Hoàng Xuân Lãm (19282017) nguyên là một tướng lĩnh gốc Kỵ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên tại trường Võ bị Liên quân được Quốc gia Việt Nam mở ra ở Cao nguyên miền Trung Việt Nam, tốt nghiệp ông được chọn về Binh chủng Thiết giáp. Ông đã phục vụ ngành chuyên môn của mình từ chức vụ chỉ huy cấp Chi đội tuần tự theo hệ thống chỉ huy đến cấp Trung đoàn.[2] Tuy nhiên, ông chỉ phục vụ trong Binh chủng Thiết giáp một thời gian ngắn (1952 – 1959). Sau đó ông được chuyển sang Tư lệnh đơn vị Bộ binh. Sau cùng là Tư lệnh một Quân đoàn danh tiếng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau chiến trận "Mùa hè đỏ lửa" năm 1972 ông bị cách chức và thuyên chuyển về Bộ Quốc phòng giữ chức vụ không quan trọng.

Hoàng Xuân Lãm
Chức vụ

Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng
Nhiệm kỳ5/1972 – 4/1975
Cấp bậc-Trung tướng
Tổng trưởng-Trần Thiện Khiêm
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tư lệnh Quân đoàn I
Nhiệm kỳ5/1966 – 5/1972
Cấp bậc-Thiếu tướng
-Trung tướng (7/1967)
Tiền nhiệm-Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao
Kế nhiệm-Trung tướng Ngô Quang Trưởng
Vị tríVùng 1 chiến thuật
(Quân khu I từ 1970)

Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh
Nhiệm kỳ10/1964 – 11/1966
Cấp bậc-Chuẩn tướng
-Thiếu tướng (11/1965)
Tiền nhiệm-Đại tá Nguyễn Thanh Sằng
Kế nhiệm-Đại tá Nguyễn Văn Toàn
Vị tríVùng 1 chiến thuật

Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh
Nhiệm kỳ2/1963 – 10/1964
Cấp bậc-Đại tá
-Chuẩn tướng (8/1964)
Tư lệnh phóĐại tá Nguyễn Xuân Thịnh
Tiền nhiệm-Đại tá Lê Quang Trọng
Kế nhiệm-Đại tá Nguyễn Xuân Thịnh
Vị tríVùng 2 chiến thuật

Trưởng khối Huấn luyện
Trường Đại học Quân sự
(tiền thân Trường Chỉ huy Tham mưu)
Nhiệm kỳ1/1960 – 2/1963
Cấp bậc-Trung tá
-Đại tá (2/1963)
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Chỉ huy trưởng Thiết giáp Trung ương
Nhiệm kỳ5/1957 – 6/1959
Cấp bậc-Trung tá
Tiền nhiệm-Trung tá Dương Ngọc Lắm
Kế nhiệm-Thiếu tá Nguyễn Văn Thiện
Vị tríQuân khu Thủ đô
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Kỵ binh
Nhiệm kỳ10/1955 – 5/1957
Cấp bậc-Thiếu tá (10/1957)
-Trung tá (5/1957)
Tiền nhiệm-Thiếu tá Vĩnh Lộc
Kế nhiệm-Đại úy Dương Hiếu Nghĩa
Vị tríQuân khu Thủ đô
Thông tin cá nhân
Quốc tịch Hoa Kỳ
 Việt Nam Cộng hòa
Sinhtháng 10 năm 1928
Quảng Trị, Liên bang Đông Dương
Mất2 tháng 5 năm 2017(2017-05-02) (88 tuổi)
Davis, California, Hoa Kỳ
Nguyên nhân mấtTuổi già
Nơi ởCalifornia, Hoa Kỳ
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
VợNguyễn Thị Lê Hồng
ChaHoàng Trọng Thuần
MẹHồ Thị Đạt
Con cái5 người con (1 trai, 4 gái)
Hoàng Nguyễn Phương Liên
Hoàng Nguyễn Phương Lan
Hoàng Nguyễn Phương Dung
Hoàng Anh Tuấn
Hoàng Nguyễn Phương Nam
Học vấnTú tài bán phần
Alma mater-Trường Quốc học Huế
Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt
–Trường Kỵ binh Saumur, Pháp
–Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ
Quê quánTrung Kỳ
Binh nghiệp
Thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ19501975
Cấp bậc Trung tướng
Đơn vị Binh chủng Thiết giáp
Đại học Quân sự[1]
Sư đoàn 23 Bộ binh
Sư đoàn 2 Bộ binh
Quân đoàn I và QK 1
Chỉ huy Quân đội Quốc gia
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Tham chiếnChiến tranh Việt Nam
Tặng thưởng Bảo quốc Huân chương đệ Nhị đẳng

Tiếu sử & Binh nghiệp

sửa

Ông sinh vào tháng 10 năm 1928 tại Quảng Trị trong một gia đình gia giáo có truyền thống hiếu học. Thiếu thời ông theo cấp Tiểu học ở Quảng Trị. Lên Trung học, ông được gia đình cho vào Huế học tại trường Quốc học. Năm 1948, ông tốt nghiệp Trung học với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Sau đó được bổ dụng về Quảng Trị làm giáo viên Tiểu học cho đến ngày gia nhập quân đội.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

sửa

Tháng 9 năm 1950, thi hành lệnh động viên của Quốc gia Việt Nam, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 48/201.368. Theo học khóa 3 Trần Hưng Đạo tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt,[3], khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1950. Ngày 25 tháng 6 năm 1951 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường, ông được chuyển quân số về Chi đoàn 4 Thám thính Xa với chức vụ Chi đội phó, đồn trú ở Cao nguyên Trung phần. Ngày 1 tháng 10 năm 1952, ông được cử theo học khóa căn bản Thiết giáp tại Trung tâm Huấn luyện Thiết giáp Viễn Đông của Quân đội Pháp tại Cap Saint Jacquues (Vũng Tàu) trong thời gian 6 tháng.[4] Ngày 1 tháng 4 năm 1953, mãn khóa học căn bản ông trở về Chi đoàn 4. Ngày 25 tháng 6 cùng năm, ông được thăng cấp Trung úy giữ chức vụ Chi đội trưởng thuộc trong Chi đoàn 4. Cuối năm, ông tiếp tục được cử đi du học khóa cao cấp Thiết giáp tại trường Kỵ binh Saumur, Pháp. Giữa năm 1954 mãn khóa về nước. Sau Hiệp định Genève (20 tháng 7 năm 1954), ông được thăng cấp Đại úy giữ chức vụ Chi đoàn trưởng Chi đoàn 4 tham gia Chiến dịch chống quân phiến loạn Bình Xuyên.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

sửa

Tháng 10 năm 1955, ngay sau nền Đệ nhất Cộng hòa ra đời, chuyển biên chế sang Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Thiếu tá giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Kỵ binh[5] thay thế Thiếu tá Vĩnh Lộc[6]

Đầu tháng 5 năm 1957, ông được lệnh bàn giao Trung đoàn 1 Thiết giáp lại cho Đại úy Dương Hiếu Nghĩa.[7] Cuối tháng 5, ông được thăng cấp Trung tá và được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Thiết giáp tại trại Trần Hưng Đạo thay thế Trung tá Dương Ngọc Lắm. Cuối năm 1958, ông nhận lệnh bàn giao Bộ chỉ huy Thiết giáp lại cho Thiếu tá Nguyễn Văn Thiện để đi du học khóa Tham mưu cao cấp tại Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ (khóa 1959-1). Giữa năm 1959 mãn khóa về nước, ông được cử làm Trưởng khối Huấn luyện tại trường Đại học Quân sự ở Sài Gòn.

Tháng 2 năm 1963, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh (Bộ Tư lệnh Sư đoàn đặt tại Thị xã Ban Mê Thuột) thay thế Đại tá Lê Quang Trọng.[8]. Cấp phó cho ông ở thời điểm này là Đại tá Nguyễn Xuân Thịnh. Người trợ lý, tham mưu cho ông trong suốt thời gian làm chỉ huy tại quân đoàn I là Trung tá Trần Hữu Phước

Ngày 11 tháng 8 năm 1964, ông được thăng cấp Chuẩn tướng.[9] Ngày 14 tháng 10 cùng năm nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 23 lại cho Đại tá Tư lệnh phó Nguyễn Xuân Thịnh. Ngay ngày hôm sau chuyển ra Vùng 1 Chiến thuật, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh thay thế Đại tá Nguyễn Thanh Sằng, Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1965 ông được thăng Thiếu tướng tại nhiệm.

Cuối tháng 5 năm 1966, ông được kiêm Tư lệnh Quân đoàn I thay thế Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao. Tháng 11 cùng năm bàn giao Sư đoàn 2 lại cho Đại tá Nguyễn Văn Toàn để chính thức giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng 1 Chiến thuật. Tháng 7 năm 1967 ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm.

Tháng 2 năm 1971, ông được cử giữ chức Tư lệnh cuộc Hành quân Lam Sơn 719[10] Đầu tháng 5 năm 1972, sau vụ thất thủ và để mất Quảng Trị, ông được lệnh bàn giao Quân đoàn I lại cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng để về Trung ương nhận nhiệm vụ khác. Giữa tháng 5 cùng năm, ông được cử làm Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng Trần Thiện Khiêm và ở chức vụ này cho đến cuối tháng 4 năm 1975.[11]

Trưa ngày 29 tháng 4, ông đem theo gia đình, từ Vũng Tàu di tản ra khơi trên Cơ xưởng Hạm Vĩnh Long HQ-802. Hạm trưởng là Hải quân Trung tá Vũ Quốc Công.[12] Sau đó, ông và gia đình được sang định cư tại Thành phố Davis, miền Bắc Tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Ngày 2 tháng 5 năm 2017, ông từ trần tại nơi định cư. Hưởng thọ 89 tuổi.[13]

Gia đình

sửa
  • Thân phụ: Cụ Hoàng Trọng Thuần
  • Thân mẫu: Cụ Hồ Thị Đạt
  • Phu nhân: Bà Nguyễn Thị Lê Hồng
Ông bà có năm người con: 1 trai, 4 gái
Hoàng Nguyễn Phương Liên, Hoàng Nguyễn Phương Lan, Hoàng Nguyễn Phương Dung, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Nguyễn Phương Nam.

Chú thích

sửa
  1. ^ Tiền thân của trường Đại học Quân sự là Trung tâm Huấn luyên Chiến thuật thành lập năm 1952 tại Hà Nội, sau Hiệp định Genève 20/7/1954 di chuyển vào Nam và đổi tên. Năm 1960, di chuyển lên Đà Lạt đổi tên lần cuối thành trường Chỉ huy và Tham mưu.
  2. ^ Binh chủng Thiết giáp khi thành lập đã có một Bộ chỉ huy được đặt gần Trung ương, các đơn vị trực thuộc ban đầu có tổ chức cao nhất là cấp Chi đoàn, sau đó Binh chủng được phát triển để đáp ứng và đối phó với chiến trường, tổ chức đơn vị được nâng lên cấp Trung đoàn (mỗi Trung đoàn có từ 3 đến 5 Chi đoàn trực thuộc). Về sau, thành lập tại mỗi Quân khu một Lữ đoàn được đặt tên theo chữ số của 4 Quân khu, mỗi Lữ đoàn có Bộ Tư lệnh riêng, phối thuộc và dưới sự điều động của Tư lệnh Quân đoàn, cấp số của mỗi Lữ đoàn có từ 5 đến 6 Thiết đoàn (Trung đoàn) bao gồm ba loại thiết xa: Chiến xa hạng nặng M.48, Chiến xa hạng trung M.41 và Thiết vận xa M.113.
    Tư lệnh Lữ đoàn là một sĩ quan cao cấp, chức vụ ngang với một Tư lệnh cấp Sư đoàn của Lục quân và các Quân, Binh chủng khác.
  3. ^ Khóa 3 Trần Hưng Đạo có thể được xem là khóa đầu tiên của trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, nhưng thực tế tiếp nối hai khóa trước là khóa 1 Phan Bội Châu và khóa 2 Quang Trung của trường Võ bị Quốc gia ở Huế trước khi di chuyển về Đà Lạt. Do trường được đặt tại cơ sở cũ của trường Võ bị Liên quân Viễn Đông của Quân đội Thuộc địa Pháp nên lấy tên là trường Võ bị Liên Quân Đà Lạt. Đến năm 1959 đổi tên thành trường Võ bị Quốc gia Đà lạt
  4. ^ Theo học khóa căn bản Thiết giáp tại Vũng Tàu tháng 10 năm 1952 với Thiếu úy Hoàng Xuân Lãm còn có các Thiếu úy:
    -Lý Tòng Bá, Phan Hòa Hiệp, Trần Quang Khôi, Nguyễn Văn Toàn
    -Nguyễn Văn Tồn, sinh năm 1923, tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Tham mưu phó Bộ Chỉ huy Binh chủng Thiết giáp.
    -Nhan Nhật Chương. Sau cùng là Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng An Xuyên (Cà Mau).
  5. ^ Đầu năm 1956, Trung đoàn 1 Kỵ binh được đổi tên thành Trung đoàn 1 Thiết giáp.
  6. ^ Thiếu tá Vĩnh Lộc được cử đi du học khóa Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ.
  7. ^ Đai uý Dương Hiếu Nghĩa sinh năm 1925 tại Sa Đéc, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá, thành viên của Việt Nam Cộng hòa trong Ủy ban Liên hợp 4 bên.
  8. ^ Đại tá Lê Quang Trọng sinh năm 1925 tại Thừa Thiên, tốt nghiệp khóa 2 Võ bị Huế, giải ngũ năm 1964 sau cuộc Chỉnh lý của tướng Nguyễn Khánh ngày 30/1/1964.
  9. ^ Cùng đợt thăng cấp Chuẩn tướng ngày 11/8/1964 với tướng Hoàng Xuân Lãm còn có các Đại tá:
    Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Cao, Nguyễn Văn Kiểm, Đặng Văn Quang, Vĩnh LộcLê Nguyên Khang.
  10. ^ Chiến dịch Lam Sơn 718 diễn ra vào năm 1971 tại khu vực đường 9 Nam Lào nên gọi là 719. Khai diễn ngày 8 tháng 2 năm 1971, kết thúc ngày 6 tháng 4 cùng năm.
  11. ^ Chức vụ Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng, thực tế chỉ là một chức vụ "ngồi chơi xơi nước".
  12. ^ Trung tá Vũ Quốc Công sinh năm 1938 tại Nam Định. Tốt nghiệp khóa 10 trường Sĩ Quan Hải quân Nha Trang.
  13. ^ “Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Hành Quân Lam Sơn 719, qua đời”.

Tham khảo

sửa
  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.