Bước tới nội dung

Bệnh viện Hùng Vương

10°45′21″B 106°39′42″Đ / 10,755866°B 106,661747°Đ / 10.755866; 106.661747 (Bệnh viện Hùng Vương)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bệnh viện Hùng Vương
Tên khácBảo sanh viện Hùng Vương
Vị trí
Vị trí128 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Tọa độ10°45′21″B 106°39′42″Đ / 10,755866°B 106,661747°Đ / 10.755866; 106.661747 (Bệnh viện Hùng Vương)
Map
Tổ chức
Ngân quỹBệnh viện công lập
Loại bệnh việnBệnh viện chuyên khoa
Giường1.200[1]
Liên kết
Điện thoại(028) 38558532
Websitebvhungvuong.vn

Bệnh viện Hùng Vương là một bệnh viện chuyên sản phụ khoa trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh,[2] địa chỉ tại số 128 đường Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.[3] Đây là bệnh viện phụ sản lớn và có lịch sử lâu đời tại thành phố, hiện được xếp hạng I.[4]

Tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]

Tính đến tháng 8 năm 2022, bệnh viện chia ra 10 phòng chức năng, 15 khoa lâm sàng và 7 khoa cận lâm sàng.[3] Các lĩnh vực nổi bật của bệnh viện hiện nay gồm: chẩn đoán trước sinh, sản khoa, phụ khoa, hiếm muộn, khám nhi và các dịch vụ khác như: khám sàn chậu – niệu phụ khoa, tư vấn truyền thông sức khỏe.[5]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Bảo sanh viện Chợ Lớn vào năm 1909

Theo một số tài liệu thời Pháp thuộc, vào những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại thành phố Chợ Lớn rất cao, đến hơn 60% số ca sinh vào năm 1900. Nguyên nhân được kết luận là do các trẻ này bị nhiễm trùng uốn ván, hậu quả của phương pháp đỡ đẻ truyền thống vốn không an toàn, sạch sẽ do các bà đỡ, phần lớn không được đào tạo, thực hiện. Nhận thấy điều này, thị trưởng lúc bấy giờ là ông Frédéric Drouhet đã ra quyết định thành lập Bệnh viện phụ sản Chợ Lớn (hay còn gọi là Bảo sanh viện Chợ Lớn) vào ngày 31 tháng 8 năm 1901. Đây là cơ sở phụ sản đầu tiên tại Đông Dương, do cộng đồng người Pháp, người Việt và người Hoa cùng góp tiền xây dựng. Bệnh viện có 40 giường, trong đó có 2 phòng dành riêng cho người Pháp.[6][7] Chức năng của bệnh viện là hỗ trợ các sản phụ người bản xứ cũng như hướng dẫn cho các bà đỡ về vệ sinh và vô trùng.[8] Nhờ đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Chợ Lớn đã giảm dần trong những năm sau đó, đến năm 1910 chỉ còn 17%.[6]

Đến năm 1940, sau khi Bảo sanh viện Từ Dũ được xây dựng xong thì Bảo sanh viện Chợ Lớn được sử dụng một phần làm viện dưỡng nhi nuôi trẻ mồ côi.[9]

Năm 1957, cơ sở này chính thức được bàn giao cho Bộ Y tế Việt Nam Cộng hòa. Sau đó chính quyền đã cho xây dựng sửa chữa lại và khánh thành vào ngày 23 tháng 3 năm 1958 với tên gọi Bảo sanh viện Hùng Vương, quy mô 180 giường và là bảo sanh viện hạng II.[9]

Ngày 23 tháng 8 năm 1968, Bảo sanh viện Hùng Vương được chọn làm thí điểm để thực hiện qui chế tự trị.[10] Theo đó, bảo sanh viện tự trị hoạt động theo lối doanh thu lợi nhuận, mọi cấu trúc về tổ chức, nhân sự, phòng ốc đều mang đầy đủ tính chất lợi nhuận, các trại phòng được phân hạng theo giá tiền, không theo tính chất bệnh – có 1 trại là trại H gọi là trại "thí" giành cho sản phụ nghèo.[9] Tính đến năm 1971, bệnh viện có 10 khu: ngoại chẩn, sản khoa thường, sản khoa bất thường, phụ khoa, trẻ sơ sinh thiếu tháng, bảo trợ mẫu nhi, giải phẫu, quang tuyến, thí nghiệm và ngân hàng máu, tiếp liệu y dược cụ.[11] Đến năm 1975, bảo sanh viện được nâng lên 375 giường và được xếp hạng I, chủ yếu phục vụ người dân khu vực Chợ Lớn và các tỉnh lân cận.[9]

Sau Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, bảo sanh viện được chính quyền mới tiếp quản, được cải tiến cơ cấu, ổn định, sắp xếp tổ chức để phù hợp với hệ thống xã hội chủ nghĩa.[9] Tháng 2 năm 2004, khối nhà phía đường Hồng Bàng được xây mới với 5 tầng, đến tháng 1 năm 2020, tòa nhà trung tâm với 12 tầng lầu và 2 tầng hầm cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng.[12]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Diễm Hằng (4 tháng 8 năm 2021). “Trăn trở của bác sĩ tại nơi có nhiều sản phụ mắc COVID-19 nhất TP.HCM”. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.
  2. ^ “Quyết định số 29/2022/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh”. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2022.
  3. ^ a b “Sơ đồ tổ chức”. Bệnh viện Hùng Vương. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.
  4. ^ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (12 tháng 2 năm 2020). “Quyết định xếp hạng bệnh viện của UBNDTP”. Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2022.
  5. ^ “Lĩnh vực khám và điều trị”. Bệnh viện Hùng Vương. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.
  6. ^ a b Annuaire général de l'Indochine – Partie commerciale et industrielle. 1911. tr. 629–631. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.
  7. ^ Annuaire illustré de la Cochinchine. Saigon: Claude et Cie. 1905. tr. 61–62. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.
  8. ^ Situation de l'Indo-Chine de 1902 à 1907 – Tome II. Saigon: Imprimerie Commerciale Marcellin Rey. 1908. tr. 113–114. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.
  9. ^ a b c d e “Lịch sử phát triển Bệnh viện Hùng Vương”. Bệnh viện Hùng Vương. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.
  10. ^ Quy-pháp vựng-tập Quyển XIV – Tập I. Sở Công báo. 1971. tr. 267. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.
  11. ^ Quy-pháp vựng-tập Quyển XIV – Tập II. Sở Công báo. 1971. tr. 1317.
  12. ^ “Bảo sanh Hùng Vương, những đổi thay sau 47 năm dưới chế độ mới”. Bệnh viện Hùng Vương. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]