Đông phương Hy Lạp và Tây phương Latinh
"Đông phương Hy Lạp" và "Tây phương Latinh" là thuật ngữ để phân biệt hai phần của Thế giới Hy-La, đặc biệt là dựa vào lingua franca của mỗi vùng: đối với Đông phương là tiếng Hy Lạp và đối với Tây phương là tiếng Latinh. Sự khác biệt này đã hiện diện trong suốt thời Đế quốc La Mã; những sự thay đổi hành chính của đế quốc trong giai đoạn từ thế kỷ 3 tới thế kỷ 5 CN đã càng làm ngăn cách thêm sự chia rẽ và cuối cùng dẫn đến sự hình thành hai nửa Đông phương và Tây phương tách biệt nhau.
Sau sự sụp đổ của Đế quốc phía Tây, hai thuật từ này được dùng để đề cập tới các lãnh thổ trước đây từng thuộc các Đế quốc phía Đông và phía Tây, cũng như các khu vực khác thuộc văn hóa quyển Hy Lạp và Latinh. Theo nghĩa này, người ta đặc biệt quan tâm tới sự khác biệt trong hai bộ phận của Kitô giáo: Kitô giáo Đông phương và Kitô giáo Tây phương.
Liên quan tới Đế quốc La Mã
[sửa | sửa mã nguồn]Trong ngữ cảnh cổ đại cổ điển, "Đông phương Hy Lạp" đề cập đến các tỉnh và quốc gia chư hầu của Đế quốc La Mã mà lingua franca chủ yếu là tiếng Hy Lạp. Khu vực này bao gồm bán đảo Hy Lạp và một số phần khác của bán đảo Balkan, các tỉnh xung quanh Hắc Hải, vùng Bosphorus, toàn bộ Tiểu Á (trong nghĩa lỏng lẻo nhất còn bao gồm Cappadocia và kéo dài tới Tiểu Armenia), Magna Graecia (đảo Sicilia và miền nam bán đảo Italia), cũng như các tỉnh khác ở rìa phía Đông Địa Trung Hải (Iudaea, Syria, Cyrenaica và Ai Cập). Các khu vực này từng là thuộc địa hay do người Hy Lạp cai trị trong thời kỳ Hy Lạp hóa, tức là cho tới khi người La Mã chinh phạt.
Bắt đầu Hậu kỳ cổ đại, với việc tổ chức phân chia lại các tỉnh của hoàng đế Diocletianus (trị vì 284-305), khái niệm "Đông phương Hy Lạp" dần trở nên tương phản với "Tây phương Latinh". Do đó, Đông phương Hy Lạp đề cập đến khu vực nói tiếng Hy Lạp như đề cập ở trên (sau 395 hầu như tương đương với Đế quốc Đông La Mã), tương phản với khu vực tiếng Latinh là Tây Âu, Italia (trừ vùng Katepaníkion Italías) và Tây Bắc Phi châu (sau 395 hầu hết thuộc Đế quốc Tây La Mã).[1]
Liên quan tới Kitô giáo
[sửa | sửa mã nguồn]"Đông phương Hy Lạp" và "Tây phương Latinh" là các thuật ngữ để chia Kitô giáo Chalcedon thành Chính thống giáo sử dụng tiếng Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải và Công giáo sử dụng tiếng Latinh ở Tây Âu.[2][3] Tây phương Latinh áp dụng cho Italia, Gallia, Hispania, Tây Bắc Phi châu, Britannia và cho cả các khu vực chưa từng thuộc Đế quốc La Mã nhưng nằm trong văn hóa quyển Latinh như Hibernia (Ireland), Caledonia (Scotland) và Magna Germania. Trong khi đó, Đông phương Hy Lạp ở đây không bao gồm các cộng đoàn Kitô giáo Đông phương đối lập với Constantinopolis, sử dụng các ngôn ngữ như Syriac, Copt, Armenia v.v mà nay được gọi là Chính thống giáo Cổ Đông phương và Cảnh giáo. Trái lại, không có sự khác biệt ngôn ngữ như thế tại Tây phương, nơi mà tiếng Latinh tiếp tục là ngôn ngữ văn hóa trong hàng thế kỷ sau khi Tây phương tan rã thành nhiều quốc gia độc lập.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Cf. Fishwick, Duncan. The imperial cult in the Latin West: studies in the ruler cult of the Western provinces of the Roman Empire. BRILL, 2002.
- ^ Sherrard, Philip. The Greek East and the Latin West: a study in the Christian tradition. London: Oxford University Press, 1959; reprinted Limni [Greece]: Denise Harvey & Company, 1992 ISBN 960-7120-04-3.
- ^ Andrew Louth, Greek East and Latin West: The Church AD 691-1071 (St Vladimir's Seminary Press ISBN 978-0-88141-320-5)