の伝説. New sight mook. 学習研究社. tr. 38–39. ISBN 978-4-05-602048-9.
  8. ^ a b c 多田 2008, tr. 296-298
  9. ^ a b c 吉田 1978, tr. 32-34
  10. ^ 大藤時彦他 (1955). 民俗学研究所編 (biên tập). 綜合日本民俗語彙. 第2巻. 柳田國男監修. 平凡社. tr. 764. NCID BN05729787.
  11. ^ 小松 2015, tr. 68
  12. ^ 喜田貞吉編 biên tập (1975). 憑物. 山田野理夫補. 宝文館出版. tr. 192. NCID BN02663117.
  13. ^ 木村小舟他 (1978). 巌谷小波編 (biên tập). 大語園. 第1巻. 名著普及会. tr. 446–447. NCID BN02844836.
  14. ^ “Coyote”.