Bước tới nội dung

Đèo Prenn

11°54′19″B 108°26′53″Đ / 11,905358°B 108,448124°Đ / 11.905358; 108.448124
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đèo Prenn là một đèo núi nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam, nằm trên quốc lộ 20 cũ.[1]

Đèo dài 7,4 km; kéo dài từ điểm cuối Đường cao tốc Liên Khương – Prenn đến đầu đường Ba Tháng Tư.[2] Mặt đường rộng khoảng 14 m, gồm 4 làn xe.[1]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Đèo Prenn hiện tại được nhà thầu Gross của Pháp xây dựng từ tháng 2 năm 1943 để thay thế cho đoạn đường đèo Prenn cũ từ thác Prenn vào trung tâm Đà Lạt.[3] Đường đèo có 79 đoạn cong, trong đó 18 đoạn cong có bán kính 40 m, các đoạn cong khác có bán kính 50–1.000 m, độ nghiêng tối đa là 3–7%.[4]

Đầu thập niên 2000, để đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng lớn, chính quyền đã có kế hoạch khôi phục đường đèo Prenn cũ để tạo thành hai con đường song song kết nối vào thành phố Đà Lạt và tổ chức lưu thông một chiều trên mỗi đường.[5] Việc nâng cấp đèo Prenn cũ được hoàn thành vào năm 2002 và con đường này sau đó được đặt tên là đèo Mimosa. Tuy nhiên việc tổ chức lưu thông một chiều không được thực hiện mà thay vào đó, đèo Mimosa trở thành tuyến đường dành cho xe tải chuyên chở nông sản từ Đà Lạt đi các tỉnh thành khác.[6]

Cho đến năm 2016, đèo Prenn vẫn là một phần của Quốc lộ 20 qua địa bàn thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên vào cuối năm này, Bộ Giao thông Vận tải đã ra quyết định chuyển hướng tuyến của Quốc lộ 20 sang đèo Mimosa và chuyển đèo Prenn thành đường địa phương do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng quản lý. Từ đó, đèo Mimosa trở thành tuyến đường chính của Quốc lộ 20, còn đèo Prenn sẽ chỉ được coi là tuyến nhánh phụ của đường này.[7]

Nâng cấp

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối năm 2021, tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương cải tạo, mở rộng đường đèo Prenn. Theo đó, dự án có tổng chiều dài 7,4 km, quy mô 4 làn xe ô tô theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi, tốc độ thiết kế 60 km/h, nền đường rộng 15 m và mặt đường 14 m (mở rộng gấp đôi). Trên tuyến xây dựng thêm cầu Datanla dài 120 m để cải tạo đoạn cong, kết hợp với bố trí vọng ngắm cảnh, có 2 đường lánh nạn, 4 vịnh đậu xe để hạn chế các phương tiện giao thông dừng đỗ trong phần đường xe chạy. Công trình dự kiến khởi công vào tháng 4 năm 2022, hoàn thành vào tháng 3 năm 2023.[8] Tuy nhiên trên thực tế, đến ngày 6 tháng 2 năm 2023, chính quyền và Tập đoàn Đèo Cả mới chính thức cho đóng đường để khởi công dự án.[1] Sau gần 10 tháng thi công, đèo Prenn đã thông xe khoảng 3km từ trung tâm thành phố Đà Lạt đến thác Datanla vào ngày 14 tháng 12.[9] Ngày 31 tháng 1 năm 2024 đèo Prenn đã chính thức thông xe trở lại trên toàn tuyến.[10]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Mai Vinh (6 tháng 2 năm 2023). “Đóng đèo Prenn để nâng cấp, xe ra vô Đà Lạt đường nào?”. Tuổi Trẻ Online.
  2. ^ Đoàn Kiên (5 tháng 2 năm 2023). “Đóng đèo Prenn để phục vụ nâng cấp mở rộng”. Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử.
  3. ^ Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (2001). Địa chí Lâm Đồng. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. tr. 337.
  4. ^ Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt (2003). Đường phố Đà Lạt. Nhà xuất bản Đà Nẵng. tr. 46, 100.
  5. ^ Nguyễn Mạnh Hùng (2001). Các dự án đầu tư ở Việt Nam đến năm 2010. Nhà xuất bản Thống kê. tr. 225.
  6. ^ “Đường đèo Mimosa, Đà Lạt xuống cấp nghiêm trọng”. Báo điện tử VTV News. 13 tháng 9 năm 2018.
  7. ^ “Tập hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ hai – Quốc hội khóa XIV. 13 – Bộ Giao thông Vận tải”. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. 24 tháng 5 năm 2017.
  8. ^ “Lâm Đồng đầu tư 514 tỷ đồng mở rộng đường đèo Prenn Đà Lạt”. Cổng thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. 3 tháng 12 năm 2021.
  9. ^ “Thông xe 3 km đèo Prenn ở cửa ngõ Đà Lạt”. VnExpress. 14 tháng 12 năm 2023.
  10. ^ “Đèo Prenn Đà Lạt thông xe toàn tuyến ngày 31-1”. Tuổi Trẻ Online. 31 tháng 1 năm 2024.