Quần đảo Anh
Quần đảo Anh (tiếng Anh: British Isles) là một nhóm các đảo ngoài khơi bờ biển tây bắc châu Âu lục địa gồm có đảo Anh và đảo Ireland cùng trên sáu nghìn đảo nhỏ khác.[1] Có hai quốc gia có chủ quyền trên quần đảo: Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (thường gọi là nước Anh) và Ireland (cũng được gọi là Cộng hòa Ireland).[2] Quần đảo Anh cũng gồm có ba Lãnh thổ phụ thuộc hoàng gia Anh: Đảo Man cùng Jersey và Guernsey thuộc Quần đảo Eo Biển, tuy vậy hai vùng về sau không thuộc quần đảo về mặt tự nhiên.[3][4] Tổng dân số quần đảo Anh tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022 là 73,930,678 người.
Quần đảo Anh
|
|
---|---|
Địa lý | |
Vị trí | Tây Âu |
Tọa độ | 54°B 4°T / 54°B 4°T |
Tổng số đảo | 6.000 |
Đảo chính | Đảo Anh và Ireland |
Diện tích | 315.134 km2 (121.673,9 mi2) |
Độ cao tương đối lớn nhất | 1.344 m (4.409 ft) |
Đỉnh cao nhất | Ben Nevis |
Hành chính | |
Nhân khẩu học | |
Dân số | ~67 triệu |
Dân tộc | Anh, Quần đảo Eo Biển, Ireland, Manx, Scotland, Ulster-Scots, Wales |
Khối đá cổ nhất trong quần đảo nằm ở phía tây bắc của Scotland và Ireland và có niên đại 2.700 triệu năm. Vào Kỷ Silur, vùng tây-bắc va chạm với vùng đông-nam, đã tạo ra một vùng đất lục địa rộng riêng biệt. Địa hình của quần đảo khá khiêm tốn so với tiêu chuẩn toàn cầu. Ben Nevis chỉ cao 1.344 mét (4.409 ft), Lough Neagh, là hồ lớn nhất trên toàn quần đảo cũng chỉ rộng 381 kilômét vuông (147 dặm vuông Anh). Quần đảo có khí hậu đại dương ôn hòa, với một mùa đông không gắt và một mùa hè ấm áp. Gió Bắc Đại Tây Dương mang lại một độ ẩm đáng kể và làm tăng nhiệt độ lên 11 °C (20 °F), trên mức trung bình toàn cầu ở những nơi cùng vĩ độ. Điều này khiến cho phong cảnh quần đảo từ lâu được chi phối bởi rừng mưa ôn đới, mặc dù các hoạt động của con người đã xóa sổ phần lớn diện tích rừng này. Khu vực quần đảo lại một lần nữa có người cư trú vào thời kỳ băng hà cuối cùng của Kỷ Băng hà thứ 4, khoảng năm 12.000 TCN tại đảo Anh và 8000 TCN tại Ireland. Vào thời điểm đó, Đảo Anh còn là một bán đảo của châu Âu lục địa còn Ireland đã trở thành một hòn đảo riêng biệt.
Các bộ lạc Scoti (Ireland), Pictish (miền bắc đảo Anh) và Brython (miền nam đảo Anh) đã định cư trên quần đảo vào thời điểm bắt đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Phần lớn đảo Anh do người Briton kiểm soát đã bị quân La Mã chinh phục năm 43 SCN. Những người Anglo-Saxon đầu tiên đã đến khi thế lực La Mã suy yếu vào thế kỷ 5 và cuối cùng thống trị nơi mà nay là xứ Anh.[5] Người Viking xâm lược quần đảo bắt đầu từ thế kỷ thứ 9, theo sau là các khu định cư thường xuyên và thay đổi chính trị đặc biệt tại Anh. Người Norman chinh phục Anh vào năm 1066 và sau đó Angevin đã chinh phục một phần Ireland từ 1169 dẫn đến việc áp đặt một hệ thống thống trị Norman mới gần như khắp Đảo Anh và nhiều phần tại Ireland. Đến Hậu kỳ Trung cổ, đảo Anh bị phân tách thành các vương quốc Anh và Scotland, trong khi Ireland là sự thay đổi liên tục giữa các vương quốc Gael, các chúa Hiberno-Norman và các lãnh địa Ireland do người Anh thống trị, và không lâu sau đó nằm dưới quyền kiểm soát của vua Anh. Việc lập Liên minh vương quyền năm 1603, Đạo luật Liên hiệp 1707 và Đạo luật Liên hiệp 1800 đã cố gắng củng cố việc Đảo Anh và Ireland thành một thực thể chính trị đơn nhất, Vương quốc Liên hiệp, còn Đảo Man và quần đảo Eo Biển vẫn là lãnh thổ phụ thuộc hoàng gia. Sự mở rộng của đế quốc Anh và việc di cư do Nạn đói Lớn và Dọn quang Cao nguyên đã dẫn đến việc cư dân cũng như văn góa của quần đảo phân bổ khắp thế giới và việc suy giảm dân số nhanh chóng tại Ireland vào nửa cuối của thế kỷ 19. Hầu hết lãnh thổ Ireland rút ra khỏi Vương quốc Liên hiệp sau chiến tranh giành độc lập và hiệp ước Anh-Ireland (1919–1922) sau đó, chỉ còn sáu quận vẫn còn nằm trong nước Anh với tên gọi Bắc Ireland.
Thuật ngữ British Isles (quần đảo Anh) gây tranh cãi tại Ireland,[1][6] tại đây có sự chống đối việc sử dụng những thuật ngữ có từ British với những gì liên quan đến Ireland.[7] Chính phủ Ireland không sử dụng thuật ngữ này và đại sứ quán nước này tại Luân Đôn không khuyến khích sử dụng nó.[8] "Anh và Ireland" hay "quần đảo Đại Tây Dương" trở thành các thuật ngữ có thể dùng thay thế song "quần đảo Anh" vẫn là một tên thông dụng.
Tham khảo
sửa- ^ a b "British Isles," Encyclopædia Britannica
- ^ Tên trong ngoại giao và hiến pháp của nhà nước Ireland chỉ là Ireland. Để rõ nghĩa, Cộng hòa Ireland thường được sử dụng mặc dù về mặt lý thuyết đây không phải là tên quốc gia, song theo Đạo luật Cộng Hòa Ireland 1948, quốc gia "có thể mô tả" như vậy.
- ^ Oxford English Dictionary: "British Isles: một thuật ngữ địa lý để chỉ quần đảo bao gồm Đảo Anh và Ireland cùng các đảo ngoài khơi bao gồm Đảo Man và Quần đảo Eo Biển."
- ^ Alan, Lew; Colin, Hall; Dallen, Timothy (2008). World Geography of Travel and Tourism: A Regional Approach. Oxford: Elsevier. ISBN 9780750679787.
Quần đảo Anh gồm có trên 6.000 hòn đảo ngoài khơi lục địa châu Âu, bao gồm Liên hiệp Vương quốc Anh (xứ Anh, Scotland và Wales) và Bắc Ireland, và Cộng hòa Ireland. Nhóm đảo cũng bao gồm các lãnh thổ phụ thuộc hoàng gia Anh là Đảo Man, và theo truyền thống là Quần đảo Eo Biển (Guernsey và Jersey), mặc dù các đảo này hoàn toàn nằm ngay ngoài bờ biển Normandy (Pháp) hơn là một phần của Đảo Anh.
- ^ British Have Changed Little Since Ice Age, Gene Study SaysJames Owen for National Geographic News, 19 tháng 7 năm 2005 [1]
- ^ Social work in the British Isles by Malcolm Payne, Steven Shardlow When we think about social work in the British Isles, a contentious term if ever there was one, what do we expect to see?
- ^ Davies, Alistair; Sinfield, Alan (2000), British Culture of the Postwar: An Introduction to Literature and Society, 1945–1999, Routledge, tr. 9, ISBN 0415128110,
Some of the Irish dislike the 'British' in 'British Isles', while a minority of the Welsh and Scottish are not keen on 'Great Britain'. … In response to these difficulties, 'Britain and Ireland' is becoming preferred official usage if not in the vernacular, although there is a growing trend amongst some critics to refer to Britain and Ireland as 'the archipelago'.
- ^ Sharrock, David (ngày 3 tháng 10 năm 2006), “New atlas lets Ireland slip shackles of Britain”, The Times, UK, Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 2 năm 2007, truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2010,
A spokesman for the Irish Embassy in London said: "The British Isles has a dated ring to it, as if we are still part of the Empire. We are independent, we are not part of Britain, not even in geographical terms. We would discourage its useage [sic]."
Đọc thêm
sửa- Allen, Stephen (2007). Lords of Battle: The World of the Celtic Warrior. Osprey Publishing. ISBN 1841769487.
- Collingwood, Robin George (1998). Roman Britain and the English Settlements. Biblo & Tannen Publishers. ISBN 0819611603.
- Davies, Norman (2000). The Isles a History. Macmillan. ISBN 0333692837.
- Ferguson, Niall (2004). Empire. Basic Books. ISBN 0465023290. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2009.
- Foster (editor), Robert Fitzroy (ngày 1 tháng 11 năm 2001). The Oxford History of Ireland. Donnchadh O Corrain, Professor of Irish History at University College Cork: (Chapter 1: Prehistoric and Early Christian Ireland). Oxford University Press. ISBN 0-19-280202-X.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
- Harley, John Brian (1987). The History of Cartography: Cartography in prehistoric, ancient, and medieval Europe and the Mediterranean. David Woodward. Humana Press. ISBN 0226316335.
- Maddison, Angus (2001). The World Economy: A Millennial Perspective. Organisation for Economic Co-operation and Development. ISBN 9264186549. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2009.
- Markale, Jean (1994). King of the Celts. Bear & Company. ISBN 0892814527.
- Snyder, Christopher (2003). The Britons. Blackwell Publishing. ISBN 0-631-22260-X.
- A History of Britain: At the Edge of the World, 3500 B.C. – 1603 A.D. by Simon Schama, BBC/Miramax, 2000 ISBN 978-0786866755
- A History of Britain—The Complete Collection on DVD by Simon Schama, BBC 2002
- Shortened History of England by G. M. Trevelyan Penguin Books ISBN 978-0140233230
Liên kết ngoài
sửa- Bản đồ địa chất tương tác của quần đảo Anh.