Bước tới nội dung

Đặng Văn Lâm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đặng Văn Lâm
Лев Шонович Данг
Đặng Văn Lâm thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại AFC Asian Cup 2019
Thông tin cá nhân
Tên khai sinh Tiếng Nga: Лев Шонович Данг
Tiếng Việt: Đặng Văn Lâm
Ngày sinh 13 tháng 8, 1993 (31 tuổi)
Nơi sinh Moskva, Nga
Chiều cao 1,88 m (6 ft 2 in)[1]
Vị trí Thủ môn
Thông tin đội
Đội hiện nay
Phù Đổng Ninh Bình
Số áo 1
Sự nghiệp cầu thủ trẻ
Năm Đội
2002–2007 Spartak Moskva
2007–2010 Dinamo Moskva
2010–2011 HAGL - Arsenal - JMG
Sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp*
Năm Đội ST (BT)
2011–2013 Hoàng Anh Gia Lai 0 (0)
2012Hoàng Anh Attapeu (mượn) 21 (0)
2013–2014 Duslar Moskva 12 (0)
2014 TP Hồ Chí Minh 0 (0)
2014–2015 Rodina Moskva 12 (0)
2015–2019 Hải Phòng 76 (0)
2019–2021 Muangthong United 42 (0)
2021–2022 Cerezo Osaka 0 (0)
2022–2024 Bình Định 46 (0)
2024– Phù Đổng Ninh Bình 3 (0)
Sự nghiệp đội tuyển quốc gia
Năm Đội ST (BT)
2010–2011 U-19 Việt Nam 2 (0)
2018 Olympic Việt Nam 1 (0)
2017– Việt Nam 44 (0)
Thành tích huy chương
Bóng đá nam
Đại diện cho  Việt Nam
AFF Cup
Vô địch Đông Nam Á 2018 Đồng đội
Á quân Đông Nam Á 2022 Đồng đội
*Số trận ra sân và số bàn thắng ở câu lạc bộ tại giải quốc gia, chính xác tính đến 5 tháng 6 năm 2023
‡ Số trận ra sân và số bàn thắng ở đội tuyển quốc gia, chính xác tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2023

Đặng Văn Lâm (tiếng Nga: Лев Шонович Данг, chuyển tự Lev Shonovich Dang, sinh ngày 13 tháng 8 năm 1993) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Việt - Nga, hiện đang thi đấu ở vị trí thủ môn cho câu lạc bộ Phù Đổng Ninh Bình tại V.League 2đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.

Sự nghiệp câu lạc bộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Khởi đầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặng Văn Lâm trưởng thành từ câu lạc bộ trẻ Spartak Moscow vào năm 2005 sau 5 năm, cuối năm đó anh chuyển đến câu lạc bộ Dinamo Moscow học hỏi thêm 4 năm.[2]

Hoàng Anh Gia Lai

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2010, anh về Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp với câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai.[3] Mùa 2013, anh được chuyển sang thi đấu cho câu lạc bộ Hoàng Anh Attapeu tại giải bóng đá ngoại hạng Lào theo dạng cho mượn.[4] Dù cùng Hoàng Anh Attapeu giành ngôi á quân giải Lào nhưng sau khi trở lại Việt Nam, anh đã phải chia tay phố Núi vì không được trọng dụng và quay trở lại thi đấu cho 2 câu lạc bộ hạng thấp ở Nga là Duslar và Rodina Moscow.[5]

Hải Phòng

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2015, anh quay trở lại Việt Nam để thi đấu cho câu lạc bộ Hải Phòng. Sau khi thất bại với việc có được suất bắt chính năm 2015, cho đến 2016, anh trở thành thủ môn trọng yếu của câu lạc bộ và ngay sau đó được gọi lên đội tuyển quốc gia Việt Nam bởi huấn luyện viên Miura Toshiya. Tháng 9 năm 2017, Văn Lâm ngã dẫn đến lật cổ chân khi bị trợ lý huấn luyện viên Lê Sỹ Mạnh hành hung.[6] Văn Lâm sau đó đã rời khỏi Việt Nam và quay trở lại nước Nga.[7] Nhưng một năm sau đó, anh lại quay trở về câu lạc bộ để tiếp tục thi đấu V.League 2018 sau khi Lê Sỹ Mạnh (người hành hung anh) đã bị sa thải trước đó.[8]

Muangthong United

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 1 năm 2019, sau kỳ Asian Cup thành công cùng đội tuyển Việt Nam, Văn Lâm được câu lạc bộ Muangthong United của Thái Lan để ý. Anh đồng ý thi đấu cho câu lạc bộ và đã ký vào bản hợp đồng kéo dài 3 năm.[9][10] Đội bóng Thái Lan phải trả cho Hải Phòng 500.000 USD để đổi lấy sự phục vụ của thủ môn Việt kiều.[11]

Năm 2021, việc Đặng Văn Lâm rời Muangthong United sang Cerezo Osaka đã được người đại diện của thủ môn này, ông Andrey Grushin, tiết lộ với tờ VnExpress từ ngày 7 tháng 1. Theo Grushin, Muangthong đã vi phạm các điều khoản về lương với Văn Lâm, nên thủ thành Việt kiều hoàn toàn là cầu thủ tự do và có thể thoải mái gia nhập Cerezo.[12] Muangthong không chấp nhận để Văn Lâm ra đi dễ dàng.[13] Câu lạc bộ Thái Lan kiện Văn Lâm lên FIFA, cho rằng anh và người đại diện tự ý phá vỡ hợp đồng. Muangthong thậm chí kiện cả Cerezo Osaka vì đã tự ý tiếp xúc với cầu thủ của họ. Phía Văn Lâm và ông Grushin vẫn tự tin vào vụ chuyển nhượng và khẳng định sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với câu lạc bộ Thái Lan.[14]

Cerezo Osaka

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 27 tháng 1 năm 2021, FIFA đã tạm thời cấp ITC (giấy phép chuyển nhượng quốc tế) cho Văn Lâm,[15] mở đường cho anh ký hợp đồng với Cerezo Osaka.[16] Sáng 30 tháng 1 năm 2021, câu lạc bộ Cerezo Osaka của Nhật Bản thông báo tuyển mộ thành công Đặng Văn Lâm.[17] Anh chính thức là cầu thủ người Việt Nam đầu tiên khoác áo một câu lạc bộ J1 League, giải đấu cấp cao nhất của bóng đá Nhật Bản.[18]

Chiều 9 tháng 6 năm 2021, Đặng Văn Lâm được huấn luyện viên Levir Culpi trao cơ hội bắt chính trước Gainare Tottori trong khuôn khổ trận đấu thuộc vòng 2 Cúp Hoàng đế Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên anh ra sân cho Cerezo Osaka kể từ khi chuyển đến đây vào tháng 1.[19] Lần thứ 2, Văn Lâm được trao cơ hội bắt chính cho Cerezo Osaka là tại trận gặp Quảng Châu ở vòng đấu bảng AFC Champions League 2021.[20]

Bình Định

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặng Văn Lâm ký hợp đồng ba năm với Bình Định chiều ngày 15 tháng 8 năm 2022[21], nhưng chưa thể ra mắt V.League 2022 do chấn thương trong buổi tập hôm 24 tháng 8, trước đó, anh mắc COVID-19 và bỏ lỡ trận đấu ở vòng 13 với Thanh Hóa. Anh góp phần giúp Bình Định thắng 3-0 trên sân Hà Nội ở vòng 15 tối 2 tháng 9 và giúp thắng Viettel để vào bán kết Cúp Quốc gia 2022 nhờ loạt sút luân lưu.

Sự nghiệp quốc tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Văn Lâm bắt đầu thi đấu cho đội tuyển quốc gia Việt Nam từ năm 2015, khi đó Việt Nam đang sở hữu một số cầu thủ nhập tịch có nguồn gốc nước ngoài. Cùng với cầu thủ Việt kiều Cộng hòa SécMạc Hồng Quân, anh là một trong hai cầu thủ nhập tịch đáng chú ý nhất của đội tuyển quốc gia. Chỉ 1 năm sau, anh lại được huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng gọi lên triệu tập cho đội tuyển quốc gia để tham dự AFF Cup 2016 nhưng cả giải đấu anh chỉ ngồi trên băng ghế dự bị.[22]

Vào tháng 6 năm 2017, anh có trận ra mắt ở vòng loại AFC Asian Cup 2019 gặp Jordan tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tài năng của anh đã giúp giữ sạch lưới khi trận đấu kết thúc với tỷ số 0–0. Anh được khen ngợi về kỹ năng của mình. Tuy nhiên, phải đến chức vô địch AFF Cup 2018, tiềm năng mới mang lại danh tiếng cho anh, giúp Việt Nam chinh phục Đông Nam Á sau 10 năm kể từ danh hiệu đầu tiên.

Trong trận đấu thuộc vòng 16 đội AFC Asian Cup 2019, một lần nữa đối đầu với Jordan, anh đã có một pha cứu thua rất quan trọng trước Ahmed Samir trên chấm luân lưu sau 120 phút thi đấu để giúp Việt Nam lọt vào tứ kết. Tại tứ kết gặp Nhật Bản, anh có hàng loạt pha cứu thua trước những pha tấn công từ đối thủ và chỉ để thua sát nút 0-1 từ một quả phạt đền của Dōan Ritsu.

Anh đã trở thành trụ cột của Việt Nam tại vòng loại thứ 2 FIFA World Cup 2022, nơi anh đã tạo ra một màn trình diễn mạnh mẽ, bao gồm một pha cản phá thành công quả phạt đền trong trận đấu quan trọng của Việt Nam với đối thủ Thái Lan trên sân nhà, được so sánh với pha cản phá quả phạt đền của Igor Akinfeev trước Tây Ban Nha tại FIFA World Cup 2018 do có nét tương đồng. Trong lượt về của vòng loại thứ hai, Đặng Văn Lâm phải rút khỏi danh sách thi đấu sau khi một đồng đội của anh ở Cerezo Osaka nhiễm COVID-19. Ngày 28 tháng 8 năm 2021, HLV Park Hang-seo triệu tập bổ sung cho Đặng Văn Lâm lọt vào danh sách 25 cầu thủ bay sang Ả Rập Xê Út (quá cảnh tại Qatar). Ngày 29 tháng 3 năm 2022, Văn Lâm có mặt trong danh sách thi đấu của Việt Nam trong trận gặp Nhật Bản tại vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 ngay trên sân Saitama của Nhật Bản, quốc gia mà anh đang thi đấu cấp câu lạc bộ, và có mặt trên sân trong ít phút cuối trận.

Tại AFF Cup 2022, Văn Lâm là một mắt xích quan trọng của Việt Nam trong hành trình tiến đến trận chung kết với hàng loạt pha cứu thua xuất sắc. Dù không thể vô địch sau khi thất bại trước Thái Lan 2-3 chung cuộc sau hai lượt trận nhưng anh vẫn đi vào lịch sử giải đấu khi là thủ môn giữ sạch lưới nhiều trận liên tiếp nhất với 7 trận tính cả trận chung kết lượt về với Malaysia vào năm 2018.[23]

Kể từ tháng 11 năm 2023, Văn Lâm không được thi đấu cho Việt Nam do chấn thương và Nguyễn Filip được trao suất bắt chính tại Asian Cup 2023. Tới tháng 5, sau khi bình phục chấn thương, anh cùng Nguyễn Filip đều được triệu tập lên đội tuyển thi đấu tại lượt cuối vòng loại thứ hai World Cup 2026. Cả hai thủ môn Việt Kiều được coi là những thủ thành tốt nhất Việt Nam hiện tại và sẽ có cuộc cạnh tranh cho vị trí trong khung thành.[24][25] Ngày 6 tháng 6 năm 2024, Văn Lâm được bắt trận thắng 3-2 trước Philippines và được Nguyễn Filip thay thế ở trận sau đó gặp Iraq.

Ngày 5 tháng 9, Văn Lâm thi đấu trong trận thua 0-3 trước Nga tại giải giao hữu LPBank Cup, anh mắc sai lầm ở bàn thua thứ hai khi đá hụt bóng từ đường chuyền về của Vũ Văn Thanh.[26][27]

Đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặng Văn Lâm được sinh ra và lớn lên tại thủ đô Moskva của Nga, có bố là người Việt tên là Đặng Văn Sơn và mẹ là người Nga tên là Olga Zhukova. Bố anh là em sinh đôi với Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Văn Hùng, do vậy anh có người chị họ là diễn viên múa Đặng Linh Nga. Bố mẹ của anh đều từng là vũ công múa ba lê. Anh cũng có anh em ruột trong đó có em trai là Đặng Văn Mạnh (tên tiếng Nga là Aleksey Shonovich Dang) và em gái tên là Đặng Thanh Giang (tên tiếng Nga là Lyubov Shonovna Dang).[28] Tên tiếng Nga của Văn Lâm là Lev Shonovich Dang, là bởi vì mẹ anh thần tượng thủ môn huyền thoại người Liên Xô Lev Yashin, người mà Văn Lâm coi là hình mẫu để học hỏi.[29]

Mặc dù cả nhà đều yêu mến và theo sự nghiệp nghệ thuật, Văn Lâm quyết định chọn con đường đi theo sự nghiệp bóng đá. Vì tài năng bóng đá thiên bẩm có sẵn của Văn Lâm nên anh đã được lò đào tạo của câu lạc bộ Spartak Moscow của Nga chú ý và anh đã gia nhập đội bóng này. Tuy vậy, sau khi bị từ chối chơi bóng ở nơi quê cha đất tổ của mình và cả lúc bị loại khỏi danh sách đội hình đội tuyển U-23 Việt Nam tham dự giải đấu bóng đá nam của ASIAD 2018, bố anh đã khuyên Văn Lâm nên quay trở lại nước Nga và làm nghề kế toán.[30] Tuy vậy, anh vẫn ở lại Việt Nam và không thay đổi ý chí ban đầu. Anh cũng sở hữu một giọng hát hay và tốt với chất giọng ngọt ngào và trầm ấm. Anh thông thạo 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Ngatiếng Anh.[31]

Đặng Văn Lâm là một tín đồ của đạo Chính thống giáo, anh thường xuyên cầu nguyện Chúa phù hộ cho mình và làm dấu thánh giá để thể hiện niềm tin, điều này khiến cho Văn Lâm trở thành tín đồ Chính thống giáo đầu tiên của đội tuyển quốc gia Việt Nam.[32]

Là một người gốc Nga nên Đặng Văn Lâm cũng yêu quý đội tuyển bóng đá Nga. Anh ăn mừng phấn khích khi Nga vượt qua Tây Ban Nha trên loạt 11m và tiến vào tứ kết World Cup 2018.[33][34] Thần tượng của anh là tuyển thủ quốc gia Artem Dzyuba.[35]

Ngày 7 tháng 7 năm 2024, thủ môn Đặng Văn Lâm tổ chức lễ cưới với cô dâu Yến Xuân tại một bãi biển ở Nha Trang. Hôn lễ của anh diễn ra riêng tư, khi chỉ có sự xuất hiện của gia đình 2 bên và một số khách mời thân thiết.[36][37][38]

Thống kê sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc tế

[sửa | sửa mã nguồn]
Tính đến ngày 21 tháng 11 năm 2023[39]
Đội tuyển quốc gia Năm Trận Bàn
Việt Nam 2017 2 0
2018 9 0
2019 12 0
2021 1 0
2022 3 0
2023 11 0
Tổng cộng 42 0

Danh hiệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Câu lạc bộ

[sửa | sửa mã nguồn]
Cerezo Osaka
Quy Nhơn Bình Định

Quốc tế

[sửa | sửa mã nguồn]
Olympic Việt Nam
Việt Nam

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ http://www.the-afc.com/afc/documents/PdfFiles/afc-asian-cup-uae-2019-complete-squad-lists
  2. ^ “11 cầu thủ Việt Nam từng ra nước ngoài thi đấu gồm những ai?”. Dân Việt. ngày 26 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2021.
  3. ^ “Đặng Văn Lâm và câu chuyện về một tấm gương”. Lao động. 1 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2019.
  4. ^ “Đội bầu Đức, bầu Hiển thống trị Lao League”. VTC.vn. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2017.
  5. ^ “Thủ môn việt kiều Đặng Văn Lâm: Hy vọng vào Top 3 hóa ra thất nghiệp”. bongdaplus.vn. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2019.
  6. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm bị hành hung sau thất bại của Hải Phòng”. Thanh Niên. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2017.
  7. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm sẽ về Nga sau khi bị trợ lý HLV Hải Phòng hành hung”. Thể Thao Văn Hóa. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2018.
  8. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm trở lại CLB Hải Phòng”. Người Lao Động. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2019.
  9. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm hoàn tất hợp đồng với đội bóng hàng đầu Thái Lan”. Thanh Niên. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2020.
  10. ^ “Đặng Văn Lâm sang Thái Lan, ra mắt Muangthong United mùng 2 Tết”. Người Lao Động. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2020.
  11. ^ News, VietNamNet. “Đặng Văn Lâm ra mắt Muangthong United: Chinh phục người Thái”. VietNamNet. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  12. ^ “Đặng Văn Lâm sang CLB Nhật Bản”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  13. ^ “Muangthong yêu cầu Đặng Văn Lâm xin lỗi”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  14. ^ “Đại diện của Đặng Văn Lâm tự tin thắng kiện Muangthong”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  15. ^ “Vì sao Đặng Văn Lâm được FIFA cấp phép chuyển nhượng?”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  16. ^ “(Độc quyền) Đặng Văn Lâm gia nhập Cerezo Osaka trong 24 giờ tới | Goal.com”. www.goal.com. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  17. ^ “Đặng Văn Lâm gia nhập Cerezo Osaka”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  18. ^ “Đặng Văn Lâm: 'Tôi đã sẵn sàng ở Cerezo Osaka'. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  19. ^ “Văn Lâm giữ sạch lưới trong lần đầu ra sân cho Cerezo Osaka”. Tuổi Trẻ Online. 9 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2021.
  20. ^ “Đặng Văn Lâm bắt chính trong trận thắng đậm của Cerezo Osaka”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2021.
  21. ^ “Đặng Văn Lâm ký hợp đồng với Bình Định”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2022.
  22. ^ “Thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm từng"năn nỉ"lên tuyển”. VietNamNet. ngày 20 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2016.
  23. ^ “Đặng Văn Lâm phá kỷ lục giữ sạch lưới của chính mình tại AFF Cup”. Báo điện tử Tiền Phong. 7 tháng 1 năm 2023.
  24. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm nói về việc cạnh tranh với Nguyễn Filip”. Tuổi trẻ Online. 3 tháng 6 năm 2024.
  25. ^ “Đặng Văn Lâm hỗ trợ Filip Nguyễn ở tuyển Việt Nam”. VnExpress. 2 tháng 6 năm 2024.
  26. ^ “Tiền đạo Nga: 'Việt Nam phản lưới vì sai quy tắc'. vnexpress.net. 6 tháng 9 năm 2024.
  27. ^ “Đặng Văn Lâm trải lòng sau sai lầm đáng quên trước tuyển Nga”. dantri.com.vn. 5 tháng 9 năm 2024.
  28. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm có em trai, em gái đẹp không kém anh”. ZingNews.vn. 30 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  29. ^ "Người nhện" Văn Lâm tiết lộ 5 thủ thành tượng đài đáng học hỏi”. VTV.vn. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2019.
  30. ^ “Không về Việt Nam, Văn Lâm đã có thể trở thành... kế toán”. Goal Vietnam. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2019.
  31. ^ “Đặng Văn Lâm - chàng thủ môn có 'máu' nghệ sĩ”. VnExpress. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2020.
  32. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm đã làm Dấu Thánh Giá Cầu Nguyện trước khi đá bóng | Báo Công Giáo”. Tin tức Công Giáo tổng hợp mới nhất về Giáo Hội Việt Nam. 7 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.[liên kết hỏng]
  33. ^ “Thủ thành số 1 của đội tuyển Việt Nam "phát điên" vì chiến thắng Nga trước Tây Ban Nha”. YAN. 2 tháng 7 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2022.
  34. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm phát cuồng với chiến thắng của tuyển Nga”. ngoisao.vnexpress.net. 2 tháng 7 năm 2018.
  35. ^ “«Я русский! Во мне течет русская кровь!» Интервью с вратарем сборной Вьетнама”. Советский спорт (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
  36. ^ “Đặng Văn Lâm có động thái mới sau đám cưới bí mật với bạn gái nóng bỏng”. Thanh niên. 8 tháng 7 năm 2024.
  37. ^ “Văn Lâm - Yến Xuân rạng ngời trong đám cưới ở bãi biển”. Vnexpress. 9 tháng 7 năm 2024.
  38. ^ “Thủ môn Đặng Văn Lâm khoe ảnh cưới ngọt ngào bên bạn gái nóng bỏng sau 6 năm yêu kín tiếng”. VOH. 9 tháng 7 năm 2024.
  39. ^ “Đặng Văn Lâm”. National Football Teams. Benjamin Strack-Zimmerman. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2022.
  40. ^ “AFF AWARDS: Quang Hai, Pitsamai claim top honours”. ASEAN Football Federation. ngày 8 tháng 11 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2019.