Bước tới nội dung

Bưởi Năm Roi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thu hoạch bưởi Năm Roi tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Bưởi Năm Roi[1] hay năm roi[2] là một giống bưởi nổi tiếng ở Việt Nam, được trồng nhiều ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là Hậu GiangVĩnh Long. Mỗi năm, giống bưởi này cho thu hoạch 2 lần vào tháng 8 và tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Loại bưởi này có tên gọi không thống nhất. Các tài liệu được xuất bản cùng với báo chí có cách dùng khác nhau. Các tên được dùng là Năm Roi,[3][4][5] năm roi,[2] Năm roi,[6] 5 roi.[7] Xuất phát từ giai thoại của ông Trần Văn Bưởi thì tên bưởi là năm roi, chỉ việc ông sẽ đánh ai hái bưởi của ông với số lượng roi ông sẽ đánh. Viện cây ăn quả miền Nam lúc dùng tên viết hoa lúc dùng tên viết thường.[8] Một số tài liệu sử dụng tất cả kiểu viết khác biệt: Năm Roi, năm roi, 5 roi.[9] Năm 2013, Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ khi xác nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã ghi tên viết hoa loại trái cây này là bưởi Năm Roi.[1]

Nguồn gốc, đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Giống bưởi năm roi do ông Trần Văn Bưởi (1918 - 1990) người làng Mái Dầm (nay là thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) tìm thấy. Sinh thời, ông Bưởi làm nghề buôn bán trên sông. Một tối ông ngủ lại trên ghe bầu ở Tân Châu (vùng Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang thời Pháp thuộc) thì vô tình nhặt được một trái cây trên sông. Trái cây da có màu xanh, ruột màu đỏ vàng. Xé ra nếm thử thấy vị ngon, mọng nước, ông lấy hột mang về quê Phú Hữu (chợ Mái Dầm) để trồng.

Sau khi giống bưởi này được phổ biển khắp vùng quê ông Trần Văn Bưởi, nhiều người từ các nơi khác cũng đến xin giống cây về trồng. Ngày nay, bưởi năm roi được trồng nhiều nhất là ở Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang và Bình Minh, Vĩnh Long. Ở Phú Hữu người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được một trái bưởi 3–4 kg có trái còn nặng tới 5 kg, những trái lớn như vậy chỉ có vào một hai mùa đầu, người dân gọi là bưởi tơ. Vào các mùa sau thì bưởi cho trái nhiều hơn, thường xuyên hơn. Ngày nay người nông dân có thể cho trái quanh năm, tháng nào cũng có thể được thưởng thức bưởi năm roi chín.

Còn về tên gọi, tương truyền khi xưa, vì sợ con cháu trong nhà hái trái làm mất giống cây quý nên ông Bưởi đe: "Đứa nào mà hái trái cây của ông Bưởi là ông đánh năm roi nghe chưa". Vì câu nói của ông, giống bưởi có tên gọi là "năm roi". Bưởi năm roi cũng có tên gọi riêng từ đó.

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Bưởi năm roi ít hạt hoặc không có hạt, múi bưởi đều, dễ tách, các con tép vàng đều, mọng nước nhưng ráo, mùi thơm đậm đà, đặc trưng mang nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể người. Bưởi năm roi là giống cây trồng lâu năm, thân gỗ có tán rộng, chiều cao trung bình từ 3 – 4m. Hoa thường mọc thành chùm ở nách lá, mỗi chùm có từ  6 – 7 bông, hoa bưởi có màu trắng sữa. Bưởi năm roi có hình giống trái lê, hình tháp đáy rộng, thường mọc thành 1 chùm 3 quả một, mỗi quả có trọng lượng trung bình từ 1,5 – 3 kg. Vỏ bưởi mỏng rất dễ bóc, khi chín chuyển sang màu vàng, bên trong có ruột trắng. Múi bưởi rất đều, vị ngọt thanh xen lẫn vị chua rất dễ chịu mà không giống bưởi nào có được, đặc biệt hơn chính là bưởi năm roi sẽ có mùi hương rất đậm.

Về sinh trưởng, loại cây này có khả năng sinh trưởng và phát triển khá tốt, có thể thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khí hậu khác nhau. Sau từ 2,5 – 3 năm cây có thể cho thu hoạch được, tuổi thọ cây cũng khá bền, có thể cho thu hoạch tới 20 năm những chất lượng quả vẫn rất cao.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Phòng Chỉ dẫn địa lý (ngày 4 tháng 9 năm 2013). “BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ BÌNH MINH CHO BƯỞI NĂM ROI”. Cục sở hữu trí tuệ. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2024.
  2. ^ a b Bùi Huy Đáp, Nguyễn Điền 1998, tr. 66.
  3. ^ Lê Quang Phi 2007, tr. 173.
  4. ^ Lê Hồng Chương 2007, tr. 709, 711.
  5. ^ Viện Kinh tế 2007, tr. 57.
  6. ^ Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ rau hoa quả 2005, tr. 253.
  7. ^ Trần Hoàng Diệu và đồng nghiệp 2005, tr. 813.
  8. ^ Xem: search: bưởi Năm roi, Viện cây ăn quả miền Nam, ngày truy cập 5 tháng 4 năm 2024
  9. ^ Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn 2005, tr. 49, 149.

Tạp chí

[sửa | sửa mã nguồn]