Tô Lâm
Tô Lâm (sinh ngày 10 tháng 7 năm 1957) là một chính trị gia người Việt Nam. Ông hiện đang giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương kể từ tháng 8 năm 2024. Ngoài ra, ông còn đang đảm nhiệm các chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV nhiệm kì 2021–2026, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.[1]
Tô Lâm là đảng viên từ năm 1981. Ông có học hàm Giáo sư Khoa học An ninh, học vị Tiến sĩ Luật học, Cao cấp lí luận chính trị, cấp hàm Đại tướng Công an nhân dân Việt Nam, là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII, từng giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an và Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I.[2] Ông được cho là đã lãnh đạo chiến dịch chống lại những người bất đồng chính kiến, đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, thắt chặt kiểm soát internet và lên kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.[3][4][5]
Ngày 22 tháng 5 năm 2024, sau khi Võ Văn Thưởng từ chức 2 tháng trước, Tô Lâm được Quốc hội Việt Nam khóa XV bầu làm Chủ tịch nước.[6] Chỉ chưa đầy 3 tháng sau, vào ngày 3 tháng 8, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương bất thường khóa XIII, kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần 2 tuần trước đó.[7] Việc này đưa Tô Lâm trở thành người thứ tư trong lịch sử Việt Nam giữ cả chức vụ đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước trong cùng một khoảng thời gian, sau Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Nguyễn Phú Trọng. Ông đã kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước đến tháng 10 cùng năm, khi Quốc hội bầu Lương Cường lên thay thế để đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng là không nhất thể hóa 2 chức danh cao nhất cho 1 người nắm giữ, khiến ông trở thành Chủ tịch nước có nhiệm kỳ ngắn nhất Việt Nam chỉ sau 5 tháng cầm quyền.
Ông được cho là đã tiếp tục Chiến dịch đốt lò do người tiền nhiệm ông là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng. Dưới sự chủ trì của ông, Bộ Chính trị đã lần đầu tiên thi hành kỷ luật lãnh đạo chủ chốt (Tứ trụ) là các ông Vương Đình Huệ và Nguyễn Xuân Phúc khi các ông này bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo do trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Xuất thân và giáo dục
Tô Lâm sinh ngày 10 tháng 7 năm 1957, quê quán tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là con trai cả của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Tô Quyền, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hải Hưng,[Ghi chú 1] nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông và Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng.[Ghi chú 2][8] Cha của ông, tham gia cách mạng, vào Nam hoạt động phục vụ Trung ương Cục những năm 1966 – 1975, đã lấy tên của ông làm biệt danh của mình, được gọi là anh Tư Tô Lâm, chú Tư Tô Lâm.[9]
Ông lớn lên ở miền Bắc, theo học phổ thông, tốt nghiệp phổ thông: 10/10.[Ghi chú 3]
Với hình tượng của bố, Tô Lâm theo học lĩnh vực an ninh. Tháng 10 năm 1974, ông là học viên khóa sáu của Trường Công an Trung ương, sau đổi tên thành Đại học An ninh nhân dân, nay là Học viện An ninh nhân dân.[10] Tháng 7 năm 1979, ông tốt nghiệp Học viện.[11] Sau đó, ông theo học và nghiên cứu lĩnh vực pháp luật, nhận bằng Tiến sĩ Luật học. Ngày 22 tháng 10 năm 2015, ông được phong học hàm Giáo sư ngành Khoa học An ninh.[12]
Tô Lâm được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 22 tháng 8 năm 1981, trở thành đảng viên chính thức vào ngày 22 tháng 8 năm 1982. Trong quá trình hoạt động Đảng và Nhà nước, ông theo học các khóa tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận bằng Cao cấp lý luận chính trị.[2]
Ông hiện cư trú tại số 64, phố Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.[Ghi chú 4]
Khởi đầu sự nghiệp chính trị
Công an nhân dân
Sau khi tốt nghiệp đại học về lĩnh vực an ninh, Tô Lâm bắt đầu sự nghiệp Công an nhân dân Việt Nam của mình. Tháng 10 năm 1979, ông được phân công vị trí công tác ở Cục Bảo vệ chính trị I, Bộ Nội vụ. Trong lịch sử của công an nhân dân, giai đoạn 1975 – 1998, Bộ Công an và một phần lớn cơ cấu Bộ Nội vụ được hợp nhất thành một bộ mới lấy tên là Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm và vai trò hoàn toàn tương tự ngành công an, bao gồm an ninh, cảnh sát và phòng cháy, chữa cháy.[Ghi chú 5][13] Trong khoảng thời gian 10 năm 1979 – 1988, ông công tác ở đơn vị Cục Bảo vệ chính trị I, Tổng cục An ninh. Tháng 12, năm 1988, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng của Cục, rồi trở thành Trưởng phòng thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ, giai đoạn 1990 – 1993.[11]
Thời kỳ 1993 – 2006, Tô Lâm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị I (A63) rồi Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị III (A64) thuộc Tổng cục An ninh,[Ghi chú 6] Bộ Nội vụ rồi Bộ Công an.[Ghi chú 7][11][14] Tại Cục Bảo vệ chính trị I, ông có nhiệm vụ chủ động phòng ngừa, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn tội phạm xâm nhập, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tập trung chống gián điệp. Tại Cục Bảo vệ chính trị III, tiền thân là Phòng Trinh sát thuộc Vụ Bảo vệ chính trị, Bộ Công an, công tác tập trung vào việc điều tra khám phá, đàn áp các tổ chức, cá nhân bất đồng chính kiến ngoài nước.[15]
Năm 2006, Tô Lâm được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Đến tháng 4 năm 2007, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong hàm Thiếu tướng. Năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm ông giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Bộ Công an. Trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng ban hành quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo đó, Bộ Công an kiện toàn lại tổ chức của Bộ và Tổng cục An ninh nhân dân được tách ra thành hai Tổng cục: Tổng cục An ninh I và Tổng cục An ninh II.[Ghi chú 8]
Từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2010, Tô Lâm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I.[11] Tháng 7 năm 2010, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong hàm Trung tướng, cùng đợt phong Thiếu tướng và Trung tướng với Phạm Minh Chính. Sau đó, ngày 12 tháng 8 năm 2010, Tô Lâm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Ông chính thức kết thúc sự nghiệp hơn 30 năm ở Tổng cục An ninh.[16]
Tháng 1 năm 2011, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tô Lâm được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI.[17] Ngày 16 tháng 9 năm 2014, ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăng cấp hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng.[18] Bộ Chính trị cũng bổ nhiệm ông giữ vị trí Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.[19] Năm 2011, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius tại Hà Nội, với những trao đổi về tình hình chung của hai nước, qua đó hướng tới mục tiêu làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện.[20] Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ có đánh giá về ông:
"Ông Lâm cũng là nhân vật cứng rắn, nhưng thông minh và quan tâm tới việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực".
Vào ngày 26 tháng 1 năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII,[21] được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2016 – 2021.[22]
Đại biểu Quốc hội
Ngày 22 tháng 5 năm 2016, Tô Lâm lần đầu trúng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 02, tỉnh Bắc Ninh gồm có thị xã Từ Sơn và các huyện: Tiên Du, Yên Phong, được 269.938 phiếu, đạt tỷ lệ 95,16% số phiếu hợp lệ, cùng với đại biểu Nguyễn Nhân Chiến và Nguyễn Thị Ngọc Lan. Ông trở thành Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh.[23]
Bộ trưởng Bộ Công an
Ngày 9 tháng 4 năm 2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII phê chuẩn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bổ nhiệm ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Ngày 13 tháng 4 năm 2016, Bộ Chính trị đã quyết định phân công Tô Lâm giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương.[24] Ngày 28 tháng 7 năm 2016, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, đã phê chuẩn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bổ nhiệm ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an của Chính phủ Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trong nhiệm kỳ mới này, ông trở thành lãnh đạo toàn diện và cao nhất của Công an nhân dân Việt Nam, công tác thuộc Chính phủ lãnh đạo bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội; phản gián; điều tra phòng chống tội phạm; phòng cháy chữa cháy và cứu hộ; thi hành án hình sự, thi hành án không phải phạt tù, tạm giữ, tạm giam; bảo vệ, hỗ trợ tư pháp; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.[25]
Ngày 27 tháng 4 năm 2016, Tô Lâm được Bộ Chính trị bổ nhiệm kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam,[26] tham gia phụ tá, hỗ trợ Trưởng ban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng chống tham nhũng.
Ngày 30 tháng 7 năm 2016, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên của Đảng Cộng sản Việt Nam.[27] Đến ngày 11 tháng 10 năm 2017, tại Hội nghị Trung ương khóa XII lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ông được thôi giữ chức vụ này.[28]
Ngày 29 tháng 1 năm 2019, Tô Lâm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăng cấp bậc từ Thượng tướng lên Đại tướng cùng với Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.[29] Đến ngày 30 tháng 1 năm 2021, tại phiên bầu cử Trung ương, ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII.[30] Ngày 31, tại phiên họp đầu tiên của Trung ương Đảng khóa XIII, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.[31]
Ngày 31 tháng 1 năm 2021, Tô Lâm được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, được Trung ương tái cử vào Bộ Chính trị. Ngày 28 tháng 7 năm 2021, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, đã phê chuẩn, được Chủ tịch nước bổ nhiệm ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an của Chính phủ Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ngày 25 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1438/QĐ-TTg, bổ nhiệm ông Tô Lâm làm Ủy viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Trưởng Tiểu ban An ninh trật tự xã hội.
Đối ngoại
Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Đại tướng Tô Lâm đại diện cho lực lượng công an Nhân dân Việt Nam tiếp đón đại diện quốc tế thăm Việt Nam, thực hiện các chuyến công du các nước đối tác, tăng cường quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hội nhập trong giai đoạn mới, đảm bảo chủ quyền, bảo vệ đất nước.
Năm 2016, Tô Lâm tiếp đón đoàn Trung Quốc của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Quách Thanh Côn sang thăm ở Hà Nội, tổ chức hội nghị, tăng cường hợp tác chống tội phạm của cả hai nước.[32] Đến năm 2017, ông cùng đoàn đại biểu sang thăm Slovakia, gặp gỡ Thủ tướng Robert Fico; cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak ký Thỏa thuận họp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Slovakia về tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.[33]
Năm 2018, Tô Lâm sang thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, cùng Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid ký và trao Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland về hợp tác phòng, chống mua bán người.[34]
Năm 2019, ông cùng đoàn đại biểu sang thăm Hàn Quốc, gặp gỡ Thủ tướng Lee Nak-yon, Tổng Công tố Moon Moo-il, tăng cường hợp tác hai nước.[35] Năm 2020, ông đã tới thăm các nước Đông Nam Á như sang Lào, gặp gỡ Thủ tướng Thongloun Sisoulith, cùng Bộ trưởng Bộ An ninh Lào Vilay Lakhamphong ký kết Kế hoạch triển khai Hiệp định hợp tác giữa hai bộ;[36] sang Brunei, trao đổi tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình tội phạm, an ninh truyền thống và phi truyền thống bao gồm phương thức, thủ đoạn và sự liên kết của các loại tội phạm có ảnh hưởng đến hai nước, nhất là tội phạm khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tội phạm truy nã, đặc biệt cần tăng cường hợp tác trên lĩnh vực an ninh mạng.[37]
Cuối năm 2020, Bộ trưởng Tô Lâm có buổi tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ do Ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn đầu trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.[38]
Ngày 31 tháng 1 năm 2021, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, ông tái đắc cử Ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2021-2026[39]
Ngày 9 tháng 4 năm 2023 đến ngày 10 tháng 4 năm 2023, Tô Lâm đã có chuyến công du đến Ấn Độ. Trong cuộc gặp mặt với Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Kumar Doval, hai bên cam kết về việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày càng sâu sắc, đặc biệt là trong các vấn đề chiến lược như an ninh, quốc phòng, góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định của hai nước, khu vực và quốc tế.[40]
Từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 22 tháng 5 năm 2023, Bộ trưởng Tô Lâm đã có chuyến thăm đến Iran theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Iran – Ahmad Vahidi.[41] Hai bên đã nhất trí cần thúc đẩy hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực an ninh trật tự nhiều mặt, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ và ngoại ngữ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế mà hai bên là thành viên.[41] Bộ trưởng Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Iran, ông Amin Houssein Rahimi. Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cuối buổi hội đàm Tô Lâm và A.H.Rahimi đã ký Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa hai nước.[41][42]
Ông Lâm cũng đã làm việc với Tổng Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Ahmad Reza Radan nhằm xác định các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy và tội phạm công nghệ cao.[42] Ông cũng đã gặp Phó Tổng thống thứ nhất Iran – Mohammad Mokhber.[42]
Đề cử giữ chức Chủ tịch nước
Sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước vào ngày 20 tháng 3 và ông Vương Đình Huệ từ chức Chủ tịch Quốc hội vào ngày 26 tháng 4 năm 2024, Việt Nam tiếp tục bị trống hai vị trí lãnh đạo trong thời gian dài. Đến giữa cuối tháng 5, kỳ họp thường kỳ thứ 7 của Quốc hội Việt Nam khóa XV được diễn ra với giai đoạn đầu nhằm kiện toàn các chức danh đang còn trống. Trước khi bầu cử, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã giới thiệu Tô Lâm cho chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trần Thanh Mẫn cho chức danh Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quá trình bầu cử Chủ tịch Quốc hội được diễn ra trong ngày 20 tháng 5 năm 2024 và bầu cử Chủ tịch nước được diễn ra vào ngày 21 – 22 tháng 5 năm 2024.
Đến cuối phiên họp ngày 22 tháng 5, với 472/473 đại biểu tín nhiệm, chiếm tỉ lệ 99,79% tổng số đại biểu tham gia bầu cử, ông Tô Lâm chính thức trở thành Chủ tịch nước Việt Nam thứ 13.
Lãnh đạo chủ chốt
Chủ tịch nước Việt Nam (tháng 5–tháng 10 năm 2024)
Sáng ngày 22 tháng 5 năm 2024, sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với Tô Lâm. Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam Bùi Văn Cường trình bày dự thảo nghị quyết của Quốc hội bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021–2026 đối với ông. Với 472/473 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu ông giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021–2026.[43] Trong bài phát biểu nhậm chức, ông cam kết kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đường lối ngoại giao "cây tre Việt Nam"; đồng thời đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hiện đại hoá đất nước.[44][45] Cũng trong ngày hôm đó, Quốc hội miễn nhiễm chức Bộ trưởng Bộ Công an của ông.[46]
Ngày 18 tháng 7 năm 2024, theo thông báo từ Bộ Chính trị Việt Nam để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "tập trung điều trị tích cực", cơ quan này đã phân công ông Tô Lâm điều hành công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo "trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định".[47] Từ ngày 19 tháng 7 năm 2024, ông Lâm chính thức tạm thời điều hành công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời cho đến khi Trung ương Đảng bầu ra Tổng Bí thư mới. Tô Lâm dự kiến sẽ được Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước khi Quốc hội bầu, kiện toàn Chủ tịch nước mới vào tháng 10, theo Nghị quyết của Trung ương[48][49] để đảm bảo truyền thống lãnh đạo tập thể của Đảng là không nhất thể hóa hay giao 2 chức danh cao nhất là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước cho 1 người nắm giữ.[50]
Ngày 21 tháng 10 cùng năm, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Lương Cường lên làm Chủ tịch nước thứ 13, kế nhiệm Tô Lâm.[51][52] Do đó, Tô Lâm cũng trở thành Chủ tịch nước có nhiệm kỳ ngắn nhất Việt Nam, chỉ sau 5 tháng cầm quyền.[53]
Công tác ngoại giao
Chiều ngày 7 tháng 6, tại Phủ Chủ tịch, Tô Lâm đã tiếp các Đại sứ và các Đại biện các nước thành viên Liên minh Châu Âu tại Hà Nội đến chào và chúc mừng nhân dịp được bầu làm Chủ tịch nước thứ 13 của Việt Nam. Ông Lâm bày tỏ vui mừng lần đầu gặp các Đại sứ, Đại biện EU trên cương vị mới; cảm ơn những lời chúc mừng tốt đẹp của lãnh đạo cấp cao EU và các nước thành viên và các Đại sứ, Đại biện. Ông khẳng định, EU và các nước thành viên là những đối tác quan trọng của Việt Nam. Ông Lâm đề nghị, các Đại sứ, Đại biện tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị, tạo đà cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Ngày 19 tháng 6 năm 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Việt Nam và gặp gỡ Tô Lâm.[54] Putin cảm ơn Việt Nam vì "lập trường trung lập" về Chiến dịch của Nga tại Ukraina.[55]
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2024–nay)
Đối nội
Sáng ngày 03 tháng 8 năm 2024, tại Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII "với số phiếu tuyệt đối".[7] Trong cùng ngày, tân Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì một cuộc họp báo, cam kết tiếp nối các di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là công cuộc đốt lò và ngoại giao cây tre.[56]
Đối ngoại
Không lâu sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, Tô Lâm thăm chính thức Trung Quốc. Ngày 18 tháng 8 năm 2024, ông đến Quảng Đông, có các cuộc gặp mặt với lãnh đạo tỉnh này cũng như tham quan các di tích cách mạng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc.[57] Sau đó ông đã tới Quảng Châu viếng liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Sang ngày hôm sau, ông có cuộc gặp mặt với các lãnh đạo Trung Quốc như Tập Cận Bình, Lý Cường, Triệu Lạc Tế và Vương Hỗ Ninh.[58]
Thành tích
Các vụ án lớn
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Trịnh Xuân Thanh, nguyên Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Năm 2016, Trịnh Xuân Thanh bị điều tra và kết luận có nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.[59] Sau khi xác định Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh. Bộ trưởng Tô Lâm đã chỉ đạo việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, giải quyết vụ án hình sự đặc biệt này. Các nhà điều tra Đức và cảnh sát Slovakia đã cáo buộc Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo bắt giữ nhân vật từ Đức bằng việc hợp tác quốc tế với Slovakia và Nga.[60] Theo chính quyền Đức và Slovakia, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra trong một chuyến công du của Tô Lâm vào tháng 7 năm 2017 và việc này đã ảnh hưởng quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Đức và Slovakia.[61]
Vụ án lãnh đạo cấp cao: từ năm 2016, ông được giao chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Phó Trưởng ban Phòng chống tham nhũng Trung ương, phụ tá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại tướng Tô Lâm đã chỉ đạo công an trong việc điều tra, xử lý, khởi tố chống tham nhũng, vi phạm nghiêm trọng trong đó có nhiều vụ án lớn, mang tính quốc gia. Có thể kể đến vụ án Đinh La Thăng: khởi tố, xét xử, kết án 30 năm tù đối với nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng do những sai phạm quản lý kinh tế khi giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;[62] vụ án nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội nhận hối lộ, lần lượt chịu chịu tù chung thân và 14 năm tù;[63][64] vụ án nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị bắt giữ, điều tra về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.[65] Năm 2022, ông và bộ Công an đã tiến hành điều tra hai bê bối lớn liên quan đến các chuyến bay giải cứu và bê bối tại công ty Việt Á làm nhiều quan chức bị điều tra và bỏ tù.[66][67][68]
Vụ tấn công 2 trụ sở Ủy ban nhân dân xã tại Đắk Lắk 2023: tại buổi thảo luận ở Quốc hội ngày 20 tháng 6, Tô Lâm nhận định: Vụ việc ở Đắk Lắk cho thấy không thể coi thường an ninh ở cơ sở.[69]
Đời tư
Ông kết hôn lần thứ hai với nhà báo, họa sĩ Ngô Phương Ly, là người con thứ ba của Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân và Nghệ sĩ nhân dân Phan Ngọc Lan.[70][71][72] Không rõ người vợ đầu tiên của ông.
Tranh cãi
Ăn uống tại nhà hàng Salt Bae
Vào đầu tháng 11 năm 2021, một đoạn video được đăng trên tài khoản TikTok của đầu bếp nổi tiếng Nusret Gökçe, còn được biết với biệt danh "Salt Bae". Đoạn clip này, sau đó đã bị gỡ bỏ, cho thấy Tô Lâm đang ăn uống tại nhà hàng đắt đỏ của Salt Bae ở Luân Đôn, được cho là trong chuyến công du tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021. Trong clip, ông còn được đầu bếp Gökçe tận tay đút một miếng thịt bò có dát vàng vào miệng.[73][74][75]
Không rõ bữa ăn do ai chi trả, nhưng theo các tờ báo quốc tế, sự kiện này đã gây phẫn nộ với nhiều người Việt Nam trên mạng. Họ cho rằng đây là bữa ăn xa xỉ, với giá món thịt bò dát vàng còn cao hơn một tháng lương của vị bộ trưởng, trong bối cảnh Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra với hàng triệu người đang gặp khó khăn.[73][74][75] Thông tin một viên chức cộng sản ăn uống tại một nhà hàng nổi tiếng xa xỉ đã được đăng trên nhiều cơ quan truyền thông ở nhiều nước, với một số nguồn nêu lên sự tương phản giữa việc này với hành động ông dâng hoa tại mộ Karl Marx trước đó.[76][77]
Dù thu hút nhiều quan tâm từ truyền thông quốc tế, báo chí Việt Nam không nói gì về vụ này.[78] Trên mạng xã hội Facebook, từ khóa "#saltbae" đã bị chặn truy cập vài ngày trên toàn thế giới, và đến ngày 9 tháng 11 mới được truy cập lại, nhưng Facebook không nêu lý do chặn cụm từ này và không cho biết có bị chính phủ Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ nội dung video hay không.[79] Cũng vào ngày 16 tháng 11 năm 2021, một công dân sống tại Đà Nẵng đã bị công an nhiều lần gửi giấy triệu tập không rõ lý do sau khi đăng tải một video lên trên trang Facebook cá nhân nhại lại điệu bộ của đầu bếp Nusret Gökçe.[80][81][82][83]
Lịch sử thụ phong quân hàm
Năm thụ phong | 1980 | 1983 | 1987 | 1991 | 1995 | 1999 | 2003 | 2007 | 2010 | 2014 | 2019 |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Cấp hiệu | |||||||||||
Tên cấp hiệu | Trung úy | Thượng úy | Đại úy | Thiếu tá | Trung tá | Thượng tá | Đại tá | Thiếu tướng | Trung tướng | Thượng tướng | Đại tướng |
Khen thưởng
- 3 Huân chương Quân công hạng Nhất (05/2014, 07/2015, 12/2020).[84]
- Huân chương Quân công hạng Ba (07/2011).[85]
- 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất (01/2002, 09/2008).
- Huân chương Chiến công hạng Nhì (05/2007).
- Huân chương Chiến công hạng Ba (03/2007).
- Huy chương Quân kỳ quyết thắng.
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất.
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì.
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba.
- Huân chương Tự do hạng Nhất của CHDCND Lào (2017).
- Huy chương Vì an ninh Tổ quốc (2002).
- Huân chương Lao động hạng Nhất của CHDCND Lào (2017).
- Huân chương José Martí của Cộng hòa Cuba (2024)[86]
Sách
- Tô Lâm, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2015.[87]
- Tô Lâm, Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2017.
- Tô Lâm, Quần chúng nhân dân – nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2017.[88]
- Tô Lâm, Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2017.
- Tô Lâm, Công an nhân dân Việt Nam với tác phẩm tư cách người công an cách mệnh của Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018.[89]
Tham khảo
Ghi chú
- ^ Ty Công an là tên gọi của đơn vị Công an cấp tỉnh trong thời kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa, được đổi tên thành Sở Công an rồi Công an tỉnh sau năm 1998 đến nay. Tỉnh Hải Hưng là hợp nhất Hải Dương và Hưng Yên giai đoạn 1968 – 1996.
- ^ Tô Quyền (1929 – 1996), là một chiến sĩ cộng sản, tham gia hoạt động cách mạng Việt Nam trong suốt Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Hoa Kỳ. Ông được trao Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Nhì và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
- ^ Giáo dục phổ thông Việt Nam chia thành một số thời kỳ. Trước năm 1981, giáo dục phổ thông 10/10, đến năm 1981, cuộc cải cách giáo dục bắt đầu, hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), trở thành 12/12 cho đến nay.
- ^ Hội đồng bầu cử Quốc gia năm 2021, Danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV năm 2021 ở 63 tỉnh thành
- ^ Ngày 01 tháng 8 năm 1975, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa X đã quyết định hợp nhất hai bộ. Các chức năng về công tác thương binh – xã hội trước đó của Bộ Nội vụ được chuyển sang Bộ Thương binh – Xã hội đảm nhận. Tên gọi Bộ Nội vụ giai đoạn này hoàn toàn tương tự và tương ứng với Bộ Công an.
- ^ Tổng cục An ninh bao gồm 24 đơn vị cấp cục, trong đó có sáu Cục Bảo vệ chính trị gồm Cục Bảo vệ chính trị I (A63), II (A65), III (A64), IV (A65), V (A66), VI (A67).
- ^ Ngày 07 tháng 5 năm 1998, Quốc hội ra Nghị quyết số 13/1998/NQ-QH10, theo đó Bộ Nội vụ đổi lại tên thành Bộ Công an.
- ^ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP về việc Bộ Công an kiện toàn lại tổ chức của Bộ và Tổng cục An ninh Nhân dân được tách ra thành hai Tổng cục:Tổng cục An ninh I và Tổng cục An ninh II.
Chú thích
- ^ “Thông tin đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV”. Website Quốc hội Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ a b “Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm”. Chính phủ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Berlin Kidnapping Charge Hangs Over Rise of Vietnam Enforcer”. www.bloomberg.com. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
- ^ “Denník N: This is what the Vietnamese kidnapping looked like”. spectator.sme.sk (bằng tiếng Anh). 2 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
- ^ “Vì sao Bộ trưởng Tô Lâm bị đề nghị trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu?”. Voice of America. 26 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
- ^ Hải Liên (22 tháng 5 năm 2024). “Đại tướng Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước”. baochinhphu.vn. Truy cập 3 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b baochinhphu.vn (3 tháng 8 năm 2024). “Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. baochinhphu.vn. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2024.
- ^ Nguyễn Thị Trang (ngày 18 tháng 8 năm 2016). “Đại tá Tô Quyền - Người Anh hùng sống mãi trong lòng dân”. Doanh nghiệp hội nhập. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ Đỗ Văn Phú (ngày 7 tháng 2 năm 2015). “Anh hùng LLVT Tô Quyền: Người chỉ huy của 6 tập thể anh hùng”. Báo Bắc Giang. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ Di Linh (ngày 9 tháng 4 năm 2016). “Tiểu sử Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm”. Báo Giao thông. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ a b c d “Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an”. Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ. 9 tháng 1 năm 2004. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2024.
- ^ “Công nhận chức danh giáo sư cho Thứ trưởng Bộ Công an”. Báo Điện Biên Phủ. ngày 23 tháng 10 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ Thanh Tuấn (ngày 16 tháng 6 năm 2020). “Nghị định số 29/CP của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ”. Bộ Nội vụ. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ Quốc hội khóa X, Nghị quyết 13/1998/NQ-QH10 về việc đổi tên Bộ Nội vụ thành Bộ Công an.
- ^ “"Nắm địch từ xa, đánh địch từ nơi chúng xuất phát"”. An ninh Thủ đô. ngày 15 tháng 11 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Các ông Phạm Minh Chính, Tô Lâm và Phạm Quý Ngọ nhận chức Thứ trưởng Bộ Công an”. Thể thao Văn hóa. ngày 16 tháng 8 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI”. Tư liệu văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2020.
- ^ Minh Đạt (ngày 18 tháng 9 năm 2014). “Thăng cấp hàm Thượng tướng cho Thứ trưởng Công an Tô Lâm”. Công an Kon Tum. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ N. Huyền (ngày 15 tháng 11 năm 2020). “Tân Đại tướng Tô Lâm từng kinh qua chức vụ gì?”. Vietnamnet. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ Việt Cường (ngày 17 tháng 2 năm 2015). “Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius”. VOV. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Lưu trữ: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII”. Tư liệu văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”. Tư liệu văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2020.
- ^ An Ngọc (ngày 9 tháng 6 năm 2016). “Các thành viên Chính phủ trúng cử ĐBQH gồm những ai?”. Cafef. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2020.
- ^ Văn Thành (ngày 4 tháng 5 năm 2016). “Đồng chí Tô Lâm giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương”. Báo Nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Tiểu sử tân Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm”. Công an Nhân dân. ngày 9 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng”. Vietnamnet. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Tô Lâm được phân công giữ chức Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên”. Vietnamnet. ngày 30 tháng 7 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”. Báo điện tử Chính phủ. ngày 27 tháng 10 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Phong quân hàm Đại tướng cho 2 sĩ quan cao cấp Công an và Quân đội”. Báo Tiền Phong điện tử. ngày 29 tháng 1 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2019.
- ^ “Danh sách 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII”. VTV. ngày 30 tháng 1 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2021.
- ^ “Công bố danh sách Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII”. Báo Tuổi trẻ. ngày 31 tháng 1 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2021.
- ^ “Bộ Công an Việt Nam và Trung Quốc hợp tác chống tội phạm”. Báo quốc tế. ngày 25 tháng 9 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ Trí Trung (ngày 6 tháng 3 năm 2017). “Bộ trưởng Tô Lâm thăm và làm việc tại Slovakia”. Công an Nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thăm và làm việc tại Vương quốc Anh”. Báo quốc tế. ngày 23 tháng 11 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thăm chính thức Hàn Quốc”. Báo điện tử Chính phủ. ngày 16 tháng 11 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Bộ trưởng Công an Tô Lâm thăm và làm việc tại Lào”. Tạp chí đối ngoại. ngày 11 tháng 2 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ Trí Trung (ngày 14 tháng 2 năm 2020). “Bộ trưởng Tô Lâm thăm và làm việc tại Brunei”. Bộ Công an. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ Việt Cường (ngày 30 tháng 10 năm 2020). “Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo”. VOV. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII”. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 1 năm 2021.
- ^ “Việt Nam - Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh”. CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CÔNG AN. ngày 10 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b c “Bộ Công an Việt Nam tăng cường hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Iran”. Báo Công An Nhân Dân. ngày 22 tháng 5 năm 2023.
- ^ a b c “Bộ Công an Việt Nam tăng cường hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Iran”. Báo Nhân Dân. ngày 23 tháng 5 năm 2023.
- ^ “Quốc hội bầu Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước”. Báo Tuổi trẻ. ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập Ngày 22 tháng 5 năm 2024.
- ^ Nhóm PV (22 tháng 5 năm 2024). “Chủ tịch nước Tô Lâm cam kết kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng”. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.
- ^ Anh Phương (22 tháng 5 năm 2024). “Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026”. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.
- ^ Phạm Đông, Cao Nguyên (22 tháng 5 năm 2024). “Miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm”. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.
- ^ “Thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Báo điện tử Chính phủ. 18 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2024.
- ^ LS (26 tháng 8 năm 2024). “Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024”. Báo Điện tử Chính phủ.
- ^ https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-national-assembly-to-approve-new-president-in-october-08262024090231.html/ampRFA.
|title=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ “Vietnam party chief To Lam to step down as president, relinquish dual power role”. South China Morning Post. Truy cập 16 tháng 9 năm 2024.
- ^ “Vietnam appoints army general as new president after months of turmoil”. Associated Press. 21 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ Hương Giang (21 tháng 10 năm 2024). “Đại tướng Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước”. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.
- ^ “Tân Chủ tịch nước Lương Cường được xét 'trường hợp đặc biệt'”. BBC News Tiếng Việt. 21 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.
- ^ “Putin arrives in Vietnam as Russia seeks support in face of Western isolation”. CNN. 20 tháng 6 năm 2024.
- ^ “Russia's Putin praises Vietnam for its stance on Ukraine”. Reuters. 19 tháng 6 năm 2024.
- ^ Thành Chung (3 tháng 8, 2024). “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Sự đoàn kết, thống nhất là sức mạnh của chúng ta”. Tuổi trẻ. Truy cập 19 tháng 8, 2024.
- ^ “Hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong ngày đầu thăm cấp Nhà nước tại Trung Quốc”. baochinhphu.vn. 18 tháng 8, 2024. Truy cập 19 tháng 8, 2024.
- ^ “Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc”. VTV. 19 tháng 8, 2024. Truy cập 19 tháng 8, 2024.
- ^ “TOÀN CẢNH XÉT XỬ VỤ TRỊNH XUÂN THANH”. Vietnamnet. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Việt Nam có còn cửa 'đi đêm' với Slovakia?”. VOA. VOA. ngày 15 tháng 8 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 1 năm 2019.
- ^ Tatiana Jancarikova (ngày 20 tháng 10 năm 2018). “Slovakia threatens to freeze relations with Vietnam over kidnapping case” [Slovakia đe dọa đóng băng quan hệ quốc tế với Việt Nam vì vụ bắt cóc]. Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Tình tiết vụ án Đinh La Thăng”. Vietnamnet. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ Thân Hoàng, Diệp Thanh (ngày 27 tháng 4 năm 2020). “Nhận tiền hối lộ lớn 'chưa từng có', tuyên y án chung thân ông Nguyễn Bắc Son”. Báo Tuổi trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ Thân Hoàng, Diệp Thanh (ngày 28 tháng 12 năm 2019). “Ông Nguyễn Bắc Son lãnh án chung thân, ông Trương Minh Tuấn 14 năm tù”. Báo Tuổi trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ N. An, T. Hà (ngày 4 tháng 9 năm 2020). “Bộ Công an: Đã chứng minh chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt một số tài liệu mật”. Báo Tuổi trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.
- ^ Thân Hoàng; Danh Trọng (19 tháng 12 năm 2022). “Vụ Việt Á: Đã khởi tố 29 vụ án, 102 bị can liên quan 'thổi giá' kit xét nghiệm”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2023.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ “Bộ Ngoại giao thông tin vụ 4 cán bộ Cục Lãnh sự bị điều tra nhận hối lộ”.
- ^ “Cục trưởng và phó cục trưởng Bộ Ngoại giao bị bắt về tội nhận hối lộ”.
- ^ “Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Vụ việc ở Đắk Lắk cho thấy không thể coi thường an ninh ở cơ sở”. Báo Quân đội nhân dân. ngày 20 tháng 6 năm 2023.
- ^ cand.com.vn. “Nghệ sỹ nhân dân Ngô Mạnh Lân: Một người thầy thân thương, một nghệ sỹ đáng kính của tôi”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
- ^ VTV, BAO DIEN TU. “Văn học nghệ thuật : Người lưu dấu cuộc đời - Video đã phát trên VTV1 | VTV.VN”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
- ^ VTV, BAO DIEN TU. “Văn học nghệ thuật: NSND Ngô Mạnh Lân - Nét vẽ đời người - Video đã phát trên VTV1 | VTV.VN”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b “Vietnamese minister criticised over 'Salt Bae' gold-plated steak dinner” [Bộ trưởng Việt Nam bị chỉ trích vì bữa ăn tối thịt bò dát vàng của 'Salt Bae']. BBC News. 5 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
- ^ a b AFP (5 tháng 11 năm 2021). “Vietnamese upset over video of Salt Bae feeding gold-leaf steak to security minister” [Người Việt Nam tức giận vì video của Salt Bae đút món thịt bò dát vàng cho bộ trưởng công an]. ABC News. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
- ^ a b “VN: Hình ảnh Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng gây bão dư luận”. BBC Tiếng Việt. 5 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
- ^ Chen, Heather (8 tháng 11 năm 2021). “A Communist Delegation Went to Karl Marx's Grave, Then Were Fed Gold Steak by Salt Bae” [Một phái đoàn cộng sản đến viếng mộ Karl Marx, xong rồi được Salt Bae đút thịt bò dát vàng]. Vice News. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2021.
- ^ Glover, Ella (8 tháng 11 năm 2021). “Vietnamese minister fed £1,450 gold-plated steak after laying flowers at Karl Marx's grave” [Bộ trưởng Việt Nam được đút bò bít tết dát vàng giá 1,450 bảng Anh sau khi đặt hoa tại mộ Karl Marx]. The Independent. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2021.
- ^ “Truyền thông quốc tế gọi món bò dát vàng của ông Tô Lâm là Bò Cộng sản”. Đài Á Châu Tự Do. 6 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2021.
- ^ Pearson, James (9 tháng 11 năm 2021). “Exclusive: Facebook unblocks '#saltbae' after Vietnamese minister's golden steak” [Facebook mở khóa '#saltbae' sau vụ thịt bít tết dát vàng của bộ trưởng Việt Nam]. Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2021.
- ^ Pearson, James (17 tháng 11 năm 2021). Petty, Martin (biên tập). “Vietnam police summon noodle seller after 'Salt Bae' parody video” [Công an Việt Nam triệu tập người bán mì sau video nhại 'Salt Bae']. Reuters (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021.
- ^ “Đà Nẵng: Dân bị công an triệu tập sau khi bắt chước "thánh rắc muối"”. Đài Á Châu Tự do. 16 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021.
- ^ “Đà Nẵng: Bắt chước 'thánh rắc muối', công an triệu tập, báo tiếng Anh đưa tin”. BBC Tiếng Việt. 18 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021.
- ^ “Vietnam noodle seller summoned by police after imitating 'Salt Bae'”. The Independent. 17 tháng 11 năm 2021.
- ^ “Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an”.[liên kết hỏng]
- ^ “Bộ Công an tổ chức đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng ANND”. Công an Nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Cuba trao tặng Huân chương Jose Marti cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm”. Báo điện tử Chính phủ. 27 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2024.
- ^ “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công an nhân dân”. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Những cuốn sách gan ruột của Bộ trưởng Tô Lâm”. Báo tin tức. ngày 15 tháng 6 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Ra mắt cuốn sách của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm”. An ninh TV. ngày 6 tháng 3 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
Liên kết ngoài
- Tiểu sử lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Tô Lâm, Lưu trữ 2020-11-15 tại Wayback Machine tại website Chính phủ Việt Nam.
- Trang thông tin điện tử: Bộ trưởng Tô Lâm, thuộc Bộ Công an Việt Nam.