Giáo dục Việt Nam Cộng hòa
Nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa là nền giáo dục ở các vùng do chế độ Việt Nam Cộng hòa kiểm soát tại miền Nam Việt Nam từ 1955 tới 1975 (các vùng do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kiểm soát thì không áp dụng). Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa gồm tiểu học, trung học và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương tới địa phương. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa quy định về việc cố gắng xây dựng nền giáo dục cơ bản mang tính bắt buộc và miễn phí, các trường đại học tự trị, và những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn.[1]
Tuy nhiên, do ngân sách giáo dục eo hẹp, hệ thống trường học thiếu thốn và không có chính sách khuyến học hiệu quả nên có nhiều trẻ em nghèo vẫn không thể đến trường. Tới năm 1974 tỷ lệ người dân biết đọc và viết của Việt Nam Cộng hòa ước tính vào khoảng 70% dân số, tức là trong 20 năm tồn tại, Việt Nam Cộng hòa chưa thanh toán xong nạn mù chữ[2] (trong khi đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thanh toán xong nạn mù chữ ở đồng bằng và trung du miền Bắc ngay từ năm 1958[3]). Sau năm 1975, chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, trước tình trạng nhiều người dân miền Nam vẫn bị mù chữ, chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách Bình dân học vụ và đến cuối tháng 2 năm 1978, toàn bộ 21 tỉnh thành ở miền Nam đã cơ bản thanh toán xong nạn mù chữ[3][4].
Nhìn chung mô hình giáo dục ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1960-1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử trí thức và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chuyển sang mô hình giáo dục đại chúng và thực tiễn.
Tổng quan
Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả Lào cùng Cao Miên. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ. Sau khi chính phủ Việt Nam thành lập vào ngày 17 tháng 4 năm 1945,[5] chương trình học của Việt Nam - còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn ban hành trong khoảng thời gian từ 20 tháng 4 đến 20 tháng 6 năm 1945 dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam - được đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc, nhưng chỉ 2 tháng sau thì Đế quốc Việt Nam sụp đổ. Vì sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Đến thời Đệ Nhất Cộng hòa thì chương trình Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình cũ của Pháp. Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục người Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo.[6]
Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ Nhất Cộng hòa, những người làm công tác giáo dục ở miền Nam đã bắt đầu xây dựng các nền móng đầu tiên cho nền giáo dục. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị.[7] Nhìn chung, người ta thấy mô hình giáo dục ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn.
Tỷ lệ người đi học
Theo Nguyễn Thanh Liêm (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa), nền giáo dục VNCH chỉ tồn tại trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7–7,5% cho giáo dục). Tuy nhiên, cơ sở trường lớp đã phát triển nhanh, đáp ứng được một phần nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một nhóm trí thức có khả năng chuyên môn để xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp ở các quốc gia phát triển. Kết quả này là nhờ các nhà giáo có ý thức rõ ràng về sứ mạng, trách nhiệm và dành nhiều tâm huyết đóng góp cho nghề nghiệp, cũng như nhiều bậc phụ huynh đã đóng góp tài chính cho việc xây dựng cơ sở vật chất, cùng những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục.[6] Tuy nhiên, giáo dục VNCH vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm, tiêu biểu là mang lưới trường học bị thiếu hụt và mất cân đối, mức độ phổ cập giáo dục khá thấp, số trường trung học và đại học quá ít so với dân số, tỷ lệ trẻ em thất học cao, tỷ lệ người mù chữ vẫn còn khá lớn (xem số liệu ở dưới).
Năm học 1973–1974, Việt Nam Cộng hòa có 20% dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở giáo dục. Con số này bao gồm 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học sinh trung học, và 101.454 sinh viên đại học[2] Đến năm 1975, tổng số sinh viên trong các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người (không tính các sinh viên theo học ở Học viện Quốc gia Hành chánh và ở các trường đại học cộng đồng), chiếm 0,75% dân số.[8]
Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa thực hiện phổ cập tiểu học, mọi trẻ em đến 6 tuổi đều có quyền đăng ký đi học tại trường công. Tuy nhiên từ cấp 2 trở đi thì không được phổ cập. Học sinh tới lớp 5 (lớp cuối cùng của cấp tiểu học) sẽ phải trải qua một loạt các kỳ thi được đề ra với tỷ lệ đánh trượt cao ở từng giai đoạn. Cho đến niên học 1967 tổng cộng có bốn kỳ thi:[9]
- Thi bằng tiểu học khi xong lớp 6 để vào trung học đệ Nhất cấp. Kỳ thi có tính chọn lọc khá cao, tỷ lệ đậu vào trường công khoảng 62%[10]. Số 38% bị trượt phải vào trường tư và tự trang trải học phí, không được miễn phí như trường công. Một số học sinh rớt sẽ được ghi danh học lớp tiếp liên, dành riêng học chỉ những môn thi vào Đệ thất: Quốc văn, toán và thường thức.[11]
- Thi bằng Trung học đệ nhất cấp khi xong lớp 9. Tuy nhiên đây không phải là điều kiện bắt buộc để nhập học lớp 10.[9]
- Thi Tú tài I khi xong lớp 11. Học sinh không đậu không thể nhập học lớp 12.
- Thi Tú tài II cuối năm lớp 12. Không đậu Tú tài II thì không thể ghi danh học đại học.
Nói chung Tú tài I tỷ lệ đậu chỉ khoảng 15–30% và Tú tài II khoảng 30–45%.[12] Nam giới thi hỏng Tú tài I phải trình diện nhập ngũ quân đội[13] và đi quân dịch hai năm[14] hoặc vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang.
Do số thí sinh bị đánh trượt cao, học sinh thời Việt Nam Cộng hòa phải chịu áp lực rất lớn về thi cử nên phải học tập rất vất vả[15], và chỉ khoảng 24% tổng số thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18 là được đi học[16][17]. Nội san AĐS cho biết: “Cứ 100 em vào lớp đầu của bậc tiểu học thì chỉ có 3 em được học trung học đệ nhị cấp, còn 97 em bị hất ra ngoài nền giáo dục đại chúng của ông Thiệu, và trong tiểu học có 51% học sinh không được học lên lớp 4”.[18] Tới năm 1974, tỷ lệ người dân biết đọc và viết của Việt Nam Cộng hòa ước tính vào khoảng 70% dân số,[2] 30% còn lại vẫn mù chữ.
Sau năm 1975, Việt Nam Cộng hòa sụp đổ trong khi vẫn chưa giải quyết được tình trạng mù chữ, ít học trong một bộ phận không nhỏ người dân miền Nam. Trong Chỉ thị 221 CT/TW "Về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng", ngày 17-6-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh “Trước mắt, phải coi đây (nhiệm vụ xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá) là một nhiệm vụ cấp thiết số một.... Trước hết, phải xoá ngay nạn mù chữ trong cán bộ và thanh niên và tiếp tục bổ túc văn hoá cho họ, đồng thời phát động phong trào sôi nổi trong quần chúng nhằm mau chóng xoá nạn mù chữ trong nhân dân lao động, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ này trong hai năm”. Tháng 9-1976, trong thư gửi giáo viên và học sinh cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng lưu ý “Riêng đối với miền Nam, cần tập trung sức nhanh chóng xoá xong nạn mù chữ và đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên công nông...”. Phong trào bình dân học vụ nhằm giải quyết tình trạng người dân mù chữ trong chế độ cũ được thực hiện. Cuối tháng 2-1978, tất cả 21 tỉnh và thành phố ở miền Nam đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xoá nạn mù chữ.[3]
Triết lý giáo dục
Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Bộ đã tổ chức nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật... Ba nguyên tắc giáo dục là "nhân bản", "dân tộc", và "khai phóng" được chính thức hóa ở hội nghị này.[19][20][21] Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967). Tuy nhiên, không có văn bản cụ thể hóa cách hiểu ba nguyên tắc này là như thế nào. Theo Nguyễn Thanh Liêm trong một công trình nghiên cứu xuất bản tại Santa Ana năm 2006, và theo tài liệu Chính sách văn hóa giáo dục của Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa ấn hành năm 1972, những nguyên tắc trên có thể hiểu như sau[22]:
- Nhân bản: chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế giới; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời làm căn bản; xem con người như một động lực của sự phát triển chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ. Đề cao những giá trị thiêng liêng của con người. Chủ trương sự phát triển quân bình và toàn diện của mỗi người và mọi người. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.[19][22]
- Dân tộc: tôn trọng giá trị đặc thù, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải biểu hiện, bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác. Giáo dục còn nhằm bảo đảm sự đoàn kết và trường tồn của dân tộc, sự phát triển điều hòa và toàn diện của quốc gia.[19][22]
- Khai phóng: Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải không ngừng hướng tới sự tiến bộ, tôn trọng tinh thần khoa học, mở rộng tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, tinh hoa văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới, góp phần phát triển sự cảm thông và hợp tác quốc tế, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.[19][22]
Tuy nhiên, suốt đến khi chấm dứt tồn tại, chính phủ Việt Nam Cộng hòa vẫn chưa có văn bản cụ thể hóa cách hiểu ba nguyên tắc này là như thế nào. Vì vậy, những lý thuyết "nhân bản, dân tộc, khai phóng" tuy nghe thì lý tưởng nhưng khi áp dụng vào thực tế thì bị lúng túng, vá víu. Do không có văn bản quy định chi tiết nên ở mỗi địa phương, mỗi nhà giáo lại hiểu 3 nguyên tắc đó theo hướng khác hẳn nhau, việc đặt ra triết lý giáo dục bị xem là không có tính khả thi.[15]
Tác giả Nguyễn Tử Lộc là một giáo viên ở miền Nam thời kỳ đó, năm 1966 đã nhận xét: 3 triết lý nêu trên nghe thì rất quý báu, cao cả, nhưng chúng vẫn chỉ là khẩu hiệu ở trên giấy, còn số liệu thực tế lại khác hẳn: một nửa số trẻ em không được đi học tiểu học, 50% dân chúng vẫn còn mù chữ, nhiều trường tư chỉ dành cho con em nhà giàu, tổng số học sinh, sinh viên ngành kỹ thuật chỉ là 0,5% tổng số học sinh, sinh viên; sự mê tín dị đoan thì vẫn còn ngự trị trong khắp miền thôn quê chiếm 80% dân số. Khi tình trạng đó chưa được cải thiện, thì "nhân bản, dân tộc, khai phóng" cũng chỉ là khẩu hiệu suông và không có ý nghĩa gì trong thực tế.[23]
Mục tiêu giáo dục
Theo Nguyễn Thanh Liêm thì những mục tiêu giáo dục được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở thành người có thái độ như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại, ví dụ như:
- Phát triển toàn diện mỗi cá nhân: Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức.[19]
- Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương đất nước mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.[19]
- Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.[19]
Giáo dục tiểu học và trung học
lớp năm | lớp 1 |
lớp bốn | lớp 2 |
lớp ba | lớp 3 |
lớp nhì | lớp 4 |
lớp nhất | lớp 5 |
lớp đệ thất | lớp 6 |
lớp đệ lục | lớp 7 |
lớp đệ ngũ | lớp 8 |
lớp đệ tứ | lớp 9 |
lớp đệ tam | lớp 10 |
lớp đệ nhị | lớp 11 |
lớp đệ nhất | lớp 12 |
Số liệu giáo dục bậc tiểu học[24] | ||
---|---|---|
Niên học | Số học sinh | Số lớp học |
1955 | 400.865 | 8.191 |
1957 | 717.198[25] | |
1959 | 1.115.000[26] | |
1960 | 1.230.000[25] | |
1961 | 1.376.361[27] | |
1963 | 1.450.679 | 30.123 |
1964 | 1.554.063[28] | |
1965 | 1.633.212[29] | |
1970 | 2.556.000 | 44.104 |
Giáo dục tiểu học
Bậc tiểu học thời Việt Nam Cộng hòa bao gồm năm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 (thời Đệ Nhất Cộng hòa gọi là lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhất). Theo quy định của Hiến pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục phổ cập (bắt buộc).[30] Từ thời Đệ Nhất Cộng hòa đã có luật quy định trẻ em phải đi học ít nhất ba năm tiểu học.[31] Mỗi năm học sinh phải thi để lên lớp. Ai thi trượt phải học "đúp", tức học lại lớp đó. Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác. Học sinh tiểu học chỉ học một buổi, sáu ngày mỗi tuần. Theo quy định, một ngày được chia ra 2 ca học; ca học buổi sáng và ca học buổi chiều. Vào đầu thập niên 1970, Việt Nam Cộng hòa có 2,5 triệu học sinh tiểu học, 82%[16] tổng số thiếu niên từ 6 đến 11 tuổi[17] theo học ở 5.208 trường tiểu học (chưa kể các cơ sở ở Phú Bổn, Vĩnh Long, và Sa Đéc).[32]
Tất cả trẻ em từ 6 tuổi đều được nhận vào lớp Một để bắt đầu bậc tiểu học. Phụ huynh có thể chọn lựa cho con em vào học miễn phí cho hết bậc tiểu học trong các trường công lập hay tốn học phí (tùy trường) tại các trường tiểu học tư thục.[33] Lớp 1 (trước năm 1967 gọi là lớp Năm) cấp tiểu học mỗi tuần học 25 giờ, trong đó 9,5 giờ môn quốc văn; 2 giờ bổn phận công dân và đức dục (còn gọi là lớp Công dân giáo dục).[34] Lớp 2 (trước năm 1967 gọi là lớp Tư), quốc văn giảm còn 8 tiếng nhưng thêm 2 giờ sử ký và địa lý. Lớp 3 trở lên thì ba môn quốc văn, công dân và sử địa chiếm 12–13 tiếng mỗi tuần.[35] Một năm học kéo dài chín tháng, nghỉ ba tháng hè. Trong năm học có khoảng 10 ngày nghỉ lễ (thông thường vào những ngày áp Tết).[36]
Đối với các sắc tộc người Thượng, sắc luật 033 ngày 29 Tháng 8, 1967 ấn định việc giảng dạy thổ ngữ cùng với tiếng Việt ở bậc tiểu học nên có bốn bộ sách giáo khoa cho bốn thứ tiếng Jarai, Rhadé, Kaho và Bahnar. Đến năm 1971 thì hoàn thành tổng cộng 12 bộ sách cho 12 ngôn ngữ Thượng.[37]
Giáo dục trung học
Tính đến đầu những năm 1970, Việt Nam Cộng hòa có hơn 550.000 học sinh trung học, tức 24%[16] tổng số thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18;[17] có 534 trường trung học (chưa kể các cơ sở ở Vĩnh Long và Sa Đéc).[32] Đến năm 1975 thì có khoảng 900.000 học sinh ở các trường trung học công lập. Các trường trung học công lập nổi tiếng thời đó có Pétrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trưng Vương, Gia Long, Lê Quý Đôn (Sài Gòn) tiền thân là Trường Chasseloup Laubat, Quốc Học (Huế), Trường Trung học Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Phan Thanh Giản (Cần Thơ)... Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác. Các trường tư thục thì thu học phí với mức khác nhau (tùy từng trường và khối lớp).
- Trung học đệ nhất cấp
Trung học đệ nhất cấp bao gồm bốn lớp 6 đến lớp 9 (trước năm 1970 gọi là lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ), tương đương trung học cơ sở hiện nay. Từ tiểu học phải thi vào trung học đệ nhất cấp. Đậu vào trường trung học công lập không dễ. Các trường trung học công lập hàng năm đều tổ chức tuyển sinh vào lớp Đệ thất (từ năm 1970 gọi là lớp 6), kỳ thi có tính chọn lọc khá cao (tỷ số chung toàn quốc vào trường công khoảng 62%);[10] tại một số trường danh tiếng tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn 10%. Những học sinh không vào được trường công thì có thể nhập học trường tư thục nhưng phải tự trả học phí. Một năm học được chia thành hai "lục cá nguyệt" (hay "học kỳ"). Kể từ lớp 6, học sinh bắt đầu phải học ngoại ngữ, thường là tiếng Anh hay tiếng Pháp. Môn Công dân giáo dục tiếp tục với thời lượng 2 giờ mỗi tuần.[38] Từ năm 1966 trở đi, môn võ Vovinam (tức Việt Võ đạo) cũng được đưa vào giảng dạy ở một số trường.[39] Học xong năm lớp 9 thì thi bằng Trung học đệ nhất cấp (tiếng Pháp: brevet d'etudes du premier cycle). Kỳ thi này thoạt tiên có hai phần: viết và vấn đáp. Năm 1959 bỏ phần vấn đáp[40] rồi đến niên học 1966–67 thì Bộ Quốc gia Giáo dục bãi bỏ hẳn kỳ thi Trung học đệ nhất cấp.[41]
Số liệu giáo dục bậc trung học[24] | ||
---|---|---|
Niên học | Số học sinh | Số lớp học |
1955 | 51.465 | 890 |
1959 | 132.529[26] | |
1960 | 160.500[25] | |
1961 | 228.495 [27] | |
1963 | 264.866 | 4.831 |
1964 | 291.965[28] | |
1965 | 323.823[29] | |
1967–68 | 471.000[16] | |
1968–69 | 554.000[16] | |
1969–70 | 632.000[16] | 9.069 |
- Trung học đệ nhị cấp
Trung học đệ nhị cấp là các lớp 10, 11 và 12, trước 1971 gọi là đệ tam, đệ nhị và đệ nhất; tương đương trung học phổ thông hiện nay. Muốn vào thì phải đậu được bằng Trung học đệ nhất cấp, tức bằng Trung học cơ sở. Vào đệ nhị cấp, học sinh phải chọn học theo một trong bốn ban như dự bị vào đại học.[42] Bốn ban thường gọi A, B, C, D theo thứ tự là khoa học thực nghiệm hay còn gọi là ban vạn vật; ban toán; ban văn chương; và ban văn chương cổ ngữ, thường là Hán văn và La Tinh. Ngoài ra học sinh cũng bắt đầu học thêm một ngoại ngữ thứ hai.[43] Vào năm lớp 11 thì học sinh phải thi Tú tài I rồi thi Tú tài II năm lớp 12. Thể lệ này đến năm học 1972–1973 thì bỏ, chỉ thi một đợt tú tài phổ thông. Thí sinh phải thi tất cả các môn học được giảng dạy (trừ môn Thể dục), đề thi gồm các nội dung đã học, không có giới hạn hoặc bỏ bớt. Hình thức thi kể từ năm 1974 cũng bỏ lối viết bài luận (essay) mà theo lối thi trắc nghiệm có tính cách khách quan hơn.[44] Mỗi năm có hai đợt thi Tú tài tổ chức vào khoảng tháng 6 và tháng 8.[45] Tỷ lệ đậu Tú tài I (15–30%) và Tú tài II (30–45%) tại các trường công lập nhìn chung tỷ lệ đậu cao hơn trường tư thục do phần lớn học sinh đã được sàng lọc qua kỳ thi vào lớp 6 rồi.[46]
Do tỷ lệ đậu kỳ thi Tú tài khá thấp nên vào được đại học là một chuyện khó. Thí sinh đậu được xếp thành: Hạng "tối ưu" hay "ưu ban khen" (18/20 điểm trở lên), thí sinh đậu Tú tài II hạng tối ưu thường hiếm, mỗi năm toàn Việt Nam Cộng hòa chỉ một vài em đậu hạng này, có năm không có; hạng "ưu" (16/20 điểm trở lên); "bình" (14/20); "bình thứ" (12/20), và "thứ" (10/20).[47] Một số trường trung học chia theo phái tính như ở Sài Gòn thì có trường Pétrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trường Hồ Ngọc Cẩn (Gia Định) và các trường Quốc học (Huế), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Cường Để (Quy Nhơn), Tăng Bạt Hổ (Bồng Sơn), Võ Tánh (Nha Trang), Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Phan Thanh Giản (Cần Thơ) dành cho nam sinh. Các trường Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Huế), Trường Nữ Trung học Hồng Đức (Đà Nẵng), Trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) chỉ dành cho nữ sinh. Học sinh trung học lúc bấy giờ phải mặc đồng phục: nữ sinh thì áo dài trắng, quần trắng hay đen; còn nam sinh thì mặc áo sơ mi trắng, quần màu xanh dương.[48]
- Trung học tổng hợp
Chương trình giáo dục trung học tổng hợp (tiếng Anh: comprehensive high school) là một chương trình giáo dục thực tiễn phát sinh từ quan niệm giáo dục của triết gia John Dewey, sau này được nhà giáo dục người Mỹ là James B. Connant hệ thống hóa và đem áp dụng cho các trường trung học Hoa Kỳ. Chương trình này chú trọng đến khía cạnh thực tiễn và hướng nghiệp, đặt nặng vào các môn tư vấn, kinh tế gia đình, kinh doanh, công-kỹ nghệ, v.v... nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn, giúp họ có thể mưu sinh sau khi rời trường trung học. Ở từng địa phương, phụ huynh học sinh và các nhà giáo có thể đề nghị những môn học đặc thù khả dĩ có thể đem ra ứng dụng ở nơi mình sinh sống.[49] Từ thời Đệ Nhất Cộng hòa năm 1962, phái đoàn Ohio University do USAID đài trợ đã gửi người sang giúp canh tân giáo trình trung học. Nhưng phải đợi đến năm 1965, chính phủ mới cho thử nghiệm chương trình trung học tổng hợp, nhập đệ nhất và đệ nhị cấp lại với nhau. Tổng cộng có ba trường tiên khởi đặt ở Huế (1965), Thủ Đức (1966) và Cần Thơ (1967) do Bộ Quốc gia Giáo dục điều hành. Tuy nhiên vì chiến cuộc và nhân sự, chỉ có Trường Thủ Đức hoạt động thành công áp dụng mô hình tổng hợp.[50] Sau đó chương trình mở rộng thêm ở một số trường như Nguyễn An Ninh (cho nam sinh; 93 đường Trần Nhân Tông, Quận 10) và Sương Nguyệt Anh (cho nữ sinh; góc đường Hòa Hảo và Vĩnh Viễn, gần chùa Ấn Quang) ở Sài Gòn, và Chưởng binh Lễ ở Long Xuyên.[51] Trường Trung học Kiểu mẫu Huế (nay là một phần của Trường Sư Phạm Huế)
- Trung học kỹ thuật
Số liệu giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp[52] | |
---|---|
Niên học | Số học sinh |
1962 | 6.820 |
1965 | 9.165 |
Các trường trung học kỹ thuật nằm trong hệ thống giáo dục kỹ thuật, kết hợp việc dạy nghề với giáo dục phổ thông. Các học sinh trúng tuyển vào trung học kỹ thuật thường được cấp học bổng toàn phần hay bán phần. Mỗi tuần học 42 giờ; hai môn ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh và tiếng Pháp.[53] Các trường trung học kỹ thuật có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố; ví dụ, công lập thì có Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (thành lập năm 1956; tiền thân là Trường Cơ khí Á châu thành lập năm 1906 ở Sài Gòn; nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng),[54], Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc, Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ; tư thục thì có Trường Trung học Kỹ thuật Don Bosco (do các tu sĩ Dòng Don Bosco thành lập năm 1956 ở Gia Định; nay là Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh).[53][55] Trường Trung học Kỹ thuật Huế (nay là Trường Công nghiệp Huế); Trường Nông lâm Súc Huế (nay là Trường Đại học Nông Lâm Huế).
Các trường tư thục và Quốc gia Nghĩa tử
Số liệu giáo dục tư thục[56] | ||
---|---|---|
Niên học | Số học sinh tiểu học | Số học sinh trung học |
1960–61 | 105.752 | 270.545 |
- Các trường tư thục của các tôn giáo
Ngoài hệ thống trường công lập của chính phủ là hệ thống trường tư thục. Vào năm 1964 các trường tư thục giáo dục 28% trẻ em tiểu học và 62% học sinh trung học.[28] Đến niên học 1970–1971 thì trường tư thục đảm nhiệm 17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học.[57] Tính đến năm 1975, Việt Nam Cộng hòa có khoảng 1,2 triệu học sinh ghi danh học ở hơn 1.000 trường tư thục ở cả hai cấp tiểu học và trung học.[58] Các trường tư thục nổi tiếng như Lasan Taberd dành cho nam sinh; Couvent des Oiseaux de Dalat, Couvent des Oiseaux de Saigon-Regina Mundi (Nữ vương Thế giới), và Regina Pacis (Nữ vương Hòa bình) dành cho nữ sinh. Bốn trường này nằm dưới sự điều hành của Giáo hội Công giáo. Tổng cộng Giáo hội Công giáo sở hữu 226 trường trung học, 1030 trường tiểu học.[59]
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có hệ thống các trường tiểu học và trung học Bồ đề ở nhiều tỉnh thành, tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường Bồ đề, trong đó có 65 trường trung học với tổng số học sinh là 58.466. Ngoài ra còn có một số trường do chính phủ Pháp tài trợ như Marie-Curie, Colette, Saint-Exupéry,[60] Lycée Yersin (Đà Lạt), College Đà Nẵng, và College Nha Trang. Những trường này theo giáo trình của Pháp để học sinh thi tú tài Pháp.[61] Kể từ năm 1956, tất cả các trường học tại Việt Nam, bất kể trường tư hay trường do ngoại quốc tài trợ, đều phải dạy một số giờ nhất định cho các môn quốc văn và lịch sử Việt Nam.[62] Chương trình học chính trong các trường tư vẫn theo chương trình mà Bộ Quốc gia Giáo dục đã đề ra, dù có thể thêm một số giờ hoặc môn kiến thức thêm. Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tổng cộng có 1.087 trường tư thục ở miền Nam bị giải thể và trở thành trường công (hầu hết mang tên mới).[63]
- Các trường người Việt gốc Hoa
Trường Bác ái (Collège Fraternité) ở Chợ Quán với đa số học sinh là người Việt gốc Hoa cũng là một tư thục có tiếng do các thương hội người Hoa bảo trợ.[64] Theo Quy học chánh ban hành năm 1957 và tu chính năm 1958 đối với trường tư thục của người Hoa thì chính phủ đòi hỏi các trường tiểu học phải dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ và tiếng Hoa bị liệt vào hàng ngoại ngữ, hạn chế dạy tối đa sáu (6) giờ/tuần. Những năm kế tiếp quy định này cũng áp dụng với cấp trung học.[65] Vào năm 1962 có 16 trường trung học của cộng đồng người Hoa với 5.635 học sinh.[56] Nếu tính cả tiểu và trung học gộp lại thì có khoảng 70.000 học sinh trường Hoa vào đầu thập niên 1960.[65]
- Các trường Quốc gia Nghĩa tử
Ngoài hệ thống các trường công lập và tư thục kể trên, Việt Nam Cộng hòa còn có hệ thống thứ ba là các trường Quốc gia Nghĩa tử. Tuy đây là trường công lập nhưng không đón nhận học sinh bình thường mà chỉ dành riêng cho các con em của tử sĩ hoặc thương phế binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa như là một ưu đãi của chính phủ giúp đỡ không chỉ phương tiện học hành mà cả việc nuôi dưỡng. Hệ thống này bắt đầu hoạt động từ năm 1963 ở Sài Gòn, sau khai triển thêm ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, và Biên Hòa. Tổng cộng có 7 cơ sở với hơn 10.000 học sinh. Loại trường này do Bộ Cựu Chiến binh quản lý chứ không phải Bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng vẫn dùng giáo trình của Bộ Quốc gia Giáo dục. Chủ đích của các trường Quốc gia Nghĩa tử là giáo dục phổ thông và hướng nghiệp cho học sinh chứ không huấn luyện quân sự.[66][67] Vì vậy trường Quốc gia Nghĩa tử khác trường thiếu sinh quân. Sau năm 1975, các trường Quốc gia Nghĩa tử cũng bị giải thể.
Giáo dục đại học
Số liệu giáo dục bậc đại học | |
---|---|
Niên học | Số sinh viên |
1959 | 7.500[26] |
1960–61 | 11.708[68] |
1961 | 15.621[27] |
1962 | 16.835[28] |
1964 | 20.834[28] |
1965 | 26.560[52] |
1967-68 | 36.000[69] |
1970 | 50.000[16] |
1974-75 | 166.475[70] |
Học sinh đậu được Tú tài II thì có thể ghi danh vào học ở một trong các viện đại học, trường đại học, và học viện trong nước. Tuy nhiên, ở một số nơi vì số lượng tuyển sinh rất có giới hạn nên học sinh phải dự một kỳ thi tuyển có tính chọn lọc rất cao; các trường này thường là Y, Dược, Nha, Kỹ thuật, Quốc gia Hành chánh, và Sư phạm. Việc tuyển chọn dựa trên khả năng của thí sinh, hoàn toàn không xét đến lý lịch gia đình. Sinh viên học trong các cơ sở giáo dục công lập thì không phải đóng tiền học phí. Chỉ ở một vài trường hay phân khoa đại học thì sinh viên mới đóng lệ phí thi vào cuối năm học. Ngoài ra, chính phủ còn có những chương trình học bổng cho sinh viên.[33]
Chương trình học trong các cơ sở giáo dục đại học được chia làm ba cấp. Cấp 1 (học 4 năm): Nếu theo hướng các ngành nhân văn, khoa học, v.v.. thì lấy bằng cử nhân (ví dụ: cử nhân Triết, cử nhân Toán...); nếu theo hướng các ngành chuyên nghiệp thì lấy bằng tốt nghiệp (ví dụ: bằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, bằng tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh...) hay bằng kỹ sư (ví dụ: kỹ sư Điện, kỹ sư Canh nông...). Cấp 2: học thêm 1–2 năm và thi lấy bằng cao học hay tiến sĩ đệ tam cấp (tiếng Pháp: docteur de troisième cycle; tương đương thạc sĩ ngày nay). Cấp 3: học thêm 2–3 năm và làm luận án thì lấy bằng tiến sĩ (tương đương với bằng Ph.D. của Hoa Kỳ). Riêng ngành y, vì phải có thời gian thực tập ở bệnh viện nên sau khi học xong chương trình dự bị y khoa phải học thêm 6 năm hay lâu hơn mới xong chương trình đại học.[71]
Mô hình các cơ sở giáo dục đại học
Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa được tổ chức theo mô hình viện đại học. Đây là mô hình tương tự như university của Hoa Kỳ và Tây Âu, cùng với nó là hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Mỗi viện đại học bao gồm nhiều phân khoa đại học (thường gọi tắt là phân khoa, ví dụ: Phân khoa Y, Phân khoa Sư phạm, Phân khoa Khoa học, v.v...) hoặc trường đại học trực thuộc (ví dụ: Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật, v.v...). Trong mỗi phân khoa đại học hay trường đại học trực thuộc lại chia ra các ngành (ví dụ: ngành Điện tử, ngành Công chánh, v.v...); về mặt tổ chức, mỗi ngành tương ứng với một ban (tương đương với đơn vị khoa hiện nay).[72]
Trong thập niên 1960 và 1970, lúc hội nghị hòa bình diễn ra ở Paris, Việt Nam Cộng hòa ráo riết lên kế hoạch tái thiết hậu chiến, với viễn cảnh là hòa bình sẽ lập lại ở Việt Nam, một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập, người lính từ các bên trở về cần được đào tạo để tái hòa nhập vào xã hội. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, có hai mô hình cơ sở giáo dục đại học mới và mang tính thực tiễn được hình thành: trường đại học cộng đồng và viện đại học bách khoa.[73]
Trường đại học cộng đồng là một cơ sở giáo dục đại học sơ cấp và đa ngành. Sinh viên học ở đây để chuyển tiếp lên học ở các viện đại học lớn, hoặc mở mang kiến thức, hoặc học nghề để ra làm việc. Các trường đại học cộng đồng được thành lập với sự tham gia đóng góp, xây dựng, và quản trị của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương trong các mặt văn hóa, xã hội, và kinh tế. Khởi điểm của mô hình giáo dục này là một nghiên cứu của ông Đỗ Bá Khê tiến hành vào năm 1969 mà các kết quả sau đó được đưa vào một luận án tiến sĩ trình ở Viện Đại học Nam California vào năm 1970 với tựa đề The Community College Concept: A Study of its Relevance to Postwar Reconstruction in Vietnam (Khái niệm trường đại học cộng đồng: Nghiên cứu sự phù hợp của nó với công cuộc tái thiết hậu chiến ở Việt Nam). Cơ sở đầu tiên được hình thành là Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang, thành lập vào năm 1971 ở Định Tường sau khi mô hình giáo dục mới này được mang đi trình bày sâu rộng trong dân chúng.[73]
Vào năm 1973, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức được thành lập. Đây là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, và chú trọng đến các ngành thực tiễn. Trong thời gian đầu, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức có các trường đại học chuyên về nông nghiệp, kỹ thuật, giáo dục, khoa học và nhân văn, kinh tế và quản trị, và thiết kế đô thị; ngoài ra còn có trường sau đại học. Theo kế hoạch, các cơ sở giáo dục đều có một khuôn viên rộng lớn, tạo môi trường gợi cảm hứng cho suy luận, cảnh trí được thiết kế nhằm nâng cao óc sáng tạo; quản lý hành chính tập trung để tăng hiệu năng và giảm chi phí.[73]
Theo như Hiến pháp quy định thì nền giáo dục đại học được tự trị.[74] Tuy nhiên, Tổng thống bổ nhiệm viện trưởng các viện đại học.[75] Về học vụ, sự thành lập các khoa, trường, ngành học, văn bằng, chứng chỉ vẫn phải do Bộ Giáo dục chấp thuận, về nhân viên, việc tuyển dụng, lương bổng, thăng thưởng, sa thải phải do Bộ Giáo dục và Tổng Nha Công vụ chấp thuận, về Ngân sách: Quyền chuẩn chi được ủy nhiệm cho Viện trưởng". Như vậy, về hành chính, Viện Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục, và có thể bị chi phối bởi Bộ Giáo dục và Tổng Nha Công vụ chứ không hẳn là tự trị. Chính quyền Sài Gòn chỉ muốn xây dựng Viện Đại học hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền hoặc đảng phái hay cá nhân người lãnh đạo, bởi vậy, trong cộng đồng sinh viên đại học miền Nam từng dấy lên nhiều phong trào đấu tranh đòi thực thi tự trị đại học.[76] Các Viện trưởng Đại học và Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh được xếp ngang Thứ trưởng một bộ. Ngoài những trường đào tạo công chức chính ngạch như Đại học Sư phạm, Học viện Quốc gia Hành chánh, phải thi tuyển vào và sinh viên được hưởng một khoản học bổng đáng kể hàng tháng, hầu hết các phân khoa của các Viện Đại học công lập khác đều theo thể thức ghi danh, các sinh viên không phải thi tuyển mà chỉ ghi danh nhập học và không phải đóng một khoản học phí nào trong suốt các năm học.[77]
Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học thời Việt Nam Cộng hòa bị đổi tên và bị phân tán theo khuôn mẫu giáo dục của Liên Xô nên không còn mô hình theo đó các trường hay phân khoa đại học cấu thành viện đại học, mà mỗi trường trở nên biệt lập.[78] Giáo dục đại học Việt Nam dưới các chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo mô hình phân tán ngành học.[79] Các "trường đại học bách khoa" được thành lập dưới hai chính thể này không giống như mô hình viện đại học bách khoa vì chỉ tập trung vào các ngành kỹ thuật. Tương tự, mô hình "trường đại học tổng hợp" cũng chỉ tập trung vào các ngành khoa học cơ bản, chứ không mang tính chất toàn diện. Đến đầu thập niên 1990, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới thành lập hai "đại học" cấp quốc gia và ba "đại học" cấp vùng theo mô hình gần giống như mô hình viện đại học. Vào tháng 10 năm 2009, một số đại biểu Quốc hội đưa ra đề nghị gọi tên các "đại học" cấp quốc gia và cấp vùng là "viện đại học".[80]
Các viện đại học công lập
- Viện Đại học Sài Gòn: Tiền thân là Viện Đại học Đông Dương (1906), rồi Viện Đại học Quốc gia Việt Nam (1955) - còn có tên là Viện Đại học Quốc gia Sài Gòn. Năm 1957, Viện Đại học Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Viện Đại học Sài Gòn. Đây là viện đại học lớn nhất miền Nam. Trước năm 1964, tiếng Việt lẫn tiếng Pháp được dùng để giảng dạy ở bậc đại học, nhưng sau đó thì chỉ dùng tiếng Việt theo chính sách ngôn ngữ theo đuổi từ năm 1955.[81] Riêng Trường Đại học Y khoa dùng cả tiếng Anh. Vào thời điểm năm 1970, hơn 70% sinh viên đại học dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa ghi danh học ở Viện Đại học Sài Gòn.[82]
- Viện Đại học Huế: Thành lập vào tháng 3 năm 1957 với 5 phân khoa đại học: Khoa học, Luật, Sư phạm, Văn khoa, và Y khoa.[83]
- Viện Đại học Cần Thơ: Thành lập năm 1966 với 4 phân khoa đại học: Khoa học, Luật khoa & Khoa học Xã hội, Sư phạm, và Văn khoa.
- Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức: Thành lập năm 1974. Tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật (1957), Học viện Quốc gia Kỹ thuật (1972).
Các viện đại học tư thục
- Viện Đại học Đà Lạt: Thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1957. Một phần cơ sở của Viện Đại học Đà Lạt nguyên là một chủng viện của Giáo hội Công giáo. Viện đại học này có 4 phân khoa đại học: Chính trị Kinh doanh, Khoa học, Sư phạm, Thần học và Văn khoa. Theo ước tính, từ năm 1957 đến 1975, viện đại học này đã giáo dục 26.551 người.[84]
- Viện Đại học Vạn Hạnh: Thuộc khối Ấn Quang của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; thành lập ngày 17 tháng 10 năm 1964 ở số 222 đường Trương Minh Giảng (sau 1975 là đường Lê Văn Sỹ), Quận 3, Sài Gòn-Gia Định với 5 phân khoa đại học: Giáo dục, Phật học, Khoa học xã hội, Khoa học ứng dụng, và Văn học & Khoa học nhân văn. Vào đầu thập niên 1970, Vạn Hạnh có hơn 3.000 sinh viên.[85][86]
- Viện Đại học Phương Nam: Được cấp giấy phép năm 1967, tọa lạc ở số 16 đường Trần Quốc Toản (sau năm 1975 là đường 3 Tháng Hai), Quận 10, Sài Gòn. Viện đại học này thuộc khối Việt Nam Quốc Tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo sư Lê Kim Ngân làm viện trưởng. Viện Đại học Phương Nam có 3 phân khoa đại học: Kinh tế-Thương mại, Ngoại ngữ, và Văn khoa. Vào thập niên 1970, viện đại học này có khoảng 750 sinh viên ghi danh.[85]
- Viện Đại học An Giang (Hòa Hảo): Thành lập năm 1970 ở Long Xuyên với 5 phân khoa đại học: Văn khoa, Thương mại-Ngân hàng, Bang giao Quốc tế, Khoa học Quản trị và Sư phạm.[87] Viện Đại học này trực thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.
- Viện Đại học Cao Đài: Thành lập năm 1971 trên đường Ca Bảo Đạo[88] ở Tây Ninh với 3 phân khoa đại học: Thần học Cao Đài, Nông lâm mục, và Sư phạm.[89][90] Viện Đại học này trực thuộc Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh.
- Viện Đại học Minh Đức: Được cấp giấy phép năm 1972, trụ sở ở Sài Gòn với 5 phân khoa đại học: Kỹ thuật Canh nông, Khoa học Kỹ thuật, Kinh tế Thương mại, Nhân văn Nghệ thuật, và Y khoa. Viện Đại học này do Giáo hội Công giáo điều hành.
Các học viện và viện nghiên cứu
- Học viện Quốc gia Hành chánh: Cơ sở này được thành lập từ thời Quốc gia Việt Nam với văn bản ký ngày 29 tháng 5 năm 1950 nhằm đào tạo nhân sự chuyên môn trong lãnh vực công quyền như thuế vụ và ngoại giao. Trường sở đặt ở Đà Lạt; năm 1956 thì dời về Sài Gòn[91] đặt ở đường Alexandre de Rhodes; năm 1958 thì chuyển về số 100 đường Trần Quốc Toản (gần góc đường Cao Thắng, sau năm 1975 là đường 3 tháng 2), Quận 10, Sài Gòn.[92][93] Học viện này trực thuộc Phủ Thủ tướng hay Phủ Tổng thống, đến năm 1973 thì thuộc Phủ Tổng ủy Công vụ. Học viện có chương trình hai năm cao học, chia thành ba ban cao học, đốc sự, và tham sự.[94]
- Học viện Quốc gia Nông nghiệp (1972–1974): tiền thân là Trường Cao đẳng Nông lâm súc (1962–1968), Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (1968–1972) rồi nhập vào Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức năm 1974.
- Ngoài những học viện trên, Việt Nam Cộng hòa còn duy trì một số cơ quan nghiên cứu khoa học như Viện Pasteur Sài Gòn, Viện Pasteur Đà Lạt, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nguyên tử lực Đà Lạt, Viện Khảo cổ v.v. với những chuyên môn đặc biệt.[95]
Các trường đại học cộng đồng
Bắt đầu từ năm 1971 chính phủ mở một số trường đại học cộng đồng (theo mô hình community college của Hoa Kỳ) như Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang ở Mỹ Tho,[96] Duyên Hải ở Nha Trang,[97] Quảng Đà ở Đà Nẵng (1974),[98] và Long Hồ ở Vĩnh Long.[73] Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang đặt trọng tâm vào nông nghiệp; Trường Đại học Cộng đồng Duyên Hải hướng về ngư nghiệp.[97] Riêng Trường Long Hồ còn đang dang dở chưa hoàn tất thì chính thể Việt Nam Cộng hòa bị giải tán.[99] Ở Sài Gòn thì có Trường Đại học Regina Pacis (khai giảng vào năm 1973) dành riêng cho nữ sinh do Công giáo thành lập, và theo triết lý đại học cộng đồng.[97]
Các trường kỹ thuật và dạy nghề
Ngoài những trường đại học còn có hệ thống trường cao đẳng như Trường Bách khoa Phú Thọ và Trường Nông lâm súc. Một số những trường này sang thập niên 1970 được nâng lên tương đương với cấp đại học.
- Trường Quốc gia Nông lâm mục: Thoạt tiên là Nha Khảo cứu Đông Dương thành lập năm 1930 ở B'lao, cơ sở này đến năm 1955 thì nâng lên thành Trường Quốc gia Nông lâm mục với chương trình học bốn năm. Diện tích vườn thực nghiệm rộng 200 ha được chia thành những khu chăn nuôi gia súc, vườn cây công nghiệp, lúa thóc.[100] Qua từng giai đoạn Trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Nông lâm súc (1962–1968), Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (1968–1972), Học viện Quốc gia Nông nghiệp (1972–1974). Cuối cùng Trường Quốc gia Nông lâm mục được sáp nhập vào Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (có trụ sở ở số 45 đường Cường Để, Quận 1, Sài Gòn). Trường còn có chi nhánh ở Huế, Cần Thơ, và Bình Dương.[101]
- Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ: Thành lập năm 1957 thời Đệ Nhất Cộng hòa gồm bốn trường: Trường Cao đẳng Công chánh, Trường Cao đẳng Điện học, Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, và Trường Việt Nam Hàng hải. Năm 1968 lập thêm Trường Cao đẳng Hóa học. Năm 1972, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật đổi thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật và đến năm 1974 thì nhập với Trường Đại học Nông nghiệp để tạo nên Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức.[102][103]
- Học viện Cảnh sát Quốc gia: Thành lập năm 1966 để đào tạo nhân viên giữ an ninh và thi hành luật pháp.[104]
Các trường nghệ thuật
- Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ: Thành lập ngày 12 tháng 4 năm 1956 dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa. Chương trình học sau được bổ túc để bao gồm các bộ môn âm nhạc cổ điển Tây phương và truyền thống Việt Nam cùng kịch nghệ.
- Trường Quốc gia Âm nhạc Huế: Thành lập năm 1962 ở cố đô Huế,[105] chủ yếu dạy âm nhạc cổ truyền Việt Nam, dùng nhà hát Duyệt Thị Đường trong Kinh thành Huế làm nơi giảng dạy.[106]
- Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật: thành lập năm 1971, trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (tiền thân là Trường Mỹ nghệ Gia Định, thành lập năm 1940).
- Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn: thành lập sau năm 1954; chuyên đào tạo về nghệ thuật tạo hình với các chương trình học 3 và 7 năm. Vị giám đốc đầu tiên là họa sĩ Lê Văn Đệ (1954–1966).
Các trường giáo dục bình dân
Ngoài những cơ sở giáo dục chính quy, chính phủ còn hợp tác với những đoàn thể tư nhân tổ chức những lớp giáo dục bình dân, giúp xóa nạn mù chữ, nhắm lớp người 16 tuổi trở lên. Giáo trình là những lớp tập đọc, tập viết, toán, sử ký, địa lý, vệ sinh, nhạc lý, và công dân. Lớp học thường là buổi sáng hay buổi chiều, kéo dài hai giờ đồng hồ, nhóm họp ở đình, chùa, nhà thờ... Sách, vở, bút, giấy đều phát miễn phí. Sĩ số toàn quốc lên đến một triệu người vào năm 1960.[107] Trường Bách khoa Bình dân là một thí dụ.
Sinh viên du học ngoại quốc
Một số sinh viên bậc đại học được cấp giấy phép đi du học ở nước ngoài. Hai quốc gia thu nhận nhiều sinh viên Việt Nam vào năm là Pháp (2.059 năm 1959, 1.522 năm 1964) và Hoa Kỳ (102 năm 1959, 399 năm 1964), đa số theo học các ngành khoa học xã hội và kỹ sư.[28][108]
Tài liệu và dụng cụ giáo khoa
Thời gian đầu, giáo dục tiểu học Việt Nam Cộng hòa tiếp tục sử dụng bộ sách giáo khoa Việt Nam Tiểu học Tùng thư do Nha Học chính Đông Pháp soạn thảo trong giai đoạn 1920-1930. Các trường học còn sử dụng loại sách Tập Đọc Vui được soạn thảo và phát hành song song với sách giáo khoa.[109] Năm 1958, chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa cho lập Ban Tu thư thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để soạn, dịch, và in sách giáo khoa cho hệ thống giáo dục toàn quốc. Tính đến năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ấn hành xong 39 đầu sách tiểu học, 83 sách trung học, và 9 sách đại học.[110] Các giáo chức và họa sĩ làm việc trong Ban Tu thư đã soạn thảo trọn bộ sách cho bậc tiểu học. Bộ sách này được đánh giá cao cả về nội dung lẫn hình thức. Có nhiều sách đã được viết, dịch, và phát hành để học sinh và sinh viên có tài liệu tham khảo. Phần lớn sách giáo khoa và trang thiết bị dụng cụ học tập do Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục sản xuất và cung cấp với sự giúp đỡ của một số cơ quan nước ngoài. Trung tâm này còn hợp tác với UNESCO để viết và dịch sách dành cho thiếu nhi để giúp các em hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau và tạo sự đoàn kết giữa các nhi đồng trên thế giới. Bộ Giáo dục cũng dành riêng ngân quỹ để in sách giáo khoa bậc tiểu học cho gần 30 sắc tộc thiểu số khác nhau ở Việt Nam. Hầu hết sách giáo khoa các bậc học Tiểu học, Trung học và Đại học đều theo khuynh hướng phi chính trị hóa, chú trọng chủ yếu đến việc giáo dục con người. Người viết sách giáo khoa không bị một áp lực nào hay phải tuân theo một sự chỉ đạo nào.[109]
Ở bậc Trung học, không có một bộ sách giáo khoa nào do cơ quan giáo dục chính thống biên soạn và phát hành để thầy và trò dạy và học theo. Giáo viên tự chọn sách giáo khoa để dạy cho phù hợp với hoàn cảnh và quan điểm giáo dục của mình miễn sao tôn trọng đúng nội dung chương trình giáo dục do Bộ Quốc gia Giáo dục soạn thảo, giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi. Trên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều loại sách giáo khoa do các nhà giáo biên soạn. Sự chọn lọc, đào thải của thị trường sách giáo khoa giúp các giáo chức, học sinh tìm được những sách đứng đắn, có chất lượng để dạy và học. Ở bậc Đại học, với chủ trương một nền đại học tự trị, chính quyền Việt Nam Cộng hòa dành cho các viện Đại học quyền hạn rộng rãi trong việc sắp xếp chương trình giảng dạy, bố trí một đội ngũ giáo sư đại học phù hợp. Thông thường sách giáo khoa ở bậc học này do chính giáo sư các bộ môn soạn thảo và giảng dạy.[109]
Ngoài ra, để có sự thống nhất trong việc sử dụng các danh từ chuyên môn, Bộ Giáo dục cũng đã thiết lập Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ Chuyên môn bao gồm nhiều giáo sư đại học. Ủy ban đã soạn thảo và, thông qua Trung tâm Học liệu, ấn hành những tập đầu tiên trong lĩnh vực văn học và khoa học.[111] Trong những dự án đó Bộ cho in lại nguyên bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm.
Nhà giáo
Đào tạo giáo chức
Số liệu giáo viên[52] | |
---|---|
Niên học | Số giáo viên |
1965 | 2.443 |
1966 | 2.998 |
Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn (thành lập vào năm 1957) là cơ sở sư phạm đầu tiên, bắt đầu khai giảng năm 1958.[112] Sau có thêm các trường cao đẳng sư phạm ở Ban Mê Thuột, Huế, Vĩnh Long, Long An, và Quy Nhơn[113] Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên.[14] Ngoài ra còn có Trường Đại học Sư phạm Huế thuộc Viện Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Đà Lạt thuộc Viện Đại học Đà Lạt[114] và Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn sau được gọi là Trường Sư phạm Sài Gòn[115]. Vào thời điểm năm 1974, cả nước có 16 cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học với chương trình hai năm còn gọi là chương trình sư phạm cấp tốc. Chương trình này nhận những ai đã đậu được bằng Trung học Đệ nhất cấp.[116] Hằng năm chương trình này đào tạo khoảng 2.000 giáo viên tiểu học.[117] Giáo viên trung học thì phải theo học chương trình của trường đại học sư phạm (2 hoặc 4 năm).[118] Đối với giáo sư đại học thì đa số xuất thân từ Viện Đại học Đông Dương ở Hà Nội từ trước năm 1954. Số khác được đào tạo ở Pháp, Đức và Mỹ. Vào năm 1970 tổng cộng có 941 giáo sư giảng dạy ở các trường đại học của Việt Nam Cộng hòa.[82] Sinh viên các trường sư phạm được cấp học bổng nếu ký hợp đồng 10 năm làm việc cho nhà nước ở các trường công lập sau khi tốt nghiệp.[119] Giáo viên tiểu học và trung học tại các trường công được vào biên chế nhà nước, được xem là công chức còn giáo sư đại học làm việc tại các Viện đại học công lập theo hợp đồng do qui chế tự trị của bậc đại học.[115]
Nha Sư phạm (thuộc Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên) và các trường sư phạm thường xuyên tổ chức các chương trình tu nghiệp và các buổi hội thảo giáo dục để các giáo chức có dịp học hỏi và phát triển nghề nghiệp. Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên cũng đã gửi nhiều giáo chức đi tu nghiệp ở các nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Đức...[114]
Tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên phổ thông phổ biến trên toàn miền Nam Việt Nam ngoại trừ một số thành phố lớn. Thời Đệ nhất Cộng hòa, số trường tư chiếm tỉ lệ áp đảo. Thường mỗi tỉnh có một trường trung học công lập chính nằm ở tỉnh lỵ dạy đến hết bậc Trung học Đệ nhị cấp. Ở mỗi quận trong các tỉnh lớn, có một trường Tiểu học công lập và/hoặc trường Trung học Đệ nhất cấp. Bên cạnh những trường dạy thuần túy chương trình bằng tiếng Việt do chính quyền hay tư nhân quản lý, còn một số trường được thành lập từ thời Pháp thuộc dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp.[77] Thời kỳ 1954-1963, số giáo sư Trung học Đệ nhị cấp rất thiếu. Không phải tỉnh nào cũng có trường công lập Trung học Đệ nhất cấp. Một số học sinh Trung học Đệ nhị cấp ở các tỉnh nhỏ phải đi qua tỉnh lớn để học Trung học Đệ nhất cấp vì thiếu trường lớp. Sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm ở các thành phố lớn thường được đưa về các tỉnh để bổ sung cho lực lượng giáo viên tại địa phương. Giáo viên Tiểu học tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm được phân bổ xuống các trường Tiểu học cấp quận huyện trên cả nước. Sang nửa sau thập niên 1960, các trường Tiểu học cấp xã được bồ sung thêm “giáo viên ấp tân sinh”. Các trường tư thục thường xuyên bị thiếu giáo viên được đào tạo chính quy. Thời đó quy định giáo viên bậc Tiểu học phải có ít nhất bằng Tiểu học, dạy bậc Trung học Đệ nhất cấp phải có tối thiểu bằng Trung học Đệ nhất cấp, dạy bậc Trung học Đệ nhị cấp phải có bằng Tú Tài II trở lên. Có trường tư thục vì thiếu giáo viên đã tuyển người có khả năng giảng dạy nhưng không có điều kiện về bằng cấp theo quy định, đến cuối niên khóa, khi làm sổ Học bạ cho học sinh, phải thay tên người dạy thực sự bằng tên người khác có đủ điều kiện về văn bằng. Ở bậc Trung học Đệ nhị cấp, các trường tư thục còn sử dụng cả sinh viên đang học mấy năm cuối cùng bậc Đại học, nhất là sinh viên Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học.[115]
Đời sống và tinh thần giáo chức
Chỉ số lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470, giáo sư đại học là 640 trở lên. Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ Nhất Cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể thuê được người giúp việc trong nhà. Sang thời Đệ Nhị Cộng hòa, đời sống bắt đầu đắt đỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy đời sống chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn và Đà Nẵng. Tuy vậy, hầu hết các nhà giáo vẫn giữ vững tinh thần và tư cách của nhà mô phạm (người mẫu mực, người đóng vai trò hình mẫu), từ cách ăn mặc thật đứng đắn đến cách ăn nói, giao tiếp với phụ huynh và học sinh, và với cả giới chức chính quyền địa phương.[114]
Các giáo sư đại học là một thành phần xã hội ở trên cao, cách biệt rất lớn với hàng ngũ giáo chức trung, tiểu học và sinh viên đại học. Hầu hết các giáo sư đại học sinh trưởng trong các gia đình thượng lưu. Đa số đều đi dạy bằng ô tô. Các giáo sư đại học lúc bấy giờ toàn tâm toàn ý cho công cuộc giáo dục, đào tạo thế hệ trí thức tương lai, mà không hề chịu một sức ép nào, về kinh tế cũng như về chính trị. Nhiều giáo sư đại học được mời tham gia chính phủ trong cương vị Tổng trưởng, Bộ trưởng như Vũ Quốc Thông (Bộ trưởng Y tế), Vũ Văn Mẫu (Bộ trưởng Ngoại giao), Nguyễn Quang Trình (Bộ trưởng Giáo dục), Nguyễn Văn Tương (Phủ Đặc ủy Hành chánh, tương đương Bộ trưởng Nội vụ), Trần Văn Kiện (Ủy viên Tài chánh, tương đương Bộ trưởng Tài chánh), Nguyễn Duy Xuân (Bộ trưởng Kinh Tế), Vương Văn Bắc (Bộ trưởng Ngoại giao)...[115]
Thi cử và đánh giá kết quả học tập
Đề thi trắc nghiệm đã được sử dụng cho môn Công dân, Sử, Địa trong các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II từ niên khóa 1965–1966. Đến năm 1974, toàn bộ các môn thi trong kỳ thi tú tài gồm toàn những câu trắc nghiệm. Các thanh tra viên trong ban soạn đề thi đều phải đi dự lớp huấn luyện về cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1.800 học sinh ở nhiều nơi, phân tích câu trả lời của học sinh để tính độ khó của câu hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu hỏi trắc nghiệm cho thích hợp.[44]
Đầu những năm 1970, Nha Khảo thí của Bộ Quốc gia Giáo dục đã ký hợp đồng với công ty IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển... đến các con số thống kê cần thiết. Bảng trả lời cho đề thi trắc nghiệm được đặt từ Hoa Kỳ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230. Điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy IBM 534 để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ này được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình, độ lệch chuẩn, chuyển điểm thô ra điểm tiêu chuẩn, tính thứ hạng trúng tuyển... Nhóm mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp của khoa học thống kê để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn.[44]
Tổ chức quản trị
Hệ thống quản trị giáo dục
Dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa, Bộ Quốc gia Giáo dục có Tổng Nha Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục phụ trách giáo dục tiểu học và trung học; đứng đầu là một Tổng Giám đốc. Tổng Nha này (văn phòng đặt tại số 7 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn) bao gồm Nha Trung học, Nha Tiểu học, Nha Tư thục, Sở Khảo thí, và Ban Thanh tra và Soạn Đề thi. Ở địa phương, mỗi tỉnh có một Ty Tiểu học để quản lý tất cả các trường tiểu học trong tỉnh. Nhưng các trường trung học ở Sài Gòn và ở các tỉnh lỵ và quận lỵ đều làm việc thẳng với Nha Trung học ở Tổng Nha. Khi số trường trung học gia tăng quá nhiều thì Nha Trung học hoạt động không còn hữu hiệu nữa. Ở tại các tỉnh, hiệu trưởng trường trung học tỉnh lỵ kiêm luôn việc kiểm soát các trường bán công và tư thục khiến vị trí công việc này rất nặng nề.[120] Năm 1958 lập Ban Tu thư để soạn sách giáo khoa, phần lớn in ở ngoại quốc với viện trợ của Mỹ.[121]
Tháng 6 năm 1971, dưới thời Đệ Nhị Cộng hòa, Bộ Quốc gia Giáo dục mở rộng thành Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên (VH–GD–TN). Cơ quan đầu não của Bộ bao gồm: Một Tổng trưởng (ngày nay gọi là Bộ trưởng), một Thứ trưởng, và bốn Phụ tá đặc biệt (ngang hàng thứ trưởng) đặc trách Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên, và Kế hoạch. Điều hành văn phòng cơ quan đầu não có Đổng lý văn phòng (chức vụ này bị bãi bỏ từ năm 1974), Chánh văn phòng của Tổng trưởng, Chánh văn phòng của Thứ trưởng, Bí thư của Tổng trưởng, Bí thư của Thứ trưởng, Tham chánh Văn phòng của Tổng trưởng, các Công cán Ủy viên của Tổng trưởng, Thứ trưởng, Phụ tá đặc biệt, và một số Thanh tra đặc biệt tại Bộ.[120]
Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Bộ trông coi khối điều hành ở trung ương với 13 nha, 1 sở, và 1 trung tâm: (1) Nha Sưu tầm và Nghiên cứu Giáo dục, (2) Nha Kế hoạch và Pháp chế, (3) Nha Học chánh (tức là Quản trị Giáo dục), (4) Nha Sinh hoạt Học đường, (5) Nha Sinh hoạt Văn hóa, (6) Nha Sinh hoạt Thanh niên, (7) Nha Công tác Quốc tế, (8) Nha Sư phạm và Tu nghiệp, (9) Nha Khảo thí, (10) Nha Y tế Học đường, (11) Nha Nhân viên, (12) Nha Tài chính, (13) Nha Tạo tác (tức là Kiến thiết và Hậu cần), (14) Sở Văn thư, và (15) Trung tâm Học liệu. Thanh tra Đoàn được lập ở trung ương, bên cạnh khối điều hành của Tổng thư ký. Tổng Nha Trung Tiểu học và Bình Dân Giáo dục được giải tán và tất cả các công việc thuộc Tổng Nha được đưa về Bộ và nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Phụ tá đặc biệt đặc trách Trung Tiểu học và Bình Dân Giáo dục.[120]
Vào năm 1972, Bộ VH–GD–TN thiết lập 4 Khu Học chánh để đại diện cho Bộ ở 4 vùng chiến thuật (quân khu) để đôn đốc, kiểm soát và giúp đỡ công việc văn hóa, giáo dục, và thanh niên ở các tỉnh thuộc phạm vi quân khu của mình. Đây là một cơ quan hoạt động rất hữu hiệu, tuy nhiên vì ngân sách eo hẹp và vì nhu cầu cải tổ công vụ trên toàn quốc nên Khu Học chánh bị giải tán sau hơn một năm hoạt động. Tại mỗi tỉnh, Bộ VH–GD–TN cho thiết lập một Sở Học chánh để phụ trách tất cả các công việc liên quan đến văn hóa và giáo dục trong tỉnh; Ty Tiểu học được sáp nhập vào Sở Học chánh. Bộ VH–GD–TN mong muốn rằng cơ quan học chánh ở mỗi tỉnh phải có địa vị quan trọng và càng ít bị áp lực của địa phương càng tốt cho nên đã nâng cơ quan này lên thành Sở. Tuy vậy, do tình hình đất nước, điều này không thể thực hiện được, và công cuộc cải tổ công vụ toàn quốc đã đưa đến quyết định chuyển Sở Học chánh thành Ty Văn hóa Giáo dục tại địa phương từ năm 1974. Trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa lúc này có 50 Ty Văn hóa Giáo dục đặt tại 48 tỉnh lỵ và 2 thị xã.[120]
Về mặt ngân sách vào thời điểm năm 1961 thời Đệ Nhất Cộng hòa với ngân sách quốc gia là 15.276 triệu đồng, chính phủ đã chi 811,4 triệu đồng cho ngân sách giáo dục; chính quyền địa phương góp 563,3 triệu đồng tính tổng cộng là 8,99% ngân sách quốc gia.[95]
Bộ Quốc gia Giáo dục còn điều hành Viện Khảo cổ và quản lý các viện bảo tàng quốc gia như Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn, Viện Bảo tàng Huế và Viện Bảo tàng Chàm.
Những người làm giáo dục
Ở Việt Nam, ngay từ thời quân chủ, giáo dục là của những người làm giáo dục. Các vương triều của Việt Nam thường chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo đó là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào hoạt động giảng dạy của các cơ sở giáo dục. Sang thời Pháp thuộc, người Pháp lập ra một nền giáo dục mới, nhưng việc điều hành và soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo được huấn luyện chuyên môn, dù là người Pháp hay người Việt.[122]
Đặc điểm trên được tôn trọng trong suốt thời Quốc gia Việt Nam của Cựu hoàng Bảo Đại và cả thời Việt Nam Cộng hòa. Các chức vụ bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng các chức vụ khác trong Bộ Giáo dục đều là những nhà giáo chuyên nghiệp đảm trách (ngoài trừ một số chức vụ có tính chất chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư...). Họ là những người có kinh nghiệm giảng dạy, giàu tâm huyết, và coi chuyên môn quan trọng hơn kinh nghiệm chính trị. Trong các cơ quan lập pháp, những người đứng đầu các ủy ban hay tiểu ban giáo dục của Thượng viện và Hạ viện (của Quốc hội Việt Nam Cộng hòa) đều là những nghị sĩ quốc hội xuất thân từ nhà giáo. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những vấn đề chính trị nhất thời đều ít tác động đến các nhà trường[122]
Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự trị.[1] Ở miền Nam trước 1975 không có "Bộ Đại học" cũng không có cơ quan chủ quản kiểu như Bộ Y tế quản lý các trường đại học Y–Dược. Trong ban lãnh đạo của Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học. Công việc của vị này chủ yếu là lo về chính sách chung vì các viện đại học là cơ quan ngoại vi đối với Bộ ở trung ương. Về học vụ và điều hành, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa đại học) có quyền thảo luận và quyết định các vấn đề không trọng yếu mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ cấp trên.[72] Các hiệu trưởng hay khoa trưởng của các trường đại học hay phân khoa đại học khong do Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.[123]
Về mặt tài chính, tuy các viện đại học công lập có ngân sách riêng nhưng đây là một phần của ngân sách chung thuộc ngân sách quốc gia và phải được Quốc hội chấp thuận. Tất cả các chi tiêu phải qua thủ tục "chiếu hội ngân sách" ("chiếu hội"=kiểm nhận) do Bộ Tài chính kiểm soát và thực hiện. Ngoài ra, giảng viên và nhân viên là công chức quốc gia. Việc tuyển mới, chuyển ngạch, bổ nhiệm, thăng chức, v.v... phải qua thủ tục "chiếu hội công vụ" do Phủ Tổng ủy Công vụ thực hiện để kiểm soát. Trong thực tế, thủ tục này được thực hiện một cách khá dễ dàng và nhanh chóng. Như vậy, về mặt tài chính các viện đại học công lập ở miền Nam không được nhiều quyền tự trị như các viện đại học ở Hoa Kỳ. Lý do của việc này là do các viện đại học này không thu học phí của sinh viên, không có nguồn thu riêng.[72]
Các kỳ đại hội giáo dục quốc gia
- Đại hội Giáo dục Quốc gia lần I: tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958. Triết lý giáo dục nhân bản - dân tộc - khai phóng được chính thức hóa ở hội nghị này.[124]
- Đại hội Giáo dục Quốc gia lần II: tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1964. Đại hội này tái xác nhận ba nguyên tắc căn bản nhân bản - dân tộc - khai phóng và tổ chức lại hệ thống học đường nhấn mạnh đến sự học tập liên tục từ lớp 1 đến lớp 12.[124]
Một số nhà lãnh đạo giáo dục tiêu biểu
Trong suốt thời gian 20 năm tồn tại, các vị tổng trưởng (tức bộ trưởng) và thứ trưởng giáo dục của Việt Nam Cộng hòa đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam. Sau đây là vài nhà lãnh đạo tiêu biểu:[125]
- Phan Huy Quát: sinh năm 1911, mất năm 1979; Tổng trưởng Giáo dục Quốc gia Việt Nam 1949, mất vì bệnh viêm gan trong trại cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Nguyễn Thành Giung: sinh năm 1894 tại Sa Đéc; tiến sĩ vạn vật học (Viện Đại học Khoa học Marseille); Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục 1952–1953 thời Quốc gia Việt Nam, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đại học Hà Nội.[126]
- Trần Hữu Thế: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 1995 tại Pháp; tiến sĩ khoa học (1952), từng dạy học ở Lyon (Pháp) và làm giáo sư ở Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn; từ 1958 đến 1960 làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục; từng làm Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Philippines. Dưới thời Bộ trưởng Trần Hữu Thế, số lượng học sinh, sinh viên gia tăng nhanh chóng, và nhiều cải tiến trong giáo dục đã được thực hiện. Cùng thời kỳ này, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) được tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958 chính thức hóa ba nguyên tắc nhân bản, dân tộc, và khai phóng làm nền tảng cho triết lý giáo dục Việt Nam Cộng hòa.
- Nguyễn Văn Trường: sinh năm 1930 tại Vĩnh Long; giáo sư tại Viện Đại học Huế; hai lần đảm trách chức vụ Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa. Ông là người tích cực vận động và đóng góp vào sự ra đời của Viện Đại học Cần Thơ vào năm 1966.
- Trần Ngọc Ninh: sinh năm 1923 tại Hà Nội; bác sĩ giải phẫu và giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, giáo sư Văn minh Đại cương và Văn hóa Việt Nam tại Viện Đại học Vạn Hạnh; Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa.[127]
- Lê Minh Trí: bác sĩ y khoa tai-mũi-họng, giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn,[128] làm Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục (1968–1969) bị ám sát bằng lựu đạn năm 1969.[129]
- Nguyễn Lưu Viên: sinh năm 1919; bác sĩ, từng làm việc tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Bệnh viện Chợ Rẫy, và Viện Pasteur Sài Gòn; từ 1969 đến 1971 làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục rồi Phó thủ tướng kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa ở Hội nghị La Celle Saint Cloud trong chính phủ Trần Thiện Khiêm.
- Ngô Khắc Tĩnh: sinh năm 1922 tại Phan Rang, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; dược sĩ (tốt nghiệp ở Pháp); từ năm 1971 đến 1975 làm Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên; từ năm 1975 đến 1988 bị tù cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Đỗ Bá Khê: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Nam California); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ Nhị Cộng hòa. Ông là người đã thiết lập hệ thống các trường đại học cộng đồng ở miền Nam Việt Nam và được xem là "cha đẻ của các trường đại học cộng đồng Việt Nam". Ông còn thiết lập Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức vào năm 1974 dựa theo mô hình của các viện đại học bách khoa ở California (Hoa Kỳ) và làm việc với vai trò viện trưởng sáng lập của viện đại học này.
- Nguyễn Thanh Liêm: sinh năm 1934 tại Mỹ Tho; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Iowa State, Hoa Kỳ); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ Nhị Cộng hòa.
- Các Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục: Vương Quang Nhường, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Quang Trình.
Trợ giúp của quốc tế
Những nỗ lực phát triển giáo dục của Việt Nam Cộng hòa nhận được sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới. Một vài ví dụ có thể kể đến: UNESCO giúp thiết lập một hệ thống các trường tiểu học cộng đồng. UNDP giúp đỡ trang thiết bị cho Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. New Zealand xây dựng các tòa nhà cho Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Pháp cung cấp nhiều giáo sư, trang thiết bị, khoản tài trợ giúp phát triển nhân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học hiện đại. Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) giúp xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho một trường trung học kỹ thuật, ngoài ra còn hỗ trợ Trường Đại học Y khoa của Viện Đại học Huế...[130]
Phần lớn sự trợ giúp đến từ Hoa Kỳ. Trong đó có sự giúp đỡ trong việc ấn loát sách giáo khoa, xây dựng Trường Đại học Sư phạm của Viện Đại học Sài Gòn và các trường sư phạm khác ở các tỉnh, 11.000 phòng học trong các ấp chiến lược, 18 trường trung học kỹ thuật, một trung tâm y khoa cho Viện Đại học Sài Gòn, một trường sư phạm và cùng với nó là một trường trung học kiểu mẫu, một trường sư phạm kỹ thuật, một trường đại học nông nghiệp, một trường đại học kỹ thuật, một trung tâm hành chính cho viện đại học... Tất cả các chương trình này được thực hiện thông qua các nhóm chuyên gia gồm các giáo sư, nhà quản trị, và sinh viên của các viện đại học Hoa Kỳ.[130]
Chữ viết
Vào thời đó, chính tả tiếng Việt khác với bây giờ ít nhiều. Điểm khác biệt gồm có việc dùng gạch nối "-" giữa các từ trong một từ kép, ví dụ như "ngân-hàng", "Việt-Nam". Cách viết tên riêng thì có khi viết thành "Nguyễn-văn-Mỗ" thay vì viết hoa mỗi chữ (Nguyễn Văn Mỗ). Những khác biệt này không phải do chính quyền tạo ra hay chỉ mới xuất hiện vào thời buổi đó mà đúng ra là tiếp nối cách viết từ thời tiền chiến.
Các thành tựu và khuyết điểm
Thành tựu
Giáo dục Việt Nam Cộng hoà tuy còn những hạn chế nhất định nhưng đã xây dựng được cho mình một số nền tảng ban đầu của một nền giáo dục mới, tạo cơ sở cho những bước phát triển thêm về sau[15]:
- Thực hiện giáo dục miễn phí đối với những trường công lập: Người đi học từ bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học gần như không phải đóng học phí, trừ vài khoản lệ phí đóng góp (tuy nhiên nếu học trường tư thì vẫn phải đóng học phí tùy theo quy định từng trường).
- Nền giáo dục vận hành trên cơ sở tự chủ cao: Các viện đại học cả công lẫn tư được hoạt động khá độc lập và tự chủ trong cơ cấu bộ máy, hoạt động, tự do thiết lập chương trình giảng dạy và học tập theo cơ chế "tự trị đại học" (tương đương với "tự chủ" đại học hiện nay), ít bị lệ thuộc bởi chỉ đạo từ chính phủ (tất nhiên vẫn có những giới hạn không được vi phạm, như không được dùng giảng đường để tuyên truyền chống Mỹ, hoặc ca ngợi quân Giải phóng miền Nam và chủ nghĩa cộng sản).
- Nền giáo dục mang tính xã hội hóa cao: mọi cá nhân hoặc đoàn thể/tổ chức hợp pháp đều có quyền mở trường dạy học từ mẫu giáo đến đại học theo quy định của luật, nhờ vậy hệ thống giáo dục tư nhân phát triển mạnh và khá đa dạng về loại hình, đã bước đầu thiết lập được một số mô hình giáo dục đặc biệt, thích nghi với hoàn cảnh của từng địa phương và của đất nước. Hình thức tổ chức các lớp học đa dạng, tạo điều kiện cho mọi người được học, không giới hạn tuổi tác.
- Giáo dục ít bị ảnh hưởng bởi chính trị và tôn giáo: ở cả ba cấp tiểu, trung và đại học (phổ thông lẫn chuyên nghiệp), nội dung sách giáo khoa ít bị chính trị chi phối (trừ các môn đặc thù như lịch sử, địa lý, văn học). Ở các môn xã hội như văn học, lịch sử, triết học, các sự kiện, nhân vật được giảng dạy, phản ánh khá đầy đủ và bao quát (trừ những nội dung về lịch sử hiện đại phải viết lệch đi, ví dụ như tránh nói tới việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống Pháp trong khi Việt Nam Cộng hòa lại hợp tác với Pháp, khi nói về việc lật đổ Ngô Đình Diệm thì không được nói đó là "đảo chính" mà nói tránh là "cách mạng 1-11"). Giáo dục cũng tách khỏi tôn giáo, nội dung giảng dạy không phụng sự riêng cho một tôn giáo nào (trừ những trường do các tổ chức tôn giáo thành lập và điều hành).
- Nề nếp thi cử tương đối ổn định, khá công bằng và bình đẳng cho mọi người đi học.
- Trình độ nghiệp vụ, lương tâm, trách nhiệm, thể diện, tư cách mô phạm … của các giáo viên vẫn giữ được một cách căn bản nhờ được đào tạo tương đối tốt. Ít xảy ra những hiện tượng tiêu cực như tham ô, móc ngoặc, lãng phí của công một cách tràn lan[15].
Khiếm khuyết, hạn chế của nền giáo dục
Bên cạnh những thành tự kể trên, nền giáo dục Việt Nam Cộng hoà cũng tồn tại những khuyết điểm. Thời gian đầu, trong quá trình góp ý và cải tổ giáo dục, nhiều nhà giáo, giảng viên Việt Nam Cộng hòa đương thời đã nêu ra các khiếm khuyết, hạn chế của nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa:[15]:
- Nền giáo dục vay mượn ngoại lai, là di sản của thực dân phong kiến, chịu ảnh hưởng sâu đậm của chương trình giáo dục cũ của Pháp suốt 1 thế kỷ mà họ cai trị, thiếu tính tự chủ, thiếu sự sáng tạo...
- Thiếu một chính sách rõ rệt, chưa có kế hoạch mang tính lâu dài.
- Chương trình nặng về lý thuyết và thi cử, xa thực tế, thiếu thực hành. Chương trình nặng và dài, nhưng chỉ trọng trí dục mà xem nhẹ phần đức dục và thể dục.
- Thiếu trường ốc, giáo chức không đủ, thiếu cơ sở vật chất giáo dục...
- Nền giáo dục thiếu tính cách thuần nhất trong cơ cấu tổ chức và trong sự phân phối chương trình giữa ba cấp học, thiếu sự phối hợp và liên thông giữa các cấp.
- Thiếu quan niệm và tổ chức hướng học và hướng nghiệp, tâm lý trọng văn kinh nghề... Ngay tại các trường chuyên môn và kỹ thuật, chương trình học cũng nặng phần lý thuyết, kém phần thực hành.
- Nền giáo dục thiếu một chính sách hướng dẫn, kế hoạch tổ chức để thích ứng với nhu cầu quốc gia.
Đã có nhiều bài báo phân tích các khuyết điểm của nền giáo dục, tựu trung như sau: (1) Thiếu một kế hoạch dài hạn và quy mô; (2) Thiếu một cơ cấu tổ chức hữu hiệu; không đủ trường ốc và một đội ngũ sư phạm được huấn luyện chu đáo; (3) Giáo dục thiếu thực dụng, đặc biệt về phương diện kinh tế; (4) Áp dụng một chương trình học sai lầm, lạc hậu.[15]
Sinh viên học sinh Việt Nam Cộng hòa phải chịu áp lực rất lớn về thi cử (do tỷ lệ xét đậu khá thấp). Một tỷ lệ khá lớn (40%) bị trượt thi tuyển lớp Đệ thất trường công, rồi lại phải chịu áp lực nặng nề trong các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài I (mỗi kỳ chỉ xét đậu khoảng 15–30%). Học sinh sinh viên phải học rất vất vả vì lo thi rớt, nếu đậu lại lo ra trường bị thất nghiệp.[15]
Hệ thống trường học của Việt Nam Cộng hòa rất mất cân đối về cơ cấu và thiếu hụt về số lượng, chỉ có những vùng đô thị, các loại trường trung học mới phát triển. Đến năm học 1970 - 1971, riêng vùng Sài Gòn - Gia Định đã chiếm 13% trường tiểu học) và 24 % (trường trung học), sự mất cân đối này cho thấy khẩu hiệu “giáo dục đại chúng”, “giáo dục cho mọi người” là không thể thực hiện được. Cố vấn Mỹ Donald M. Knox, Trưởng phái đoàn cố vấn Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã nhận xét: toàn miền Nam có khoảng 2,6 triệu các em tuổi từ 12 - 18 nhưng chỉ có 60 vạn em có chỗ học trong các trường trung học. Nội san AĐS cho biết: “Cứ 100 em vào lớp đầu của bậc tiểu học thì chỉ có 3 em được học trung học đệ nhị cấp, còn 97 em bị hất ra ngoài nền giáo dục đại chúng của ông Thiệu, và trong tiểu học có 51% học sinh không được học lên lớp 4”[18]
Hoàn cảnh kinh tế, đời sống của giáo viên bị sa sút khiến nhiều người đã bỏ nghề hoặc phải tìm việc làm thêm để nuôi sống gia đình. Đã vậy, lại không có Luật Giáo dục hoặc Quy chế Giáo chức để đảm bảo quyền lợi của giáo viên, nên họ chịu nhiều hậu quả như: sự bất bình đẳng trong hàng ngũ giáo chức; trường tư thục bị biến thành cơ sở thương mại và giáo chức tư thục bị chủ trường bóc lột; giáo chức tiểu học bị nhiều thiệt thòi; giáo chức bị hiệu trưởng và người ngoài hiếp đáp (phê điểm, hành hung…) và rất nhiều hậu quả khác".[15]
Nguyên nhân khuyết điểm, hạn chế
Trong quá trình góp ý và cải tổ giáo dục, những nguyên nhân gây ra các khuyết điểm này được các nhà nghiên cứu kể ra như:[15]
- Về mặt khách quan: do chiến tranh kéo dài, liên tục bất ổn về chính trị, ngân sách giáo dục thiếu thốn (chỉ khoảng 5–6% trên tổng ngân sách quốc gia);
- Về mặt chủ quan:
- Chưa có chính sách lâu dài về giáo dục. Những lý thuyết "giáo dục nhân bản, khai phóng", "giáo dục tiến bộ"… nghe thì lý tưởng nhưng khi áp dụng vào thực tế thì bị lúng túng, vá víu. Do thiếu thực hành cho nên đặt tiêu chuẩn như vậy không có tính khả thi.
- Các ý niệm "giáo dục Nhân bản, Khoa học, Dân tộc và Khai phóng" khá mơ hồ, khiến sự phát triển không định hướng, lộn xộn và chắp vá.
- Chính sách giáo dục thay đổi liên tục: chỉ trong vòng 5 năm (1964–1969) đã thay tới 14 vị Tổng trưởng ngành giáo dục. Mỗi vị có một chủ trương, một đường lối khác nhau, không chịu tiếp nối công trình của vị tiền nhiệm.
- Có ý kiến cho rằng chính phủ Việt Nam Cộng hòa chưa bao giờ đặt vấn đề giáo dục lên đúng tầm quan trọng của nó.
- Ngoài ra, còn có những cản trở khác: căn bệnh kỳ thị xuất thân Nam, Bắc và tình trạng tranh chấp ngấm ngầm giữa lớp giáo viên Cũ (ảnh hưởng từ Pháp) và lớp Mới (ảnh hưởng từ Mỹ).
- Ngoài ra, hiện tượng tham nhũng đã bắt đầu len lỏi vào ngành giáo dục với một số trường hợp được đưa ra ánh sáng, càng làm mất thêm niềm tin chung của người dân về tính lành mạnh và thiện chí của bộ máy giáo dục.[15]
Các đề xuất, dự án cải tổ
Từ những khuyết điểm, các nhà giáo đương thời đề nghị phải có các vị am hiểu về giáo dục cùng nghiên cứu chương trình cải tổ cụ thể. Chính phủ phải đặt vấn đề giáo dục lên hàng quốc sách mới hy vọng nền giáo dục thoát ra khỏi cảnh bế tắc… Phải lưu tâm đến mấy điểm dưới đây: Xem xét thực trạng của nền giáo dục; Tìm hiểu nguyên nhân đã dẫn đến cuộc khủng hoảng và bế tắc hiện tại; Tìm biết về nhu cầu của quốc gia hiện tại; Soạn thảo và vạch định hướng cùng chương trình của một nền giáo dục tiến bộ; Có kế hoạch thực hiện, cải tổ toàn diện nền giáo dục từ Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học đến Đại học.
Nhà giáo Trần Ngọc Ninh đề nghị một chương trình khẩn trương gồm bốn điểm chính:[15] Tạo lại lòng tin: hãy tránh sự thay đổi vụn vặt về chương trình học, hợp lý hóa và bỏ bớt các kỳ thi cử; Phải có một chính sách toàn diện hợp lý và hợp với tình trạng xã hội Việt Nam, tránh rập khuôn; Phải coi giáo dục là trọng tâm của tinh thần dân chủ; Phải hiểu giáo dục là một việc đầu tư chắc chắn và hợp lý nhất trong các việc đầu tư của một quốc gia.
Một số đề án cải tổ tiêu biểu:
- Hệ thống dự án giáo dục mới 1964: Dự án này đề ra 6 mục tiêu cơ bản: Gia tăng tính thuần nhất của hệ thống giáo dục; Đi sát thực trạng với nhu cầu địa phương, Thiết lập tổ chức hướng học và hướng nghiệp theo các nước tiền tiến; Tăng cường nền học chuyên nghiệp và kỹ thuật ở Trung học; Thích ứng với nhu cầu quốc gia; Tăng gia hiệu năng của trường đại học.
- Hệ thống giáo dục cải tổ theo Chính sách Văn hóa Giáo dục (1972) của Hội đồng Văn hóa Giáo dục'
- "Kế hoạch phát triển giáo dục bốn năm (1971–1975)" của Bộ Giáo dục: Với 3 mục tiêu: Phát huy năng khiếu cá nhân; Thích ứng cá nhân với xã hội; Phát huy tinh thần quốc gia.
- Kế hoạch Giáo dục quốc gia của Nhóm Nghiên cứu hậu chiến
- Hệ thống giáo dục theo một đề xuất cải tổ của tư nhân.[15]
Các đề xuất cải tổ đề nghị vận dụng sáng tạo nhiều hình thức đào tạo, mô hình trường đào tạo từ tiểu học đến đại học: như tiểu học cộng đồng, đại học cộng đồng, trung học tổng hợp, trường cao đẳng và chuyên nghiệp, các viện, đại học bách khoa...; chú trọng đến việc đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Việc thi cử cũng được đơn giản bớt: Bãi bỏ kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp (niên khóa 1965–1966) và Tú tài phần I (vào năm 1972–1973).[15]
Tập dự thảo "Kế hoạch phát triển giáo dục bốn năm (1971–1975)" của Bộ Giáo dục đã đưa ra 3 mục tiêu cải tổ giáo dục: (1) Phát huy năng khiếu cá nhân; (2) Thích ứng cá nhân với xã hội; (3) Phát huy tinh thần quốc gia. Phải lo phát triển: (1) Giáo dục cộng đồng cấp I; (2) Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp cấp II; (3) Đại học bách khoa. Tuy nhiên, bản dự thảo này bị một số nhà giáo như Trần Nho Mai chê là thiếu thực tế, không có tính khả thi, vì những mục tiêu đặt ra vượt quá khả năng về điều kiện vật chất để thi hành. Do vậy, kế hoạch bị bãi bỏ.
Vì vậy, năm 1974, Hội đồng cải tổ giáo dục đã từng nêu đề xuất là sẽ soạn một chương trình cải cách mới với mục tiêu dài hạn, tuy nhiên năm 1975 Việt Nam Cộng hòa sụp đổ nên vẫn chỉ dừng ở mức ý tưởng.[15]
Đánh giá
Đánh giá của nhà phê bình văn học Thụy Khuê: "Có thể nói, trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, tham nhũng; miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn. Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn học đều được giảng dạy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học học sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học nước ngoài qua một nền dịch thuật đáng tin cậy, dịch được những sách cơ bản. Nguyễn Văn Trung trong hồi ký đã nhấn mạnh đến sự tự trị của đại học, nhờ sự tự trị này mà các giáo sư có quyền giảng dạy tự do, không bị áp lực chính trị của chính quyền. Chính điều kiện giáo dục này, đã cho phép miền Nam xây dựng được một tầng lớp trí thức, một tầng lớp văn nghệ sĩ và một quần chúng độc giả; giúp cho nhiều nhà văn có thể sống bằng nghề nghiệp của mình. Và cũng chính tầng lớp trí thức và sinh viên này đã là đối trọng, chống lại chính quyền, khi có những biến cố chính trị lớn như việc đàn áp Phật giáo thời ông Diệm và việc đấu tranh chống tham nhũng (như vụ báo Sóng Thần) thời ông Thiệu."[131]
Từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 6 năm 1975 (tức là sáu tuần sau sự kiện ngày 30 tháng 4), Arthur W. Galston, giáo sư sinh học ở Viện Đại học Yale, viếng thăm miền Bắc Việt Nam (lúc đó vẫn là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Theo tường trình của Galston cho tạp chí Science số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975 thì một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với miền Nam. Theo tạp chí Science thì "Việc thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong nhiều thập niên. Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston nhận thấy các nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở miền Nam; họ dự định kết hợp những đặc điểm này vào miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận sôi nổi vào lúc đó thực sự diễn ra." Theo Galston, các nhà lãnh đạo miền Bắc, cụ thể được nhắc đến trong bài là Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) và Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến các ngành kỹ thuật và điện tử cùng hệ thống các trường đại học cộng đồng hệ hai năm đã được thiết lập ở miền Nam.[132]
Tác giả Trần Văn Chánh thì cho rằng: "Việt Nam Cộng hòa chết yểu, chỉ sống 20 năm (1955-1975), nên lý thuyết/dự tính/kế hoạch giáo dục cao siêu thì nhiều nhưng sự thể hiện trên thực tế lại chưa được trọn vẹn, vẫn còn bị nhiều bậc thức giả đương thời chỉ trích nặng nề. Có những kế hoạch được soạn thảo nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa có thời gian, điều kiện thực hiện, hoặc chỉ thực hiện được một phần nhỏ. Vài kế hoạch đôi khi chỉ phản ảnh sáng kiến của một vài cá nhân hay tập thể, giai đoạn đầu vẫn còn lúng túng chưa có một chính sách giáo dục rõ rệt và nhất quán từ trên xuống, sự phát triển có lúc còn thiếu định hướng, lộn xộn và chắp vá."[133]
Tác giả Võ Quang Phúc thì cho rằng nên giáo dục Việt Nam Cộng hòa tuy tự coi mình là "phi chính trị", nhưng thực chất vẫn phục vụ theo phương châm "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" của Mỹ.[134] Chỉ có những vùng đô thị, các loại trường trung học mới phát triển. Đến năm học 1970 - 1971, riêng vùng Sài Gòn - Gia Định đã chiếm 13% trường tiểu học) và 24 % (trường trung học), sự mất cân đối này cho thấy khẩu hiệu “giáo dục đại chúng”, “giáo dục cho mọi người” của chính quyền Sài Gòn chỉ là giả tạo. Chính cố vấn Mỹ Donald M. Knox, Trưởng phái đoàn cố vấn Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã nhận xét: toàn miền Nam có khoảng 2,6 triệu trẻ em tuổi từ 12 - 18 nhưng chỉ có 60 vạn trẻ em có chỗ học trong các trường trung học. Nội san AĐS cho biết: “Cứ 100 em vào lớp đầu của bậc tiểu học thì chỉ có 3 em được học trung học đệ nhị cấp, còn 97 em bị hất ra ngoài nền giáo dục đại chúng của ông Thiệu, và trong tiểu học có 51% học sinh không được học lên lớp 4”.[18] Tác giả Nguyễn Tử Lộc là một giáo viên ở miền Nam thời kỳ đó nhận xét:[23]
- “Giáo dục Việt Nam Cộng hòa vẫn ca tụng những lý tưởng nhân bản, dân tộc, khoa học, khai phóng: Còn gì quý báu, cao cả hơn. Nhưng nhân bản ở chỗ nào khi một nửa số trẻ em trai gái không được đi học tiểu học; khi 50% dân chúng còn mù chữ? Nhân bản chỗ nào khi nó chỉ nhằm phục vụ cho một thiểu số trưởng giả ở thành thị; khi đại đa số nhân dân nông thôn và thành thị nghèo hèn bị lãng quên và khinh bỉ? Dân tộc ở chỗ nào khi chính tiếng quốc ngữ bị các nhà đại trí thức khinh bỉ, chà đạp; khi giai cấp thượng lưu của xã hội cho con cái đi học trường Tây, trường Mỹ...? Khoa học ở chỗ nào khi có cái học từ chương, buôn bằng bán chữ; khi tổng số học sinh, sinh viên kỹ thuật chỉ là 0,5% tổng số học sinh, sinh viên; khi sự mê tín dị đoan còn ngự trị trong khắp miền thôn quê 80% dân số? Khai phóng ở đâu khi chung quanh toàn những cảnh ngông cuồng, ăn cướp, ăn cắp... đưa lên làm mẫu mực;...khi những bộ mặt to lớn chường ra đầy dơ bẩn và độc hại? Khi xã hội dành cho đại đa số thế hệ đang lên số phận bi đát của bần cùng, nhục nhã, lầm than, tuyệt vọng?"
Các vấn đề khác
Ảnh hưởng của chính trị và tôn giáo
Điều 7 Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1956 quy định "Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp". Điều 4 Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 (Chương I - Điều khoản căn bản) tiếp tục quy định rằng "Việt Nam Cộng Hòa chống lại chủ nghĩa Cộng sản dưới mọi hình thức. Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa Cộng sản đều bị cấm chỉ". Do đó, các nội dung giáo dục của Việt Nam Cộng hòa cũng phải tuân theo các quy định này.
Do chính sách chống Cộng của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, những nội dung liên quan đến chủ nghĩa xã hội, việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lãnh đạo chiến tranh chống Pháp và việc Việt Nam Cộng hòa hợp tác với Pháp thì vẫn bị cấm giảng dạy, hoặc phải dạy sai sự thật. Sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam Cộng hòa không viết gì về sự ra đời của Quốc gia Việt Nam (chính là tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa) và sự cộng tác của họ với quân Pháp trong suốt giai đoạn 1949–1954 (chỉ ghi chung chung là "Pháp rước Bảo Đại về lập Chính phủ, mong lôi kéo người Quốc gia"). Sách có nhắc tới Cách mạng Tháng Tám và Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng không nói về việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lãnh đạo nhân dân làm nên hai sự kiện đó (chỉ ghi mơ hồ là "dân chúng kéo nhau giành chính quyền", "người Việt yêu nước trường kỳ kháng chiến và thắng lợi"). Thay vào đó, sách mô tả ngược lại, rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã "2 lần cấu kết với Pháp phản bội dân tộc".[135]
Phần lớn các học bổng đi học nước ngoài đều rơi vào tay các linh mục hoặc sinh viên Thiên Chúa giáo.[136] Có nơi Linh mục dùng uy thế của mình để phụ huynh không cho con học trường công mà phải vào học trường của Giáo hội, nên trường tư thục của Giáo hội làm tê liệt cả trường công vì không tuyển được học sinh[137][cần nguồn tốt hơn]
Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ
Theo bác sĩ nhi khoa, nhà nghiên cứu văn hóa và tâm lý - y học - giáo dục Nguyễn Khắc Viện, vì hoạt động cho Đảng Cộng sản Pháp nên bị trục xuất về Việt Nam vào năm 1963, rồi trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam,[138] thì trong suốt quá trình tồn tại, giáo dục Việt Nam Cộng hòa có sự hỗ trợ lớn cả về tài chính và nhân sự của Mỹ. Trong giai đoạn 1954–1960, đã có 729 chuyên gia được cử sang Mỹ đào tạo: 222 trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục, 114 học về quản trị công cộng, nhưng chỉ có 55 người học về nông nghiệp và 7 người học về công nghiệp. Điều này nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ trong việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, đó là đào tạo nên đội ngũ cán bộ chính phủ chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng và văn hóa Mỹ, nhằm tạo ra các quan chức chính phủ thân Mỹ trong tương lai. Trong khoảng 1958 tới 1973, đã có 1778 quan chức cấp cao của Việt Nam Cộng hòa được đào tạo chỉ riêng bởi nhóm công tác của Đại học Michigan (Mỹ).[139]
Tính từ năm 1956 tới 1974, Mỹ đã chi tổng cộng 76 triệu USD (tương đương 450 triệu USD theo thời giá năm 2012) để viện trợ cho giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Phần lớn sách giáo khoa của Việt Nam Cộng hòa được in ấn tại Mỹ, Hàn Quốc và Philipines.[140] Nhiều bộ sách giáo khoa được biên soạn với sự cố vấn từ Hoa Kỳ, trong đó lồng ghép nhiều tư tưởng chống Cộng của chính phủ Mỹ, ví dụ sách giáo khoa giáo dục công dân lớp 4 của Bộ giáo dục năm 1960 có ghi "Cộng sản là những kẻ phản bội gia đình, đất nước và tôn giáo. Tại các nước cộng sản con người bị coi như súc vật".[141] Sự can dự sâu của các trường đại học Mỹ vào chương trình đào tạo và chính sách chiến tranh tại Việt Nam đã gây ra nhiều phản đối từ phía học sinh và giáo viên người Việt.[142]
Tác giả Ngô Đăng Tri cho rằng giáo dục Việt Nam Cộng hòa thực tế không thể thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng từ Pháp, Mỹ, vì chính Pháp, Mỹ đã xây dựng và tài trợ cho nền giáo dục đó. Ngoài những môn tự nhiên kỹ thuật, các môn học khác thường nặng về ca tụng sự viện trợ của Pháp, Mỹ, ca tụng nền độc lập giả hiệu của chế độ tay sai cho ngoại quốc. Nhà trường đã trở thành nơi tuyên truyền cho hành động xâm lược của ngoại quốc, gây ra sự chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo, gây hận thù trong các tầng lớp nhân dân.[143]
Các phong trào phản chiến và chống Mỹ
Trong thời chiến tranh Việt Nam, các phong trào sinh viên đã nổi lên với mục đích là: đòi hòa bình, chống sự can thiệp của Mỹ, chống quân sự hóa học đường, đòi thả tù chính trị, ủng hộ chính phủ liên hiệp hòa giải dân tộc, ủng hộ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.[144]
Các hoạt động nổi bật:
- Tháng 8–1964, sinh viên họp ở tổng hội, kéo đến phủ thủ tướng phản đối hiến chương mới của chính phủ Nguyễn Khánh. Khi có báo đăng sai lệch về cuộc gặp này, tổ chức biểu tình rầm rộ từ Trường J.J.Rousseau (tức Trường Chasseloup Laubat, nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) kéo đến Bộ thông tin đòi đính chính.[145]
- Năm 1970: phong trào đòi trả tự do cho Huỳnh Tấn Mẫm (chủ tịch hội) và 30 thành viên khác bị chính quyền bắt giữ, được sự ủng hộ của các phong trào sinh viên quốc tế. Đây còn gọi là ‘Vụ mồng 10 tháng 3′, ngày Huỳnh Tấn Mẫm và các sinh viên bị bắt.[146]
- Năm 1970, Đại hội thanh sinh viên thế giới cùng hội thảo với chủ đề "Sinh viên thế giới và Hòa bình Việt Nam" được Tổng hội sinh viên Sài Gòn kết nối tổ chức tại chùa Ấn Quang và Đại học Nông Lâm Súc. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 10 và ngày 11 tháng 7 năm 1970, thu hút hàng ngàn sinh viên học sinh và các tầng lớp nhân dân, tôn giáo. Chủ tịch Tổng hội sinh viên Hoa Kỳ Charles Palmer dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ, trong đó có Sam Brown, Ronald Young, những người trước đó từng tổ chức các cuộc biểu tình lớn nhất tại Washington đòi Tổng thống Nixon chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Tham dự còn có Chủ tịch Tổng hội sinh viên các nước Úc, Hà Lan, New Zealand, các linh mục đại diện Liên tôn thế giới… Đặc biệt là sự có mặt của GS. George Wald (Đại học Harvard, Mỹ) – người đạt giải thưởng Nobel Y khoa về sinh học năm 1967. Đại hội kết thúc bằng một cuộc xuống đường diễu hành rầm rộ trên đường phố, chính quyền Sài Gòn đã dùng vòi rồng, lựu đạn cay, dùng cả trực thăng bắn lựu đạn lửa để dẹp đám đông. Nhiều sinh viên bị thương, đại diện các phái đoàn quốc tế thì bị bắt và trục xuất về nước.[147]
- Năm 1971 nổ ra phong trào chống bầu cử tổng thống độc diễn (vì chỉ có đương kim tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là ứng cử viên duy nhất).[148]
- Chiến dịch đốt xe Mỹ: tháng 12–1970, nhân sự kiện em học sinh Nguyễn Văn Minh ở Quy Nhơn bị hai lính Mỹ bắn chết ngay trước cổng trường trong trò chơi "bắn người uống bia", nối theo những vụ giết hại dân thường như Thảm sát Sơn Mỹ, tổng hội liền phát động phong trào đốt xe Mỹ để bày tỏ sự phẫn uất. Rất nhiều nhóm hành động mang tên Sao băng, Sao chổi, Sao xẹt... đã được lập. Chiếc xe đầu tiên bị đốt để mở đầu chiến dịch ở ngã tư Hồng Thập Tự - Cường Để (Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng bây giờ).[146]
Xem thêm
Chú thích
- ^ a b “Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2021.
Điều 26, Hiến pháp năm 1956: "Quốc gia cố gắng cho mọi người dân một nền giáo dục cơ bản có tính cách bắt buộc và miễn phí. Mọi người dân có quyền theo đuổi học vấn. Những người có khả năng mà không có phương tiện riêng sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn. Quốc gia thừa nhận phụ huynh có quyền chọn trường cho con em, các đoàn thể và tư nhân có quyền mở trường theo điều kiện luật định. Quốc gia có thể công nhận các trường tư thục đại học và cao đẳng chuyên nghiệp hội đủ điều kiện luật định. Văn bằng do những trường ấy cấp phát có thể được Quốc gia thừa nhận." Điều 10, Hiến pháp năm 1967: "1- Quốc gia công nhận quyền tự do giáo dục. 2- Nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí. 3- Nền giáo dục đại học được tự trị. 4- Những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn. 5- Quốc gia khuyến khích và nâng đỡ các công dân trong việc nghiên cứu và sáng tác về khoa học, văn học và nghệ thuật." Điều 11 phát biểu: "1- Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản. 2- Một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn hóa giáo dục."
- ^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 6–7.
- ^ a b c Bác Tôn với công tác xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá Lưu trữ 2019-06-08 tại Wayback Machine, Tạp chí Tuyên giáo, 1/8/2008
- ^ Giáo dục Việt Nam sau 70 năm “diệt giặc dốt” Lưu trữ 2019-06-08 tại Wayback Machine, Báo Dân trí, 08/09/2015
- ^ “Lịch sử độc lập và nội các đầu tiên Việt Nam” (PDF). Việt Đông xuất bản cục. 1945. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2013.
- ^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 19–21.
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 22–23.
- ^ Nguyen Van Canh, tr. 156
- ^ a b Võ Kim Sơn. "Personal Reflections on the Educational System". The Republic of Vietnam, 1955-1975. Ithaca, NY: Cornell University Press, 2019. Tr 105-116
- ^ a b Nguyễn Thanh Liêm, tr. 28.
- ^ Trần Văn Đĩnh. Hành-chánh đô-thành Sài-gòn. Sài Gòn: Học-viện Quốc-gia Hành-chánh, 1959. Tr 52.
- ^ “"Giáo dục và thi cử... phần 7"”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2009.
- ^ “Quê cũ trường xưa"”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2015.
- ^ a b “"Những con đường dẫn vào tương lai..."”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2010.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n “Giáo dục miền Nam Việt Nam 1954-1975 trên con đường xây dựng và phát triển”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2015.
- ^ a b c d e f g Embassy of Viet-Nam. "Secondary Education in Viet-Nam". Viet-Nam Bulletin No 36, Oct 1970. Washington, DC.
- ^ a b c Nguyen Ngoc Bich et al., tr. 43.
- ^ a b c Theo Thanh Nam; Sđd; tr. 98 - 99
- ^ a b c d e f g Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 24–26.
- ^ “Giáo dục Việt Nam Cộng hòa”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 54.
- ^ a b c d Chính sách văn hóa giáo dục Lưu trữ 2011-12-18 tại Wayback Machine, trang 5, Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa (1972)
- ^ a b Nguyễn Tử Lộc; Thực chất giáo dục miền Nam Việt Nam; Tạp chí Văn học; số 69/ 1966; tr. 4.
- ^ a b Nguyen Ngoc Bich, tr. 46.
- ^ a b c Trần Văn Lục. Một thời để nhớ: những sự thật về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng hòa. Westminster, CA: Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân, 2011. tr. 265–266.
- ^ a b c Phan Xuân Hòa. Việt Nam gấm vóc. Paris: Institut de l'Asie du Sud-est (1960?). Trang 268-9.
- ^ a b c Choinski, Walter. Tr. 58
- ^ a b c d e f Smith, Harvey et al. Area Handbook for South Vietnam. Washington, DC: US Government Printing Office (1967), tr. 146-156.
- ^ a b “Vietnamese Students Increase by Four Percent" Viet Nam bán nguyệt san 59/ngày 15 tháng 5 năm 1965. Phòng Thông-tin Văn-hóa Sứ-quán Việt-Nam Cộng-hòa, tr. 22
- ^ Sales, Jeanne M. tr. 7
- ^ Smith, Harvey et al. tr. 148
- ^ a b Nguyen Ngoc Bich et al., tr. 47.
- ^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 28–29.
- ^ “Báo Người Việt: Giáo dục thời Việt Nam Cộng hòa”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.[liên kết hỏng]
- ^ Masur, Matthew B., tr. 58.
- ^ Smith, Harvey et al., tr. 148.
- ^ Lê Đình Chi. Người Thượng Miền Nam Việt Nam. Gardena, CA: Văn Mới, 2006. Tr 291
- ^ “Giáo dục thời Việt Nam Cộng hòa”. Báo Người Việt. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.[liên kết hỏng]
- ^ “Lược sử Vovinam”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “"Nền giáo dục Phú Yên từ 1611 đến 1975" do Hội đồng hương Phú Yên soạn”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2010.
- ^ “"Sơ lược về Trường Trần Bình Trọng Ninh Hòa"”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2009.
- ^ “Phân ban trung học”. Vietnamnet. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ Nguyen Thanh Liem (2006), tr. 32.
- ^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 38–44.
- ^ Smith, Harvey et al. tr. 149
- ^ “Sự Giáo dục và Thi cử ở Việt Nam qua các thời đại, phần 7”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2010.
- ^ “Xếp hạng trong các kỳ thi trung và đại học”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “Nhớ lại trường trung học Hoàng Diệu, Ba Xuyên”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 189–198.
- ^ Nguyễn Hữu Phước. "The Philosophies and Development of a Free Education". The Republic of Vietnam, 1955-1975. Ithaca, NY: Cornell University Press, 2019. Tr 93-104
- ^ “Phát triển thư viện tại Miền Nam trước năm 1975” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ a b c Khái quát về Việt Nam Cộng hòa. Sài Gòn: Bộ Thông tin Chiêu hồi, 1966
- ^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 199–213.
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 284–285.
- ^ “Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2010.
- ^ a b Foreign Areas Studies Division.U. S. Army Area Handbook for Vietnam. Washington, DC: Department of the Army (1962), tr. 122
- ^ “Education and Poverty in Vietnam. tr. 14”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2021.
- ^ “Education - Vietnam”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2010.
- ^ Nguyễn Văn Lục. "Sài Gòn không còn ngày". Nguồn III, 26. tr. 25–32.
- ^ “Dòng La San”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ Foreign Areas Studies Division. US Army Area Handbook Vietnam. Washington, DC: Special Operations Research Office (1962), tr. 122
- ^ Smith, Harvey et al. tr. 153
- ^ Nguyen Van Canh, tr. 157.
- ^ “Collège Fraternité”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ a b Schrock, Joann L, et al. Minority Groups in the Republic of Vietnam. Washington, DC: Department of the Army, 1966. Tr 958-60.
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 312–317.
- ^ “Gia đình Quốc gia Nghĩa tử”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ Press Information Office. Embassy of the Republic of Viet-Nam. News from Viet-Nam. Trang 9.
- ^ “"Education Projects in the Republic of Vietnam" Tr 24” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2017.
- ^ “Giáo dục Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2010.
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 174–175.
- ^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 168–169.
- ^ a b c d Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 152-157.
- ^ Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967, Điều 10
- ^ Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967, Điều 59
- ^ Hoàng Thị Hồng Nga (tháng 7 năm 2014). “Một số phong trào đấu tranh của sinh viên miền Nam Việt Nam (1954–1975)”. Tạp chí Lịch sử quân sự. tr. 22–27. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2015.
- ^ a b Ký ức vụn về chuyện học ở miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa (kỳ 1), Lê Nguyễn, trithucvn.net, 29/05/2019
- ^ “The Higher Education System in Vietnam”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2011.
- ^ “Đào tạo liên thông và chuyển tiếp của Trường Cao đẳng Cộng đồng” (PDF). Tạp chí Giáo dục. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2023.[liên kết hỏng]
- ^ “Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ của đại biểu quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 28 tháng 10 năm 2009 (mục 8)”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2010.
- ^ Masur, Matthew B., tr. 61.
- ^ a b "Higher Education". Viet Nam Magazine. Vol IV, No 5 (1971), tr. 4-15
- ^ Sales, Jeanne M., tr. 8.
- ^ “Viện Đại học Đà Lạt giữa lòng dân tộc Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.
- ^ a b “Hội thảo 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-Tp. Hồ Chí Minh”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.
- ^ “Viện Đại học Vạn Hạnh”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.[liên kết hỏng]
- ^ “Niên biểu An Giang qua các thời kỳ”. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.[liên kết hỏng]
- ^ “Giáo dục Văn hóa Cao Đài”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2010.
- ^ “Viện Đại-học Cao-Đài: Chỉ-Dẫn (1971–1972)”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.
- ^ “Viện Đại học Cao Đài”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.
- ^ “Duyên Quốc gia Hành chánh...”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.[liên kết hỏng]
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 171.
- ^ “Lần theo vết dấu...”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “Lịch sử Học viện Quốc gia Hành chánh”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ a b “UNESCO Profile: Viet-Nam” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2010.
- ^ “Đại học cộng đồng Tiền Giang”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.[liên kết hỏng]
- ^ a b c “Community Colleges in Vietnam”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2010.
- ^ “Đà Nẵng vang bóng một thời”. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “Nhà văn Hứa Hoành”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “Trường Nông lâm súc”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “Cựu học sinh Nông lâm súc tái ngộ”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.[liên kết hỏng]
- ^ “Nhóm lợi ích công cộng... lưu vực sông Cửu Long”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “Trường Đại học Nông lâm”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “"Quá trình thành lập Học viện Cảnh sát Quốc gia"”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2010.
- ^ “Nghệ nhân Trần Kích khổ luyện và tài hoa”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “Duyệt Thị Đường: Nhà hát cổ nhất Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2005. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ Foreign Areas Studies Division.U. S. Army Area Handbook for Vietnam. Washington, DC: Department of the Army (1962), tr. 120–121
- ^ Foreign Areas Studies Division. U. S. Army Area Handbook for Vietnam. Washington, DC: Department of the Army (1962). Tr. 119
- ^ a b c Việc học và thi ở miền Nam (1954 - 1963) (kỳ 1) Lưu trữ 2019-06-24 tại Wayback Machine, Lê Nguyễn, Tạp chí Văn hóa Nghệ An
- ^ Masur, Matthew, tr. 57.
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 34.
- ^ “Lịch sử Đại học Sư phạm Sài Gòn”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ "Khoa Sư phạm". Thế giới Tự do Số 4, Tập X. Sài Gòn: Sở Thông tin Hoa Kỳ (1961), tr. 34–35.
- ^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 135–138.
- ^ a b c d Việc học và thi ở miền Nam (1954 - 1963) (kỳ 3), Lê Nguyễn, Tạp chí Văn hóa Nghệ An
- ^ “Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ Nguyen Ngoc Bich. tr. 46
- ^ Sales, Jeanne M. tr. 9
- ^ “Trường Đại-học Sư-phạm Sài Gòn”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2010.
- ^ a b c d Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 44–47.
- ^ Duncanson, Dennis. Government and Revolution in Vietnam. New York: Oxford University Press (1968), tr. 250.
- ^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 127–128.
- ^ Vũ Quốc Thúc. Thời đại của tôi Cuốn II. Paris: Người Việt (2010). Tr. 372–408
- ^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 136–138.
- ^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 8.
- ^ Nhân vật lịch sử con người Đồng Tháp, Nguyễn Thành Giung[liên kết hỏng]
- ^ “Viện Việt-Học”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2010.
- ^ “"Y khoa Đại học Saigon: Nhìn lại 60 năm lịch sử" theo Thời báo Onlinée”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2011.
- ^ “South Viet Nam: The Price of Honesty”. Time. 17 tháng 6 năm 1969. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2011.
- ^ a b Do, Khe Ba (1995), tr.9-10.
- ^ “Văn học miền Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2011.
- ^ Deborah Shapley (1 tháng 8 năm 1975). “Science in Vietnam: The Postwar North Seeks American Assistance”. Science. 189 (4204): 705–707. doi:10.1126/science.189.4204.705. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2010.
[Nguyên văn tiếng Anh đoạn trích dẫn]: In science and education, unification will probably be patchy at best, since the two countries have developed along different lines for decades. But despite a host of difficulties Galston found the leaders in the North to be openly admiring of many features of science and education in the South; they planned to incorporate them in the North when the much-discussed (but still not formalized) unification takes place.
- ^ Giáo dục miền Nam Việt Nam 1954-1975 trên con đường xây dựng và phát triển Lưu trữ 2015-05-18 tại Wayback Machine, Trần Văn Chánh, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 7-8 (114-115).2014
- ^ Võ Quang Phúc: Âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ vào nền giáo dục phổ thông ở miền Nam Việt Nam trong Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ - ngụy; tập II; Nhà xuất bản. Văn hóa; Hà Nội; 1979; tr. 146 - 147
- ^ Sách giáo khoa Lịch sử lớp 4 của Việt Nam Cộng hòa. Bài 48, Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 tới Cách mạng ngày 1/1/1963. Trang 185–186
- ^ Nguyễn Văn Trung, tạp chí Bách Khoa số 175, ngày 15-4-1964, trang 37-43.
- ^ “Vietnam: The unheard Voices”. Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969, trang 111.
- ^ Tiểu sử Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện Lưu trữ 2017-03-27 tại Wayback Machine, nt-foundation
- ^ American neo-colonialism in South Vietnam (1954–1975). No 69. Xunhasaba. Nguyễn Khắc Viện and Phong Hien, Trang 76–77
- ^ American neo-colonialism in South Vietnam (1954-1975). No 69. Xunhasaba. Nguyễn Khắc Viện and Phong Hien, Trang 81
- ^ American neo-colonialism in South Vietnam (1954–1975). No 69. Xunhasaba. Nguyễn Khắc Viện and Phong Hien, Trang 88
- ^ American neo-colonialism in South Vietnam (1954–1975). No 69. Xunhasaba. Nguyễn Khắc Viện and Phong Hien, Trang 83
- ^ Giáo dục Việt Nam thời kỳ 1945 – 1954: Diễn trình, thành tựu và kinh nghiệm Lưu trữ 2021-05-31 tại Wayback Machine, Ngô Đăng Tri, Đại học Quốc gia Hà Nội
- ^ Phạm Vũ (2 tháng 9 năm 2011). “Ký ức Huỳnh Tấn Mẫm”. Tuổi Trẻ Online. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
- ^ Xé hiến chương Vũng Tàu và buộc Nguyễn Khánh từ chức Lưu trữ 2019-06-20 tại Wayback Machine, Báo Tuổi trẻ, 20/04/2005
- ^ a b Ký ức Huỳnh Tấn Mẫm Lưu trữ 2019-06-20 tại Wayback Machine, Báo Tuổi trẻ, 02/09/2011
- ^ Cuộc gặp lại của những người một thời Sống Đẹp, Báo Tiền phong, 20/05/2012
- ^ Dùng vũ khí Nguyễn Cao Kỳ phá bầu cử tổng thống Lưu trữ 2019-06-20 tại Wayback Machine, Báo Tuổi trẻ, 22/04/2005
Tham khảo
- Nguyễn Thanh Liêm. “Giáo dục ở Nam Việt Nam: Từ xưa đến hết thời Đệ Nhất Cộng hòa”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2010.
- Nguyễn Thanh Liêm. “Giáo dục ở Nam Việt Nam: Từ thập niên 1970 đến 1975” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2010.
- Nam Sơn Trần Văn Chi. “Giáo dục thời Việt Nam Cộng hòa”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2010.
- Nguyễn Văn Thành. “Sự giáo dục và thi cử qua các thời đại ở Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2010.
- Choinski, Walter Frank (1965). Country Study: Republic of Vietnam. Washington, DC: The Military Assistance Institute.
- Nguyen Ngoc Bich biên tập (1972). An Annotated Atlas of the Republic of Viet-Nam. Washington, D.C.: Embassy of Viet-Nam.
- Masur, Matthew B. (2004). Hearts and Minds: Cultural Nation-building in South Vietnam, 1954–1963. Ohio State University.
- Nguyen Van Canh (1983). Vietnam Under Communism, 1975–1982. Stanford, California: Hoover Institution of Stanford University.
- Sales, Jeanne M. (1974). Guide to Viet-Nam. Sài Gòn: American Women's Association of Saigon.
- Harvey, Smith (1967). Area Handbook for South Vietnam. Washington, D.C.: U.S. Government Printing Office.
- Nguyễn Thanh Liêm (2006). Giáo dục ở miền Nam tự do trước 1975 (Education in South Vietnam before 1975). California: Lê Văn Duyệt Foundation.
- “Primary Education” (PDF). Viet-Nam Info. 16. tháng 11 năm 1969. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.[liên kết hỏng]
- “Can Tho University” (PDF). Viet-Nam Info. 18. tháng 11 năm 1969. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.
- “Higher Education: University of Hue” (PDF). Viet-Nam Info. 27. tháng 3 năm 1970. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.
- “Secondary Education in Viet-Nam” (PDF). Viet-Nam Info. 36. tháng 10 năm 1970. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.[liên kết hỏng]
- Do, Khe Ba (1995). “The Difficult Path Toward an Integrated University and Community College System in Vietnam” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2010. In trong: Yee, Albert H. (ed.), East Asia Higher Education: Traditions and Transformations (Oxford: Pergamon, 1995), tr. 135–154.
- Do, Khe Ba (1970). The Community Junior College Concept: A Study of Its Relevance to Postwar Reconstruction in Vietnam. Los Angeles, California: University of Southern California. Luận án Tiến sĩ.
- Nguyễn Lưu Viên (1966). Chính sách Văn hóa Giáo dục (PDF). Sài Gòn: Việt Nam Cộng hòa. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2012. Diễn văn đọc trong cuộc họp báo ngày 27/7/1966 của Nội các Chiến tranh.
- Hội đồng Văn hóa Giáo dục (1969). Luật - Sắc lệnh - Nghị định (PDF). Sài Gòn: Việt Nam Cộng hòa. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2012.
- Hội đồng Văn hóa Giáo dục (1972). Chính sách Văn hóa Giáo dục (PDF). Sài Gòn: Việt Nam Cộng hòa. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2012.
- Viện Đại học Vạn Hạnh. Tư Tưởng (1967–1975). Sài Gòn: Viện Đại học Vạn Hạnh. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2014.
- Gadkar-Wilcox, Wynn (2023). “Universities and Intellectual Culture in the Republic of Vietnam”. Trong Ho Peché, Linda; Vo, Alex-Thai Dinh; Vu, Tuong (biên tập). Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory. Temple University Press. tr. 57–75.
- Chuyên đề “Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954–1975)”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 7–8). 2014.
Liên kết ngoài
- Giáo dục Việt Nam Cộng hòa Lưu trữ 2006-12-16 tại Wayback Machine (ảnh tư liệu): trang 1 Lưu trữ 2010-03-09 tại Wayback Machine, trang 2 Lưu trữ 2010-10-24 tại Wayback Machine, trang 3 Lưu trữ 2006-12-20 tại Wayback Machine, trang 4 Lưu trữ 2006-12-21 tại Wayback Machine, trang 5 Lưu trữ 2006-12-20 tại Wayback Machine, trang 6 Lưu trữ 2006-12-20 tại Wayback Machine, và trang 7 Lưu trữ 2006-12-20 tại Wayback Machine.
- Trường Trung học Kiểu mẫu Huế Lưu trữ 2009-03-18 tại Wayback Machine
- Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức Lưu trữ 2014-02-01 tại Wayback Machine (lịch sử, hình ảnh, tư liệu).
- Viện Đại học Minh Đức Lưu trữ 2009-07-06 tại Wayback Machine; ảnh tư liệu Lưu trữ 2009-07-12 tại Wayback Machine.
- Trường Nông Lâm Súc Lưu trữ 2010-08-20 tại Wayback Machine (lịch sử).
- Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Lưu trữ 2009-11-26 tại Wayback Machine (ảnh tư liệu).
- Trường Quốc gia Nghĩa tử Lưu trữ 2008-02-12 tại Wayback Machine
- Những hình ảnh về giáo dục miền Nam trước năm 1975 Lưu trữ 2014-02-01 tại Wayback Machine (ảnh tư liệu).
- Mấy cảm nhận về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc Lưu trữ 2014-12-25 tại Wayback Machine (Vương Trí Nhàn), đã in trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 7–8 (2014).
- "Dạy và học ở miền Nam trước 1975" Lưu trữ 2021-05-31 tại Wayback Machine
- "Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến" Lưu trữ 2020-10-11 tại Wayback Machine