Bước tới nội dung

Gành Đá Đĩa

13°21′15″B 109°17′38″Đ / 13,354066°B 109,293787°Đ / 13.354066; 109.293787 (Gành Đá Đĩa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Ghềnh Đá Dĩa)
Một góc Gành Đá Đĩa
Một góc Gành Đá Đĩa

Gành Đá Đĩa hay Ghềnh Đá Đĩa là một danh thắng thiên nhiên tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, Việt Nam.[1] Địa điểm này là một đoạn bờ biển có các cột đá bazan hình lăng trụ, trông giống như những chiếc đĩa xếp chồng lên nhau.[2]

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]
Cận cảnh các trụ đá tại Gành Đá Đĩa

Theo các nghiên cứu, bazan tại khu vực này hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa tại vùng trung tâm tỉnh Phú Yên (cao nguyên Vân Hòa ngày nay) cách đây hàng triệu năm. Các dòng dung nham khi nguội dần thì đông cứng lại và nứt vỡ thành các cột đá hình lăng trụ tương đối đồng đều. Những cột đá nằm sát biển sau đó lại chịu tác động của sóng đánh vào nên tiếp tục nứt theo chiều ngang, tạo thành các "đĩa" đá.[2][3]

Khu vực chính của danh thắng Gành Đá Đĩa có diện tích khoảng 2.700 m², các cột đá bazan tại đây tạo thành hai mũi nhô ra biển. Mũi nhô thứ nhất nằm về phía bắc, nổi bật với các cột đá nghiêng, uốn cong. Mũi thứ hai nằm về phía nam với các cột đá hầu hết thẳng đứng và tạo thành các bậc từ thấp đến cao.[2]

Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới cũng có các khối đá bazan dạng cột là: Giant's Causeway tại Bắc Ireland, Los Órganos tại Tây Ban Nha, hang động Fingal tại Scotland hay vách đá Jusangjeolli tại đảo Jeju (Hàn Quốc).[4][5] Bên cạnh đó, ngay trên địa bàn huyện Tuy An cũng có một số địa điểm tương tự như: Hòn Yến (xã An Hòa Hải), vực Trà Cơi, vực Hố Tròn (xã An Xuân), vực Song, vực Hòm (xã An Lĩnh).[6][7] Vào tháng 9 năm 2019, tại mỏ đá ở thôn Xuân Dục (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa), đơn vị khai thác cũng phát hiện các vỉa đá bazan hình cột.[8]

Lăng Đá Đĩa

Người dân tại đây còn lưu truyền hai truyền thuyết về nguồn gốc của Gành Đá Đĩa. Theo truyền thuyết thứ nhất, các khối đá này vốn là một kho của cải vàng bạc châu báu. Vào một đêm các kẻ xấu châm lửa đốt cửa với ý định cướp số của cải này, tuy nhiên giữa chừng thì một cơn lốc xoáy cuốn chúng đi và phát ra một tiếng nổ kinh hoàng. Sáng hôm sau, người dân phát hiện của cải đã hóa thành đá. Còn truyền thuyết thứ hai lại kể rằng nơi đây có cảnh quan thơ mộng nên các vị thần tiên giáng trần, đem theo chén vàng, đĩa ngọc xuống để mở yến tiệc, tuy nhiên do mải mê vui chơi nên họ bỏ quên các chồng bát đĩa, lâu ngày hóa thành đá.[9]

Ở rìa phía tây nam của danh thắng có Lăng Đá Đĩa thờ cúng thần Nam Hải (tức Cá Ông) của ngư dân trong vùng, được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19 dưới thời vua Tự Đức.[2]

Xếp hạng di tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 23 tháng 1 năm 1997, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Gành Đá Đĩa là thắng cảnh cấp quốc gia.[10] Ngày 31 tháng 12 năm 2020, Gành Đá Đĩa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2280/QĐ-TTg.[11]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Phạm Cường, Xuân Triệu (1 tháng 4 năm 2021). “Danh thắng Gành Đá Đĩa đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt”. VietnamPlus, TTXVN. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2022.
  2. ^ a b c d Khánh Chi. “Gành Đá Đĩa, tỉnh Phú Yên”. Cục Di sản văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2022.
  3. ^ Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (2003). Địa chí Phú Yên. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. tr. 708–709. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2022.
  4. ^ Viết Tuân (6 tháng 1 năm 2021). “Ghềnh đá đĩa Phú Yên là di tích quốc gia đặc biệt”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2022.
  5. ^ Thu Hà (10 tháng 10 năm 2019). “Sẽ có thêm một công viên địa chất tại Phú Yên?”. Cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2022.
  6. ^ Nguyễn Văn Mỹ (22 tháng 9 năm 2019). “Phát hiện thêm nhiều 'gành Đá Dĩa' tuyệt đẹp ở Phú Yên”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2022.
  7. ^ Quỳnh Mai (15 tháng 3 năm 2020). “Phú Yên: Kỳ thú những "gành Ðá Ðĩa" và dự án công viên địa chất toàn cầu”. Tổng cục Du lịch.
  8. ^ Trần Quới (19 tháng 9 năm 2019). “Phát hiện vỉa đá dài 1km cấu tạo độc đáo giống gành Đá Đĩa”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2022.
  9. ^ Nhuận Oanh (8 tháng 8 năm 2020). “Bí ẩn mới phát hiện về "cặp anh em song sinh" của kho báu hóa đá”. Báo điện tử Pháp luật Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2022.
  10. ^ “Độc đáo gành Đá Đĩa”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 23 tháng 12 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2022.
  11. ^ Vũ Phương Nhi (6 tháng 1 năm 2021). “Xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt”. Báo điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2022.