Trợ giúp:Tải tập tin lên
Đây là một trang thông tin. Trang này không mang tính quy định hay hướng dẫn, mà chỉ dành để mô tả một số khía cạnh về quy phạm, thông lệ, kỹ thuật, hoặc thực tiễn của Wikipedia. Trang có thể phản ánh nhiều mức độ đồng thuận mang tính bất đồng với nhau. |
Có thể bạn đã thấy là các bài viết bách khoa trên Wikipedia ngoài nội dung bài viết ra còn chứa các hình ảnh minh họa. Đó có thể là ảnh chụp, tranh vẽ, tác phẩm hội họa, bản đồ, tranh hoạt hình, ký hiệu, biểu đồ v.v. Hình ảnh giúp cho bài viết sinh động, trực quan và dễ hiểu hơn. Bài này sẽ hướng dẫn bạn cách tải ảnh lên Wikipedia.
Kiểm tra xem đã có hình tương tự chưa
Bước đầu tiên, bạn hãy kiểm tra xem hình đã có ở Wikimedia Commons chưa, đây là kho lưu trữ các tập tin có giấy phép tự do cho mọi dự án Wikimedia trong mọi ngôn ngữ. Bạn cũng có thể xem qua kho hình có sẵn của Wikipedia tiếng Việt, vì biết đâu ở đấy đã có hình bạn cần. Nếu bạn đã kiểm tra mà vẫn không thấy, vậy thì bạn có thể tải hình lên Wikipedia tiếng Việt để dùng.
Trước khi tải hình
Trước khi tải hình lên Wikipedia, xin hãy đọc qua các quy định về hình ảnh của Wikipedia như Wikipedia:Quyền về hình ảnh, Wikipedia:Thẻ quyền cho tập tin. Nguyên tắc chung là hình bạn tải lên không được vi phạm bản quyền mà đại đa số các hình bạn thấy trên mạng Internet đều đã được bảo hộ bản quyền hết rồi, do đó bạn không thể đăng bừa hình trên mạng lên Wikipedia. Đừng up hàng loạt hình khi bạn chưa hiểu gì về hình ảnh, bởi tuần tra viên sẽ có cách tìm ra hết đống hình đó để xóa. Sau khoảng 5-10 tấm hình bị xóa, tài khoản của bạn sẽ bị cấm sửa đổi một thời gian. Để tránh trường hợp đáng tiếc này xảy ra, bạn hoàn toàn có thể hỏi các thành viên có kinh nghiệm ở khu vực giải đáp thắc mắc trước khi đăng hình.
Xác định tình trạng bản quyền
Bạn cần xác định tình trạng bản quyền của hình trước khi đưa hình lên Wikipedia. Ta có các trường hợp sau đây:
- Nếu bạn tin chắc hình có giấy phép tự do (hình do bạn tự chụp, tự vẽ...), xin hãy đăng hình bên Commons.
- Hình đã hết hạn bảo hộ bản quyền tại Việt Nam: hãy đăng hình lên Wikipedia tiếng Việt và gắn thẻ {{PVCC-Việt Nam}}. Xin đừng xuất hình sang Commons nếu bạn không thể chứng minh được là hình thuộc phạm vi công cộng (PVCC) Việt Nam lẫn Hoa Kỳ.
- Hình đã được bảo hộ bản quyền kỹ càng nhưng bạn cho rằng nó hợp lệ theo quy định Wikipedia:Nội dung không tự do và thỏa đủ 10 tiêu chí của Wikipedia:Tiêu chuẩn cho nội dung không tự do, xin hãy đăng lên Wikipedia tiếng Việt để dùng theo diện sử dụng hợp lý (chỉ giới hạn ở mức 1-2 hình/bài).
Tải ảnh
Để tải hình lên, bạn cần phải tạo tài khoản, đăng nhập, nhấn vào nút Tải tập tin lên ở cột bên trái rồi làm theo các bước hướng dẫn.
Hình không tự do
Nếu bạn muốn tải lên một hình không tự do thì hình cần phải có độ phân giải thấp nhằm đáp ứng quy định của Wikipedia và luật bản quyền của Hoa Kỳ: chiều ngang nhân chiều cao phải nhỏ hơn 200.000. Lý tưởng nhất, bạn hãy tự giảm độ phân giải (bằng các trang web "resize image" trên Google) rồi mới đưa lên đây. Nếu không thì bạn đưa lên đây rồi chờ bot làm hoặc bạn tự cài công cụ Imageres. Ở trình tải lên, bạn cần điền tất cả các thông tin bạn biết vào ô miêu tả, giải thích lý do tại sao lại dùng theo diện SDHL rồi chọn giấy phép trong ô "Cung cấp thông tin nguồn và bản quyền".
Hình từ các Wikipedia ngôn ngữ khác
Khi bạn muốn lấy hình ảnh từ các Wikipedia ngôn ngữ khác, bạn ấn vào hình đó, xem thông tin về hình. Nếu thông tin cho biết là hình đã có ở Commons thì bạn có thể sử dụng ngay bằng cách chép dán tên hình Commons. Nếu hình không có ở Commons, bạn xem các giấy phép và thông tin nguồn gốc của hình đã đảm bảo phù hợp Wikipedia:Quyền về hình ảnh và Wikipedia:Thẻ quyền cho hình ảnh chưa. Nếu phù hợp, bạn có thể tải về máy mình rồi tải lên đây. Một cách đơn giản để chép lại các thông tin và giấy phép của hình gốc là:
- Ấn chuột lên hình để đến trang miêu tả về hình
- Ấn chuột vào tab sửa đổi để xem mã nguồn của trang miêu tả này
- Sao chép toàn bộ mã nguồn, thường sẽ bao gồm 2 phần: mô tả và giấy phép (ở bên Wikipedia tiếng Anh là summary, licensing). Mã nguồn thường sẽ trông như thế này:
== Summary == {{Non-free use rationale album cover | Article = Taylor Swift (album) | Use = Infobox | Name = Taylor Swift | Artist = | Item = front cover | Type = | Description = | Source = [https://www.allmusic.com/album/taylor-swift-mw0000550301 AllMusic] | Portion = Because the image is cover art, the entire album cover must be used to identify the album, properly convey the intended meaning, and avoid misrepresentation of image. | Low_resolution = Reduced in quality from the original; is sufficient solely for commentary and identification. Any copy of this image will be of lower quality than the original, and not suitable for illegal copies of the album. | Purpose = | Replaceability = | other_information = }} == Licensing == {{Non-free album cover|image has rationale=yes}}
- Ở trình tải lên tập tin ở Wikipedia tiếng Việt, chọn Biểu mẫu để tải lên cục bộ (hoặc vào thẳng biểu mẫu này ở Đặc biệt:Tải lên) rồi dán mã nguồn vào ô Tóm lược. Nếu trong mã nguồn đã có giấy phép thì bạn không cần phải chọn giấy phép nữa. Nếu không biết dịch thì không cần phải dịch các nội dung đó sang tiếng Việt.
Định dạng
Dưới đây là hướng dẫn về định dạng tập tin để giữ chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt với kích thước tập tin nhỏ trong Wikipedia tiếng Việt:
- Với các sơ đồ, hình vẽ chứa ít màu sắc, nếu được bạn nên dùng định dạng đồ họa véc tơ SVG. Định dạng này cho phép phóng to thu nhỏ hình ảnh tùy ý mà chất lượng không thay đổi, vẫn sắc nét. Đây cũng là định dạng có mã nguồn mở chứa đầy đủ thông tin về các lớp ảnh, giúp cho ảnh có thể được sửa chữa và phát triển bởi cộng đồng một cách dễ dàng hơn.
- Với hình động, có thể lưu tập tin ở định dạng GIF. Đây là định dạng có độ nén tốt với chất lượng hình ảnh phù hợp cho nhiều hoạt hình dùng hình vẽ, không gây thất thoát thông tin khi nén.
- Với ảnh chụp, định dạng giữ được chất lượng ảnh cao với kích thước tập tin nhỏ là JPEG (hoặc JPG). Với định dạng này, khi nén tập tin có kích thước nhỏ đi thì sẽ mất thông tin.
- Với các dạng hình ảnh tĩnh khác, bạn có thể dùng PNG do nó cung cấp chất lượng ảnh sắc nét với kích thước tập tin nhỏ gọn và không mất thông tin khi nén.
- Với biểu đồ lớn (khoảng một trang trở lên) hay thiết kế xây nhà, có thể dùng định dạng PDF (để mở lên trong Adobe Acrobat hay Adobe Reader).
- Với tập tin âm thanh, các định dạng hợp lệ là MP3, Ogg, WebM, FLAC, WAVE hoặc MIDI.
- Các định dạng hợp lệ cho video chỉ bao gồm Ogg, WebM, hoặc MPEG-1/MPEG-2.
Bạn có thể đọc bài hướng dẫn chính thức và đầy đủ của Commons ở c:Commons:File types (tiếng Anh).
Tên tập tin
Bạn hãy đặt cho tập tin một cái tên rõ ràng, dễ hiểu, mô tả đúng đối tượng trong hình, tiếng Việt hoặc tiếng Anh đều được.
Sau khi tải xong
Sau khi tải lên xong, bạn nên đọc qua trang mô tả hình của tập tin mình vừa tải lên để xem xem có còn thiếu thông tin gì hay không. Để chắc ăn, bạn nên ghi càng nhiều thông tin về tập tin này càng tốt. Bạn đừng quên là tập tin nào cũng không được phép thiếu nguồn và giấy phép. Do đó, nếu thấy vẫn còn thiếu một trong hai thứ đó thì bạn hãy bổ sung ngay.
- Wikipedia có các trang để bạn tập sửa trang mô tả hình ảnh là Tập tin:Trang thử nghiệm tập tin.png và Tập tin:Trang thử nghiệm tập tin.jpeg
- Bạn cũng có thể đánh dấu theo dõi tập tin bằng cách bấm vào hình ngôi sao ở phía trên bên phải, sau đó, tập tin sẽ nằm trong danh sách theo dõi của bạn.
- Để xem tất cả những tập tin bạn từng tải lên Wikipedia, hãy vào Đặc biệt:Danh sách tập tin rồi gõ tên tài khoản của mình vào khung Tên hiệu.
- Nếu bạn có thắc mắc, đừng ngần ngại hỏi các thành viên có kinh nghiệm ở Wikipedia:Giải đáp thắc mắc về bản quyền tập tin.
Dùng trong bài
Nếu hình đã ở trên Wikipedia, bạn hãy chèn hình vào bài theo hướng dẫn trong Trợ giúp:Hình ảnh hoặc chèn âm thanh vào bài theo hướng dẫn trong Wikipedia:Đoạn âm thanh.
Ghi đè hình cũ
Khi nào cần ghi đè hình cũ? Chẳng hạn như khi hình đó chứa thông tin chưa chính xác, đó là áp phích phim không chính thức do fan tự tạo (Wikipedia không chấp nhận các áp phích do fan tự tạo), bạn muốn cập nhật hình infographic hay biểu đồ bằng các số liệu mới, v.v. Để ghi đè hình cũ, bạn hãy bấm vào dòng Tải lên phiên bản mới, chọn hình mới từ trong máy tính rồi chỉ cần ghi điểm khác biệt so với hình cũ (ví dụ: sửa thông tin sai; đây là áp phích chính thức; cập nhật số liệu mới nhất của ngày XX-YY-ZZZZ, v.v.). Thông tin mô tả cùng giấy phép của hình sẽ được giữ nguyên. Sau khi hệ thống cập nhật xong, hình mới sẽ xuất hiện trên các trang có nhúng hình đó.
Các phiên bản cũ của hình sẽ được lưu trong trang mô tả. Lịch sử trang sẽ ghi lại tất cả các lần tải hình lên cùng tên người tải, ngày giờ tải, và liên kết đến mọi phiên bản. Ngoài ra, Wikipedia còn có nút Phục hồi phiên bản cũ của hình để dùng khi cần thiết (chỉ dành cho các thành viên đã đăng nhập).
Tải lên Commons
Những hình đưa lên Wikipedia tiếng Việt thì chỉ nằm trong kho hình ở đây. Nếu các bạn bên Wikipedia tiếng Hàn hay tiếng Nga thấy hình hữu ích và muốn dùng thì phải tự tải về máy rồi tải lên ở Wikipedia bên đó, khá bất tiện. Đây là lý do vì sao chúng tôi luôn khuyến khích mọi người hãy tải hình có giấy phép tự do (ảnh do bạn tự chụp, hình do bạn tự vẽ, tự thiết kế,...) lên Commons. Hiểu nôm na thì kho hình của Wikipedia chỉ là "địa phương" còn kho hình của Commons là "trung ương", dự án nào cũng có thể dùng, không chỉ Wikipedia các ngôn ngữ mà còn các dự án như Wikisource các ngôn ngữ, Wikivoyage các ngôn ngữ,...
- Bạn muốn đọc hướng dẫn tải hình lên Commons? Hãy bấm vào dòng Tải tập tin lên trong hộp rồi chọn ngôn ngữ Tiếng Việt.
Xem thêm
- Wikipedia:Thẻ quyền cho hình ảnh: danh sách thẻ quyền cho tập tin.