Tác chiến chiều sâu

học thuyết quân sự của Hồng quân Liên Xô

Tác chiến chiều sâu (Tiếng Nga: Теория глубокой операции | Teoriya glubokoy operaschy; tiếng Anh: Deep operations) hay Chiến đấu có chiều sâu[1] là một học thuyết quân sự của Hồng quân Liên Xô được phát triển trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới bởi các nhà chiến lược và lý luận quân sự xuất sắc của Hồng quân mà nổi bật là Nguyên soái Liên Xô Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky, Alexander Andreyevich Svechin, Nikolai Efimovich Varfolomeev, Vladimir Kiriakovitch Triandafillov, Georgii Samoilovich Isserson. Học thuyết đã giới thiệu thêm khái niệm nghệ thuật chiến dịch ở giữa hai cấp độ chiến lượcchiến thuật, được các nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới sử dụng làm cơ sở phát triển lý luận cho nghệ thuật chiến dịch hiện đại.

Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky trong bộ quân phục Tư lệnh Quân khu (Командующий войсками военного округа) - một tác giả quan trọng của học thuyết tác chiến chiều sâu.

Điểm xuất phát tư tưởng của học thuyết là quan niệm bản chất của chiến tranh đã thay đổi và mang tính chất tổng lực. Tư tưởng này dẫn tới sự xác nhận rằng chiến thắng không thể đạt được bằng một trận đánh quyết định, mà bằng các chiến dịch tuần tự nối tiếp nhau liền lạc hợp lý - mỗi chiến dịch một mục tiêu cụ thể được nối kết trong một mục tiêu thống nhất[2]. Ở cấp độ chiến thuật, học thuyết đưa ra cách thức tấn công đồng thời suốt chiều sâu phòng tuyến đối phương bằng lực lượng xung kích chia làm 2 thê đội[3] được hỗ trợ bằng pháo binh, không quân và lực lượng nhảy dù[4]. Để phục vụ cho tư tưởng chiến tranh này, học thuyết nhấn mạnh vào việc cơ giới hóa lực lượng xung kích ở quy mô lớn.

Trên phương diện lịch sử, học thuyết được đánh giá là một hệ thống lý luận khoa học[5] hiện đại nhất[6][7] so với đương thời, đã được triển khai hoàn chỉnh thành Điều lệ tác chiến 1936 của Hồng quân[8]. Tuy nhiên, do cuộc Đại thanh trừng của Stalin vào những năm 1935-1941, khi các tác giả bị xử tử hình hoặc bị đi đày thì học thuyết mất chỗ đứng. Cho đến sau những thất bại ban đầu của Hồng quân ở Chiến tranh thế giới thứ hai, học thuyết mới được áp dụng trở lại và trở thành nền tảng cho nghệ thuật quân sự Xô viết đi đến chiến thắng cuối cùng.

Nguồn gốc hình thành học thuyết

sửa

Kinh nghiệm chiến tranh trước 1921

sửa

Cho đến khi bắt đầu hình thành tư tưởng của học thuyết, nước Nga đã trải qua 3 cuộc chiến tranh: Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1917) và cuộc Nội chiến Nga (1917-1921). Những cuộc chiến này là những bài học xương máu được tổng hợp lại thành từng phần trong học thuyết về sau.

Thất bại lớn nhất của Quân đội Đế quốc Nga trong cuộc chiến với Đế quốc Nhật Bản là sự lạc hậu trước trình độ công nghiệp hoá lúc đó của chiến tranh. Pháo dùng đạn nhồi thuốc súng không khói và súng máy đã tăng tầm lẫn hiệu quả sát thương, nhưng Quân đội Nga vẫn hành tiến theo đội hình khối và giao chiến mặt đối mặt như thời kỳ trước đó. Việc chuyển quân bằng đường sắt và thông tin bằng điện báo làm nhịp điệu cuộc chiến trở nên quá nhanh, nhưng cách lập kế hoạch tác chiến, tổ chức và chỉ huy vẫn theo thói quen đã định hình. Cả ba trận đánh trên bộ - sông Áp Lục, Liêu DươngPhụng Thiên - các đơn vị phòng ngự của Nga đều thua trong cuộc đấu quân số - hoả lực mà không có sự điều chuyển tiếp viện của đơn vị khác. Những điểm yếu này vừa đánh dấu sự lỗi thời của chiến thuật lẫn sự thiếu vắng của khái niệm "chiến dịch" và "vận động chiến dịch"[9].

Trong các chiến dịch của Chiến tranh thế giới thứ nhất giữa Nga và liên quân Đức - Áo - Hung, với ghi nhận cần phải liên kết các trận đánh riêng lẻ trong một "chiến dịch", quân đội Nga có cấp chỉ huy điều hành mới là Phương diện quân, và nhờ đó có được những hoạt động phối hợp cơ bản của một quân đội hiện đại. Nhưng ở cuộc chiến này, yếu tố đặc điểm địa hình cho thấy những bất cập khác. Trên chiến trường rộng lớn ở Nga và Đông Âu, mật độ quân lực của hai bên không đủ để tạo thành các chiến tuyến vững chắc như ở Tây Âu, nên cả hai bên đều sử dụng vận động chiến. Tuy nhiên, lực lượng vận động chính của cả hai bên đều là bộ binh đi bộ, lại khó tập trung mật độ cao vì đường sá kém cỏi khiến tiếp vận không đủ. Vì thế, các mũi tấn công vận động thọc sâu của cả hai bên vừa chậm lại vừa không đạt ưu thế quân số áp đảo, nên hiệu quả chiến đấu đã thấp lại luôn có nguy cơ bị thọc sườn. Ví dụ như khi Liên quân Đức - Áo - Hung bao vây 2 tập đoàn quân Nga ở Łódź (1914) lại bị tập kích, phản bao vây[10]. Còn việc sử dụng kỵ binh làm lực lượng cơ động tập hậu không có kết quả do bị vô hiệu hoá dễ dàng trước hoả lực súng máy. Trong những điều kiện đó, không bên nào thực hiện được một cuộc tấn công thọc sâu mang tính quyết định, khiến cho mặt trận lâm vào trạng thái cầm cự động cho đến khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra và Nga rút ra khỏi cuộc chiến.

Cuộc Nội chiến Nga (1918-1921) cho thấy một khía cạnh khác: cả Hồng quân lẫn Bạch vệ đều tham chiến ở trình độ trang bị hỏa lực tương đối thấp và vận động chiến bằng kỵ binh có ưu thế. Thời gian đầu, phe Bạch vệ nhờ có kỵ binh Cô dắc trong đội hình đã giành thắng lợi ở một số trận đánh, nhưng Hồng quân dần san bằng ưu thế bằng cách thành lập lực lượng kỵ binh của mình. Ban đầu, kỵ binh Hồng quân được tổ chức thành phân đội trinh sát tiền phương của các đơn vị bộ binh. Khi cuộc chiến phát triển, kỵ binh được tập trung lại thành các đơn vị lớn, tác chiến độc lập[11]. Chính các đơn vị này đã trở thành lực lượng cơ động chiến dịch của Hồng quân và lập được nhiều thành tích, như Tập đoàn quân Kỵ binh Đỏ số 1 (Konarmiya) của S. M. Budyonny trở thành huyền thoại.

Trong thời gian này, cuộc tấn công vận động gây nhiều tranh cãi nhất là của Phương diện quân Tây của M. N. Tukhachevsky năm 1920 từ Wisla đến tận Warsawa - cuộc tấn công lần đầu tiên tập trung được binh lực ở mật độ áp đảo - nhưng kết cục là bị bẻ gãy bởi cuộc phản công của quân Ba Lan. Những nghiên cứu sau này chỉ ra nhiều nguyên nhân của thất bại, từ trang bị kém cho đến tiếp vận không kịp thời, nhưng nguyên nhân hàng đầu của nó là mũi tấn công này xảy ra đơn lẻ trong khi các Phương diện quân khác không gây áp lực hỗ trợ[Ct 1]. Và bài học này sẽ được đúc kết thành chiến dịch nối tiếp trong học thuyết về sau[12].

Quá trình hình thành tư tưởng của học thuyết

sửa

Bối cảnh chính trị trong thập kỷ 1920

sửa

Sau cuộc Nội chiến, nước Nga Xô Viết trải qua một thời kỳ chính trị hóa quân sự, mà nội dung là tìm cách định hình vai trò, nhiệm vụ và tổ chức của Hồng quân trong lý tưởng chủ nghĩa xã hội đương thời. Giữa xu hướng phổ biến quan niệm Hồng quân là một quân đội của giai cấp công nông, dựa vào chiến tranh nhân dân kết hợp với công cuộc đấu tranh giai cấp của phong trào vô sản thế giới để đối mặt với các đe doạ tương lai, thì các chỉ huy Hồng quân xuất thân từ sĩ quan quân đội Đế quốc Nga lại kêu gọi xây dựng Hồng quân thành một đội quân chính quy, hiện đại, mà tiêu biểu là lời nói của Tukhachevsky: "Tinh thần cách mạng mà không có trang bị vũ khí cần thiết thì không thể thắng được cuộc chiến tranh hiện đại"[13].

Quan điểm này được sự ủng hộ của M. V. Frunze - lãnh đạo của Hồng quân lúc đó - và năm 1921 Tukhachevsky được giao nhiệm vụ Giám đốc Học viện Quân sự mới thành lập (từ năm 1925, khi Frunze mất thì đổi tên là Học viện Quân sự Frunze). Ở vị trí này, ông có điều kiện tập hợp một số tài năng quân sự về Học viện, tạo cảm hứng nghiên cứu và đối thoại cho họ[Ct 2], gây dựng cơ sở cho nền khoa học quân sự Xô Viết.

Đến giữa thập kỷ 1920 trở đi, khi các cuộc cách mạng vô sản ở các nước tư bản Phương Tây không diễn ra như mong đợi và Stalin tuyên bố "Liên bang Xô viết không thể không có nanh vuốt để phải quỳ gối trước phương Tây một lần nữa"[15], thì quan điểm hiện đại hóa Hồng quân mới có được sự hậu thuẫn chính trị vững chắc, việc xây dựng một học thuyết quân sự cho Hồng quân mới có được sự đồng thuận rộng rãi.

Nhận diện các tiền đề của học thuyết

sửa

Dựa trên sự đồng thuận rằng học thuyết cần được xây dựng trên các tiền đề về cuộc chiến tranh tương lai mà Liên bang Xô viết phải đối đầu, qua thảo luận trong giới khoa học quân sự, có 4 tiền đề được nhận diện như sau[16]:

  1. Cuộc chiến tranh tương lai có phải là một cuộc chiến kéo dài như Chiến tranh thế giới thứ nhất hay chỉ được quyết định trong một trận đánh hoặc một chiến dịch?
  2. Hồng quân nên theo đuổi chiến lược phòng thủ hay tấn công?
  3. Cuộc chiến tương lai là cuộc chiến lấn đất từng phần hay là sân khấu cho vận động chiến?
  4. Lực lượng có khả năng quyết định kết quả cuộc chiến là bộ binh hay là cơ giới hoá?

Việc thiết lập tiền đề dựa trên những câu hỏi này đòi hỏi sự cân nhắc, phản biện đa diện trong bức tranh của nước Nga Xô viết khi đó: một lực lượng dự bị chiến đấu lớn cùng với trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu; một lãnh thổ rộng lớn với hạ tầng cơ sở mỏng manh. Đây chính là thời kỳ Liên Xô thực hiện các kế hoạch 5 năm điện khí hoá và hiện đại hoá đất nước, cho nên quá trình phản biện này kéo dài trong suốt thời kỳ và sự đồng thuận ở một vài vấn đề then chốt phải chờ đến khi các kế hoạch này thành công[16].

Sự hình thành tư tưởng của học thuyết

sửa

Ngay sau Nội chiến, từ những nghiên cứu lịch sử chiến tranh của mình Tukhachevsky nhận định rằng Chiến tranh thế giới thứ nhất là cột mốc đánh dấu sự thay đổi bản chất của chiến tranh mà chưa có quốc gia nào nhận thức rõ. Trong các bài báo của mình, Tukhachevsky phân tích các cuộc chiến tranh trước thế kỷ 20 và chỉ ra rằng trong điều kiện kinh tế - chính trị giới hạn thời đó, mỗi quốc gia chỉ có thể duy trì được một quân đội tương đối nhỏ, chiến tranh giữa 2 quốc gia thường được quyết định bằng kết quả của một trận chiến giữa hai đội quân này trong một địa bàn tương đối hẹp[17]. Điều kiện kinh tế - chính trị của châu Âu trong thế kỷ 20 đã khác: các quốc gia có thể nhanh chóng động viên một phần lớn dân số vào quân đội, đồng thời địa bàn tham chiến trải rộng hơn trước rất nhiều. Trong tình hình mới đó, ông cho rằng kỳ vọng một trận đánh có thể quyết định kết quả của cuộc chiến là ảo tưởng, thay vào đó, chiến thắng cuối cùng chỉ có thể đạt được qua nhiều chiến dịch tấn công nối tiếp nhau[18].

Chia sẻ tư tưởng này của Tukhachevsky, A. A. Svechin - một giảng viên ở Học viện Quân sự Frunze - đã đưa ra các lý luận nền tảng cho học thuyết quân sự Xô viết với tác phẩm Strategyia[19] được xuất bản lần đầu năm 1926. Trong tác phẩm này, Svechin xác nhận sự thay đổi của bản chất chiến tranh, tuy nhiên, ông cho rằng cuộc chiến tương lai là một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài, giành giật từng vị trí[Ct 3]. Cũng theo bức tranh chiến tranh của ông, quan điểm "tấn công liên tục" của Tukhachevsky cần được thay thế bằng linh hoạt kết hợp tấn công với phòng thủ[20].

Từ tiền đề về chiến tranh tiêu hao mà trong đó bên chiến thắng là bên bù đắp được tiêu hao tốt hơn, Svechin đưa đến khái niệm chiến tranh tổng lực, trong đó sức mạnh của nền kinh tế để cung cấp vật chất và lý tưởng chính trị giúp động viên sức người vào cuộc chiến có vai trò trọng tâm thay cho sức mạnh nhất thời của quân đội. Cũng từ luận điểm này, ông cho rằng cần phải thiết lập một cơ cấu chỉ huy thống nhất giữa quân sự và dân sự, tiền tuyến và hậu phương nhằm đảm bảo dòng chảy vật chất và sức người thông suốt[21].

Từ tiền đề về cuộc chiến lâu dài trong đó có nhiều hoạt động tấn công đan xen với phòng thủ, Svechin chỉ ra khoảng trống ở giữa khái niệm "chiến lược" - cách đi đến chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến - và khái niệm "chiến thuật" - cách tiến hành từng trận đánh. Đây chính là điểm khởi đầu để ông đưa ra một khái niệm mới lúc đó: Nghệ thuật chiến dịch.

Nội dung chiến dịch của học thuyết

sửa

Định nghĩa nghệ thuật chiến dịch

sửa

Trong giai đoạn đầu tiên khi nghiên cứu rút tỉa kinh nghiệm chiến tranh, các nhà lý luận quân sự Hồng quân vẫn còn lúng túng khi mô tả các nội dung chiến tranh ở giữa cấp "chiến lược" và "chiến thuật" và phải sử dụng những khái niệm như "chiến lược cấp thấp" hay "chiến thuật lớn" thay thế[21]. Sự lúng túng này chấm dứt khi A. Svechin đã đưa ra định nghĩa về Nghệ thuật chiến dịch như sau:

"Chiến lược quyết định việc sử dụng các lực lượng vũ trang và mọi nguồn lực của đất nước để đạt được mục tiêu quân sự cuối cùng...Các trận đánh là phương tiện (thực hiện) của chiến dịch, còn chiến thuật là vật liệu cấu thành nghệ thuật chiến dịch. Bản thân chiến dịch là phương tiện của chiến lược, còn nghệ thuật chiến dịch là chất liệu cấu thành chiến lược. Đây chính là bản chất của một công thức 3 thành tố."[21]

Các chiến dịch nối tiếp

sửa

Với một định nghĩa rõ ràng về "nghệ thuật chiến dịch", N.E. Varfolomeev, trưởng khoa Chiến dịch mới thành lập ở Học viện Quân sự Frunze, đã đào sâu nghiên cứu cuộc nội chiến trước đó, đặc biệt là thất bại Vistula 1920 của Tukhachevsky để tìm kiếm mối quan hệ cơ hữu giữa các chiến dịch. Phân tích của ông cho thấy rằng mặc dù hậu cần yếu kém không bù đắp được tiêu hao của Phương diện quân Tây là một nguyên nhân quan trọng của thất bại, nhưng nguyên nhân chính là chiến dịch do các Phương diện quân khác thực hiện không được nối kết mục tiêu với chiến dịch Vistula khiến cho đối thủ có cơ hội phục hồi và giành giật quyền chủ động chiến trường. Từ kết luận này, ông nhấn mạnh mục tiêu của nghệ thuật chiến dịch là phải liên tục kiểm soát quyền chủ động bằng các chiến dịch nối tiếp như sau:

"...một chuỗi các chiến dịch lần lượt phát triển nối tiếp, được nối kết liền lạc với nhau, mỗi chiến dịch một mục tiêu hữu hạn được thống nhất trong một mục tiêu chung... Mục tiêu của các chiến dịch là tiêu diệt hoàn toàn quân lực địch; dựa trên phương pháp tấn công không ngừng nghỉ; bằng cách liên tục phát triển các chiến dịch nối tiếp nhau - mỗi chiến dịch là một bước gần hơn tới chiến dịch quyết định cuối cùng."[22]

Ba giai đoạn của một chiến dịch

sửa

Varfolomeev đánh giá rằng trong điều kiện chiến tranh mới, các tuyến phòng ngự sẽ kéo dài hàng nghìn km, khiến cho bên tấn công không có cơ hội vận động bọc sườn. Do đó, ông nhận định cần phải kết hợp vận động chiến dịch với việc mở cửa đột phá[23]. Như thế, một chiến dịch về cơ bản gồm có 3 giai đoạn: mở cửa đột phá qua khu vực chiến thuật của tuyến phòng ngự; khai thác thành quả chiến thuật để tạo nên thành công chiến dịch; khai thác thành quả chiến dịch bằng một chiến dịch kế tiếp[24].

Varfolomeev cũng đề xuất chia lực lượng xung kích của Tập đoàn quân hoặc Phương diện quân thành hai thê đội: thê đội một đảm nhận việc đột phá tuyến phòng ngự, còn thê đội hai là nhóm cơ động chiến dịch đảm nhận việc thọc sâu. Lực lượng giữ tuyến đóng vai trò hỗ trợ để ghim chặt lực lượng phòng thủ của đối phương; sau khi cửa đột phá được mở, thì lực lượng này phải giữ cánh hộ sườn cho lực lượng xung kích[25]. Trong khi chiến dịch đang tiến hành, thì Phương diện quân sẽ tuỳ tình hình mà tổ chức một lực lượng xung kích dự bị, sẵn sàng tiến hành giai đoạn 3[24].

Nghệ thuật nghi binh chiến dịch

sửa

Tukhachevsky phác hoạ ý tưởng của ông về cách lựa chọn hướng chiến dịch là: "Không cần phải tấn công trên toàn mặt trận... Cần phải tập trung quân lực, bộ binh, pháo, không quân và các binh chủng hỗ trợ nhiều lần mạnh hơn đối phương trên hướng chính. Người chỉ huy giỏi phải biết chấp nhận rủi ro khi bố trí yếu ở các hướng ít quan trọng..."[26].

Đề cập về yếu tố rủi ro của Tukhachevsky trong lựa chọn hướng chiến dịch chính là cầu nối với yếu tố bất ngờ. Đây cũng là cơ sở để đúc kết vào học thuyết các nguyên tắc của nghệ thuật nghi binh. Do đó, maskirovka - với nội dung là đánh lạc hướng đối phương; giấu kín hướng tấn công chính; bí mật tập trung quân dự bị đông đảo; tận dụng hoạt động ban đêm; thực hiện tốt nghi binh chiến thuật[27][Ct 4] - trở thành một công cụ không tách rời của nghệ thuật chiến dịch.

Nội dung chiến thuật của học thuyết

sửa

Các nhà nghiên cứu về lịch sử quân sự Xô Viết thống nhất rằng mặc dù Tukhachevsky là người gieo hạt giống ý tưởng chiến thuật[Ct 5] với quan điểm rằng "vũ khí mới tạo ra hình thức tác chiến mới" để "đánh bại đồng thời từ tung thâm"[29], nhưng chính V. Triandafillov là người phát triển các bài bản cho "hình thức tác chiến mới" đó. Với cách lý luận đi đôi với thực tiễn của một nhà tư tưởng kiêm chỉ huy Hồng quân, khi nhận nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng vào năm 1928, ông tập trung vào nghiên cứu các chiến thuật cụ thể của "Tác chiến chiều sâu". Các giải pháp của ông đã xuất hiện trong bản Điều lệ tác chiến 1929, và được trình bày hoàn chỉnh trong Thông tư "Các vấn đề cơ bản về chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch liên quan đến tái cấu trúc Quân đội" năm 1931[30] với nguyên tắc xuyên suốt là ghim giữ, chia cắt và làm tê liệt đối phương trước khi tiêu diệt.

Tấn công suốt chiều sâu

sửa
 
Sơ đồ tác chiến chiều sâu 2 thê đội.
 
Các sơ đồ vận động thọc sâu.

Nghiên cứu các cuộc tấn công trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Triandafillov chỉ ra rằng do hạn chế của tầm hoả lực và khả năng cơ động, nên lực lượng tấn công phải bóc vỏ phòng tuyến đối phương từng lớp một với tốc độ rất chậm. Nên khi đột phá qua chiều sâu chiến thuật, thì lực lượng dự bị của đối phương đã kịp vận động đến điểm đột phá để phản công, hàn lại phòng tuyến[31]. Để giải bài toán này, ông đưa ra ý tưởng tấn công đồng thời cả khu vực chiến thuật của phòng tuyến lẫn khu vực chiến dịch - tức khu vực vận động của lực lượng dự bị của đối phương.

Với nhận định rằng các tiến bộ công nghệ sẽ làm tăng khả năng cơ động của quân đội, tăng tầm bắn và sức mạnh của hoả lực, ông phác hoạ phương pháp tấn công mới là "công kích đồng thời trên suốt chiều sâu phòng ngự thay vì cách bóc vỏ từng lớp phòng thủ từ ngoài vào trong như hiện tại. Các loại vũ khí cần được sử dụng phối hợp để làm tê liệt mọi hoả lực phòng ngự cho dù ở vỏ ngoài hay ở trung tâm, chia cắt cô lập các đơn vị địch với nhau và cuối cùng tiêu diệt từng vị trí một"[32].

Trong bức tranh chiến trường của ông, cuộc tấn công được thực hiện bởi lực lượng xung kích cấp Tập đoàn quân hợp thành: nhiệm vụ bắn phá dọc chiều sâu chiến thuật là của khoảng 20 trung đoàn pháo binh; trách nhiệm tấn công phòng tuyến từ ngoài vào trong thuộc về lực lượng 4-5 quân đoàn, tức khoảng 12-18 sư đoàn bộ binh; mũi vận động vào khu vực chiến dịch của tuyến do khoảng 12 tiểu đoàn xe tăng làm mũi nhọn; máy bay ném bom sẽ oanh kích khu vực chiến dịch, ngăn cản lực lượng dự bị của đối phương vận động từ tuyến sau ra tuyến trước và hỗ trợ hoả lực cho mũi thọc sâu[33].

Vận động chiến dịch

sửa

Triandafillov nhìn nhận rằng sau khi xuyên thủng khu vực chiến thuật, lực lượng thọc sâu sẽ phải chạy đua vận động với lực lượng trù bị của đối phương trong khu vực chiến dịch, vì thế cuộc tấn công ban đầu phải đủ rộng theo chiều dài phòng tuyến để buộc đối phương phải phán đoán vị trí xuất phát vận động cho đến phút cuối.

Mối quan tâm tiếp của Triandafillov là sơ đồ vận động. Ông đưa ra nhiều sơ đồ mô tả các hướng vận động giao nhau để hợp vây, chia cắt và tiêu diệt lực lượng trù bị của đối phương. Ông dự đoán trước mức độ phức tạp của chúng, đặc biệt trên quy mô toàn mặt trận, vì thế nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa các Phương diện quân[34]. Ý này được G.S Isserson[Ct 6], một nhà lý luận trẻ cùng thời tóm lại là:"Cần phải ghim giữ lực lượng trù bị của đối phương trên toàn bộ mặt trận để lực lượng này không thể kịp thời tập trung chặn đánh mũi tấn công thọc sâu chính"[36].

Giao chiến trong hành tiến

sửa

Triandafillov cũng viết kỹ về thể thức giao chiến trong hành tiến. Ý tưởng của ông là phải nắm ưu thế thông tin, chủ động thế trận, chế áp thành công pháo binh đối phương, gây rối và chia cắt đội hình hành tiến của chúng trước khi tiêu diệt từng phần. Để thực hiện điều này, ông đề xuất cơ cấu phân đội tiền trạm có pháo binhxe tăng mạnh hoạt động trước đơn vị chính, có máy bay trinh sát hỗ trợ. Khi nắm được hướng và tốc độ hành tiến của đối phương, phân đội tiền trạm sẽ chủ động áp sát dùng hoả lực pháo kết hợp với máy bay ném bom chế áp pháo binh đối phương, tạo điều kiện cho bộ binh của phân đội cắt rời đội hình tiền phương của chúng ra khỏi lực lượng chính trong khi xe tăng cơ động tập hậu gây rối. Với các hoạt động tích cực đó của phân đội tiền trạm, đơn vị chính sẽ được che phủ trong khi triển khai thành các mũi chia cắt. Lực lượng xe tăng cùng với bộ binh theo xe cũng phải sẵn sàng cho việc truy kích sau khi trận đánh đạt kết quả tích cực[37].

Tổ chức phòng ngự chiều sâu

sửa

Triandafillov cũng ý thức rằng tiến bộ công nghệ và vũ khí mới cũng làm cho việc tổ chức phòng ngự trở nên khó khăn. Dự đoán rằng đối phương cũng tấn công thọc sâu bằng mũi nhọn thiết giáp, ông đưa ra phương án tăng chiều sâu chiến thuật của tuyến phòng ngự để đối phó. Ông nhấn mạnh rằng dọc theo chiến tuyến không phải mọi khu vực đều thuận lợi cho hoạt động của xe tăng, nên cần tận dụng địa thế kết hợp với xây dựng các chướng ngại vật kiên cố để thiết lập các vai phòng ngự cứng. Bằng cách này, có thể chẻ nhỏ và phân luồng mũi thiết giáp theo các trục tiến quân phán đoán trước dẫn vào các trận địa pháo và súng chống tăng mật độ cao bố trí sẵn. Các trận địa này được dự phòng bằng một lực lượng lớn pháo chống tăng cơ động, bố trí phía sau để đủ thời gian vận động. Như thế, ông cho rằng có thể làm suy kiệt mũi tấn công của đối phương, tạo điều kiện cho việc tung ra đòn phản công để khôi phục tình thế[37].

Cấu trúc lực lượng theo học thuyết

sửa

Xe tăng, bộ binh cơ giới hoá và máy bay hiện diện trong những trước tác của Triandafillov như là các "binh chủng tương lai". Ông không kịp nhìn thấy chúng trở thành hiện thực khi mất năm 1931, để lại vai trò chính trong công cuộc quy chuẩn hoá và cơ giới hoá "Tác chiến chiều sâu" cho Tukhachevsky.

Là người chia sẻ bức tranh chiến trường với Triandafillov, Tukhachevsky đã hai lần vận động cho việc tái vũ trang Hồng quân. Ở lần thứ nhất thất bại vào năm 1928, ông phải trả giá bằng việc bị huyền chức Tổng Tham mưu trưởng[38]. Đến lần thứ 2 vào năm 1931, khi Liên Xô đã cơ bản hoàn thành hiện đại hoá công nghiệp, ông mới thành công và được bổ nhiệm Phó Dân uỷ Quốc phòng kiêm Cục trưởng Cục Vũ khí và Trang bị. Ở cương vị này, ông đã cùng với một số đồng sự khác, đáng kể là G. S. Isserson[Ct 7], hoàn thiện các khía cạnh khác của học thuyết, đặc biệt là vai trò và tổ chức của các lực lượng để đúc kết vào bản Điều lệ Tác chiến 1936.

Vai trò và tổ chức của lực lượng xe tăng - cơ giới hoá

sửa

Hai thê đội của lực lượng xung kích không nằm ngoài quan điểm hợp thành vũ khí truyền thống của Hồng quân, do đó xe tăng được đưa vào cấu trúc tác chiến của cả hai. Ở thê đội thứ nhất, xe tăng hỗ trợ bộ binh tiến quân dưới sự hỗ trợ của hoả lực pháo. Ở thê đội thứ hai, xe tăng làm nòng cốt trong mũi vận động thọc sâu, được hỗ trợ bởi bộ binh được chở theo bằng xe thiết giáp hoặc xe tải. Cả hai vai trò này của xe tăng được thử nghiệm trong giai đoạn 1930-1932 và các bài bản phối hợp được tổng kết thành "Hướng dẫn tạm thời về Tổ chức Tác chiến chiều sâu" năm 1933[40] và quy chuẩn hoá trong Điều lệ 1936[Ct 8].

Để phục vụ cho cả hai vai trò này, một mặt xe tăng được tổ chức biên chế cơ hữu vào các Tập đoàn quân hợp thành, một mặt khác được tổ chức thành các Quân đoàn cơ giới hoá độc lập - trong đó xe tăng được hỗ trợ bởi bộ binh cơ giới hoá và pháo tự hành. Ngoài ra, xe tăng còn được biên chế vào các đơn vị kỵ binh - một binh chủng truyền thống của Hồng quân[Ct 9] - để có thể sử dụng binh chủng này trong vai trò hỗ trợ lực lượng cơ giới hoá vận động thọc sâu[43].

Vai trò và tổ chức của không quân

sửa

Khác hẳn với quan điểm cùng thời ở các nước Phương Tây vốn có xu hướng xem Không quân là một lực lượng độc lập, thì xuất phát từ đặc điểm lãnh thổ rộng lớn mà Lục quân là lực lượng bảo vệ chủ đạo, nên Hồng quân đặt Không quân vào vai trò hỗ trợ. Trong bức tranh chiến thuật của học thuyết, Không quân có vai trò quan trọng: hỗ trợ hoả lực cho thê đội thọc sâu khi lực lượng này đã vận động ra khỏi tầm pháo; ngăn chặn không cho đối phương vận động đến bịt cửa đột phá hoặc chặn đường tiến của thê đội thọc sâu và cuối cùng là chiếm ưu thế trên không để bảo vệ cho các lực lượng mặt đất[44]. Tất cả các nhiệm vụ đều được yêu cầu thực hiện với lực lượng tập trung ở mật độ áp đảo dọc theo trục vận động chiến dịch.

Cùng với tiến bộ kỹ thuật hàng không, khi Liên Xô bắt đầu sản xuất được máy bay ném bom lớn hơn, bay xa hơn, thì khả năng sử dụng Không quân cho các hoạt động tấn công cơ sở công nghiệp của đối phương[Ct 10] được cân nhắc. Vì thế, Điều lệ 1936 công nhận Không quân có thể tiến hành các chiến dịch độc lập[46]. Điều này dẫn tới cấu trúc của lực lượng Không quân được chia làm 2: một phần được phối thuộc cho các đơn vị chiến dịch và một phần trù bị thuộc quyền điều động của STAVKA. Lực lượng này cũng có thể được sử dụng để tăng cường cho những hướng quan trọng[46].

Vai trò và tổ chức của binh chủng dù

sửa

Trong thời gian giữ trách nhiệm Tư lệnh Quân khu Leningrad 1928-1931, Tukhachevsky bắt đầu thử nghiệm về lực lượng nhảy dù. Thành công trong các vấn đề như tập hợp sau khi đáp và hiệp đồng với lực lượng vận động chiến dịch xác nhận vai trò của binh chủng dù trong học thuyết là "tận dụng cơ hội, bất ngờ tấn công các mục tiêu quan trọng như chỉ huy sở, trung tâm thông tin, hậu cần, đường giao thông của đối phương dọc theo trục hành tiến của lực lượng thọc sâu, nhằm gây tê liệt hệ thống chỉ huy hoặc chặn đường rút của đối phương"[47].

Việc thả dù thành công pháo và xe cơ giới hạng nhẹ ở những thử nghiệm thời kỳ 1935- 1936 dẫn tới khả năng cơ giới hoá binh chủng dù, thay vì bộ binh nhẹ có hoả lực và khả năng cơ động thấp. Vì thế, binh chủng dù được tổ chức thành các Lữ đoàn Đặc nhiệm Tấn công đường không biên chế vào các Phương diện quân, để sử dụng phối hợp với lực lượng chiến dịch. Ngoài ra, một số đơn vị cấp thấp hơn, trang bị nhẹ cũng được tổ chức với vai trò đổ bộ tấn công các mục tiêu trong khu vực chiến thuật của phòng tuyến đối phương[47].

Học thuyết so với đương thời

sửa

So sánh với Blitzkrieg của Đức Quốc xã

sửa

Blitzkrieg là một học thuyết quân sự phục vụ cho chiến lược chiến tranh chớp nhoáng của nước Đức Quốc xã, mà không chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực, không dự trù khả năng bù đắp tiêu hao ở quy mô đủ lớn, không động viên toàn bộ nền kinh tế vào cuộc chiến tranh. Do đó, khi chiến dịch chớp nhoáng của họ không hoàn thành mục tiêu như dự tính thì trang bị và quy mô quân đội đều giảm sút so với đối phương[Ct 11].

Trên khía cạnh lý luận, thì điều dễ thấy nhất là học thuyết của người Đức thiếu hẳn khái niệm nghệ thuật chiến dịch. Cách giải thích mà các nhà nghiên cứu đưa ra là do ở Thế chiến thứ 1, người Đức chưa đánh giá đúng bản chất của cuộc chiến tranh, chưa định nghĩa rõ nó phạm trù mới này. Thay vào đó, họ tập trung vào khía cạnh chiến thuật của cuộc chiến, rút tỉa và tổng hợp lại phục vụ cho chiến lược chiến tranh chớp nhoáng của mình. Do đó, blitzkrieg không có một tầm nhìn logic, chặt chẽ về tổ chức và điều hành chiến dịch[48].

Về mặt thời gian, thì Tác chiến chiều sâu có lịch sử hình thành cơ bản trong thập niên 1920, mặc dù lúc đó nền công nghiệp của Liên Xô còn ở tình trạng lạc hậu và các tác giả của học thuyết đang còn cân nhắc khả năng sử dụng kỵ binh, bộ binh, pháo binh để thực hiện vận động chiến dịch. Cuối thập kỷ 1920, với tín hiệu tích cực của kế hoạch hiện đại hoá, thì bản Điều lệ 1929 đã đưa ra phác thảo tác chiến chiều sâu được tiến hành bằng lực lượng hợp thành gồm bộ binh, xe tăng trợ chiến, xe tăng tầm xa, pháo và máy bay. Trong khi đó, ý tưởng của Guderian về tổ chức lực lượng thiết giáp - bộ binh cơ giới hoá mới bắt đầu năm 1930 và chỉ được chấp nhận cho đến tận năm 1934[49].

So sánh với lý luận của Phương Tây

sửa

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nhà lý luận quân sự Phương Tây lẫn Xô Viết đều có chung mục đích là làm thế nào để đưa vận động chiến quay lại chiến trường. Nhưng đấy là điểm chung duy nhất, vì cách nhìn của các nhà lý luận Phương Tây, điển hình là J.F.C. Fuller và B.H. Liddell Hart, xuất phát từ khía cạnh kỹ thuật thuần tuý. Họ cho rằng vũ khí mới sẽ làm thay đổi chiến thuật, mà không đặt nó trong bối cảnh thay đổi lớn hơn của kinh tế - xã hội, để thấy chiến thuật mới là chưa đủ cho một chiến tranh có bản chất mới. [cần dẫn nguồn]

Theo họ, do mức độ phức tạp của vũ khí lẫn chiến thuật đều tăng cao, nên lực lượng xe tăng - cơ giới hoá chỉ nên bao gồm quân nhân chuyên nghiệp, được tổ chức như một lực lượng tinh nhuệ với đầu vào chọn lọc. Theo cách nhìn này, lực lượng xe tăng - cơ giới hoá bị giới hạn ở một quy mô tương đối nhỏ với khả năng thay thế - bổ sung hạn chế. Trong khi đó, "Tác chiền chiều sâu" được sinh ra từ nhận thức về bản chất mới của chiến tranh, nên lực lượng xe tăng - cơ giới hoá được thiết kế ở quy mô lớn sử dụng nguồn lực giai cấp công - nông[50], giải quyết yêu cầu về huấn luyện bằng cách đặt tiêu chuẩn dễ sử dụng trong thiết kế vũ khí lên hàng đầu[Ct 12] cộng với quy chuẩn hoá chiến thuật tác chiến.

Một điểm nữa, trong khi Fuller ủng hộ thành lập một quân chủng xe tăng để tác chiến độc lập, và Liddell Hart đưa ra đề xuất cơ giới hoá bộ binh, thì "Tác chiến chiều sâu" có quan điểm khác. Với nhận định rằng xe tăng không thể sống sót nếu không có pháo binh và bộ binh giúp chế áp hoả lực chống tăng, cũng như bộ binh cơ giới hoá không đủ hoả lực để tấn công các mục tiêu cứng[50], nên "Tác chiến chiều sâu" hoặc coi lực lượng xe tăng là một thành phần cơ hữu của một đơn vị hợp thành vũ khí ở cấp lớn hơn, hoặc đặt lực lượng ấy vào trong quan hệ tác chiến hợp đồng với các quân binh chủng khác[50].

Học thuyết trong thực tiễn Chiến tranh thế giới thứ hai

sửa

Ảnh hưởng của cuộc Đại thanh trừng

sửa

Ngoại trừ Triandafillov chết vì tai nạn máy bay, các tác giả khác của "Tác chiến chiều sâu" đều trở thành nạn nhân của đợt thanh trừng của Stalin thời kỳ 1937-1941: Tukhachevsky bị xử bắn năm 1937, Svechin sau đó 1 năm, Varfolomeev bị bắt giam và chết năm 1941[51], Isserson bị bắt và bị đày cùng năm[52]. Ngoài họ ra, Hồng quân còn mất 2 trong số 4 Nguyên soái[Ct 13], 14/16 Tư lệnh Tập đoàn quân, 60/87 Quân đoàn trưởng, 136/199 Sư đoàn trưởng, 221/397 Lữ đoàn trưởng[53], và đấy là một thế hệ các nhà lý luận quân sự và chỉ huy ưu tú.

Sau đợt thanh trừng, do các tác giả bị gọi là "kẻ thù của nhân dân" và vì I. V Stalin không nhắc tới bản Điều lệ 1936, nên "Tác chiến chiều sâu" bị rơi vào bóng tối, còn các sĩ quan trở nên thận trọng trong việc ứng dụng ý tưởng của những người tiền nhiệm[54]. Trước thềm chiến tranh, nền khoa học quân sự đi vào bế tắc, nghệ thuật chiến dịch bị bỏ rơi, chiến thuật tấn công 2 thê đội bị phê phán, còn 4 quân đoàn xe tăng được thành lập trước đó bị chẻ nhỏ vào các sư đoàn cơ giới hoá[Ct 14].

Chỉ sau khi chứng kiến sức mạnh của blitzkrieg với các quân đoàn thiết giáp Đức Quốc xã giai đoạn 1939-1940, thì các lãnh đạo của Hồng quân mới nhận ra sai lầm, nhưng không còn thời gian để sửa sai. Khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 6 năm 1941, Hồng quân đang tái tổ chức lực lượng[Ct 15]; vũ khí đang được tái trang bị; công tác huấn luyện và hậu cần chỉ mới đang sắp xếp; hệ thống thông tin - kiểm soát đang thiết lập và các chỉ huy chưa có kinh nghiệm. Trong tình trạng đó, Hồng quân đã phải trả giá rất đắt[55].

Sự trở lại của Hồng quân với học thuyết

sửa

Cuộc xâm lược bất ngờ của Đức Quốc xã tháng 6/1941 làm Liên Xô rúng động tận gốc, đặt Hồng quân trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Dưới áp lực sinh tồn, Hồng quân phải tự tổ chức lại, và con đường đó không có gì khác hơn là từng bước quay trở lại với các nguyên tắc đã thiết lập trong Điều lệ tác chiến 1936, mặc dù bản thân Điều lệ và các tác giả của nó không hề được nhắc tên trong một văn bản chính thức nào[56].

Ngày 10/1/1942, Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô (STAVKA) ra chỉ thị số 3 yêu cầu các tư lệnh Phương diện quân và Tập đoàn quân tổ chức "lực lượng xung kích" để phản công[56], và đến ngày 16/10/1942 ra Chỉ thị số 325 yêu cầu sử dụng các quân đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới hoá cho các hoạt động thọc sâu. Ngày 6/11/1942, STAVKA chính thức mở đường quay lại với học thuyết cũ bằng phương pháp thực nghiệm khi ra chỉ thị yêu cầu chỉ huy và ban tham mưu các cấp thu thập, nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm chiến tranh[56]. Từ một khối lượng lớn kinh nghiệm thu thập được, Bộ Tổng Tham mưu Hồng quân đã tổng kết và xuất bản cuốn Điều lệ 1942 - 1943 mà chi tiết và hoàn thiện nhất là phiên bản năm 1944. Với nội dung chính hướng dẫn tấn công tuyến phòng ngự đối phương suốt chiều sâu và sử dụng thê đội cơ động gồm các đơn vị xe tăng - bộ binh cơ giới hoá khai thác chiến quả, thực hiện vận động chiến dịch, bản Điều lệ 1944 chính là hiện thực hoá mục tiêu của bản Điều lệ 1936[57].

Sự trưởng thành của Hồng quân trong nghệ thuật chiến dịch

sửa

Chuỗi chiến dịch mùa Xuân 1943

sửa

Tháng 2/1943, trận Stalingrad đi vào tàn cuộc cùng với hai chiến dịch thành công kế tiếp - Ostrogozhsk-RossoshVoronezh-Kastornoye - khiến STAVKA và các chỉ huy Hồng quân trở nên lạc quan quá mức. Họ tin rằng việc Cụm Tập đoàn quân Nam của Đức bị xé lẻ và thiệt hại nặng khiến Cụm Tập đoàn quân Trung tâm đang bị hở sườn, nên đây là thời cơ tổng phản công bao vây tiêu diệt cả hai cụm quân này. Hai chiến dịch Bước Nhảy vọtNgôi Sao được lên kế hoạch, với Phương diện quân Voronezh chiếm Kharkov - Bắc Ucraina, mở một hành lang nối các thành phố Rylsk - Lebedin - Poltava, còn Phương diện quân Nam tấn công Donbas kết hợp với cụm cơ động của Phương diện quân Tây Nam vu hồi từ phía Tây[58].

Tuy nhiên, đối diện với các Phương diện quân Hồng quân đã bị tiêu hao sau nhiều tháng chiến đấu là các đơn vị quân Đức được bổ sung đầy đủ, được chỉ huy khôn khéo. Khi Kharkov bị tấn công, thống chế Erich von Manstein chủ động rút lực lượng thiết giáp khỏi thành phố, tập trung xong mới điều xuống Donbas phản công vào khâu yếu nhất là Tập đoàn quân 6 của Phương diện quân Tây Nam; từ đó tiếp tục công kích cụm cơ động của tướng M. M. Popov đang bị hở lưng của Phương diện quân này. Khi cụm này bị đánh thiệt hại nặng thì Phương diện quân Voronezh bị hở sườn, buộc phải chi viện Tập đoàn quân Xe tăng số 3 cho Phương diện quân Tây Nam. Trong tình trạng kiệt quệ, Tập đoàn quân này bị bao vây và tiêu diệt ở túi Kegichevka. Sau khi mất hết lực lượng cơ động chiến dịch, Phương diện quân Tây Nam buộc phải bỏ Kharkov và rút sang phía Đông Donbas[59]; còn Phương diện quân Voronezh thì bị đẩy lùi sâu về phía Bắc Belgorod, hình thành mặt chính diện phía Nam của vòng cung Kursk[60].

Những thất bại này khi được xâu chuỗi với chiến thắng Stalingrad như là các chiến dịch phát huy chiến quả cho thấy rằng các chỉ huy của Hồng quân không đánh giá đúng tình hình hai bên, thiếu chu đáo trong lập kế hoạch và chủ quan, duy ý chí trong triển khai - những biểu hiện xác thực của giai đoạn chập chững thực hành nghệ thuật chiến dịch[61].

Chuỗi chiến dịch Hè Thu 1943

sửa

Đối mặt với cuộc tấn công mùa Hè 1943, các chỉ huy Hồng quân đã có một lựa chọn thận trọng khi tổ chức trận phòng ngự Kursk để làm đối phương suy kiệt trước khi phản công. Với một lực lượng dự bị dồi dào, vào thời điểm thuận lợi khi trận đánh sắp kết thúc, Hồng quân đã tung liên tiếp 2 chiến dịch tấn công: Kutuzov ở mặt Bắc và Rumyantsev ở cánh Nam.

Ở cánh Bắc, khi cuộc tấn công vòng cung Kursk của quân Đức đi vào bế tắc, thì ngày 12 tháng 7, chiến dịch Kutuzov bắt đầu với Phương diện quân Tây tấn công ở phía Bắc và Tây Bắc "chỗ lồi" Oryol. Vài cửa đột phá mở thành công, đe doạ Tập đoàn quân Thiết giáp 2 của Đức, khiến Tập đoàn quân 9 phải ngưng hoạt động ở Kursk để điều quân chi viện[62]. Ngay sau đó, Phương diện quân Bryansk mở mũi tấn công mới ở Nam Oryol, đe doạ luôn cả Tập đoàn quân 9, khiến Tập đoàn quân này phải lùi về phòng tuyến Hagen để thu ngắn chiều dài mặt trận, rút lực lượng ra bịt các hướng bị đột phá[62]. Khi mặt trận Bắc Oryol bế tắc, thì 2 Tập đoàn quân xe tăng Hồng quân được tung vào trận, trong đó Tập đoàn quân Xe tăng 4 khai thác thành công cửa mở của Tập đoàn quân Cận vệ 11, tiến quân vòng sau Oryol chiếm Karachev. Mất nút giao thông đường sắt tiếp vận chính và đối mặt nguy cơ bị bao vây, cụm quân Đức phải rút lui khỏi Oryol[62].

Cuộc tấn công Kursk của quân Đức ở cánh Nam mới chấm dứt vào ngày 16/7, thì ngay hôm sau cuộc tấn công nghi binh được mở ở sông Dniepr và Mius. Tin rằng Hồng quân ở hướng trực diện đang kiệt quệ, nên Erich von Manstein điều lực lượng thiết giáp xuống phía Nam. Ngày 3/8, hai Tập đoàn quân Cận vệ 5 và 6 của Phương diện quân Voronezh và Thảo nguyên mở cửa đột phá thành công để Tập đoàn quân Xe tăng 1 và Xe tăng Cận vệ 5 khai thác thọc sâu vào hướng Bắc Kharkov. Bất ngờ và bị động, Mainstein vội vã đưa lực lượng thiết giáp quay về, nhưng chỉ kịp chặn các mũi xe tăng Hồng quân ở Bogodukhov. Do Tập đoàn quân Xe tăng 1 tiến quá nhanh và tách khỏi bộ binh, Mainstein có cơ hội công kích bẻ gãy mũi tiên phong. Như thường lệ trước đó, Manstein đã có thể chiếm thế chủ động, tuy nhiên Tập đoàn quân Xe tăng 1 đã không nao núng mà tập kích trở lại, giữ thế giằng co[63], chờ Tập đoàn quân Cận vệ 6 cùng với Quân đoàn cơ giới Cận vệ 5 của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 5 hợp lực. Lực lượng này linh hoạt phòng ngự - phản công, găm giữ cụm thiết giáp của Manstein để phần còn lại của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 5 chuyển hướng phối hợp với các Tập đoàn quân bộ binh công kích Kharkov. Mất Kharkov, Manstein buộc phải rút quân qua bờ tây sông Dniepr[63].

Thành công ở hai chiến dịch này là cơ sở để Hồng quân mở tiếp chiến dịch Smolensk sau đó, hướng tới mục tiêu chiến lược của giai đoạn là cắt rời 2 cụm quân Trung tâm và Nam của Quân đội Đức Quốc xã. Chuỗi chiến dịch này đánh dấu sự trưởng thành của các chỉ huy Hồng quân trong nghệ thuật chiến dịch: phán đoán đúng tình hình - chuẩn bị hậu cần chu đáo; chiến dịch sau phát triển hợp lý trên chiến quả của chiến dịch trước - liền lạc trong một mục tiêu chung; mỗi chiến dịch tung ra đúng thời điểm, đạt được yếu tố bất ngờ và được chỉ huy linh hoạt trong suốt tiến trình; tất cả cho thấy một cách nhìn thực tế mà trước đó chưa có[64].

Những tiến triển của học thuyết từ thực tiễn chiến tranh

sửa

Chiến dịch vòng cung Kursk đánh dấu quyền chủ động đổi sang tay Hồng quân, đồng thời xác nhận những thử nghiệm của Hồng quân trong tổ chức lực lượng đang đi đến một cấu trúc phù hợp. Cũng từ đây, trong thế công Hồng quân đã có một số kinh nghiệm chiến thuật quý giá đúc rút từ thực tiễn. Những vấn đề này được tổng kết vào Điều lệ tác chiến 1944, Hướng dẫn công kiên 1944[65] và được áp dụng thống nhất cho đến cuối chiến tranh.

Những tiến triển về chiến thuật

sửa
 
Tổ chức hợp thành vũ khí của nhóm tấn công hoả điểm kiên cố - Hướng dẫn công kiên 1944

Thời gian 1943 chứng kiến thay đổi quan trọng của Hồng quân trong chiến thuật công kiên. Chiến thuật phổ biến trước đó đó là sử dụng bộ binh xung phong sau khi pháo bắn chuẩn bị. Ở các phòng tuyến kiên cố, hiệu quả phá hoại của pháo thấp, nên thương vong của bộ binh cao. Vấn đề chỉ giải quyết được sau khi các đội công kiên được tổ chức với thành phần 4 nhóm: một nhóm trinh sát mở đường tiếp cận mục tiêu dưới sự hỗ trợ của nhóm hoả lực trực xạ chế áp; một nhóm hoả lực pháo mạnh phân lập hoả điểm, chế áp hoả lực trợ chiến của đối phương trong khi nhóm tấn công chính có pháo tự hành tiến lên tiêu diệt[66].

Trước thời gian này, lực lượng thọc sâu của Hồng quân thường thiếu độ mềm dẻo về chiến thuật, dễ bị cắt rời khỏi hậu phương. Giữa năm, Hồng quân bắt đầu thử nghiệm tổ chức thê đội tiên phong để hoạt động trước đơn vị chính khoảng vài chục km, dựa trên cấu trúc cơ bản là một lữ đoàn xe tăng[Ct 16] được hợp thành với các đơn vị bộ binh cơ giới hoá, công binh, cối, pháo tự hành, chống tăng, phòng không - có hoả lực và sức cơ động mạnh để tự vệ và chiến đấu hiệu quả sau lưng địch[Ct 17]. Cách tổ chức này cho phép đơn vị chính giữ được khoảng cách vừa phải với đơn vị phía sau, bổ sung tiêu hao được cho thê đội tiên phong phía trước, bảo đảm năng lực giao chiến linh hoạt cho thê đội này. Đến cuối năm 1944, chiến thuật này được hoàn chỉnh khi mỗi thê đội tiên phong được một phi đội máy bay ném bom hỗ trợ, hoạt động xa đơn vị chính đến gần 100 km[66].

Tiến triển trong tổ chức lực lượng xe tăng - cơ giới hoá

sửa

Ở thời kỳ đầu chiến tranh, những sư đoàn cơ giới hoá được thành lập vội vã trước đó bị các mũi thiết giáp Đức xuyên phá dễ dàng. Cuối năm 1941, thành phần xe tăng trong các đơn vị cơ giới hoá còn lại được tách ra biên chế thành lữ đoàn hoặc trung đoàn xe tăng độc lập để phối thuộc vào các quân đoàn kỵ binh làm lực lượng thọc sâu[67][Ct 18]. Cấu trúc này nhanh chóng để lộ sai lầm: kỵ binh chỉ phát huy hiệu quả ở những địa hình khó cho xe tăng hoạt động như đồi dốc, đầm lầy, rừng núi và thường bị bóc khỏi xe tăng khi tác chiến ở thành thị và các nút giao thông. Trong vài trường hợp thọc sâu thành công, thì các đơn vị cơ động này cũng tỏ ra quá mỏng manh trước đối phương, dễ dàng bị bao vây tiêu diệt[69].

Nhận thức điểm yếu đó, giữa năm 1942 STAKA bắt đầu tổ chức các Quân đoàn xe tăng với biên chế cơ bản gồm 3 lữ đoàn tăng và 1 lữ đoàn cơ giới hoá, các Quân đoàn cơ giới hoá với 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới hoá và một lữ đoàn xe tăng[70]. Cuối năm, các Tập đoàn quân xe tăng hình thành gồm 2 Quân đoàn tăng cộng với các đơn vị bộ binh hay kỵ binh. Tuy nhiên, biên chế hỗn hợp này không thành công khi các thành phần không hành tiến cùng tốc độ trên cùng địa hình, khó chỉ huy, dễ bị chia cắt[69]. Vì thế, từ giữa năm 1943, bộ binh và kỵ binh được đưa ra khỏi các Tập đoàn quân xe tăng, thay vào đó là một Quân đoàn cơ giới hoá cộng với các lữ đoàn pháo tự hành và đơn vị hỗ trợ đều được cơ giới hoá đồng bộ. Cấu trúc này phát huy hiệu quả và được giữ ổn định trong vai trò mũi nhọn tấn công thọc sâu cấp Phương diện quân cho đến hết chiến tranh.

Tiến triển trong cấu trúc Không quân

sửa

Trong vài tháng đầu của chiến tranh, những yếu kém trong huấn luyện và trang bị đã vô hiệu hoá khả năng phối hợp giữa Không quân Xô viết và lực lượng mặt đất. Tình trạng này dẫn tới STAVKA phải phối thuộc các sư đoàn Không quân cho các Tập đoàn quân nhằm đảm bảo vai trò chiến thuật. Tuy nhiên, mặt trái của cách tổ chức này là các hoạt động của Không quân bị xé lẻ, không tập trung được lực lượng ở hướng cần thiết[71].

Từ giữa năm 1942, STAVKA nhận thức được điểm yếu này và cấu trúc lại lực lượng[Ct 19]. Các Sư đoàn không quân được rút ra, tập hợp lại thành Tập đoàn quân Không quân hỗn hợp cả máy bay ném bom lẫn tiêm kích trực thuộc Phương diện quân, sử dụng các nhóm liên lạc đi theo các mũi tấn công mặt đất để phối hợp chiến thuật. Song song đó, STAVKA thành lập các Quân đoàn Không quân ném bom và tiêm kích riêng rẽ làm lực lượng trù bị, linh hoạt tăng cường cho các hướng chủ chốt[72]. Với cách tổ chức mới này, từ giữa năm 1943 trở đi, Không quân đã đóng một vai trò quan trọng trong từng chiến dịch dẫn đến chiến thắng cuối cùng.

Học thuyết sau Chiến tranh Thế giới 2

sửa

Sự tiến triển của học thuyết tại Liên Xô và Nga

sửa

Sau kinh nghiệm ở Chiến tranh thế giới thứ hai, học thuyết được cập nhật, đặc biệt là chiến thuật tác chiến trong thành phố, dẫn tới thay đổi cấu trúc của các quân đoàn xe tăng[73]. Tuy nhiên, ở đầu thập kỷ 1950, đặc biệt từ khi I. V. Stalin mất và Nguyên soái G. K. Zhukov được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, thì "Tác chiến chiều sâu" mất chỗ đứng[Ct 20]. Ở giai đoạn này, chiến tranh tương lai được đánh giá sẽ là chiến tranh hạt nhân, nên Lục quân được tổ chức lại với cơ cấu chủ yếu là xe tăng - thiết giáp - vốn có nhiều cơ hội sống sót hơn cả - nhằm khai thác chiến quả sau khi vũ khí hạt nhân đã được sử dụng[74]. Từ đây, Lục quân chỉ có vai trò thứ yếu sau lực lượng hạt nhân; nghệ thuật chiến dịch chỉ còn là bóng mờ so với chiến lược.

Từ giữa thập kỷ 1960, sự lo lắng về chiến tranh hạt nhân có giảm bớt, và khoa học quân sự Xô viết bắt đầu quay lại với nghệ thuật chiến dịch. Đây là lúc mà một loạt tác phẩm nghiên cứu ở cấp độ chiến dịch ra đời, song song với việc tái xuất bản các tác phẩm của Nguyên soái Tukhachevsky và các tác giả bị thanh trừng khác[74]. Hạt nhân nghệ thuật chiến dịch của "Tác chiến chiều sâu" có một bước tiến triển quan trọng khi việc phối hợp vận động đa trục ở mọi cấp chiến thuật - chiến dịch nhằm tạo hiệu quả gây tê liệt hệ thống phòng ngự của đối phương được đề cao[73], mọi đơn vị chiến thuật đều được cơ giới hoá song song với việc thành lập các Cụm Cơ động Chiến dịch[75].

Từ giữa thập kỷ 1980 trở đi, cuộc chiến tranh ở Afghanistan (với Liên Xô) và các cuộc xung đột ở Chechen (với Nga) cho thấy rằng trong môi trường an ninh hiện đại, nước Nga phải đối mặt với một dải nguy cơ đa dạng ngoài nguy cơ hạt nhân. Hơn nữa, kỹ thuật - công nghệ đang phát triển như vũ bão đang tạo nền cho một thế hệ vũ khí thông thường mới là vũ khí chính xác. Hai xu hướng đó đang buộc Quân đội Nga thực hiện cải cách bắt đầu từ năm 2009: từng bước chuyên nghiệp hoá quân ngũ, hiện đại hoá trang bị khí tài, tái cấu trúc hệ thống chỉ huy bằng cách thay thế cấp sư đoàn bằng cấp lữ đoàn[76]. Mặc dù cuộc cải cách ấy vẫn có nhiều điều chưa chắc chắn[77], tuy nhiên, bản lề của nó có thể đoán trước: đấy là nghệ thuật chiến dịch được thực hiện bằng vận động quân lực - tức là lực lượng cơ giới hoá hiện đại, kết hợp với "vận động hoả lực" - tức là vũ khí chính xác tầm xa[78].

Ảnh hưởng đối với các học thuyết quân sự hiện đại

sửa

Do bị những thất bại to lớn của Hồng quân trong giai đoạn đầu Chiến tranh thế giới thứ hai che lấp, nên suốt một thời gian dài "Tác chiến chiều sâu" không được giới quân sự Phương Tây coi trọng[79], và cách nhìn này được củng cố khi ở Liên Xô trước đây các thông tin liên quan đến học thuyết quân sự đều được xếp là thông tin mật. Từ giữa Chiến tranh Lạnh, một số nhà nghiên cứu Phương Tây khi tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật chiến tranh Xô Viết đã phát hiện ra những góc khuất của nó. Khi Liên Xô sụp đổ, các thông tin về học thuyết được tiếp cận, thì "Tác chiến chiều sâu" và đặc sản nghệ thuật chiến dịch của nó mới được đánh giá đúng[80].

Condoleezza Rice - cựu cố vấn An ninh Quốc gia, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ - đã công nhận trường phái lý luận quân sự Xô Viết và "nghệ thuật chiến dịch" chính là một trong những đóng góp quan trọng cho khoa học quân sự hiện đại[15]. Nghệ thuật chiến dịch được đưa vào giảng dạy ở các Học viện quân sự lớn trên thế giới, và được xác nhận là một nền tảng bất biến của khoa học quân sự, cho dù kỹ thuật ngày nay có thể nén được không gian lẫn thời gian phân chia từng chiến dịch, còn chiến dịch có thể cấu thành từ các cuộc không kích thay cho giao chiến[81].

"Nghệ thuật chiến dịch" cũng để lại dấu ấn trong học thuyết quân sự hiện đại của Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và các Quân đội đồng minh NATO. Bắt đầu từ năm 1982, học thuyết "Tác chiến Không Lục" (AirLand Battle) của Lục quân Hoa Kỳ - với sự thừa nhận rằng "quyền chủ động nghĩa là không bao giờ cho phép đối thủ phục hồi ngay từ xung lực của cuộc tấn công đầu tiên"[82] và phải liên tục nắm quyền kiểm soát chiến trường bằng vận động chủ động - đã công nhận vai trò của nghệ thuật chiến dịch[83]. Cùng với sự thay đổi về môi trường an ninh cũng như sự tiến triển của vũ khí, học thuyết quân sự của Quân đội Hoa Kỳ trải qua nhiều lần điều chỉnh, Tác chiến Không Lục không còn được áp dụng, nhưng hạt nhân nghệ thuật chiến dịch vẫn được giữ lại trong Điều lệ FM 3-0 phiên bản năm 2001[84] và tiếp tục được cập nhật trong bản điều chỉnh năm 2008[85].

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
Ghi chú
  1. ^ Một nguyên nhân quan trọng khác là Tập đoàn Kỵ binh Đỏ của Budyonny thuộc Phương diện quân Tây Nam được yêu cầu tấn công Lublin để che sườn trái cho Phương diện quân Tây sau đó phát triển đến Nam Warsawa để hợp vây với cánh Bắc của Phương diện quân này, nhưng Budyonny lại tấn công L'vov. Việc bất tuân thượng lệnh của S. M. Budyonny sau này được che đậy vì có sự đồng thuận của I. V. Stalin, lúc này đang là Chính ủy của Phương diện quân Tây Nam[12].
  2. ^ Nội dung khởi thủy mà Tukhachevsky đưa ra cho cộng đồng nghiên cứu khoa học quân sự lúc đó là lập luận "Hình thức chiến tranh mới" do "điều kiện kinh tế và kỹ thuật thay đổi" dựa trên phép biện chứng duy vật, và đây có thể coi là ảnh hưởng lớn nhất của ông đối với thế hệ các nhà lý luận Xô Viết lúc đó[14].
  3. ^ Sự khác biệt quan điểm này dẫn đến một cuộc tranh luận kéo dài nhất trong giới trí thức Hồng quân. Do bức tranh chiến tranh của Svechin hạ thấp vai trò vận động chiến, đi trái với chủ trương cơ giới hoá Hồng quân của Tukhachevsky, nên ông bị Tukhachevsky tấn công bằng mọi lý lẽ, mà đỉnh điểm là lời buộc tội "thiếu tinh thần tấn công cách mạng", "một nhà duy tâm trong chiếc áo Bolshevik" vào năm 1931. Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, mặc dù bức tranh chiến tranh từ trận Kursk trở đi là của Tukhachevsky, nhưng giai đoạn trước đó xác nhận quan điểm sát thực tế của A. A. Svechin.
  4. ^ Maskirovka thực chất là một nội dung đồng đẳng với nội dung chiến thuật của học thuyết, tuy nhiên nó được quy chuẩn hoá trong Điều lệ 1929, Hướng dẫn 1935 và Điều lệ 1936 như một phần không tách rời[27], nên có thể xếp như một phần của nội dung chiến dịch.
  5. ^ Ý tưởng chiến thuật của "Tác chiến chiều sâu" của Tukhachevsky lần đầu xuất hiện trong "Những vấn đề của chỉ huy cấp cao" xuất bản năm 1924[28].
  6. ^ G.S Isserson được Harrison coi là một tác giả bị cố ý lãng quên của học thuyết[35], mặc dù chưa được nhiều học giả khác xác nhận.
  7. ^ G. S. Isserson có những đóng góp quan trọng trong thiết lập quy chuẩn chỉ huy chiến thuật và cách tính toán các thông số quân lực - bản thân ông được Tukhachevsky gọi là "cây bút vàng" và đưa về Hội đồng Biên tập Điều lệ 1936 bất chấp những tranh luận không khoan nhượng giữa hai người trước đó[39].
  8. ^ Việc xây dựng bài bản tác chiến của lực lượng xe tăng - cơ giới hoá có sự đóng góp quan trọng của A. I. Sediakin - Cục trưởng Cục Huấn luyện tác chiến[40]. Sediakin cũng bị bắt và xử tử trong cuộc đại thanh trừng năm 1938.
  9. ^ Các cuộc tập trận cho thấy Kỵ binh kém hiệu quả trước thiết giáp và đã lỗi thời, tuy nhiên Tukhachevsky lựa chọn không đề cập thẳng do đây là binh chủng con cưng của Stalin, Voroshilov và Budyonny[41][42], thay vào đó ông đưa ra mô hình kỵ binh cơ giới hoá mà về sau được áp dụng trở lại trong biên chế Cụm cơ động Kỵ binh - Cơ giới hoá.
  10. ^ Nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không có 3 cấp: ưu thế chiến thuật là chiếm lĩnh không phận trên một địa bàn trong một khoảng thời gian; ưu thế chiến dịch là tấn công các sân bay đối phương trong vùng để cấm bay; ưu thế chiến lược là tấn công cơ sở công nghiệp hàng không của đối phương. Theo quan điểm coi hỗ trợ Lục quân là nhiệm vụ hàng đầu, nên học thuyết đề cao ưu tiên chiếm ưu thế chiến thuật.[45]
  11. ^ Ngày 18/2/1943, sự kiện Goebbel đọc diễn văn kêu gọi chiến tranh tổng lực Lưu trữ 2014-08-09 tại Wayback Machine cho thấy Đức Quốc xã không chuẩn bị cho nó trước đó.
  12. ^ Đây cũng chính là nguồn gốc của sự khác biệt trong trường phái thiết kế vũ khí của Liên Xô & Nga - vốn ưu tiên tính dễ sử dụng, tin cậy trong hoạt động, giá thành thấp dựa trên công nghệ có sẵn - so với trường phái thiết kế vũ khí của các nước Phương Tây - vốn ưu tiên ưu thế kỹ thuật bất chấp tính phức tạp hay phải dựa trên công nghệ chưa có (cần đầu tư nhiều tiền để nghiên cứu).
  13. ^ Tính cả Tukhachevsky là 3/5 Nguyên soái.[51]
  14. ^ Thành công của Zhukov ở trận Khalkhyn Gol thuyết phục các lãnh đạo Hồng quân giữ lại biên chế sư đoàn cơ giới, tuy ở quy mô nhỏ hơn[55].
  15. ^ Lúc này STAVKA đang rút các đơn vị xe tăng xé lẻ ở các Sư đoàn bộ binh về, nhưng chưa kịp tập hợp thành Quân đoàn như dự tính.[55]
  16. ^ Nếu đơn vị chính là Tập đoàn quân xe tăng, thì thê đội tiên phong là cấp quân đoàn, và quân đoàn tiên phong này cũng có thê đội tiên phong cấp lữ đoàn[66]. Trong thực tế chiến tranh, thê đội tiên phong cấp lữ đoàn có quy mô đủ gọn, lại có có sức chiến đấu vừa đủ cho nhiều tác vụ phức tạp, nên được áp dụng phổ biến nhất.
  17. ^ Thê đội đảm nhận nhiều tác vụ phức tạp: tấn công dò đường; vận động nghi binh; che mặt cho đơn vị chính; chiếm giữ vị trí quan trọng trên đường hành tiến; chiếm đầu cầu chiến tuyến để đơn vị chính phát triển; thọc sâu gây rối để đơn vị chính vỗ mặt; áp sát truy bức khi đối phương rút lui[66].Với cơ cấu cơ động gọn, mạnh, được bổ sung liên tục, thê đội luôn giữ được mức độ linh hoạt cao trong tác chiến.
  18. ^ Thực tế chiến tranh vẫn chưa làm cho Stalin và các tướng kỵ binh cũ thức tỉnh. Thậm chí, ngày 20/10/1942, tướng I. V. Tyulenev, Tư lệnh Phương diện quân Zakavkaz, còn đề xuất xây dựng Tập đoàn quân kỵ binh. Stalin bảo trợ kế hoạch này và lệnh cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu nó. Việc này gây ra tranh cãi lớn, cuối cùng, Stalin chấp nhận giải pháp dung hoà là bổ sung các lữ đoàn xe tăng - pháo tự hành, bộ binh cơ giới hoá vào biên chế sư đoàn kỵ binh đã có thành Quân đoàn kỵ binh cơ giới hoá[68]. Mô hình biên chế của kỵ binh chỉ phát huy hiệu quả vào năm 1943 trở đi, khi được ghép chung với một Quân đoàn cơ giới hoá thành Cụm cơ động Kỵ binh - Cơ giới hoá theo ý tưởng của Tukhachevsky trước chiến tranh.
  19. ^ Công cuộc tái cấu trúc được thực hiện thông qua vai trò to lớn của Nguyên soái Không quân Aleksandr Aleksandrovich Novikov - người được bổ nhiệm Tư lệnh Không quân Hồng quân vào 11 tháng 4 năm 1942.[72]
  20. ^ Sau khi lên nắm Bộ Quốc phòng, G. K. Zhukov bắt đầu quá trình tái cấu trúc toàn bộ Lục quân Liên Xô: lực lượng kỵ binh được giải thể vào năm 1957, và việc cơ giới hoá toàn bộ cơ bản hoàn thành vào khoảng 1961-1962, sau khi ông được cho thôi chức vụ lãnh đạo Bộ Quốc phòng và về hưu năm 1958.
Nguồn dẫn
  1. ^ S. M. Shtemenko, quyển 1, tr. 221
  2. ^ Harrison 2001, trg. 133.
  3. ^ Harrison 2001, trg. 187.
  4. ^ Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 237.
  5. ^ Naveh 1997, trg. 179.
  6. ^ Watt 2008, trg. 677-678.
  7. ^ Homles 2005 trg. 674
  8. ^ Harrison 2010, trg. 81.
  9. ^ Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 197-198.
  10. ^ Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 217.
  11. ^ Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 218.
  12. ^ a b Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 228.
  13. ^ Trích dẫn bởi Harrison 2001, trg. 135.
  14. ^ McPadden 2006, trg. 9.
  15. ^ a b Rice C. bt bởi Paret P. trg. 648–676.
  16. ^ a b Harrison 2001, trg. 127.
  17. ^ Glantz 1985, trg. 3.
  18. ^ Glantz 1985, trg. 5.
  19. ^ Strategyia - Voennyi vestnik, Moskva 1926.
  20. ^ Howard J, 1992, trg. 19.
  21. ^ a b c Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 230.
  22. ^ Harrison, 2001, trg. 157.
  23. ^ Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 231.
  24. ^ a b Glantz, 1995, trg. 166-167
  25. ^ Harrison 2001, trg. 190.
  26. ^ Howard J. 1992, trg. 21.
  27. ^ a b Glantz 1989, trg.6-7-8.
  28. ^ McPadden 2006, trg.9.
  29. ^ Harrison 2010, trg.71
  30. ^ Harrison 2010, trg.69.
  31. ^ Harrison 2001, trg. 194.
  32. ^ Trích dẫn bởi Harrison 2001, trg. 187.
  33. ^ Howard J. 1992, trg.13.
  34. ^ Harrison, 2001, trg. 130.
  35. ^ Harrison 2010 - Phần mở đầu.
  36. ^ Harrison 2001, trg. 145.
  37. ^ a b Harrison 2010, trg. 70.
  38. ^ Harrison 2010, trg. 67.
  39. ^ Harrison 2010, trg.81.
  40. ^ a b Mary 2003, trg. 176-179.
  41. ^ Harrison 2010, trg.63.
  42. ^ Mary 2003, trg. 165
  43. ^ Mary 2003, trg. 174.
  44. ^ Sterrett 2007, trg.58.
  45. ^ Sterrett 2007, Chg. 1-2.
  46. ^ a b Sterrett 2007, trg.50.
  47. ^ a b Glantz 1993, trg.1-46.
  48. ^ Howard J. 1992, trg. 15.
  49. ^ House, Jonathan M. 1984, chg 4.
  50. ^ a b c Harrison 2010, trg. 73-74.
  51. ^ a b Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 238.
  52. ^ Harrison 2010, trg. 6
  53. ^ Voyenno-istoricheskiy zhurnal số tháng 3/1989.
  54. ^ Glantz 1985, trg. 7.
  55. ^ a b c Glantz, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 247.
  56. ^ a b c Glantz 1991, trg. 28.
  57. ^ Glantz 1985, trg. 8
  58. ^ Howard J. trg.33.
  59. ^ Howard J. trg.35-37.
  60. ^ Stemenko 1970, trg. 209.
  61. ^ Howard J. trg.31.
  62. ^ a b c Glantz & House 1995, trg. 168.
  63. ^ a b Howard J. trg.57-59.
  64. ^ Howard J. trg.64.
  65. ^ Glantz 1983, chương 5.
  66. ^ a b c d House, Jonathan M. 2002, Chg. 5.
  67. ^ Glantz, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 249.
  68. ^ Stemenko 1970, trg. 153-154.
  69. ^ a b Glantz, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 250.
  70. ^ Glantz, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 252.
  71. ^ Sterrett 2007, trg.99.
  72. ^ a b Sterrett 2007, trg.100.
  73. ^ a b Glantz 1991, trg.258-259.
  74. ^ a b Glantz 1985, trg. 9.
  75. ^ Glantz 1991, trg.252-253.
  76. ^ McDermott, Parameter Spring 2009, trg.74.
  77. ^ McDermott, Parameter Spring 2009, trg.76-77.
  78. ^ Glantz 1991, trg.254.
  79. ^ Glantz 1993, trg.1.
  80. ^ Kipp, bt bởi Krause và Phillips 2006, trg. 213.
  81. ^ Vego, U.S. NAVAL WAR COLLEGE
  82. ^ US Army FM 100-5/1986, trg.14
  83. ^ Kagan, Parameter Spring 1997.
  84. ^ US Army FM 3-0 (2001): Operations
  85. ^ US Army FM 3-0 (2008): Operations

Tham khảo

sửa
  • David M. Glantz, Soviet military operational art: in pursuit of deep battle. Frank Cass, London, 1991. ISBN 0-7146-4077-8, Online Excerpt Version
  • David M. Glantz, House J., The Battle of Kursk. University of Kansas Press, 2004, ISBN 0-7006-0978-4
  • David M. Glantz, House J. When Titans Clashed; How the Red Army Stopped Hitler. University of Kansas Press 1995. ISBN 978-0-7006-0899-7
  • David M. Glantz, A History of Soviet Airborne Forces. Frank Cass, London, 1993. ISBN 978-0-7146-4120-1
  • David M. Glantz, Harold S. Orenstein The Evolution of Soviet Operational Art 1927-1991. Frank Cass, London, 1995. ISBN 978-0-7146-4548-3
  • David M. Glantz Soviet Military Deception in the Second World War. Frank Cass, London, 1989. ISBN 978-0-7146-3347-3
  • Habeck, Mary. Storm of Steel: The Development of Armor Doctrine in Germany and the Soviet Union, 1919–1939. Cornell University Press, 2003. ISBN 0-8014-4074-2
  • Harrison, Richard W. The Russian Way of War: Operational Art 1904–1940. Lawrence, Kan.: University Press of Kansas, 2001. ISBN 0-7006-1074-X
  • Harrison, Richard W. Architect of Soviet Victory in World War II: The Life and Theories of G.S. Isserson. McFarland Publisher, 2010, ISBN 978-0-7864-4897-5.
  • Howard, James R. The roots of Soviet Victory: The application of operational art on the Eastern front 1942-1943. B.A. Hons, Essex University, 1992 Downloadable PDF[liên kết hỏng]
  • James Sterrett, Soviet Air Force Theory, 1918-1945. King's College - University of London 2007. ISBN 0-415-77019-X
  • Krause, M. & Phillips, C. (editors).Historical Perspectives of Operational Art. Center of Military History, United States Army. 2006. ISBN 978-0-16-072564-7, Online Version Lưu trữ 2010-09-29 tại Wayback Machine
  • Naveh, Shimon (1997). In Pursuit of Military Excellence; The Evolution of Operational Theory. London: Francass. ISBN 0-7146-4727-6.
  • Paret P., Craig G., Gilbert F. (editors). Makers of Modern Strategy from Machiavelli to the Nuclear Age. Princeton University Press 1986. ISBN 978-0-691-02764-7
  • S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh Tập 1. Nhà xuất bản Tiến bộ, Moskva 1970.

Liên kết ngoài

sửa
  • David M. Glantz, The Nature of Soviet Operational Art[liên kết hỏng]. Parameter Vol. XV, 1985.
  • David M. Glantz, August storm: the Soviet strategic offensive in Manchuria Lưu trữ 2011-07-23 tại Wayback Machine. US Army Command and General Staff College, Leavenworth Papers 1983. US ISSN 0195 3451
  • Kagan, Frederick, Army Doctrine and Modern War: Notes Toward a New Edition of FM 100-5 Parameter Spring 1997. pp. 134-51 Lưu trữ 2010-06-09 tại Wayback Machine US Army War College.
  • House, Jonathan M.Toward Combined Arms Warfare: A Survey of 20th-Century Tactics, Doctrine, and Organization Lưu trữ 2010-07-07 tại Wayback Machine. U.S. Army Command General Staff College, 1984.
  • M. Vego. Introduction to Operational Art Downloadable PPT Lưu trữ 2013-03-09 tại Wayback Machine. JMO DEPARTMENT, U.S. NAVAL WAR COLLEGE, NEWPORT, RI.
  • McPadden, Christopher P. Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky (1893–1937): Practitioner and Theorist of War Lưu trữ 2010-11-05 tại Wayback Machine The Land Warfare Paper No. 56W August 2006 - AUSA.
  • McDemott, Roger N., Russia's Conventional Armed Forces and the Georgian War Parameter Spring 2009. pp. 65-80 US Army War College.
  • US Army FM100-5: Operations 1993 revision, 2001 revision (renamed as FM 3-0) Lưu trữ 2010-06-17 tại Wayback Machine, 2008 revision. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010
  • Walter S. Zapotoczny. The Soviet Formula for Success in World War II: Deep Operations to Defense in Depth. Military History Online. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 5 năm 2010. Chú thích có tham số trống không rõ: |accessmonthday= (trợ giúp)