Khải Hoàn Môn, một trong những biểu tượng của thành phố Paris. Nằm giữa quảng trường Charles-de-Gaulle, điểm cuối của đại lộ Champs-Elysées, Khải Hoàn Môn được Hoàng đế Napoléon cho xây dựng năm 1806, sau chiến thắng Austerlitz. Tác phẩm của hai kiến trúc sư Jean Chalgrin và Louis-Étienne Héricart de Thury có chiều cao 50 mét, rộng 45 mét, mang phong cách Tân cổ điển và được hoàn thành năm 1836 dưới Nền quân chủ Tháng bảy. Ngày nay, Khải Hoàn Môn cùng đại lộ Champs-Elysées là một địa điểm ưa thích để chào đón các lễ hội.
Cầu Pont Neuf và đảo Île de la Cité nhìn từ cầu Pont des Arts lúc bình minh. Mặc dù trong tiếng Pháp, Pont Neuf có nghĩa là chiếc cầu mới, nhưng đây lại là cây cầu cổ nhất của thành phố Paris còn lại đến ngày nay. Công trình được xây dựng từ năm 1578 và hoàn thành vào năm 1607, nối tả ngạn sông Seine với đảo Île de la Cité, rồi tới hữu ngạn. Cầu Pont Neuf từng là đề tài yêu thích của một số họa sĩ nổi tiếng thế kỷ 19 như Auguste Renoir hay Camille Pissarro.
Au Moulin Rouge, bức họa về hộp đêm Moulin Rouge của Henri de Toulouse-Lautrec. Là một trong những gương mặt quan trọng nhất của trường phái Hậu ấn tượng, Henri de Toulouse-Lautrec nổi tiếng với những tác phẩm mô tả cuộc sống sôi động và đầy màu sắc ở Paris cuối thế kỷ 19. Tuy xuất thân từ tầng lớp quý tộc nhưng Toulouse-Lautrec lại gắn bó với cuộc sống phóng túng ở Paris và có rất nhiều bức họa về đề tài này. Ông cũng từng có thời gian phải kiếm sống bằng vẽ poster và là người vẽ poster cho quán Moulin Rouge.
Dãy nhà Richelieu của viện bảo tàng Louvre. Vốn là trụ sở của Bộ Tài chính Pháp từ năm 1871, dãy Richelieu thuộc về viện bảo tàng Louvre sau dự án mở rộng bảo tàng mang tên Grand Louvre của Tổng thống François Mitterrand. Ngày nay, nơi đây được dành cho các bộ sưu tập Phương Đông cổ đại, điêu khắc và đồ mỹ nghệ. Ba sân vuông lớn ở giữa các dãy nhà được lợp kính, dành riêng cho những tác phẩm điêu khắc cỡ lớn.
Galeries Lafayette Haussmann, cửa hàng lớn nhất trong hệ thống siêu thị thời trang Galeries Lafayette, nằm trên đại lộ Haussmann, quận 9 thành phố Paris. Mái vòm của cửa hàng được lấy cảm hứng từ phong cách Byzantine, có chiều cao 33 mét, bao gồm mười cụm kính màu với khung sắt được chạm khắc chi tiết. Chấn song lan can của các tầng thấp trang trí hình lá cùng các tay vịn cầu thang là tác phẩm của Louis Majorelle, một nghệ sĩ trang trí theo trường phái Art Nouveau.
“Thảo luận về chiến tranh trong một quán cà phê Paris”, minh họa thời kỳ Chiến tranh Pháp-Phổ của Frederick Barnard trên tờ Illustrated London News ngày 17 tháng 9 năm 1870. Đây là khoảng thời gian sau trận Sedan, quân Phổ đại thắng dẫn đến sự sụp đổ của Đệ nhị đế chế. Paris sau đó bước vào thời kỳ bị vây hãm từ 19 tháng 9 năm 1870 đến 28 tháng 1 năm 1871 rồi kết thúc bởi sự kiện Công xã Paris.
Toàn cảnh Paris, thành phố được mệnh danh là “Kinh đô ánh sáng”. Nguồn gốc của tên gọi này khó có thể xác định chính xác. Nó có lẽ bắt nguồn từ danh tiếng của Paris như một trung tâm của giáo dục và tư tưởng trong thời kỳ Khai sáng. Cái tên sau đó lại được hiểu theo nghĩa đen khi Paris trở thành thành phố đầu tiên ở châu Âu trang bị hệ thống chiếu sáng công cộng. Ngày nay, tên gọi Kinh đô ánh sáng thường được hiểu theo nghĩa bóng do vị trí trung tâm tri thức, văn hóa và nghệ thuật của thành phố Paris.
Phòng giải lao trong nhà hát Opéra Garnier, tác phẩm được kiến trúc sư Charles Garnier lấy cảm hứng từ những lâu đài cổ. Căn phòng rộng và trang trí cầu kỳ nổi bật nhờ những tấm gương và cửa sổ lớn. Giữa phòng, bức tượng bán thân Charles Garnier đặt bên cạnh cửa sổ, phía đại lộ Opéra. Trần nhà lộng lẫy được họa sĩ Paul-Jacques-Aimé Baudry trang trí theo chủ đề lịch sử âm nhạc. Opéra Garnier đã trở thành hình mẫu cho nhiều nhà hát khác trên khắp thế giới.
Đồi Montmartre cùng nhà thờ Sacré-Cœur nhìn từ trung tâm mua sắm Galeries Lafayette. Nằm ở quận 18 thành phố Paris, khu phố Montmartre từng là điểm đến của rất nhiều họa sỹ trong suốt những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong đó có những tên tuổi lừng danh như Monet, Mondrian, Picasso và van Gogh. Nhiều địa điểm nơi đây đã trở nên nổi tiếng nhờ hội họa như xưởng vẽ Bateau-Lavoir, quán Lapin Agile, quán Moulin de la Galette. Ngày nay, khu phố cùng với nhà thờ Sacré-Cœur là một trong những điểm thu hút du khách nhất của thành phố Paris.
Sarah Bernhardt, nữ nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của thế kỷ 19. Bà sinh năm 1844 ở Paris, tốt nghiệp học viện kịch nghệ và khởi nghiệp tại nhà hát Comédie-Française. Năm 1866, Bernhardt chuyển tới nhà hát Odéon, bắt đầu một sự nghiệp rực rỡ. Tên tuổi của bà lên đến đỉnh cao vào thập niên 1870, những năm đầu của thời kỳ Belle Epoque. Sau những thành công tại Pháp, Sarah Bernhardt đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu, Hoa Kỳ và Nga. Bà mất năm 1923 và được chôn cất tại nghĩa trang Père-Lachaise.
Tác phẩm điêu khắc Chiếc bình Hòa bình của Jean-Baptiste Tuby, phía tây cung điện Versailles. Nằm cách Paris khoảng 20 km về phía tây nam, cung điện Versailles trở thành trung tâm của quyền lực hoàng gia từ năm 1682, khi Louis XIV rời Paris về sống ở đây, cho tới năm 1789, thời điểm nổ ra cuộc cách mạng Pháp. Công trình kiến trúc đồ sộ và lộng lẫy này, gồm cung điện rộng 67.000 m² và khu vườn 800 ha, là một trong những lâu đài đẹp nhất và lớn nhất của châu Âu cũng như thế giới.
Pont des Arts, cây cầu đi bộ ở trung tâm Paris, nối liền Institut de France với viện bảo tàng Louvre. Được xây dựng lần đầu vào năm 1802, Pont des Arts là cây cầu kim loại đầu tiên của thành phố, cũng là một trong những công trình được xây dựng tại thủ đô trong thời gian Napoléon Bonaparte giữ chức Tổng tài. Tên cầu được đặt theo tên của viện bảo tàng Louvre, vốn được gọi là Palais des Arts (Cung điện Nghệ thuật) dưới thời Đệ nhất đế chế.
Nam tước Haussmann, người giữ cương vị tỉnh trưởng tỉnh Seine từ năm 1853 tới năm 1870, tổng công trình sư của dự án cải tạo Paris thời Đệ nhị đế chế. Cùng với Hoàng đế Napoléon III, Nam tước Haussmann đã biến thủ đô nước Pháp từ một đô thị cổ trật hẹp thành một thành phố hiện đại với những đại lộ lớn và quảng trường thoáng đãng. Công trình của Haussmann không chỉ tạo nên bộ mặt của Paris ngày nay mà còn là một kho báu cho các kiến trúc sư, những nhà quy hoạch đô thị và các sử gia kiến trúc.
Tháp Eiffel và khu phố Front de Seine nhìn từ cầu Mirabeau. Nằm cạnh sông Seine, Front de Seine là một trong những khu vực hiếm hoi của thành phố xuất hiện nhà cao tầng. Các tòa nhà chọc trời thường được xây dựng ở vùng ngoại ô Paris, tập trung nhiều nhất ở khu La Défense. Không giống với các tòa tháp ở quận 13 dành cho chung cư, hay các tháp chọc trời ở La Défense hầu hết chỉ dành cho văn phòng, Front de Seine là một khu phố hỗn hợp cả hai chức năng thương mại và cư trú.
Cầu Alexandre-III, cây cầu một nhịp bắc qua sông Seine, nối liền khu phố Champs-Élysées với điện Invalides. Công trình được trang trí bởi những cột đèn mang phong cách Art nouveau cùng bốn bức tượng lớn đặt trên bốn cột trụ ở hai đầu cầu, khắc họa bốn chủ đề: nghệ thuật, khoa học, chiến đấu và công nghiệp. Cầu Alexandre-III là quà tặng của Sa hoàng Alekxandr III cho nước Pháp nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1900 tại Paris.
Mái vòm nhà thờ của điện Invalides, tác phẩm của kiến trúc sư Jules Hardouin-Mansart, từng là cảm hứng cho nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng khác. Mái vòm với chiều cao 107 mét được chia thành 12 ô bao quanh, gồm các cửa sổ mái ở phía dưới và các điêu khắc trang trí mạ vàng trên phía đỉnh vòm. Vào năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, mái vòm nhà thờ đã được trang trí lại lần thứ năm với 550 ngàn lá vàng, tương đương 10 kg.
Tháp Eiffel, biểu tượng của thành phố Paris và nước Pháp. Công trình được xây dựng nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1889 tại Paris, mang tên kỹ sư thiết kế Gustave Eiffel. Với chiều cao 324 mét, tháp Eiffel ngày nay vẫn là công trình cao nhất của thành phố. Khoảng gần 7 triệu khách tới thăm quan tháp mỗi năm giúp tháp Eiffel trở thành công trình có thu phí được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới.
Hình ảnh panorama thư viện của bảo tàng Guimet. Thư viện này được thành lập ngay khi bảo tàng mở cửa vào năm 1889. Kho sách của thư viện ngày nay gồm hơn 100 ngàn cuốn và 1.500 tựa báo, tạp chí, tập trung về lĩnh vực nghệ thuật và khảo cổ học các quốc gia Đông Á với các ngôn ngữ cả châu Á và châu Âu. Không gian dưới mái vòm này là nơi lưu giữ các cuốn sách cổ quý giá. Khu vực thư viện mở cửa cho công chúng được đặt ở tầng trệt của bảo tàng.
Điện Panthéon nhìn từ vườn Luxembourg. Nằm trên đồi Sainte-Geneviève, thuộc khu phố La Tinh, Panthéon ban đầu là một nhà thờ được xây dựng vào thế kỉ 18 để bảo quản thánh tích của thánh Geneviève. Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp. Ngày nay, điện Panthéon là nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp.
Tòa thị chính Paris sau khi bị những binh lính Công xã phá hủy. Công trình được xây dựng vào thế kỷ 16, do một kiến trúc sư người Ý thiết kế, và hoàn thành gần một thế kỷ sau đó. Thời kỳ Công xã Paris, Tòa thị chính cùng Sở lưu trữ thành phố bị đốt phá vào tháng 5 năm 1871. Sau đó, từ năm 1874 tới năm 1882, một tòa nhà mới được xây dựng theo thiết kế của hai kiến trúc sư Théodore Ballu và Édouard Deperthes. Trong suốt lịch sử, Tòa thị chính từng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của thành phố cũng như của nước Pháp.
Sảnh chính của viện bảo tàng Orsay. Khi cải tạo bảo tàng từ một nhà ga, các kiến trúc sư đã tôn trọng kiến trúc cũ, làm nổi bật gian giữa như một trục chính và sử dụng mái che lợp kính. Không gian của sảnh chính này dài 138 mét, mái vòm cao 32 mét và được trang trí 1600 bức trạm hình hoa hồng. Phía cuối sảnh và bên ngoài bảo tàng vẫn được trang trí bởi những chiếc đồng hồ lớn. Tại tầng trệt, không gian trưng bày gồm sảnh chính và hai dãy phòng hai bên.
Một bảng hiệu tàu điện ngầm Paris. Các bến tàu điện ngầm Paris được đặc trưng bởi trang trí đồng nhất, theo phong cách Art nouveau do kiến trúc sư Hector Guimard đề xuất vào năm 1899. Trong những lần tu sửa và mở rộng sau này, phong cách đó vẫn luôn được tôn trọng. Một số bến tàu điện ngầm ở các thành phố khác như Montréal, Lisboa, Chicago hay México cũng mô phỏng theo phong cách trang trí này.
Kim tự tháp kính Louvre, tác phẩm nổi tiếng của kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa Ieoh Ming Pei. Công trình được xây dựng năm 1983 khi Tổng thống Pháp François Mitterrand quyết định cải tạo lại viện bảo tàng Louvre. Là lối vào chính của bảo tàng dẫn xuống sảnh ngầm phía dưới, kim tự tháp giải quyết được vấn đề nghiêm trọng tại lối vào của cung điện, vốn không thể chứa nổi lượng khách tham quan khổng lồ. Nhiều bảo tàng khác đã học tập giải pháp này, trong đó có Bảo tàng Khoa học và Công Nghiệp tại Chicago.
Mặt trước của nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris, nằm trên đảo Île de la Cité. Phía trên ba cửa chính, nhà thờ được trang trí một hàng tượng 28 vị vua của Judea và Israel. Phía dưới, từ trái sang phải, ba cửa lớn được mang tên: cổng Đức Mẹ, cổng Phán quyết cuối cùng và cổng Thánh Anne. Nhà thờ Đức Bà Paris ngày nay là một trong những biểu tượng của thành phố, cũng là một công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic.
Bức ảnh nổi tiếng Đại lộ Temple được nhà vật lý học Louis Daguerre chụp ngày 4 tháng 5 năm 1838 tại Paris. Daguerre đứng trên một tòa nhà cao, thực hiện bức ảnh ghi lại cảnh đại lộ Temple với thời gian phơi sáng lên đến 10 phút, do hạn chế về kỹ thuật ở thời kỳ đó. Tất cả các xe cộ chuyển động trên đường phố đều không hiện trong tấm hình. Riêng ở góc trái, một người đàn ông đứng yên để đánh giày và đây là bức ảnh đầu tiên có ghi lại hình ảnh con người.
Toàn cảnh La Défense, khu vực đô thị ở ngoại ô Paris. Khu phố này là điểm kéo dài của trục Axe historique, bắt đầu từ viện bảo tàng Louvre trong trung tâm thành phố, tới đại lộ Champs-Élysées, Khải Hoàn Môn, rồi thẳng đến tòa nhà Grande Arche thuộc La Défense. Được xây dựng từ cuối thập niên 1950, La Défense hiện nay là khu phố văn phòng quan trọng bậc nhất châu Âu với nhiều nhà chọc trời, tập trung những công ty hàng đầu Pháp cũng như thế giới.
Lễ hội Concorde trên quảng trường Champ-de-Mars ngày 21 tháng 5 năm 1848. Nằm bên bờ sông Seine, Champ-de-Mars từng là nơi tổ chức nhiều lễ hội lớn trong lịch sử, như lễ hội Fédération năm 1790, lễ hội Être suprême năm 1794, lễ hội Concorde năm 1848... Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nơi đây luôn giữ vai trò quan trọng trong những dịp triển lãm thế giới được tổ chức ở Paris. Ngày nay, với vị trí bên cạnh tháp Eiffel, quảng trường Champ-de-Mars vẫn là địa điểm lễ hội chính của thành phố, cũng là nơi tổ chức những buổi hòa nhạc và lễ bắn pháo hoa ngày quốc khách.
Nhà hát Opéra Garnier cuối thế kỷ 19, thời kỳ Belle Époque. Trong giai đoạn này, các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nghệ thuật... và đời sống ở châu Âu đều có những bước phát triển mạnh mẽ. Trên các đại lộ của những đô thị lớn, trong các quán cà phê, tiệm nhạc, gallery nghệ thuật... thường xuyên có sự góp mặt của tầng lớp tư sản trung lưu, những người giàu có nhờ sự phát triển kinh tế. Đây cũng là giai đoạn Paris xây dựng thêm nhiều công trình mới nhân các dịp triển lãm thế giới, trong đó có tháp Eiffel, Grand Palais, Petit Palais và Palais de Chaillot.
Mona Lisa, tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ người Ý Leonardo da Vinci. Da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa vào năm 1503 nhưng không hoàn thành và mang bức tranh theo bên mình khi được vua François I mời đến Pháp. Sau khi họa sĩ qua đời, bức tranh được François I mua lại và lưu giữ trong lâu đài Fontainebleau. Mona Lisa sau đó lần lượt thuộc về các vị vua và hoàng đế của Pháp trước khi trở thành tài sản quốc gia. Ngày nay, Mona Lisa thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và được trưng bày tại viện bảo tàng Louvre.
Gian giữa của nhà thờ Saint-Sulpice, quận 6 thành phố Paris. Với chiều dài 113 mét, chiều rộng 58 mét và chiều cao 34 mét, Saint-Sulpice chỉ nhỏ hơn một chút so với nhà thờ Đức Bà Paris và là nhà thờ lớn thứ hai của thành phố. Công trình mang phong cách kiến trúc Baroque được xây dựng từ năm 1646 và hoàn thành năm 1870. Nhà thờ Saint-Sulpice từng xuất hiện trong không ít tác phẩm nghệ thuật, trong đó có cuốn tiểu thuyết ăn khách Mật mã Da Vinci của nhà văn người Mỹ Dan Brown.
Đài phun nước các đại dương nằm ở phía nam quảng trường Concorde. Cùng với Đài phun nước các dòng sông ở phía bắc quảng trường, Đài phun nước các đại dương được thi công từ năm 1835 đến năm 1840 theo đồ án của Jacques Ignace Hittorff với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ điêu khắc và tạo hình. Các tác phẩm được làm bằng chất liệu đá cẩm thạch, với chủ đề tượng trưng cho sự phát triển của công cuộc khai thác tài nguyên cùng ngành giao thông đường biển và đường sông.
Cây cột Vendôme sau khi bị binh lính của Công xã Paris phá hủy năm 1871. Công trình tưởng niệm này được Hoàng đế Napoléon cho xây dựng năm 1805 theo nguyên mẫu cây cột Traianus ở Roma và được làm bằng đồng của các khẩu pháo chiếm được trong trận Austerlitz. Thời kỳ Công xã, cây cột bị xem như một biểu tượng xấu của nền quân chủ và bị phá hủy ngày 16 tháng 5 năm 1871. Công trình sau đó được chính phủ Đệ tam cộng hòa xây dựng lại vào năm 1875.
Palais Royal, tức Cung điện Hoàng gia, nằm ở trung tâm thành phố Paris. Được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1622 để dành cho Hồng y Richelieu, công trình đã từng là cung điện chính thức của hoàng gia Pháp trong một thời gian ngắn. Ngày nay, Palais Royal là nơi đặt trụ sở của một số cơ quan thuộc Chính phủ Pháp, bao gồm Hội đồng nhà nước, Hội đồng lập hiến và Bộ Văn hóa. Một phần của cung điện cũng được sử dụng làm phòng biểu diễn của Nhà hát Comédie-Française.
Đại lộ Champs-Élysées nhìn từ Khải Hoàn Môn. Lịch sử của con phố nổi tiếng này bắt đầu vào năm 1616, khi hoàng hậu Marie de' Medici quyết định mở một con đường dài với những hàng cây hai bên để đi dạo. Khi triều đình dần chuyển về Versailles, Champs-Elysées trở thành một không gian xanh ưa thích của người dân Paris. Đại lộ với những nhà hàng, rạp xiếc, quá cà phê... là địa điểm dành cho giới giàu có vào thời kỳ Belle Époque. Ngày nay, Champs-Élysées trở thành một biểu tượng của Paris và là một trong những địa điểm thu hút du khách nhất của thành phố.
Cung điện Luxembourg nằm trong khu vườn cùng tên tại quận 5 thành phố Paris. Công trình được hoàng hậu Marie de' Medici cho xây dựng vào đầu thế kỷ 17 theo bản thiết kế của kiến trúc sư Salomon de Brosse. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nơi đây từng là dinh thự của hoàng gia, của những nhân vật tầng lớp quý tộc, rồi trở thành xưởng vũ khí, nhà tù trong thời kỳ Cách mạng. Tới năm 1799, cung điện được chuyển cho Thượng nghị viện Pháp, trở thành trụ sở của cơ quan này cho tới ngày nay.
Cầu Bir-Hakeim, cây cầu bắc qua sông Seine nối liền đại lộ Président-Kennedy bên hữu ngạn với khu phố Grenelle bên tả ngạn. Cây cầu đầu tiên xây dựng ở vị trí này là một cầu đi bộ nhỏ có tên cầu Passy. Từ năm 1903 đến năm 1905, cây cầu này được xây dựng lại và năm 1948 được đổi tên thành cầu Bir-Hakeim, tưởng niệm trận đánh Bir Hakeim năm 1942. Cầu Bir-Hakeim có hai tầng, tầng một cho người đi bộ và ô tô, tầng phía trên dành cho tuyến số 6 của tàu điện ngầm Paris.
Tháp Eiffel trong giai đoạn xây dựng. Công trình dành cho Triển lãm thế giới năm 1889 được Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp khởi công xây dựng vào tháng 1 năm 1887. Trên công trường, số công nhân không khi nào vượt quá con số 250 bởi một phần lớn khối lượng công việc được thực hiện tại nhà máy của công ty Eiffel ở Levallois-Perret. Tháp Eiffel hoàn thành vào tháng 3 năm 1889 với chi phí xây dựng vượt 1,5 triệu franc và thời gian thi công kéo dài gấp đôi so với dự kiến.
Viện bảo tàng Orsay và cầu Pont Royal nhìn từ cầu Léopold-Sédar-Senghor. Tọa lạc bên bờ sông Seine, thuộc khu vực trung tâm của thành phố, tòa nhà viện bảo tàng Orsay vốn là nhà ga cũ được xây dựng nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1900. Đến thập niên 1970, công trình được tu sửa lại và bảo tàng Orsay được khánh thành ngày 1 tháng 12 năm 1986. Ngày nay, Orsay là một trong những viện bảo tàng quan trọng nhất của Paris, sở hữu các tác phẩm nổi tiếng của nghệ thuật phương Tây giai đoạn thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Âu thuyền trên kênh đào Saint-Martin. Nằm ở hai quận 10 và 11, kênh đào Saint-Martin dài 4,55 km với nhiều âu thuyền và cầu đi bộ bắc ngang, nối liền kênh đào Ourcq với sông Seine. Tuyến đường thủy này ngày nay ít khi được dùng để vận chuyển hàng hóa mà chủ yếu dành cho các hoạt động du lịch. Hai bờ kênh là nơi đi dạo và tổ chức picnic ưa thích của người dân Paris. Kênh Saint-Martin đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1993.
Một cụ già chơi cờ trong vườn Luxembourg. Không chỉ là nơi đi dạo của sinh viên, du khách và người dân Paris, khu vườn Luxembourg còn là một địa điểm dành cho nhiều hoạt động thể thao và văn hóa. Những người chơi cờ thường xuyên gặp gỡ ở góc vườn phía tây bắc, bên cạnh nhà trú cam. Nhiều không gian dành cho các môn thể thao khác như quần vợt, bóng rổ hay võ thuật. Các cuộc triển lãm hay biểu diễn nhạc cũng được tổ chức thường xuyên, đặc biệt vào những mùa thời tiết đẹp.
Phòng đọc trong thư viện Bảo tàng Kiến trúc và Di sản. Nằm trong cung Chaillot ở quận 16, thư viện của bảo tàng Kiến trúc và Di sản bắt đầu mở cửa đón độc giả và công chúng từ tháng 9 năm 2007, dành riêng cho lĩnh vực kiến trúc hiện đại và kiến trúc đương đại. Trần nhà của phòng đọc này là một bản sao chính xác bức bích họa trang trí mái vòm tu viện Saint-Savin-sur-Gartempe, di sản thế giới nằm ở tỉnh Vienne, miền trung nước Pháp.
Le Départ des Volontaires, hay thường được gọi La Marseillaise, tác phẩm nổi tiếng nhất trong bốn bức phù điêu chính của Khải Hoàn Môn. Nhà điêu khắc François Rude đã thể hiện hình ảnh những người Pháp nghe theo hiệu triệu, xuất phát lên đường để bảo vệ tổ quốc, và phía trên họ, vị thần Chiến thắng với đôi cách rộng đang dẫn đường. Tác phẩm mang nhiều tính biểu tượng này đã pha trộn một cách tinh tế giữa phong cách cổ điển và trường phái lãng mạn.
Hai vận động viên Jérémy Cadot và Andrea Baldini tại giải đấu kiếm Challenge international de Paris năm 2013. Challenge International de Paris là một giải đấu dành cho môn kiếm liễu được Liên đoàn Kiếm thuật Pháp tổ chức hàng năm ở Paris. Giải đấu này được sáng lập năm 1953 với tên gọi Challenge Martini. Từ năm 1991, giải mang tên Challenge Brut de Fabergé và từ năm 1998 với tên gọi như ngày nay. Địa điểm thi đấu truyền thống của giải là nhà thi đấu Pierre de Coubertin ở quận 16.
Một vespasienne trên đại lộ Maine, Paris, khoảng năm 1865. Vespasienne là một kiểu nhà vệ sinh công cộng đơn giản dành cho đàn ông từng khá phổ biến ở châu Âu. Những nhà vệ sinh kiểu này xuất hiện lần đầu vào năm 1841 ở Paris, góp phần làm giảm bớt cảnh đàn ông tiểu tiện lên các tòa nhà, vỉa hè hay đường phố. Vào thập niên 1930, thành phố Paris có tới 1.230 chiếc vespasienne, nhưng ngày nay chỉ còn duy nhất một chiếc trên đại lộ Arago và vẫn cho phép được sử dụng.
Phòng đọc trong thư viện Lịch sử Thành phố Paris. Đúng như tên gọi, thư viện Lịch sử Thành phố Paris là nơi lưu giữ các tài liệu về lịch sử của Paris và vùng Île-de-France, bao gồm các lĩnh vực địa hình, chính trị, tôn giáo, xã hội và văn hóa. Là một thư viện công cộng thuộc hệ thống thư viện thành phố, Thư viện Lịch sử Thành phố Paris được mở cửa dành cho mọi độc giả với một kho tư liệu khá đầy đủ và phong phú. Ngày nay, thư viện được đặt trong dinh thự Angoulême Lamoignon ở quận 4.
Quang cảnh vườn Versailles nhìn từ phía cung điện. Nằm ở phía tây của cung điện Versailles, khu vườn với diện tích 830 hecta được kiến trúc sư cảnh quan André Le Nôtre thiết kế mang đậm phong cách vườn Pháp cổ điển. Một không gian rộng lớn với những kênh đào, hàng cây, đài phun nước, các tác phẩm điêu khắc... từng là nơi đi dạo và vui chơi của hoàng gia Pháp cho tới thời kỳ cách mạng. Ngày nay, khu vườn cùng với cung điện là một di sản thế giới, mỗi năm đón hàng triệu du khách tới thăm viếng.
Grands Moulins de Pantin và kênh đào Ourcq. Grands Moulins de Pantin vốn là một nhà máy bột xây dựng vào năm 1884, nằm dọc kênh Ourcq, ngay sát với địa giới của Paris. Sau những lần tu sửa và xây dựng lại năm 1923 và 1944, nhà máy bị đóng cửa vào tháng 6 năm 2001. Nhờ quá trình trùng tu dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Jean-François Authier, những tòa nhà của nhà máy bột ngày nay đã trở thành một khu văn phòng, trụ sở của Bộ phận bảo mật của ngân hàng BNP Paribas.
Tấm bản đồ của Claes Jansz. Visscher xuất bản năm 1618, thể hiện hình ảnh Paris những năm đầu thế kỷ 17. Đó là giai đoạn Paris vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tôn giáo, nước Pháp dưới sự trị vì của vua Henri IV. Vị vua mới đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết thành phố, nhiều ngôi nhà mới mọc lên, các công trình lớn như Louvre, Tuileries, Pont Neuf... tiếp tục được xây dựng, Paris bước vào một thời kỳ thịnh vượng. Từ năm 1600 đến năm 1637, dân số Paris đã tăng từ 300.000 người lên đến 415.000 người.
Bức phù điêu trên mộ của Antoine Laurent Dantan trong nghĩa trang Père-Lachaise. Nằm ở phía đông thành phố Paris, Père-Lachaise không chỉ là nơi yên nghỉ của hàng ngàn danh nhân mà còn được xem như một bảo tàng các tác phẩm điêu khắc giá trị. Hàng ngàn những ngôi mộ ở đây được trang trí bằng nhiều hình thức khác nhau như tượng bán thân, phù điêu, bảng tưởng niệm, hay tượng đài. Père-Lachaise cũng là không gian xanh lớn nhất trong nội ô Paris.
Quang cảnh Paris với đảo Île de la Cité và cầu Pont Neuf năm 1897. Nằm trên dòng sông Seine, thuộc khu vực trung tâm thành phố, Île de la Cité được xem như cái nôi của Paris. Trong suốt quá trình phát triển thành phố, hòn đảo này vẫn luôn giữ vị trí trung tâm, nơi tập trung nhiều tòa nhà quan trọng. Île de la Cité ngày nay vẫn mang dáng vẻ có từ thế kỷ 19 với những con phố nhỏ quanh co và những công trình nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, Sainte Chapelle, Conciergerie hay Hôtel Dieu.