Trình Minh Thế
Trình Minh Thế[1] (1922 - 1955) nguyên là một chỉ huy cao cấp,[2] mang hàm Thiếu tướng trong Quân đội Cao Đài. Ông xuất thân từ trường Nội ứng Nghĩa đinh được Pháp mở ra ở miền Nam Việt Nam.[3] Khi ra hợp tác với Quân đội của Chính phủ Quốc gia, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã gắn cấp bậc Thiếu tướng (đồng hóa) Quân đội Quốc gia cho ông. Giữa năm 1955, khi đang Chỉ huy hành quân truy nã lực lượng Bình Xuyên của Lê Văn Viễn, ông bị trúng đạn tử thương tại Khánh Hội, Sài Gòn. Được truy thăng Trung tướng.
Trình Minh Thế | |
---|---|
Chức vụ | |
Tư lệnh Trung đoàn Bộ binh Liên minh Quốc gia Việt Nam | |
Nhiệm kỳ | 2/1955 – 5/1955 |
Cấp bậc | -Thiếu tướng (2/1955) (Quân đội Quốc gia) -Trung tướng (truy thăng 3/5/1955) |
Tổng Tư lệnh | -Trung tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành |
Vị trí | Sài Gòn |
Tư lệnh Lực lượng Kháng chiến Liên minh (Ly khai Cao Đài) | |
Nhiệm kỳ | 8/1951 – 1955 |
Cấp bậc | -Đại tá -Thiếu tướng (6/1951) (Quân đội Cao Đài) |
Vị trí | Tây Ninh |
Tham mưu trưởng Quân đội Cao Đài | |
Nhiệm kỳ | tháng 6/1951 – 6/1951 (2 ngày) |
Cấp bậc | -Đại tá |
Tiền nhiệm | -Thiếu tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương |
Vị trí | Tây Ninh |
Tổng chỉ huy Lực lượng Du kích Cao Đài Liên tỉnh Miền Đông | |
Nhiệm kỳ | 1947 – 1951 |
Cấp bậc | -Đại tá |
Vị trí | Tây Ninh |
Chỉ huy trưởng Du kích Bến Cầu Cao Đài | |
Nhiệm kỳ | 11/1946 – 1947 |
Cấp bậc | -Đại tá (11/1946) |
Vị trí | Tây Ninh |
Thông tin cá nhân | |
Quốc tịch | Việt Nam |
Sinh | 1922 Tây Ninh, Liên bang Đông Dương |
Mất | 3 tháng 5 năm 1955 (33 tuổi) Sài Gòn, Quốc gia Việt Nam |
Nguyên nhân mất | đạn bắn vào đầu |
Nơi ở | Sài Gòn |
Nghề nghiệp | Quân nhân |
Dân tộc | Kinh |
Tôn giáo | Cao Đài |
Vợ | Nguyễn Thị Kim |
Cha | Trình Thành Quới |
Mẹ | Lê Thị Huyền |
Họ hàng | Bào đệ: Trình Minh Đức (mất năm 1953) |
Con cái | -Trình Minh Nhật -Trình Minh Sơn |
Học vấn | Tốt nghiệp Tiểu học |
Alma mater | Trường Nội ứng Nghĩa đinh ở Cái Vồn |
Quê quán | Nam Kỳ |
Binh nghiệp | |
Thuộc | Quân đội Cao Đài Quân đội Quốc gia Việt Nam |
Phục vụ | Giáo phái Cao Đài Quốc gia Việt Nam |
Cấp bậc | Trung tướng |
Đơn vị | Quân đội Cao Đài Quân đội Quốc gia Việt Nam |
Tặng thưởng | Bảo quốc Huân chương đệ Tam đẳng |
Tiểu sử và gia thế
sửaÔng sinh năm 1922 tại tỉnh Tây Ninh trong một gia đình khá giả theo đạo Cao Đài. Thân phụ ông là một chức sắc trong Giáo hội Cao Đài, đồng thời cũng là một thương gia phát đạt.[4] Do sinh trưởng trong một gia đình có thế lực, ông được hưởng sự giáo dục tốt hơn rất nhiều người Việt đương thời. Ông tốt nghiệp Tiểu học (Certificate of Primary Education), nhưng sau bị đuổi học vì tội ngang ngạnh, bướng bỉnh.
Quân đội Cao Đài (1940-1954)
sửaĐầu năm 1940 ông tham gia vào đơn vị vũ trang đầu tiên của Giáo phái Cao Đài, với danh xưng Chi đội 78 (tiền thân của Quân đội Cao Đài). Sau đó ông được gửi đi huấn luyện quân sự tại trường Nội ứng Nghĩa đinh ở Cái Vồn.[5] Tốt nghiệp ông trở về đơn vị và trở thành một cán bộ chỉ huy.[6]
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Nhật tiến vào Đông Dương. Phản ứng trước tình hình phong trào chống Pháp càng ngày càng gia tăng, toàn quyền Đông Dương là Đô đốc Decoux hành động quyết liệt. Ông ta cho đóng cửa một số nơi thờ tự của Cao Đài, rồi tới ngày 26 tháng 8 năm 1940 cho đóng cửa Tòa Thánh Tây Ninh. Tới ngày 27 tháng 7 năm 1941, nhiều lãnh đạo của Cao Đài, kể cả Hộ pháp Phạm Công Tắc bị bắt giữ. Để giành được sự ủng hộ của các tổ chức Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia, phát xít Nhật tiến hành bắt liên lạc và hỗ trợ cho họ, trong đó có Cao Đài. Tới tháng 2 năm 1943, Nhật giúp vị Phối sư Cao Đài là Thượng Vinh Thanh (thế danh Trần Quang Vinh) mở lại Thánh thất Cao Đài tại Sài Gòn. Để đáp lại, Cao Đài hợp tác tích cực với Nhật, Phối sư Thượng Vinh Thanh kêu gọi giáo dân Cao Đài xung phong đăng lính cho quân Nhật, 10.000 giáo dân Cao Đài làm việc cho Nhật, đáng kể nhất là tại xưởng đóng tàu Nitian. Số người này sau giờ làm việc được huấn luyện quân sự.
Năm 1944 ông được du học lớp huấn luyện quân sự tại Cao Miên và Lào trong trường sĩ quan của Hiến binh Nhật (Kempetai). Khi trở về nước ông trở thành một sĩ quan của Giáo phái Cao Đài. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, cùng với Lực lượng Quân sự Cao Đài, ông tham gia cuộc đảo chính Pháp của Quân đội Nhật Bản.
Được sự bảo trợ của Nhật, Phối sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) tổ chức lực lượng vũ trang gồm 3.000 người, tiếng là theo chỉ thị của Hoàng thân Cường Để. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, lực lượng Cao Đài mặc đồng phục trắng, đội mũ bê-rê, vũ trang bằng gậy tre vót nhọn tham gia hỗ trợ Nhật đảo chính Pháp. Thủ lĩnh quân sự của Cao Đài là tướng Nguyễn Văn Thành tuyên bố Hoàng thân Cường Để chỉ thị thành lập lực lượng vũ trang Cao Đài liên minh với Nhật Bản để chống Pháp. Không có tài liệu cho biết cụ thể hoạt động của Trình Minh Thế trong thời gian này, nhưng có thể cho rằng thời kỳ này Trình Minh Thế đã gia nhập lực lượng vũ trang Cao Đài và tích cực hợp tác với Nhật.
Tháng 9 năm 1945 Quân đội Nhật tại Đông Dương đầu hàng Đồng Minh, ông cùng với đoàn quân Chi đội 78 rút vào chiến khu Cao Đài Kháng chiến chống Pháp, sau khi Pháp tái chiếm Nam Kỳ.
Ngày 7 tháng 11 năm 1946, ông rời chiến khu trở về Tòa thánh Tây Ninh, đồng thời được phong cấp Đại tá. Cùng với Lực lượng Vũ trang Cao Đài, ông bắt tay hòa hoãn với Pháp và nhanh chóng thăng tiến. Năm 1947 cùng với một số chiến sĩ Cao Đài thành lập Đội Du kích. Sau đó ông trở thành Chỉ huy trưởng Du kích Bến Cầu (Tây Ninh) kiêm trưởng phòng Tác chiến khu vực. Kế tiếp trở thành Tổng Chỉ huy khu vực Liên tỉnh Miền Đông.
Tháng 1 năm 1948 ông cùng đơn vị thuộc quyền tuyên bố ly khai khỏi Quân đội Cao Đài,[7] nhưng sau 48 tiếng quay trở lại. Sau đó, ông sáng kiến thành lập đội quân xung kích Hắc y (cải biến từ đơn vị do ông chỉ huy), mặc quần áo bà ba đen, về sau trở thành đồng phục cho tất cả dân quân của Lực lượng Liên Minh.[8] Đầu năm 1949 ông triệu tập lãnh tụ Cao Đài các tỉnh miền Đông, tổ chức Đại hội để ủng hộ Giáo chủ Phạm Công Tắc, đồng thời đưa toàn bộ lực lượng này về Tây Ninh (tuy nhiên, "tính cách" của ông cũng khiến cho ông có nhiều kẻ thù trong Quân đội Cao Đài, và dính dáng nhiều đến các âm mưu, tranh giành tại Tòa thánh Tây Ninh). Tháng 9 cùng năm, ông di chuyển lực lượng bản bộ ra khỏi ngoại ô Tây Ninh. Cuối năm này, ông được giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Việt Nam Phục quốc Hội.
Thượng tuần tháng 6 năm 1951, ông được cử làm Tham mưu trưởng Quân đội Cao Đài, thay thế Thiếu tướng Nguyễn Thành Phương. Nhưng chỉ hơn 24 tiếng sau, nửa đêm về sáng ngày 7 tháng 6, ông bí mật đem khoảng hơn 1.500 quân bản bộ ly khai khỏi Cao Đài Phục quốc, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến rừng Bưng Rồ để lập Tổng hành dinh tạm, về sau di chuyển xuống hướng nam trong rừng Bưng Rồ dọc theo biên giới Việt-Miên và lập chiến khu Bù Lu. Ngày 8 tháng 6 cùng năm, ông được thăng cấp Thiếu tướng Cao Đài tại chiến khu do Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Tổng tư lệnh Quân đội Cao Đài, đại diện cho Hộ pháp Phạm Công Tắc, gắn sao giữa đêm khuya. Nhưng ngay sau đó, ông cùng đội quân của mình chính thức rời khỏi hàng ngũ giáo phẩm Cao Đài và thành lập lực lượng riêng, lấy tên là Liên Minh với chủ trương chống cả Pháp và Việt Minh.[9]
Trên thực tế, hoạt động chống Việt Minh của Trình Minh Thế có hiệu quả đáng ngờ. Chẳng hạn ngày 17 tháng 2 năm 1950, Trình Minh Thế cung cấp cho lực lượng Việt Minh tại Trảng Bàng vũ khí để tấn công một đoàn xe của Pháp, ông cũng gửi đại diện đến các cuộc họp của Việt Minh tại Long Thành ngày 30 tháng 4 và Đồng Tháp Mười ngày 14 tháng 6 năm 1950,[10] ngoài ra Trình Minh Thế còn lớn tiếng công kích Pháp. Các vụ đụng độ giữa quân Liên Minh và Việt Minh chỉ gây ra những tổn thất nhỏ, phần nhiều giới hạn trong việc giành giật lương thực, ngũ cốc của hai phe. Một lý do được nêu ra, có thể là do lực lượng của Trình Minh Thế chỉ có giới hạn, chừng 2 tới 3 ngàn người, không phải là đối thủ của Việt Minh. Dù sao, hoạt động của Trình Minh Thế cũng giúp cho Tòa Thánh Tây Ninh tránh được các cuộc tấn công của lực lượng Việt Minh.[11]
Tháng 8 năm 1953, quân Pháp mở cuộc tấn công vào căn cứ của ông, sử dụng một Tiểu đoàn sơn cước Nùng tinh nhuệ. Quân Liên Minh phải tránh vào các hang động ở núi Bà Đen. Về sau ông phải dời Bộ chỉ huy về núi Heo. Tới năm 1954, Liên Minh đã mở rộng địa bàn hoạt động về phía tây-nam, tới tận sông Cửu Long. Lực lượng của họ được chia làm nhiều Tiểu đoàn, quân số có lẽ vào khoảng 2.500 người.[12]
Quân đội Quốc gia Việt Nam (1954-1955)
sửaThời kỳ đầu năm 1954 khi nội bộ Cao Đài còn đang ngấm ngầm tranh giành ảnh hưởng, thế lực với nhau, thì Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Chính phủ Mỹ không muốn Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh nên quyết định can thiệp, hỗ trợ Lực lượng thứ ba. Cố vấn quân sự Mỹ là Edward Lansdale, người chịu trách nhiệm hỗ trợ chính phủ Ngô Đình Diệm, đàm phán với tướng Trình Minh Thế về việc sử dụng lực lượng vũ trang của ông để hỗ trợ cho Thủ tướng Diệm và Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ Ngô Đình Diệm dành ra 5 triệu quan (piastre) cho Liên Minh để thu xếp định cư cho 10.000 người tị nạn ở khu vực Tây Ninh. Thông qua Lansdale, Mỹ tiếp tục tài trợ cho tướng Thế và các nhóm Cao Đài khác. Tuy nhiên, do chính phủ Đệ nhất Cộng hòa còn yếu ớt, nên nhiều chỉ huy các phe nhóm vũ trang tuyên bố chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm và tổ chức đảo chính. Thời gian này, khó xác định được là tướng Thế trung thành với ai, và cũng khó xác định được liệu chính phủ Mỹ có ủng hộ Ngô Đình Diệm chống lại phe nổi loạn. Một số người cho rằng tướng Thế có thể là một lựa chọn khả dĩ để thay thế Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên khi lực lượng Liên Minh tiến vào Sài Gòn thì có lẽ đó là để đáp lại lời kêu gọi vào phút cuối cùng của Lansdale ủng hộ Ngô Đình Diệm. Tháng 9 năm 1954 Lansdale phát hiện ra tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Quốc gia Việt Nam, đang tiến hành âm mưu lật đổ Ngô Đình Diệm. Cùng lúc, quân Pháp phong tỏa các lực lượng Cao Đài định tiến vào Sài Gòn giải nguy cho Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính bị thất bại khi Lansdale mua chuộc được các sĩ quan cấp dưới của tướng Hinh đi nghỉ mát; thiếu những thuộc hạ cốt cán này, cuộc đảo chính không thể tiến hành được.
Cuối tháng 8 năm 1954 (sau khi ký Hiệp ước Geneve 20/7/1954), qua trung gian của Đại tá Hoa Kỳ Lansdale, chuyên viên ngoại giao đặc trách vùng Đông Nam Á, trao tận tay ông bức tâm thư với thủ bút của Thủ tướng Diệm, để mở đường cho ông trong sự tiến tới thảo luận việc trở về hợp tác với Chính phủ Quốc gia và cuộc tiếp xúc đầu tiên đã diễn ra ngay sau đó.[13]
Đầu năm 1955, Đại sứ quán Mỹ dành ra một ngân khoản bí mật, ước tính khoảng 2 triệu dollar[14] để thuyết phục tướng Thế gia nhập Chính phủ Quốc gia. Ngay cả các khoản chi chính thức cho tướng Thế cũng rất đáng kể, như ngân sách dành cho lực lượng vũ trang bỏ ra 108.000 dollar để chi ông.[14] Số tiền Lansdale bỏ ra để mua chuộc các chỉ huy giáo phái lên đến 8,6 triệu dollar, còn nếu tính cả số tiền Thủ tướng Diệm bỏ ra thêm nữa thì tổng cộng có đến 12 triệu dollar đã được chi cho 246 chỉ huy giáo phái.[15]
Ngày 31 tháng 1 năm 1955, bằng phi cơ trực thăng xuất phát từ phi trường Tân Sơn Nhất, đích thân Thủ tướng Diệm cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Hồ Thông Minh đến viếng thăm Kháng chiến Liên minh tại Lò Rò ngay trong chiến khu núi Bà Đen ở Tây Ninh. Sáng ngày 13 tháng 2 sau đó, Thủ tướng Diệm khai mạc buổi lễ tiếp nhận Trung đoàn Bộ binh Liên minh trên Đại lộ Nguyễn Huệ (Sài Gòn), gồm 2.500 chiến sĩ thuộc Lực lượng Kháng chiến Liên minh (tức Quân đội Cao Đài ly khai) trở về hợp tác với Chính phủ Quốc gia và gắn cấp bậc Thiếu tướng đồng hóa Quân đội Quốc gia cho ông.[16] Từ ngày 18 đến ngày 28 tháng 4 cùng năm, ông tháp tùng phái đoàn sang Nam Dương (Indonesia) để dự Hội nghị Á-Phi của các nước không liên kết. Trong Hội nghị có: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, Tổng thống Nam Dương Sukarno, cựu hoàng Cao Miên Norodom Sihanouk. Cùng tháp tùng với ông còn có: Đại tá Cao Đài Phục quốc Hồ Hán Sơn, Thiếu tá Cao Đài Liên minh Nhị Lang Lê Khắc Hoài.
Cái chết
sửaTrong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 5 năm 1955, tình hình tại Sài Gòn trở nên rất căng thẳng. Mâu thuẫn gay gắt về cả quyền lực chính trị lẫn kinh tế khiến đụng độ vũ trang giữa phe Chính phủ và Liên minh lực lượng vũ trang giáo phái cùng Bộ đội Bình Xuyên[17] là khó tránh khỏi. Thủ tướng Diệm kiên quyết tiêu diệt lực lượng vũ trang đối lập, còn lực lượng Giáo phái nhờ vào sự hậu thuẫn của Pháp cũng quyết không chịu nhượng bộ. Thủ tướng Diệm đưa vào Sài Gòn các đơn vị trung thành gồm 3 Tiểu đoàn Nùng, rồi 2 Tiểu đoàn Dù dưới quyền Đại tá Đỗ Cao Trí. Các đơn vị này cộng với đơn vị của tướng Trình Minh Thế (Cao Đài Liên minh) và 2 đơn vị Giáo phái Hòa Hảo (quy thuận Chính phủ Quốc gia) của Đại tá Nguyễn Văn Huê và Thiếu tá Nguyễn Văn Đày làm cho cán cân lực lượng nghiêng về phía quân Chính phủ, so độ 4.000 đến 5.000 quân Bình Xuyên tại vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 8 tháng 3 năm 1955, 7 Tiểu đoàn quân đội Quốc gia Việt Nam bắt đầu hành quân tiêu diệt lực lượng đối lập là đảng Đại Việt tại Quảng Trị, và tới ngày 25 tháng 3, quân Dù mở cuộc tấn công vào phe đối lập tại Sài Gòn, nhưng Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely cùng tướng Lawton Collins (Mỹ) gây sức ép buộc quân Chính phủ phải ngưng chiến. Tuy nhiên, thế lực của quân Chính phủ được củng cố lên nhiều khi ngày 29 tháng 3, tướng Nguyễn Thành Phương, Tư lệnh các lực lượng Cao Đài, tuyên bố ủng hộ Chính phủ. Tình hình căng thẳng giữa hai bên kéo dài, các thỏa hiệp do Pháp và Mỹ làm trung gian đưa ra đều bị hai bên bác bỏ, tới ngày 26 tháng 4 xung đột quân sự bùng nổ trở lại. Quân đội Chính phủ nhanh chóng đánh tan sức kháng cự của quân Bình Xuyên, tới cuối tháng 4 quân Bình Xuyên hoàn toàn bị đánh bại, bị đẩy khỏi thành phố, bị quân chính phủ truy kích.
Ngày 2 tháng 5 năm 1955, ông được giao chỉ huy 1.300 quân, vượt kinh Tàu Hũ tiến vào cầu Tân Thuận hành quân truy nã lực lượng Bình Xuyên của Thiếu tướng Lê Văn Viễn (tự Bảy Viễn) tại Khánh Hội, Sài Gòn. Chiều ngày 3 tháng 5, ông bị tử thương khi đang ngồi trên xe Jeep tại dốc cầu Tân Thuận do một viên đạn Carbine bắn sẻ từ phía sau trúng phía dưới tai phải xuyên thẳng qua đầu trổ ra mắt bên trái. Hưởng dương 33 tuổi.[18]
Thi hài ông được Đại úy Tạ Thành Long[19] (Chánh Văn phòng kiêm Sĩ quan Tùy viên của tướng Thế) đưa về trụ sở của Liên minh ở số 55 đường Trương Minh Giảng, Phú Nhuận, Sài Gòn bằng xe cứu thương Quân đội (Thủ tướng Diệm bật khóc khi nghe bào đệ là ông Nhu báo hung tin này). Ngày 4 tháng 5, linh cữu được quàn tại Tòa Đô sảnh Sài Gòn (sau cải danh thành Tòa Đô chính) ở đường Lê Thánh Tôn. Ông được truy thăng Trung tướng và truy tặng Đệ tam đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu.
Sáng ngày 6 tháng 5, lễ phủ Quốc kỳ Quốc gia Việt Nam và cử hành Quốc táng. Linh cữu được đặt trên một chiếc xe thiết giáp danh dự, di chuyển từ Sài Gòn về đến Tây Ninh (Thủ tướng Diệm tiễn đưa tới Chợ Bến Thành, sau đó ông Ngô Đình Nhu tiễn đưa về tới nơi an táng tại nghĩa trang Liên minh, núi Bà Đen, Tây Ninh). Về sau Liên minh đúc tượng đồng, đặt ngay nơi phần mộ. Dưới bức tượng có khắc ghi 4 câu thơ của cố vấn Nhị Lang:
Đã tung cờ chính khí giữa non sông
Cùng hào kiệt đổi trao lời hẹn ước
Thề hy sinh để cứu vãn giống nòi"
Sau khi chết, tên ông được đặt cho con đường dọc suốt Quận 4 Sài Gòn cho tới năm 1976.
Con trai Trình Minh Thế là Trình Minh Sơn, cư ngụ ở Canada, khi trả lời báo Asia Times cho rằng cha mình bị giết bởi một khẩu súng lục chĩa vào gáy. Ông cũng cho biết Trình Minh Thế đã bị bắn hai phát, chứ không phải một như thông tin chính thức mà giới truyền thông Quốc gia Việt Nam đưa ra lúc bấy giờ. Ông cho rằng cha mình đã bị ám sát bởi chính quyền Ngô Đình Diệm để ngăn chặn khả năng ông trở thành phe đối lập với chính quyền.[20]
Tên đường phố, công trình
sửaTại Đô thành Sài Gòn, từ sau ngày 3 tháng 5 năm 1955, đường Nguyễn Cư Trinh (mới mang tên đường từ ngày 22 tháng 3 năm 1955) tại Khánh Hội được đổi tên thành đường Trình Minh Thế. Đến ngày 14 tháng 8 năm 1975, đường này thay đổi tên thành đường Nguyễn Tất Thành theo Quyết định của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Tại xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định cũ (nay là quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), từ sau năm 1955 cũng có một con đường hẻm nhỏ được đặt tên là đường Trình Minh Thế. Đến ngày 14 tháng 8 năm 1975, đường này cũng được đổi tên thành đường Cầm Bá Thước theo Quyết định của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định.
Tên đường Trình Minh Thế vốn có từ sau năm 1955 cho đến năm 1975 ở một vài thị xã, đô thị tỉnh lỵ (hiện nay gọi là thành phố) ở miền Nam đều đã bị thay đổi bằng tên đường khác sau năm 1975, cụ thể như sau:
- Đà Lạt: nay là đường Khởi nghĩa Bắc Sơn
- Pleiku: nay là đường Trần Hưng Đạo
- Kon Tum: nay là đường Lê Hồng Phong
- Huế: nay là một đoạn của đường Lê Duẩn (dọc theo bờ sông Hương)
Tại Quảng Trị, trường Trung học bán công Trình Minh Thế ở Đông Hà, nay cũng đã đổi tên.
Tại Đà Nẵng, cầu De Lattre de Tasssigny bắc qua sông Hàn đổi tên thành cầu Trình Minh Thế (nay cũng đã đổi tên thành cầu Trần Thị Lý).
Gia đình
sửa- Thân phụ: Cụ Trình Thành Quới[21]
- Thân mẫu: Cụ Lê Thị Huyền
- Bào đệ: Trình Minh Đức (mất năm 1953)
- Phu nhân: Bà Nguyễn Thị Kim
- Trưởng nam: Trình Minh Nhật (nguyên là Thiếu tá thuộc Binh chủng Không quân Việt Nam Cộng hòa, tử trận được truy thăng Trung tá)
- Thứ nam: Trình Minh Sơn
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ Theo một số tài liệu viết là Trịnh Minh Thế là một người theo chủ nghĩa dân tộc và là một Thủ lĩnh Quân sự thuộc Đạo Cao Đài trong thời gian cuối của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đầu cuộc Chiến tranh Việt Nam
- ^ Chức vụ Tham mưu trưởng Quân đội Cao Đài.
- ^ Nhằm mục đích huấn luyện căn bản và chỉ huy cho thành phần thuộc các Giáo phái ở miền Nam Việt Nam để cộng tác với Pháp chống Việt Minh.
- ^ Gia đình họ Trình chuyển từ Bình Định vào miền Nam từ đầu thế kỷ 19 và đổi họ từ Trịnh sang Trình. Theo gia đình tướng Thế cho biết nguyên nhân đổi họ là để tránh sự trả đũa của nhà Nguyễn với những người theo Tây Sơn (Nhị Lang, trang 39, do Blagov, trang 2, dẫn lại).
- ^ Vào thời điểm này, Cái Vồn thuộc tỉnh Cần Thơ. Trước năm 1975 là thị trấn quận lỵ của quận Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long. Nay là Trung tâm hành chính của thị xã Bình Minh (Vĩnh Long)
- ^ Cùng được huấn luyện quân sự với Trình Minh Thế tại Cái Vồn còn có một đồng đạo sau này được phong tướng trong Quân đội Quốc gia là Thiếu tướng Văn Thành Cao. Ngoài ra, một số thành viên của Hòa Hảo cũng được thụ huấn đồng thời và về sau trở thành những chỉ huy cao cấp của lực lượng vũ trang Giáo phái Hòa Hảo.
- ^ Ly khai lần thứ nhất.
- ^ Bộ quần áo bà ba đen sau này trở thành biểu trưng cho lực lượng Việt Cộng khi quân Liên Minh tan rã.
- ^ Cha và anh của tướng Thế cũng thành lập lực lượng riêng trong Liên Minh, về sau hai người bị giết khi đụng độ với Việt Minh. Cũng có tin cho rằng cha của ông chết vì trúng mìn do chính lực lượng Liên Minh đặt phòng vệ quanh doanh trại. Lực lượng của tướng Thế được cho là đã thực hiện một loạt vụ đánh bom tại Sài Gòn từ năm 1951-1953. Thời kỳ đó, những hành động khủng bố này được đổ cho Việt Minh, kể cả vụ ám sát tướng Chanson ở Sa Đéc năm 1951.
- ^ Blagov, trang 29.
- ^ Blagov, trang 37.
- ^ Blagov, trang 65.
- ^ Gồm có bốn người: Đại tá Lansdale, ông Redich (phụ tá kiêm thông ngôn của Đại tá Lansdale), tướng Thế và Thiếu tá Nhị lang Lê Khắc Hoài (phụ tá kiêm thông ngôn cho tướng Thế).
- ^ a b Blagov, trang 93.
- ^ Hill, trang 344.
- ^ Trước đó, tướng Thế đã điều động 15.000 quân Cao Đài về Tòa thánh Tây Ninh như một lực lượng dự bị.
- ^ Tức Lực lượng Cao Thiên Hòa Bình, viết tắt của Cao Đài, Thiên Chúa, Hòa Hảo và Bình Xuyên.
- ^ Vụ giết người này không bao giờ được làm sáng tỏ, một số người đổ lỗi cho phía Pháp (vì họ đã thề giết cho bằng được tướng Thế trong suốt nhiều năm[cần dẫn nguồn]) trong khi một số người cho rằng Chính quyền Quốc gia Việt Nam đã làm việc này. Hoàn cảnh cái chết của ông cũng gây nhiều tranh cãi, khi có nhiều thông tin khác nhau, thậm chí đối lập nhau về thời gian, địa điểm, vết thương gây nên cái chết của ông.
- ^ Đại úy Tạ Thành Long sinh năm 1928 tại Tây Ninh, tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Trưởng ban Quân sự 4 bên tại Trại Davis, Tân Sơn Nhất.
- ^ “Asia Times”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 4 năm 2013. Truy cập 12 tháng 3 năm 2015.
- ^ Theo Phòng nhì Pháp, cụ có tên là Trình Trung Vinh (Caodaistes dissidents 1954, trang 117), nhưng nguồn khác lại cho biết cụ còn có tên là Trình Thành Quới (Nhị Lang, trang 38). Sau gia nhập Quân đội Cao Đài mang cấp bậc Trung úy. Đầu năm 1953 tử trận cùng với người con trai út là Trình Minh Đức tại chiến khu rừng Bù Lu, Tây Ninh do cuộc tấn công của VM.
Tham khảo
sửaTrần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thuy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trang 205-208
Liên kết
sửa- F Hill, Millenarian Machines in Vietnam, Comparative Studies in Society and History, 13, July 1971, trang 325-350.
- Nhị Lang, Phong trào kháng chiến Trình Minh Thế/The resistant movement of Trình Minh Thế, Virginia, USA, Alpha, 1989
- Sergei Blagov, Honest Mistakes: The Life and Death of Trình Minh Thế, Nova Science Publishers, Inc, Huntington, New York, 2001