Bạch Khởi
Bạch Khởi (chữ Hán: 白起; 332 TCN – 257 TCN) là tướng lĩnh quân sự Trung Quốc cổ đại, làm việc cho nước Tần thời Chiến Quốc. Bạch Khởi được xem là một trong 4 nhà cầm quân tài ba nhất thời Chiến Quốc, 3 người còn lại là Vương Tiễn, Liêm Pha và Lý Mục. Khởi chỉ huy quân đội Tần hơn 30 năm, nhiều lần đánh bại Tam Tấn (tức 3 nước Hàn, Triệu, Nguỵ lân bang Tần) và Sở, đỉnh điểm là trận Trường Bình, tại đây Khởi đồ sát 45 vạn quân Triệu. Những thắng lợi quân sự của Bạch Khởi đã đặt nền tảng cho việc thống nhất Trung nguyên, công cuộc được hoàn tất vào thời Tần Thủy Hoàng. Sinh thời Bạch Khởi được phong tước Vũ An quân (武安君), giữ chức Đại lương tạo, chức quan coi hết việc quân của nước Tần. Do Bạch Khởi giết nhiều người nên người đương thời gọi là Nhân đồ (人屠).
Vũ An quân 武安君 | |||||
---|---|---|---|---|---|
Thừa tướng Trung Quốc | |||||
Đại lương tạo nước Tần | |||||
Tại vị | 292 TCN - 257 TCN | ||||
Tiền nhiệm | Công Tôn Diễn | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | 332 TCN huyện Mi, Thiểm Tây | ||||
Mất | 257 TCN Hàm Dương, Thiểm Tây | ||||
| |||||
Tước hiệu | Vũ An quân | ||||
Nghề nghiệp | Tướng lĩnh |
Tiểu sử
sửaXuất thân
sửaLiên quan tới thân thế của Bạch Khởi, sách Tân Đường thư, quyển bảy mươi lăm hạ, "Tể tướng thế hệ biểu" chép rằng ông là hậu duệ của danh tướng Bạch Ất Bính của Tần Mục Công thời Xuân Thu.[a] Bạch Ất Bính vốn tên thật là Kiển Bính, con cháu của ông lấy Bạch Ất làm họ, sau giản lược thành họ Bạch. Một trong những hậu duệ nhiều đời của ông chính là Bạch Khởi.[1] Tuy nhiên, theo lời tự thuật của thi nhân sống vào thời nhà Đường là Bạch Cư Dị trong tác phẩm Cố Củng Huyện lệnh Bạch phủ quân sự trạng của mình thì có ghi chép tổ tiên Bạch Khởi là Công tử nước Sở Bạch công Thắng, cháu nội của Sở Bình Vương. Bạch công Thắng mưu phản buộc phải tự sát, con của ông buộc phải trốn sang nước Tần. Kể từ đó, hậu duệ đều làm tướng nước Tần và Bạch Khởi là một trong số đó.[2][3]
Năm 318 TCN, Trận Hàm Cốc lần thứ nhất nổ ra giữa Tần và liên minh năm nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên. Bạch Khởi năm đó mới 15 tuổi, gia nhập quân đội dưới trướng Sư Lý Tật. Khởi lần đầu ra trận, nhưng tỏ ra vô cùng dũng cảm, võ nghệ xuất chúng trong đám tân binh nên được Sư Lý Tật để mắt tới. Nghe tin quân Sở tiến đến Hàm Cốc quan, Bạch Khởi cùng với Ngụy Nhiễm được giao nhiệm vụ đi do thám quân Sở, bắt tù binh đem về để khai thác thông tin. Tuy nhiên, Khởi và Nhiễm lại bị lạc đường về phía nam, tình cờ gặp được quân tiếp viện của nước Sở dưới trướng công tử Tử Lan đang chở theo lương thảo đến tiếp viện. Nhân lúc đêm tối, Khởi và Nhiễm phóng hỏa đốt cháy toàn bộ quân lương của Sở. Vua Sở vốn không hào hứng với việc hợp tung chống Tần, bèn viện cớ này để lui quân. Khi trở về quân doanh, Bạch Khởi và Ngụy Nhiễm cùng được thăng lên Bách phu trưởng và được theo Sư Lý Tật trong những năm chinh chiến sau đó.
Bạch Khởi sở hữu một khuôn mặt nhọn, đôi mắt sắc lẹm. Ông hành động quyết đoán, phân tích thấu triệt mọi việc, có ý chí cầu tiến, đồng thời là một người giỏi dùng binh và có mối quan hệ rất tốt với quan tướng quốc mới nhậm chức là Nhương hầu Ngụy Nhiễm.[4]
Thắng lợi tại Y Khuyết
sửaNăm 294 TCN, Tần Chiêu Tương Vương bổ nhiệm Bạch Khởi làm Tả thứ trưởng, dẫn quân tấn công nước Hàn, chiếm được Tân Thành (nay là Y Xuyên, Hà Nam). Chiến dịch đó đã thể hiện tài năng quân sự vượt trội của ông, được Ngụy Nhiễm rất mến mộ. Vào năm sau, dựa vào sự tiến cử của Ngụy Nhiễm, Bạch Khởi được thăng làm Tả canh (左更), thay thế Hướng Thọ làm chủ tướng. Cùng năm đó, các nước Hàn, Ngụy và triều đình Đông Chu liên minh với nhau, cử Công Tôn Hỉ nước Nguỵ làm chủ soái, dẫn binh tiến đến Y Khuyết (nay là trấn Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam), cùng quân Tần giằng co. Trong trận đánh này, về mặt quân số, số lượng binh sĩ nước Tần chỉ chưa bằng một nửa liên quân Hàn – Ngụy. Bên phía liên quân, quân Hàn vốn yếu thế nên hy vọng quân Ngụy chủ động tiến công, trong khi quân Ngụy thì muốn dựa vào sự tinh nhuệ của quân Hàn nên muốn để quân Hàn xung phong. Lợi dụng hai nước Hàn, Ngụy muốn bảo lưu thực lực, trốn tránh lẫn nhau, không muốn giao chiến, Bạch Khởi trước hết bày nghi binh kìm chân quân chủ lực nước Hàn, sau đó tập trung binh lực tấn công bất ngờ quân Ngụy. Quân Hàn sau khi thấy quân Ngụy bị đánh bại đã buộc phải rút quân.[5][6][7][8][9] Quân Tần thừa thắng truy kích, dành được thắng lợi lớn. Tại trận Y Khuyết, quân Tần giết tổng cổng 24 vạn người, trong đó có Công Tôn Hỉ, chiếm được Y Khuyết cùng 5 tòa thành trì. Nước Tần lên kế hoạch tấn công Tây Chu, nhưng bất thành sau một loạt hoạt động ngoại giao của nước Tây Chu.[10][11][12][13] Sau thắng lợi tuyệt đối trước liên quân Hàn, Ngụy, Bạch Khởi được thăng chức Quốc úy. Cùng năm đó, lợi dụng thất bại của Hàn, Ngụy tại Y Khuyết, ông một lần nữa dẫn binh vượt sông Hoàng Hà, đoạt được một vùng đất rộng lớn kéo dài từ An Ấp (nay là tây bắc Hạ Huyện, Sơn Tây) đến Càn Hà.[5]
Vào khoảng năm 292 TCN, sau khi được thăng làm Đại lương tạo, Bạch Khởi dẫn quân tiến đánh nước Ngụy, chiếm được Ngụy Thành (phía đông Vĩnh Tế, Sơn Tây ngày nay), công hạ Viên Ấp (đông nam Viên Khúc, Sơn Tây ngày nay) nhưng không chiếm. Năm 291 TCN, ông tiến đánh nước Hàn, chiếm được Thủ Uyển (nay là Uyển Thành, Nam Dương, Hà Nam), Diệp (nay là Diệp, Hà Nam).[14] Năm 290 TCN, Bạch Khởi cùng Tư Mã Thác hợp binh công đánh Viên Ấp một lần nữa.[15][16] Năm tiếp đó, ông lại dẫn quân tiến công nước Ngụy, chiếm được hai thành là Bồ Phản (phía bắc Vĩnh Tế, Sơn Tây ngày nay), Bì Thị (Hà Tân, Sơn Tây ngày nay).[17][18][b] Năm 282 TCN, Bạch Khởi tiến đánh nước Triệu, chiếm được Tư Thị (phía nam Phần Dương, Sơn Tây ngày nay) cùng Ly Thạch (nay là Ly Thạch, Lữ Lương, Sơn Tây).[c][20][21][22] Cùng năm đó, ông dẫn binh ra Hào Sơn, vây hãm kinh đô nước Ngụy là Đại Lương (nay là Khai Phong, Hà Nam), vua Tây Chu sợ gặp nguy hiểm nên đã phái Tô Lệ dẫn tích Dưỡng Do Cơ để du thuyết Bạch Khởi. Ông vì vậy đã cáo bệnh mà triệt binh.[22] Năm 280 TCN, Bạch Khởi lại một lần nữa tiến đánh nước Triệu, chém được hơn 3 vạn thủ cấp, chiếm Đại huyện (phía đông Úy huyện, Hà Bắc ngày nay) cùng thành Quang Lang (phía tây Cao Bình, Sơn Tây ngày nay).[23][24]
Tiến vào Dĩnh Đô
sửaChính trị nước Sở dưới thời Khoảnh Tương Vương đã trở nên suy đồi. Vua Sở không sửa sang quốc sự, quần thần ghen ghét tranh giành kèn cựa, tìm cách dèm pha nhau để được trọng dụng. Trung thần không được vua dùng, nội bộ bách tính trong nước lục đục. Về mặt quân sự, người Sở lơi lỏng phòng bị, thành trì lâu năm không được tu sửa.[7] Để có thể toàn lực tấn công nước Sở, Bạch Khởi hộ tống Tần Chiêu Tương Vương đến hội kiến Triệu Huệ Văn vương tại Mẫn Trì (nay là Mẫn Trì, Hà Nam) ký kết hòa ước, hai nước tạm thời bãi binh ngưng chiến, không xâm phạm lẫn nhau.[25][4] Bạch Khởi sau khi phân tích tình hình hai nước Tần, Sở, đã quyết định áp dụng chiến lược tấn công trực tiếp vào Dĩnh Đô, trung tâm quyền lực nước Sở. Năm 279 TCN, quân Tần xuôi theo sông Hán Thủy tiến vào nước Sở, chiếm được các cứ điểm quan trọng ven sông. Nhằm thể hiện quyết tâm cũng như khích lệ tướng sĩ quyết tử, Bạch Khởi hạ lệnh dỡ cầu, đốt thuyền, cắt đứt đường rút lui, đồng thời tìm kiếm lương thực dọc đường để bổ sung quân lương. Quân Sở vì chiến đấu trên quê nhà, chỉ quan tâm đến gia đình của mình, không có ý chí chiến đấu, nên không có cách nào để ngăn chặn bước tiến vũ bão của quân Tần, liên tục phải chuốc lấy thất bại.[7][26] Quân Tần di chuyển thần tốc, nhanh chóng chiếm được Đặng thành (nay là Tương Dương, Hồ Bắc), khu vực trọng yếu tại lưu vực sông Hán Thủy, rồi tiến đến thành Yên (đông nam Nghị thành, Hồ Bắc ngày nay), biệt đô của nước Sở.[27] Khoảng cách từ Yên thành đến kinh đô nước Sở Dĩnh Đô (nay là Giang Lăng, Hồ Bắc) là cực kỳ gần. Quân Sở tập trung trọng binh tại đây để ngăn chặn quân Tần xuôi nam. Khi quân Tần mãi không thể tiến lên, Bạch Khởi nhân lúc mùa lũ đã lợi dụng nước sông Man Hà chảy từ Tây Sơn trường cốc ở phía tây thành về hướng đông của thành để mà đắp đê trữ nước. Ông sau đó hạ lệnh cho binh sĩ đào một con kênh dài hơn trăm dặm dẫn đến Yên Thành rồi phá mở kênh, dẫn nước vào thành. Góc đông bắc của Yên thành bị ngập trong nước nên bị sụp, quân dân trong thành chết đuối mấy chục vạn người.[27] Sau khi công phá Đặng thành và Yên thành, Bạch Khởi đã ra lệnh ân xá tội phạm dời đi lưỡng địa, rồi xuất binh công chiếm Tây Lăng (nay là Tân Châu, Vũ Hán).[28]
Năm 278 TCN, Bạch Khởi lại một lần nữa tấn công nước Sở, chiếm được Dĩnh Đô, thiêu hủy khu lăng mộ của các vua Sở ở Di Lăng (nay là Di Lăng, Nghi Xương, Hồ Bắc). Ông sau đó hướng về phía đông tiến đến Cảnh Lăng (nay là Tiềm Giang, Hồ Bắc), Sở Khoảnh Tương vương chống cự không nổi phải thiên đô về đất Trần (nay là Hoài Dương, Hà Nam) để cố thủ.[29] Quân Tần sau cuộc chiến lần này đã chiếm lĩnh khu vực đầm lầy xung quanh hồ Động Đình, một vùng đất rộng lớn kéo dài từ sông Dương Tử ở phía nam cho đến An Lục (nay thuộc địa phận hai huyện Vân Mộng và An Lộc, Hồ Bắc) ở phía bắc.[30][31] Cũng tại đây, nước Tần đã lập ra Nam Quận, Bạch Khởi cũng được thu phong tước vị Vũ An quân nhờ những chiến công của mình.[32] Năm sau đó, Tần Chiêu Tương vương lại bổ nhiệm Bạch Khởi làm chủ tướng, quận trưởng Thục quận Trương Nhược làm phó tướng, bình định đất Vu, đất Kiềm của nước Sở, lập ra quận Kiềm Trung.[d]。[33][34] Chỉ nhờ vào sự điều giải của Xuân Thân quân mà Tần vương mới chịu kết minh, đình chiến cùng nước Sở.[35]
Trận Hoa Dương
sửaNăm 276 TCN, Bạch Khởi chỉ huy binh mã tiến đánh nước Nguỵ, đoạt được hai tòa thành trì.[36] Năm 273 TCN, Triệu, Ngụy hai nước liên thủ, tấn công Hoa Dương nước Hàn (phía nam Trịnh Châu, Hà Nam ngày nay). Nước Hàn không còn cách nào khác, đành phải phái Trần Thệ sang Tần cầu cứu Ngụy Nhiễm. Ngụy Nhiễm thỉnh cầu Tần Chiêu Tương Vương xuất binh. Bạch Khởi cùng Khách khanh Hồ Dương được lệnh dẫn quân sang cứu Hàn. Quân Tần chủ trương tấn công bất ngờ, trong vòng 8 ngày đột nhiên xuất hiện tại chiến trường Hoa Dương, sau đó lợi dụng sự không chuẩn bị của liên quân Triệu và Ngụy mà bất ngờ tấn công, dành được thắng lợi. Trong trận này, quân Tần bắt được ba tướng lĩnh, chém đầu 13 vạn quân Ngụy, tướng Nguỵ Mang Mão phải bỏ trốn. Về phía quân Triệu, tướng Giả Yển bị đánh bại, bị giết 2 vạn người tháo chạy qua sông.[37] Nước Tần chiếm lĩnh Hoa Dương rồi thừa thắng đánh chiếm Quyển (nay là Nguyên Dương, Hà Nam), Thái (nay là tây nam Thượng Thái, Hà Nam), Trung Dương (nay là đông Trịnh Châu, Hà Nam), Trường Xã (nay là Trường Xã, Hà Nam) của nước Ngụy cùng Quan Tấn (phía tây Quan Thành, Sơn Đông ngày nay) của nước Triệu.[38][39] Bạch Khởi lại dẫn quân vượt qua Bắc Trạch (phía bắc Trịnh Châu, Hà Nam ngày nay), tiến hành vây hãm kinh đô Đại Lương của Ngụy. Chỉ sau khi quan Đại phu Tu Giả nước Nguỵ du thuyết Ngụy Nhiễm và Ngụy An Ly Vương phái Đoạn Cán Sùng cắt quận Nam Dương, quân Tần mới bãi binh.[40][37] Nước Tần sau đó đem Quan Tấn trả lại cho nước Triệu, hẹn hai nước cùng nhau tiến đánh nước Tề.[38]
Trận Hình Thành
sửaNgười nước Ngụy là Phạm Thư vì bị hãm hại nên trốn đến nước Tần, được Tần Chiêu Tương Vương trọng dụng. Phạm Thư thấy nước Tần nhiều lần đem quân sang đánh Hàn, Ngụy, nhưng thành công thu về được là rất nhỏ, nên đã hiến kế "Xa thân, gần đánh": dùng ân uy để thân cận với Hàn và Ngụy, dùng sức mạnh để uy hiếp hai nước Sở và Triệu, làm cho nước Tề sợ hãi khiến họ chủ động phụ thuộc nước Tần. Sau khi nước Tề đã phụ thuộc rồi thì chuyển hướng sang Hàn và Ngụy, phát động tấn công, mở rộng lãnh thổ.[41] Tần Chiêu Tương Vương nghe theo đề nghị của Phạm Thư, quyết định tiến đánh hai nước Hàn và Ngụy.
Vào khoảng năm 264 TCN, Tần Chiêu Tương Vương lệnh Bạch Khởi tấn công Hình Thành (đông bắc Khúc Ốc, Sơn Tây ngày nay), Phần Thành (phía bắc Lâm Phần, Sơn Tây ngày nay) của nước Hàn, chém 5 vạn thủ cấp, rồi cho xây dựng công sự phòng ngự xuôi theo sông Phần đến Quảng Vũ (phía tây Đại Huyền, Sơn Tây ngày nay).[e] Năm tiếp đó, Bạch Khởi lại đem quân phong tỏa các con đường ở phía nam núi Thái Hành và phía bắc sông Hoàng Hà.[43][44]
Đại chiến tại Trường Bình
sửaNăm 262 TCN, nước Tần xuất binh tiến công thành Dã Vương của nước Hàn (nay là Thấm Dương, Hà Nam), thế như chẻ tre. Thành Dã Vương nhanh chóng đầu hàng, cắt đứt con đường nối liền giữa quận Thượng Đảng và kinh đô nước Hàn (nay là Tân Trịnh, Hà Nam), khiến quân Hàn ở Thượng Đảng bị cô lập.[45] Hàn Hoàn Huệ vương rơi vào tình thế khủng hoảng, liền phái Dương Thành quân đi sứ nước Tần, cắt quận Thượng Đảng để cầu hòa. Vì Quận thủ Cận Thẩu của Thượng Đảng không muốn hàng Tần, nên vua Hàn buộc phải phái Phùng Đình đến thay thế Cận Thẩu.[46] Tuy nhiên, bản thân Phùng Đình cũng không muốn hàng Tần, nên đã lập kế hoạch với bách tính huyện Thương Dương và nói:
- "Đường tới nước Hàn đã bị cắt đứt, quân đội nước Tần lại đang tiến vào mà nước Hàn không thể ứng cứu. Chi bằng đem Thượng Đảng dâng cho nước Triệu. Nước Triệu nếu tiếp nhận ta, khiến nước Tần tức giận, nhất định sẽ tiến đánh nước Triệu. Mà nếu nước Triệu bị tấn công bằng vũ lực, ắt phải thân cận với nước Hàn. Hàn, Triệu hai nước liên hợp lại, ắt sẽ chặn được Tần."
Thế rồi ông liền phái sứ giả đến dâng thư hàng cho vua Triệu. Triệu Hiếu Thành vương cùng Bình Dương quân Triệu Báo thương nghị việc này, Bình Dương quân nói:
- "Thánh nhân coi vô cớ được lợi là tai họa. Còn Tần thì lại cho rằng, đất Thượng Đảng họ muốn lấy thì dễ như trở bàn tay. Phùng Đình không đem Thượng Đảng giao cho nước Tần, là vì muốn giá họa cho nước Triệu. Tiếp nhận nó chỉ mang lại nhiều tai họa hơn là lợi ích".
Vua Triệu lại triệu kiến Bình Nguyên quân Triệu Thắng cùng Triệu Vũ đến thương nghị, hai người này nói:
- "Động viên trăm vạn quân tác chiến, qua năm nọ đến năm kia, còn chưa lấy nổi một tòa thành trì, nay không phí một tên quân, một đấu lương mà được mười bảy thành, đó là mối lợi không gì bằng, đại vương chớ nên bỏ lỡ!"
Triệu Hiếu Thành vương nói:
- "Tiếp nhận đất Thượng Đảng, nước Tần nhất định tấn công, ai có thể đứng ra ngăn cản?"
Bình Nguyên quân trả lời:
- "Liêm Pha dũng mãnh thiện chiến, yêu mến tướng sĩ, có thể bổ nhiệm."
Vua Triệu nghe lời, liền thảo chiếu, phong Phùng Đình làm Hoa Dương Quân, phái Bình Nguyên quân đến Thượng Đảng nhận đất, đồng thời hạ lệnh Liêm Pha đóng quân ở Trường Bình (phía tây bắc Cao Bình, Sơn Tây ngày nay).[47][48][4]
Năm 261 TCN, nước Tần phái binh công chiếm các thành Câu Thị (nay là Câu Thị, Ngã Sư, Hà Nam), cùng Luân Thị (tây nam Đăng Phong, Hà Nam ngày nay) của nước Hàn.[f] Năm sau, Tần Chiêu Tương Vương lại phái Thứ trưởng Vương Hột đánh chiếm Thượng Đảng. Bách tính thành Thượng Đảng lộn xộn đào vong sang nước Triệu. Quân Triệu ở Trường Bình tiếp ứng cho bách tính Thượng Đảng. Tháng 4 năm đó, Vương Hột mang quân tấn công quân Triệu ở Trường Bình, nghênh chiến Liêm Pha. Hai bên thường xuyên có giao chiến nhỏ lẻ với nhau, binh lính Triệu tấn công quân trinh sát của Tần, quân Tần chém được phó tướng của Triệu là Bì tướng quân, chiến sự ngày càng leo thang. Tháng 6, quân Tần công phá trận địa của Triệu, đánh hạ hai tòa thành, bắt được bốn sĩ quan cấp úy. Liêm Pha sau đó đào hào đắp lũy, cố thủ trong doanh trại, đợi quân Tần hết lương thảo thì ắt phải lui binh. Dù cho quân Tần nhiều lần khiêu chiến, quân Triệu vẫn thủ vững không chịu rời trại giao chiến. Lúc này lương thảo quân Tần đã gần hết, nhưng Triệu Hiếu Thành vương vẫn nhiều lần chỉ trích Liêm Pha không chịu giao chiến. Thừa tướng nước Tần là Phạm Thư mới phái người sang nước Triệu thi hành kế phản gián, tâu lên vua Triệu rằng:
- "Liêm Pha già cả, nhút nhát, không dám đụng độ quân Tần. Trong các tướng Triệu thì quân Tần chỉ sợ một mình Triệu Quát, con Mã Phục quân Triệu Xa mà thôi."
Vua Triệu vốn tức giận vì thấy Liêm Pha cứ cầm cự mãi, liền tin lầm kế phản gián của nước Tần, nên đã hạ chiếu lệnh Triệu Quát đến thay Liêm Pha. Tần Chiêu Tương vương biết được Triệu Quát đảm nhiệm chức chủ tướng, liền bí mật phái Bạch Khởi đến thay Vương Hột làm chủ tướng. Bạch Khởi đảm nhiệm chức Thượng tướng quân, Vương Hột làm phó tướng, đồng thời nghiêm lệnh trong quân không được để lọt tin tức, nếu không giết chết bất luận tội. Triệu Quát sau khi trở thành chủ tướng quân Triệu ở Trường Bình, liền thay đổi phương châm tác chiến trước đây, bãi bỏ hết những sắp xếp nhân sự của Liêm Pha, lại phá bỏ tháo dỡ những công sự mà Liêm Pha xây dựng, chủ động tấn công quân Tần. Quân Tần giả vờ chiến bại tháo chạy, quân Triệu thừa thắng xông lên, quyết đuổi đến doanh trại của Tần. Tuy nhiên doanh trại quân Tần mười phần kiên cố, nên quân Triệu mãi không thể công hạ. Bạch Khởi liền lệnh cho một đội gồm 25.000 người tập kích đường lui của quân Triệu, lại lệnh cho 5.000 kỵ binh đánh thọc thẳng vào doanh trại trung tâm của quân Triệu, chia cắt quân Triệu làm hai. Bạch Khởi đồng thời chặn đứng đường tiếp lương của quân Triệu và nhiều lần cử binh lính vũ trang nhẹ tấn công kích quân chủ lực của Triệu. Phía Triệu vì tác chiến thất bại, nên phải đắp lũy cố thủ trong trại đợi viện binh đến. Tần Chiêu Tương vương biết được đường vận lương của quân Triệu đã bị cắt đứt, liền đích thân đến Hà Nội, cổ vũ động viên, gia phong tước vị cấp 1 cho dân chúng địa phương, tổng động viên thanh niên trai tráng 15 tuổi trở lên trong cá nước tập trung đến chiến trường Trường Bình, chặn đứng đường tiếp viện của nước Triệu.
Đến tháng 9, quân chủ lực nước Triệu đã bị cạn lương thực 46 ngày, binh sĩ tương tàn, ăn thịt lẫn nhau. Triệu Quát đem quân Triệu còn lại tổ chức thành bốn đội, thay nhau tiến công bốn, năm lần nhưng vẫn không thể phá vòng vây. Cuối cùng Triệu Quát đành đích thân dẫn một cánh quân tinh nhuệ liều chết đi phá vây, hy vọng mở đường máu thoát ra, kết quả bị loạn tiễn của quân Tần bắn chết. Nghe tin Triệu Quát tử trận, quân Triệu không còn tinh thần chiến đấu, hơn 20 vạn người đều buông vũ khí đầu hàng. Bạch Khởi bàn với các thủ hạ rằng:
- "Nhân dân nước Triệu thay đổi thất thường, trước đó Tần đánh hạ Thượng Đảng, nơi đó dân chúng lại tất cả đều chạy về Triệu quốc. Nếu như không toàn bộ giết chết bọn hắn, chỉ sợ sinh thêm sự cố."
Để lừa quân Triệu, Bạch Khởi đem hàng tốt chia làm mười doanh, sai 10 viên tướng thống suất, hợp với 20 vạn quân Tần, đều cho trâu rượu, ăn uống và nói rằng ngày mai Vũ An quân sẽ lựa chọn quân Triệu, người nào khoẻ mạnh đánh trận được, thì cấp cho khí giới và đem về nước Tần sai dụng, còn người già yếu đều cho về Triệu. Quân Triệu mừng rỡ. Rồi ông bí mật lệnh cho quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu làm dấu hiệu nhận diện. Quân Tần theo lệnh, cùng ra tay một lúc. Binh lính nước Triệu vì không biết có lệnh ấy, lại không có khí giới, nên đều bó tay chịu chết. Toàn bộ quân Triệu trong một đêm đều bị chém chết cả, chỉ chừa lại duy chỉ 240 người còn ít tuổi quay về nước Triệu báo tin. Cả trong và sau trận Trường Bình, quân Triệu bị giết cả thảy hơn 450.000 người, người nước Triệu sau khi được tin trên dưới đều khiếp đảm.[49] Sau khi chiến tranh kết thúc, quân Tần dọn dẹp chiến trường thu thập đầu lâu, bởi vì đầu lâu quá nhiều mà chồng chất thành đài, gọi là "Bạch Khởi đài".[50]
Thất thế
sửaSau trận Trường Bình, quân chủ lực nước Triệu bị xóa sổ, cả nước trên dưới đều chìm trong nỗi thống khổ mất đi người thân. Năm 259 TCN, một lần nữa công chiếm quận Thượng Đảng, đồng thời chia làm ba đường: một đường do Vương Hột chỉ huy đánh hạ thành Vũ An (nay là tây nam Vũ An, Hà Bắc), Bì Lao (đông bắc huyện Dực Thành, Sơn Tây ngày nay) áp sát kinh đô Hàm Đan của nước Triệu, một cánh do Tư Mã Ngạnh chỉ huy tiến về phía bắc để bình định quân Thái Nguyên, một cánh do Bạch Khởi đích thân chỉ huy, đóng giữ Thượng Đảng, chờ thời cơ tiến vây kinh thành Hàm Đan, tạo ra thế chiến lược uy hiếp nước Triệu từ hướng Tây sang hướng Đông để tiêu diệt nước Triệu.[51][52] Hai nước Hàn, Triệu rơi vào tình thế khủng hoảng, Hàn Hoàn Huệ vương quyết định cắt đất cầu hòa, còn Triệu Hiếu Thành vương đích thân cùng đại thần Triệu Hách sang Tần bái kiến Tần Chiêu Tương vương, ước định cắt nhường 6 tòa thành trì để cùng nước Tần hòa đàm.[53] Hai nước cũng điều động sứ giả,[g] mang theo nhiều của cái đến đút lót cho Thừa tướng nước Tần là Phạm Thư. Thư sợ công lao của Bạch Khởi quá lớn sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình nên đã lấy lý do binh sĩ đã chinh chiến vất vả, cần tĩnh dưỡng để thuyết phục Tần Chiêu Tương vương chấp thuận lời cầu hòa của hai nước Hàn, Triệu. Vua Tần nghe theo đề nghị của Phạm Thư, đồng ý để Hàn cắt nhường Viên Ung (tây bắc huyện Nguyên Dương, Hà Nam ngày nay) còn Triệu cắt nhường sáu tòa thành để làm điều kiện đàm phán hòa bình. Vào tháng giêng, hai bên quyết định ngưng chiến. Bạch Khởi biết chuyện, phát sinh mâu thuẫn cùng Phạm Thư.[54]
Triệu Hiếu Thành vương chuẩn bị cắt nhường sáu thành cùng lúc theo hòa ước, đại thần Ngu Khanh cho rằng cắt đất cho nước Tần, sẽ chỉ làm Tần càng mạnh thêm, mà nếu không đồng ý cắt đất cầu hoà chỉ khiến nước Triệu diệt vong nhanh hơn. Ngu Khanh đề nghị lấy sáu tòa thành dâng nước Tề, giao hảo với Yên, Hàn, liên hợp với Ngụy, Sở cùng nhau kháng Tần. Triệu Hiếu Thành vương tiếp thu lời đề nghị của Ngu Khanh, trong nước tích cực chuẩn bị để ứng chiến.[55] Tần Chiêu Tương vương sau khi biết được nước Triệu không giữ điều ước cắt sáu thành, ngược lại cùng các nước phía đông liên hợp để đối phó với Tần, nên đã chuẩn bị binh mã để tiến đánh nước Triệu. Bạch Khởi lúc này bị bệnh, không thể dẫn quân chinh chiến. Tần Chiêu Tương vương đến hỏi thăm, Bạch Khởi nói: "Trận Trường Bình, quân Tần đại thắng, quân Triệu đại bại. Nước Tần, đối với những người tử trận đều hậu táng, những kẻ bị thương đều được chữa trị, điều dưỡng tỉ mỉ, những người có công đều được ban cho rượu và lương thực [...] hao tài, tốn của. Nước Triệu kẻ chiến tử không cần phải khâm liệm, không cần phải chữa trị cho người bị thương, quân dân khóc lóc [tang thương], đồng tâm hiệp lực khôi phục sản xuất. Dù cho bây giờ đại vương cử binh lực đông gấp 3 lần trước kia, nhưng thần đoán trước là lực lượng phòng vệ nước Triệu còn đông gấp 10 trước kia. Nước Triệu kể từ sau trận Trường Bình, quân thần đều ưu sầu sợ hãi, thiết triều sớm, bãi triều muộn, [người người] đều dùng ngôn từ khiêm tốn, phái sứ giả đi tứ phương tặng những món quà quý giá, cùng Yên, Ngụy, Tề, Sở kết làm hữu hảo liên bang. Bọn hắn trăm phương ngàn kế, đồng tâm đồng đức, tận sức tại phòng bị nước Tần [ta] xâm phạm. Hiện tại nước Triệu tài lực phong phú, lại cộng thêm những thành công trên mặt ngoại giao, thời điểm này không thể tiến đánh nước Triệu."[7]
Tần Chiêu Tương vương không nghe theo lời khuyên của Bạch Khởi, năm 258 TCN phái Ngũ đại phu Vương Lăng tiến đánh thành Hàm Đan. Nhân dân nước Triệu phấn khởi phản kháng, quân Tần đánh mãi không có lấy một thành quả nào.[56] Lúc đó, Bạch Khởi đã bình phục, vua Tần liền phái Phạm Thư tới gặp Bạch Khởi, nói rằng: "Năm đó nước Sở đất vuông 5.000 dặm, trăm vạn chiến sĩ. Ngài dẫn quân đội mấy vạn người tiến đánh nước Sở, hạ được kinh đô nước Sở, thiêu hủy tông miếu của bọn họ, đánh tới tận Cánh Lăng ở phía đông. Người Sở kinh động, phải dời đô chạy về phía đông mà không dám hướng về phía tây mà chống cự. Hàn, Ngụy hai nước huy động quân đông, mà ngài thống lĩnh một đội quân không đông bằng một nửa liên quân Hàn, Ngụy. Cùng bọn chúng đại chiến ở Y Khuyết, đánh bại liên quân Hàn, Ngụy. Hiện tại, quân Triệu mười phần thì đã chết ở Trường Bình tới bảy, tám phần. Nước Triệu đã suy yếu, hy vọng ngày có thể lãnh binh xuất chiến, nhất định có thể tiêu diệt được nước Triệu. Ngài lấy ít địch nhiều, đều thu được toàn thắng, huống chi hiện tại là lấy nhiều đánh ít, tấn công kẻ yếu hơn mình nhiều?" Bạch Khởi đáp lại: "Năm đó Sở vương ỷ nước mình hùng mạnh, không để ý tới quốc chính, đám đại thần ghen ghét tranh công, tự cao tự ngạo, nội bộ bách tính lục đục, thành trì cũng không được tu sửa, cho nên ta mới có thể lãnh binh xâm nhập nước Sở, chiếm được rất nhiều thành trì, lập nên công trạng. Tại trận Y Khuyết, Hàn Ngụy hai nước không hỗ trợ lẫn nhau, không đồng tâm hiệp lực, nên ta mới có cơ hội tập trập quân tinh nhuệ, xuất kỳ bất ý tấn công quân Ngụy. Quân Ngụy đã chiến bại, quân Hàn tự nhiên hỗn loạn, ta sau đó thừa thắng xông lên thu được thắng lợi. Nước Tần sau khi đánh bại quân Triệu ở Trường Bình, không thừa dịp nước Triệu đang khủng hoảng mà tiêu diệt đi, ngược lại để vuột mất cơ hội tốt, giúp cho nước Triệu có được thời gian nghỉ ngơi hồi sức, khôi phục quốc lực. Hiện tại quân dân nước Triệu trên dưới một lòng, trên dưới hiệp lực. Nếu như ta đánh Triệu, Triệu nhất định liều chết cố thủ; nếu như ta nhắm quân Triệu mà khiêu chiến, bọn chúng nhất định không xuất chiến; vây thành Hàm Đan thì không thể thắng được; tấn công các thành khác của nước Triệu thì không thể chiếm được; Cướp bóc vùng quê của Triệu, chắc chắn sẽ chẳng thu hoạch được gì. Nếu nước ta xuất binh đánh Triệu mà không dành được chiến công nào, chư hầu chắc chắn sẽ một lòng kháng Tần cứu Triệu. Nước Triệu nhất định sẽ được chư hầu viện trợ. Tiến đánh nước Triệu, ta chỉ thấy được sự nguy hại, không thấy có lợi chỗ nào." Bạch Khởi cáo bệnh nặng, không dậy nổi.[7]
Cái chết
sửaPhạm Thư đem chuyện Bạch Khởi bẩm tấu lên Tần Chiêu Tương vương, thế nào cũng phải cử Vũ An quân làm tướng. Vua Tần nghe xong, nổi giận nói: "Không có Bạch Khởi thì ta không diệt được Triệu hay sao?" Sau đó, Chiêu Tương vương lệnh cho Vương Hột thay Vương Lăng tấn công nước Triệu, lại lệnh cho Trịnh An Bình dẫn 2 vạn quân tiếp viện.[57] Quân Tần vây thành Hàm Đan 8 tới 9 tháng, thương vong rất nhiều nhưng không thể hạ được thành. Nước Triệu không ngừng phái khinh binh tinh nhuệ tập kích đường lui của quân Tần. Trịnh An Bình cũng bởi vì lọt vào vòng vây của quân Triệu mà phải đầu hàng quân Triệu. Kể từ khi Tần thực thi Thương Ưởng biến pháp, đây là lần đầu tiên quân Tần đầu hàng quân địch. Công tử nước Sở là Xuân Thân quân cùng công tử nước Nguỵ là Tín Lăng quân dẫn mấy chục vạn binh sĩ cứu viện nước Triệu, nước Tần phải hứng chịu tổn thất nhân sự rất lớn. Sau khi biết tin quân Tần bại trận, Bạch Khởi nói: "Tần vương không nghe lời ta, tình hình giờ sao rồi?" Phạm Thư nhân thể tâu với Tần Chiêu Tương vương, thế nào cũng phải cử Vũ An quân làm tướng. Tần Chiêu Tương vương nghe xong, giận dữ, đích thân đến ép Bạch Khởi nhậm chức. Bạch Khởi dập đầu trước mặt vua Tần và nói: "Thần biết nếu xuất chiến không dành được thắng lợi, nhưng có thể tránh được tội; nếu thần không ra trận, thần sẽ không có tội nhưng chắc chắn sẽ bị xử tử. Hy vọng đại vương chấp nhận lời đề nghị của ta, từ bỏ ý định đánh Triệu, ở lại trong nước nghỉ ngơi dưỡng sức, chờ đợi nội bộ chư hầu sinh biến rồi mới diệt từng nước một." Vua Tần nghe xong, quay người mà đi.[58][59]
Vua Tần hạ lệnh thu hồi mọi chức tước của Bạch Khởi, giáng xuống làm Sĩ tốt, lệnh phải rời khỏi thành Hàm Dương đày đi Âm Mật (nay là Bách Lý Hương, huyện Linh Đài). Tuy nhiên, do Bạch Khởi bị bệnh nên đã không thể lập tức khởi hành. Ba tháng trôi qua, tin tức quân Tần chiến bại cứ theo nhau mà đến, Tần Chiêu Tương vương càng thêm phẫn nộ, bèn sai người trục xuất Bạch Khởi. Ông than rằng: "Phạm Lãi có nói: "Con thỏ khôn đã chết, con chó săn tất bị mổ". Ta vì Tần đánh hạ được hơn bảy mươi thành của chư hầu, cái thế tất phải bị mổ!", rồi rời khỏi Hàm Dương từ cửa Tây, đi được mười dặm đường thì đến Đỗ Bưu (đông bắc thành phố Hàm Dương, Thiểm Tây ngày nay). Lúc này Phạm Thư tâu lên vua Tần rằng: "Bạch Khởi ra đi, trong lòng tấm tức không phục, thốt ra nhiều lời oán giận, nói có bệnh, không phải là thật, sợ rằng sẽ đi sang nước khác để làm hại Tần!" Thế là Tần Chiêu Tương vương bèn sai sứ đưa cho Bạch Khởi một thanh kiếm sắc, lệnh cho ông phải tự tử. Bạch Khởi ngửa mặt lên trời thở dài nói: "Ta đã làm cái quái gì để có được kết cục như vậy?" Một lát sau nói: "Ta cũng đáng chết thôi. Ở Trường Bình 40 vạn quân Triệu đều đầu hàng, ta lại lừa dối chúng rồi giết hết cả đi. Chúng nó có tội gì mà lại phải bị giết như thế? Bây giờ chính là quả báo của ta chăng?" Bạch Khởi lấy kiếm đâm cổ tự vẫn.[60] Chiến Quốc sách ghi là lúc Bạch Khởi rời đi Hàm Dương được bảy dặm, thị bị Tần Chiêu Tương vương phái sứ giả đến ép thắt cổ tự tử.[61] Bạch Khởi và phó tướng Tư Mã Cận đều được ban chết.[62] Năm đó, Bạch Khởi 75 tuổi.
Sau khi chết
sửaSau khi Bạch Khởi được vua Tần ban cho cái chết, các nước chư hầu đều nâng chén ăn mừng.[63] Người nước Tần nghĩ Bạch Khởi có công không có tội mà phải chết, tại các thành thị lớn nhỏ đều có lập đền thờ thờ phụng ông, bao gồm Tu kiến từ đường ở Hàm Dương. Đến khi Tần Thủy Hoàng đăng cơ, sau khi nhớ lại những chiến công của Bạch Khởi, đã phong cho con trai Bạch Trọng đất ở Thái Nguyên.[64] Cũng chính vì điều này mà con cháu thế hệ sau của Bạch Khởi đều là người Thái Nguyên.[2]
Nhận định
sửaCông trạng
sửaBạch Khởi xông pha trận mạc gần 60 năm, nắm quân quyền nước Tần suốt 37 năm, hầu như đánh đâu thắng đó, trước sau đánh phá 4 nước chư hầu, quân Tần do ông chỉ huy đã giết gần 100 vạn quân địch (thực tế phải hơn do con số này chưa tính cả dân thường bị liên lụy, có thuyết cho rằng quân của Bạch Khởi đã giết hơn 200 vạn người), hạ hơn 73 thành, mở rộng hơn trăm dặm đất đai cho nước Tần, làm suy yếu hoàn toàn Tam Tấn và khiến nước Sở từ chỗ ngang hàng với Tần bị đặt vào thế yếu hơn, luôn phải ở tư thế phòng ngự. Chiến công của Bạch Khởi đã làm tiêu hao lực lượng chiến đấu của các nước mạnh nhất thời đó như Triệu và Sở, đưa nước Tần trở thành nước bá chủ thời Chiến Quốc, khởi đầu cho việc thôn tính hoàn toàn 6 nước chư hầu của nước Tần, đi đến thống nhất Trung Hoa.
Tài năng
sửaBạch Khởi được các sử gia Trung Quốc đánh giá là một trong những tướng lĩnh xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Quốc, luôn đứng đầu trong hàng ngũ các đại danh tướng. Trong khi các tướng lĩnh thời đó luôn khi ra trận luôn đặt nặng binh pháp, điển hình như Triệu Quát, Bạch Khởi lại dùng binh không theo sách. Điển hình như trong trận Trường Bình, quân Tần do ông chỉ huy tuy ít hơn nhưng lại vây ngặt nghèo quân Triệu đông hơn, thậm chí vây không để hở. Những điều trên đều đi ngược lại với những gì Tôn Vũ viết trong binh pháp, thế nhưng Bạch Khởi đã cầm quân thì đã đánh là thắng, không gì ngăn nổi. Điều này cũng khẳng định tài năng quân sự phi thường của Bạch Khởi và xuyên suốt lịch sử Trung Quốc hầu như rất ít tướng lĩnh nào có những tố chất như ông. Tuy nhiên trong các danh tướng đời sau chỉ có một người duy nhất có thể so sánh với Bạch Khởi là Hoài Âm hầu Hàn Tín, đứng đầu trong Hán Sơ tam kiệt, vị danh tướng bách chiến bách thắng đã đánh bại được Hạng Vũ và các chư hầu, một tay đem lại cơ đồ cho nhà Hán. Cả hai vị danh tướng này đều có điểm chung là sau khi công thành danh toại thì đều bị chủ giết hại.
Tính cách
sửaBạch Khởi tuy vô địch trên chiến trường nhưng quá bộc trực thẳng tính, đã xúc phạm đến Tần Chiêu Tương Vương, người lúc này đã già có tính khí thất thường và mất đi sự kiên nhẫn, chỉ muốn nhanh chóng thành đại nghiệp. Một khuyết điểm nữa là Bạch Khởi quá hiếu sát, trong các chiến dịch do ông chỉ huy hầu như quân địch không có người sống sót trở về, thậm chí là một ngày giết mấy mươi vạn người như trong trận Y Khuyết, trận Yên Dĩnh, trận Trường Bình. Cuối cùng ông bị gièm pha, vua Tần bắt ông phải chết, có thể coi là báo ứng. Tương truyền về sau vào khoảng cuối đời nhà Đường, sấm sét đánh chết một con trâu, dưới bụng trâu có hai chữ "Bạch Khởi". Người ta nói Bạch Khởi vì giết người nhiều quá, nên gần 1.000 năm sau vẫn còn phải chịu cái quả báo làm kiếp trâu bị sét đánh.
Trong trò chơi điện tử
sửaBạch Khởi xuất hiện trong dòng game Romance of the Three Kingdoms của Koei như một tướng ẩn. Trong game muốn có được Bạch Khởi người chơi phải hoàn thành một số nhiệm vụ nhất định. Bạch Khởi vì danh tiếng bách chiến bách thắng của mình nên được Koei cho là một trong hai tướng có chỉ số Thống soái cao nhất là 100, người còn lại là Hàn Tín.
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ Tân Đường thư, Quyển bảy mươi lăm hạ, "Tể tướng thế hệ biểu" (宰相世系表):
Lược dịch: Đứa [con] thứ nhất là Tây Khất Thuật, đứa thứ hai là Bạch Ất Bính, phía sau coi là thị. Duệ tôn là Vũ an quân, được ban chết ở Đỗ Bưu.
Nguyên văn: 一曰西乞术,二曰白乙丙,其后以为氏。裔孙武安君起,赐死杜邮。 - ^ a b Thái Nguyên bạch thị gia trạng nhị đạo (太原白氏家状二道), "'Cố Củng Huyện lệnh Bạch phủ quân sự trạng" (故巩县令白府君事状):
Lược dịch: Bạch thị thiên họ, cũng là công tộc nước Sở. Sở Hùng Cư Thái tử Kiến chạy sang nước Trịnh, con của Kiến là Thắng sống ở Ngô rồi Sở, hiệu là Bạch công, bởi vậy mà lấy họ là Bạch. Nước Sở giết Bạch công, con chạy sang nước Tần, [hậu duệ] nối nhau làm danh tướng, Ất Bính hàng. Duệ tôn tên là Bạch Khởi, có công lớn tại Tần, được phong Vũ An quân. Sau không phải tội lỗi, được ban chết ở Đỗ Bưu, người Tần vì yêu mến, lập từ miếu tại Hàm Dương, đến nay vẫn còn tồn tại ở chốn này. Tần Thủy Hoàng vĩ nghĩ đến công lao của Vũ An quân, phong cho con là Trọng đất ở Thái Nguyên, tử tôn bởi thế nhà ở chỗ này.
Nguyên văn: 白氏芊姓,楚公族也。楚熊居太子建奔郑,建之子胜居于吴楚间,号白公,因氏焉。楚杀白公,其子奔秦,代为名将,乙丙已降是也。裔孙白起,有大功于秦,封武安君。后非其罪,赐死杜邮,秦人怜之,立祠庙于咸阳,至今存焉。及始皇思武安之功,封其子仲于太原,子孙因家焉,故今为太原人。 - ^ Sử ký, quyển 66, Ngũ Tử Tư liệt truyện: "...Diệp công nghe tin Bạch công làm loạn, đem tất cả những người trong nước ra đánh Bạch công. Bọn Bạch công thua chạy trốn vào trong núi, Bạch công tự sát..."
- ^ a b c Thế thuyết tân ngữ tiên sơ (世说新语笺疏), Quyển thượng thượng (上卷上), "Ngôn ngữ" (言语), dẫn Nghiêm Vưu, Tam tương tự (三将叙):
Lược dịch: Bình Nguyên Quân khuyên Triệu Hiếu Thành Vương thu nhận Phùng Đình, vua nói:
"Nếu đồng ý, quân Tần sẽ đến, Vũ An quân chắc chắn sẽ đến, ai có thể đương đầu nổi?"
[Bình Nguyên Quân] nói:
"Tại hội ở Mẫn Trì, thần để ý thấy Vũ An quân đầu nhỏ mà mặt nhọn, đồng tử đen trắng rõ ràng, trông không chớp mắt. Người đầu nhỏ mà mặt nhọn, là người quyết đoán; Người có đồng tử trắng đen rõ ràng, nhìn thấu rõ mọi sự tình; Người nhìn mà không chớp mắt, là người có chí kiên định. Nhưng cùng bền bỉ, khó mà đương đầu. Liêm Pha làm người, chí dũng mà yêu sĩ tốt, biết khó khăn mà nhẫn nhịn sự hổ thẹn, nếu đánh nhau trực diện thì không bằng, nhưng đủ để cầm cự vững vàng."
Vua làm theo kế ấy.
Nguyên văn: 平原君劝赵孝成王受冯亭,王曰:"受之,秦兵必至,武安君必将,谁能当之者乎?"对曰:"渑池之会,臣察武安君小头而面锐,瞳子白黑分明,视瞻不转。小头而面锐者,敢断决也;瞳子白黑分明者,见事明也;视瞻不转者,执志强也。可与持久,难与争锋。廉颇为人,勇鸷而爱士,知难而忍耻,与之野战则不如,持守足以当之。"王从其计。 - ^ a b Sử ký, Quyển 73, Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện:
Nguyên văn: 白起者,郿人也。善用兵,事秦昭王。昭王十三年,而白起为左庶长,将而击韩之新城。其明年,白起为左更,攻韩、魏于伊阙,斩首二十四万,又虏其将公孙喜,拔五城。起迁为国尉。涉河取韩安邑以东,到-{乾河}-。 - ^ Sử ký, Quyển 72, Nhương hầu liệt truyện:
Lược dịch: Chiêu Vương năm thứ mười bốn năm, Ngụy Nhai tiến cử Bạch Khởi, thay mặt Hướng Thọ mà đem quân đánh Hàn, Ngụy, đánh bại [liên quân hai nước] ở Y Khuyết, chém hai mươi bốn vạn thủ cấp, bắt được tướng Ngụy là Công Tôn Hỉ.
Nguyên văn: 昭王十四年,魏厓举白起,使代向寿将而攻韩、魏,败之伊阙,斩首二十四万,虏魏将公孙喜。 - ^ a b c d e Chiến Quốc sách, Quyển 33, Trung Sơn sách, "Chiêu vương ký tức dân thiện binh":
Lược dịch: Chiêu vương đã cho dân nghỉ ngơi và chỉnh đốn binh sĩ, nay lại muốn đánh Triệu. Vũ An quân nói:
– "Không nên."
Vua mới hỏi:
– "Năm trước nước nghèo dân đói, ông không lượng sức bách tính, xin được thêm quân sĩ, lương thực để diệt Triệu. Nay quả nhân đã cho đã cho dân nghỉ ngơi để nuôi binh sĩ, súc tích lương thực, lương của ba quân gấp mấy lần ngày trước, mà ông lại bảo rằng 'không nên', là nghĩa làm sao?"
Vũ An quân đáp:
– "Trận Trường Bình, quân Tần đại thắng, quân Triệu đại bại; người Tần hoan hỉ, người Triệu sợ sệt. Dân Tần chết thì được hậu táng, bị thương thì được hậu dưỡng, kẻ khó nhọc thì được hậu đãi, cung cấp thức ăn thức uống đầy đủ, rất tổn hao tiền bạc. Dân Triệu chết thì không được thu táng, bị thương thì không được săn sóc, họ khóc lóc thương cảm lẫn nhau, cày ruộng, làm việc vất vả để kiếm tiền. Nay Đại vương xuất quân tuy gấp mấy ngày trước, nhưng theo tôi đoán thì Triệu phòng bị kỹ cũng gấp mười ngày trước. Từ trận Trường Bình tới nay, vua tôi nước Triệu lo lắng, sáng sớm họp triều, chiều tối mới về, (trong sự ngoại giao) giao tiếp nhã nhặn mà lễ vật hậu hĩnh, bôn tẩu bốn phương để kết thân với Yên, Nguỵ, liên hiệp với Tề, Sở, suy tính, khép nép, chỉ lo việc đề phòng nước Tần. Nước họ ở trong thì vững mành mà ở ngoài thì ngoại giao thành công. Đương lúc này không nên đánh Triệu."
Vua Tần bảo:
– "Quả nhân đã phát quân rồi."
Rồi sai quan Đại phu Vương Lăng ở trong quân doanh cầm quân đánh Triệu. Lăng chiến đấu thất lợi, mất chức trong quân doành. Vua Chiêu vương muốn sai Vũ An quân, Vũ An quân cáo bệnh không đi, vua bèn sai Ứng hầu lại thăm Vũ An quân, trách rằng:
– "Đất Sở vuông năm ngàn dặm, kẻ cầm kích có tới trăm vạn; trước kia ông thống soái có vài vạn quân mà vô đất Sở, hạ được thành Yên, thành Dĩnh, đốt tôn miếu của Sở, phía đông tiến tới Cánh Lăng, dân ở Sở chấn động hoản sợ, tản cư qua phía đông mà không dám đi về phía tây. Hàn, Ngụy cùng hưng binh, quân số rất dông, hơn gấp đôi quân số của ông, mà ông chiến đấu với họ ở Y Khuyết, đại phá hai quân nước đó, máu chảy trôi cả cái mộc lớn, chặt hai mươi bốn vạn đầu người, vì vậy mà Hàn và Ngụy đến nay còn phải xưng là nước phiên thuộc ở phía đông. Công đó của ông, thiên hạ không ai không biết. Nay quân Triệu đã chết ở Trường Bình, mười phần đến bảy tám, nước Triệu đã hư nhược, cho nên quả nhân phát đại quân, đông gấp mấy quân Triệu, muốn sai ông cầm quân để diệt Triệu. Ông đã tường dùng số ít đánh số đông mà thắng được như thần; huống hồ nay dùng mạnh đánh yếu, dùng số nhiều đánh số ít!"
Vũ An quân đáp:
– "Năm đó Sở vương ỷ nước mình hùng mạnh, không nghĩ đến quốc chính, đám quần thần ghen ghét nhau, kiếm cách tranh công, gièm pha nhau để được tin dùng, kẻ lương thần bị gạt bỏ, trăm họ oát ghét, thành trì không tu bổ; đã không có lương thần lại không có kẻ đề phòng, giữ thành, cho nên tôi mới kéo binh vào sâu nước họ, chiếm được thêm nhiều thành ấp, phá cầu, đốt thuyền, để quân sĩ hết đường về mà quyết tử, rồi cướp bóc ngoài thành để có đủ lương thực cho quân. Quân sĩ nước Tần coi, coi quân là nhà, tướng soái là cha mẹ, không hẹn mà thân thiết với nhau, không tính toán mà cùng tin nhau, một lòng gắng sức với nhau, chứ không chịu quay đầu. Người Sở đánh riêng cho mình, chỉ nghĩ đến gia đình, nên lòng ly tán, chẳng có ái có ý chí đấu tranh, vì vậy mà tôi mới thành công
Tại trận Y Khuyết, Hàn Ngụy hai nước không hỗ trợ lẫn nhau, không đồng tâm hiệp lực, cho nên tôi mới dùng nghi binh, rồi dùng hết quân tinh nhuệ, xuất kỳ bất ý tấn công quân Ngụy. Quân Ngụy đã chiến bại, quân Hàn tự nhiên hỗn loạn, ta sau đó thừa thắng xông lên thu được thắng lợi. Đó là mưu tính tự nhiên, lợi dụng tình thế, chứ thần thánh gì đâu!
Tần sau khi đánh bại quân Triệu ở Trường Bình, không thừa dịp nước Triệu đang khủng hoảng mà tiêu diệt đi, ngược lại để vuột mất cơ hội tốt, giúp cho nước Triệu có được thời gian nghỉ ngơi hồi sức, khôi phục quốc lực. Hiện tại quân dân nước Triệu trên dưới một lòng, trên dưới hiệp lực. Nếu như ta đánh Triệu, Triệu nhất định liều chết cố thủ; nếu như ta nhắm quân Triệu mà khiêu chiến, bọn chúng nhất định không xuất chiến; vây thành Hàm Đan thì không thể thắng được; tấn công các thành khác của nước Triệu thì không thể chiếm được; Cướp bóc vùng quê của Triệu, chắc chắn sẽ chẳng thu hoạch được gì. Nếu nước ta xuất binh đánh Triệu mà không dành được chiến công nào, chư hầu chắc chắn sẽ một lòng kháng Tần cứu Triệu. Nước Triệu nhất định sẽ được chư hầu viện trợ. Tiến đánh nước Triệu, ta chỉ thấy được cái hại, không thấy lợi chỗ nào!"
Nguyên văn: 昭王既息民繕兵,复欲伐趙。武安君曰:"不可。"王曰:"前民國虛民飢,君不量百姓之力,求益軍糧以滅趙。今寡人息民以養士,蓄積糧食,三軍之俸有倍於前,而曰'不可',其說何也?"武安君曰:"長平之事,秦軍大克,趙軍大破;秦人歡喜,趙人畏懼。秦民之死者厚葬,償者厚養,勞者相饗,飲食𫗦饋,以靡其財;趙人之死者不得收,傷者不得療,涕泣相哀,戮力同憂,耕田疾作,以生其財。今王發軍,雖倍其前,臣料想趙國守備,亦以十倍矣。趙自長平已來,君臣憂懼,早朝晏退,卑辭重幣,四面出嫁,結秦燕、魏,連好齊、楚,積慮並心,備秦為務。其國內實,其交外成。當今之時,趙未可伐也。"王曰:"寡人既以興師矣。"乃使五校大夫王陵將而伐趙。陵戰失利,亡五校。王欲使武安君,武安君稱疾不行。王乃使應侯往見武安君,責之曰:"楚,地方五千里,持戟百萬。君前率數万之眾入楚,拔鄢、郢,焚其廟,東至境陵,楚人震恐,東徙而不敢西向。韓、魏向率,興兵甚眾,即可所將之不能半之,而與戰之於伊闕,大破二國之軍,流血漂鹵,斬首二十四萬。韓、魏以故至今稱東藩。此峻之功,天下莫不聞。今趙卒之死於長平者已十七、八,其國虛弱,是以寡人大發軍,人數倍於趙國之眾,願使君將,必於滅之矣。君嘗以寡擊眾,取勝如神,況以強擊弱,以眾擊寡乎?"武安君曰:"是時楚王恃其國大,不恤其政,而群臣相妒以功,諂諛用事,良臣斥疏,百姓心離,城池不修,既無良臣,又無守備。故起所以得引兵深入,國倍城邑,發梁焚舟以專民,以掠於郊野,以足軍食。當此之時,秦中士卒,以軍中為家,將帥為父母,不約而秦,不謀而信,一心同功,死不旋踵。楚人自戰其地,咸顧其家,各有散新,莫有鬥志。是以能有功也。伊闕之戰,韓孤顧魏,不欲先用其眾。魏恃韓之銳,欲推以為鋒。二軍爭便之利不同,是臣得設疑兵,以待韓陣,專軍並銳,觸魏之不意。魏軍既敗,韓軍自潰,乘勝逐北,以是之故能立功。皆計利形勢,自然之理,何神之有哉!今秦破趙軍於長平,不遂以時乘其振懼而滅之,畏而釋之,使得耕稼以益蓄積,養孤長幼,以益其眾,繕治兵甲以益其強,增城浚池以益其固。主折節以下其臣,臣推體以下死士。至於平原君之屬,皆令妻妾補縫於行伍之間。臣人一心,上下同力,猶勾踐困於會稽之時也。以合伐之,趙必固守。挑其軍戰,必不肯出。圍其國都,必不可克。攻其列城,必未可拔。掠其郊野,必無所得。兵出無功,諸侯生心,外救必至。臣見其害,為睹其利。又病,未能行。" - ^ Chiến Quốc sách, Quyển 22, Nguỵ sách 1, Tần bại Đông Chu (秦敗東周):
Lược dịch: Tần đánh bại Đông Chu, cùng nước Ngụy giao chiến tại Y Khuyết, giết Tê Vũ.
Nguyên văn: 秦败东周,与魏战于伊阙,杀犀武。 - ^ Thụy hổ địa Tần giản (睡虎地秦簡), Biên niên kỷ:
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 13, 14, công đánh Y Khuyết.
Nguyên văn:(秦昭襄王)十三年、十四年,攻伊阙。 - ^ Xem Chiến Quốc sách, Quyển hai, Tây Chu sách, Tần tấn công quân Ngụy của Tê Vũ tại Y Khuyết.
- ^ Chiến Quốc sách, Quyển hai, Tây Chu sách, Tê Vũ bại:
Lược dịch: Tê Vũ bại, Chu sai Chu Túc sang Tần.
Nguyên văn: 犀武败,周使周足之秦。 - ^ Xem Chiến Quốc sách, Quyển hai, Tây Chu sách, Tần tấn công quân Ngụy của Tê Vũ tại Y Khuyết, Tê Vũ bại tại Y Khuyết.
- ^ Chiến Quốc sách, Quyển hai, Tây Chu sách, Tần tấn công quân Ngụy của Tê Vũ tại Y Khuyết':
Lược dịch: Tần tấn công quân Ngụy của Tê Vũ tại Y Khuyết, Lý Đoái nói: "Quân không bằng, cấm Tần tấn công Chu".
Nguyên văn: 秦攻魏将犀武军于伊阙,为周最谓李兑曰:"君不如禁秦之攻周"。 - ^ Sử ký, Quyển 5, "Tần bản kỷ":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ mười lăm, Đại lương tạo Bạch Khởi tấn công nước Ngụy, lấy Viên, phục dư chi. [Năm sau], tấn công Sở [vì cứu Hàn], lấy [hai thành] Uyển, Diệp.
Nguyên văn:(秦昭襄王)十五年,大良造白起攻魏,取垣,复予之。(次年),攻楚(应为韩),取宛、叶。 - ^ Thụy hổ địa Tần giản (睡虎地秦簡), Biên niên kỷ:
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 17, tấn công Viên, Chỉ.
Nguyên văn:(秦昭襄王)十七年,攻垣、枳。 - ^ Sử ký, Quyển 73, Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện: [Bạch] Khởi cùng Khách khanh [Tư Mã] Thác tấn công Viên thành, chiếm được [thành].
Nguyên văn: 起与客卿错攻垣城,拔之。 - ^ Sử ký, Quyển 5, Tần bản kỷ:
Lược dịch: Tần lấy Viên, Bồ Phản, Bì Thị.
Nguyên văn: 秦以垣为、蒲阪、皮氏。 - ^ Thụy hổ địa Tần giản (睡虎地秦簡), Biên niên kỷ:
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 18, tấn công Bồ Phản.
Nguyên văn:(秦昭襄王)十八年,攻蒲反。 - ^ a b c d e Dương Khoan (2001). Chiến Quốc sử liêu biên niên tập chứng 《战国史料编年辑证》. Thượng Hải: Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải. tr. 740, 823–824, 875, 969, 987. ISBN 7208031851.
- ^ Thụy hổ địa Tần giản (睡虎地秦簡), Biên niên kỷ:
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 25, tấn công Tư Thị.
Nguyên văn:(秦昭襄王)廿五年,攻兹氏。 - ^ Sử ký, Quyển 15, "Lục quốc niên biểu":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 18, Tần chiếm Thạch Thành.
Nguyên văn:(赵惠文王)十八年,秦拔我石城。 - ^ a b Chiến Quốc sách, Quyển hai, Tây Chu sách, Tô Lệ vị Chu quân:
Lược dịch: [Chu Noãn Vương năm thứ 14], Tô Lệ bảo với vua Chu rằng:
–"Đánh bại Hàn, Ngụy, giết Tê Vũ, đánh Triệu, chiếm Lận, Ly Thạch, Kỳ, đều là [do] Bạch Khởi cả; nhờ tài dùng binh mà lại có thiên mệnh. Nay hắn đánh Lương (tên khác của Ngụy), Lương tất bị phá, mà Lương bị phá thì Chu tất nguy. Đại Vương nên ngăn hắn lại.
[Tô Lệ] nói với Bạch Khởi:
–"Nước Sở có Dưỡng Do Cơ là người giỏi bắn; bắn lá liễu cách trăm bước, bách phát bách trúng. Tả hữu đều khen 'Giỏi'. Một người khách đi ngang nói: 'Bắn hay đó, liệu ta có thể dạy ngươi cách bắn được không?' Dưỡng Do Cơ thách thức: 'Người ta đều nói ta bắn giỏi, mà ông lại bảo có thể dạy bắn cho ta, sao ông không thay ta thử bắn đi xem nào?' Khách nói: 'Ta không thể dạy ông duỗi trái co phải. Ông bắn lá liễu, bách phát bách trúng, mà không nghỉ ngơi để thở, thì chẳng mấy chốc khí suy lực mỏi, cung ngược, mũi tên cong, thì một phát cũng không trúng, công lao trước kia coi như mất hết.' Nay ông công phá Hàn, Ngụy, giết Tê Võ, mà bắc công Triệu, chiếm Lạn, Ly Thạch, Kỳ Giả, đều là công của ông. Công trạng đã rất nhiều rồi. Nay ông lại đem quân Tần vượt biên cương xa xôi, đi qua hai nước Chu, giẫm đạp nước Hàn mà đánh Lương, lỡ như đánh không được, thì công lao trước kia mất hết, không bằng ông cáo ốm không ra quân thì tốt hơn.
Nguyên văn:(周赧王三十四年),苏厉谓周君曰:"败韩、魏,杀犀武,攻赵,取蔺、离石、祁者,皆白起。是攻用兵,又有天命也。今攻梁,梁必破,破则周危,君不若止之。"谓白起曰:"楚有养由基者,善射;去柳叶者百步而射之,百发百中。左右皆曰‘善’。有一人过曰:‘善射,可教射也矣?’养由基曰:‘人皆曰善,子乃曰可教射,子何不代我射之也?’客曰:‘我不能教子支左屈右。夫射柳叶者,百发百中,而不已善息,少焉气衰力倦,弓拨矢钩,一发不中,前功尽矣。’今公破韩、魏,杀犀武,而北攻赵,取蔺、离石、祁者,公也。公之功甚多。今公又以秦兵出塞,过两周,践韩而以攻梁,一攻而不得,前功尽灭,公不若称病不出也。" - ^ Sử ký, Quyển 5, "Tần bản kỷ":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 27, Bạch Khởi đánh Triệu, chiếm Đại, thành Quang Lang.
Nguyên văn:(秦昭襄王)二十七年,白起攻赵,取代、光狼城。 - ^ Sử ký, Quyển 15, Lục quốc niên biểu:
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 27, đánh Triệu, chém 3 vạn thủ cấp.
Nguyên văn:(秦昭襄王)二十七年,击赵,斩首三万。 - ^ Sử ký, Quyển 16, "Lục quốc niên biểu":
Lược dịch: [Triệu Huệ Văn vương] năm thứ 20, cùng Tần dự hội ở Mãnh Trì.
Nguyên văn:(赵惠文王)二十年,与秦会黾池。 - ^ Sử ký, Quyển 76, "Bình Nguyên quân, Ngu Khanh liệt truyện":
Nhữ Thành dịch: Bạch Khởi chẳng qua chỉ là một thằng nhãi mà thôi! Nhưng hắn đem mấy vạn quân gây chiến với Sở, đánh một trận thì lấy được đất Yển, đất Sính, đánh hai trận đốt cháy Di Lăng, đánh ba trận làm nhục đến tiên nhân của nhà vua.
Nguyên văn: 白起,小竖子耳,率数万之众,兴师以与楚战,一战而举鄢郢,再战而烧夷陵,三战而辱王之先人。 - ^ a b Sử ký, Quyển 5, "Tần bản kỷ":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 28, Đại lương tạo Bạch Khởi tấn công nước Sở, chiếm Yên, Đặng, xá tội cho tù nhân.
Nguyên văn:(秦昭襄王)二十八年,大良造白起攻楚,取鄢、邓,赦罪人迁之。 - ^ Sử ký, Quyển 15, "Lục quốc niên biểu":
Lược dịch: [Sở Khoảnh Tương vương] năm thứ 20, Tần chiếm Yên, Tây Lăng.
Nguyên văn:(楚顷襄王)二十年,秦拔鄢、西陵。 - ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Lược dịch: Sang năm, tấn công nước Sở, chiếm Dĩnh, đốt Di Lăng, liền đông tiến đến Cánh Lăng. Sở Vương rời khỏi Dĩnh, chạy về Trần ở phía đông.
Nguyên văn: 其明年,攻楚,拔郢,烧夷陵,遂东至竟陵。楚王亡去郢,东走徙陈。 - ^ Hàn Phi tử, "Sơ kiến Tần":
Lược dịch: Tần giao chiến cùng người Kinh [Sở], đại phá Kinh [Sở], chiếm Dĩnh, lấy Động Đình, Ngũ Chử, Giang Nam. Vua tôi nước Kinh [Sở] vong tẩu, đông phục tại Trần.
Nguyên văn: 秦与荆人战,大破荆,袭郢,取洞庭、五渚、江南。荆王君臣亡走,东服于陈。 - ^ Thụy hổ địa Tần giản (睡虎地秦簡), Biên niên kỷ:
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 29, tấn công An Lục.
Nguyên văn:(秦昭襄王)廿九年,攻安陆。 - ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Lược dịch: Tần lấy Dĩnh lập Nam Quận. Bạch Khởi được thăng làm Vũ An quân.
Nguyên văn: 秦以郢为南郡。白起迁为武安君。 - ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Lược dịch: Vũ An quân bởi vì chiếm Sở, Định Vu, quận Kiềm Trung.
Nguyên văn: 武安君因取楚,定巫、黔中郡。 - ^ Sử ký, Quyển 5, "Tần bản kỷ":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 30, Thục thủ [Trương] Nhược phạt Sở, lấy Vu quận, cùng Giang Nam lập làm quận Kiềm Trung.
Nguyên văn:(秦昭襄王)三十年,蜀守若伐楚,取巫郡,及江南为黔中郡。 - ^ Sử ký, Quyển 78, "Xuân Thân quân liệt truyện":
Lược dịch: Hiết Nãi thượng thư chép về Tần Chiêu Vương... Chiêu vương nói: Thiện. Vu thị nãi chỉ Bạch Khởi nhi tạ Hàn, Ngụy. Phát sử lộ Sở, ước vi dữ quốc.
Nguyên văn: 歇乃上書說秦昭王曰…昭王曰:"善。"於是乃止白起而謝韓、魏。發使賂楚,約為與國。 - ^ Sử ký, Quyển 5, "Tần bản kỷ":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 31, Bạch Khởi phạt Ngụy, lấy hai thành.
Nguyên văn:(秦昭襄王)三十一年,白起伐魏,取二城。 - ^ a b Tư trị thông giám, Quyển 4, "Chu kỷ":
Lược dịch: Người nước Triệu, nước Nguỵ đánh Hoa Dương nước Hàn. Người nước Hàn cầu cứu nước Tần, Tần Vương không chịu ứng cứu. Tướng quốc nước Hàn là Trần Thệ nói: 'Chuyện cấp bách như vậy! Ta dù mang bệnh nhưng nguyện vì chuyện công, rồi rời đi trong một đêm.' Trần Thệ sang Tần, yết kiến Nhương Hầu. Nhương hầu nói: 'Chuyện cấp bách? Cho nên ngài mới đến.' Trần Thệ nói: 'Cũng chưa gấp.' Nhương hầu giận hỏi: 'Sao vậy?' Trần Thệ nói: 'Bỉ Hàn cấp tắc tương biến nhi tha tòng; dĩ vị cấp, cố phục lai nhĩ.' Nhương hầu nói: 'Mời phát binh vậy'. Chính là Vũ An quân cùng khách khanh Hồ dương cứu Hàn, tám ngày mà tới, bại Ngụy quân tại Hoa Dương, Mang Mão bỏ chạy, bắt sống 3 tướng, chém mười ba vạn thủ cấp. Vũ An quân lại cùng Triệu đem giả ngã chiến, giết hai vạn người trên sông. Ngụy đoạn cắt Nam Dương dâng cho Tần.
Nguyên văn: 趙人、魏人伐韓華陽。韓人告急於秦,秦王弗救。韓相國謂陳筮曰:"事急矣!願公雖病,為一宿之行。"陳筮如秦,見穰侯。穰侯曰:"事急乎?故使公來。"陳筮曰:"未急也。"穰侯怒曰:"何也?"陳筮曰:"彼韓急則將變而他從;以未急,故復來耳。"穰侯曰:"請發兵矣。"乃與武安君及客卿胡陽救韓,八日而至,敗魏軍於華陽之下,走芒卯,虜三將,斬首十三萬。武安君又與趙將賈偃戰,沈其卒二萬人於河。魏段干子請割南陽予秦以和。 - ^ a b Sử ký, Quyển 72, "Nhương hầu liệt truyện":
Lược dịch: Sang năm (Tần Chiêu Tương vương năm 34), Nhương hầu cùng Bạch Khởi và Khách khanh Hồ Dương phục công Triệu, Hàn, Ngụy, phá Mang Mão, hạ [thành] Hoa Dương... Chiếm Quyển, Thái dương, Trường Xã nước Ngụy, Quan Tân nước Triệu. Lại giao trả Quan Tân cho nước Triệu, nhằm lấy binh nước Triệu phạt Tề.
Nguyên văn: 明年(秦昭襄王三十四年),穰侯與白起客卿胡陽復攻趙、韓(應無韓字)、魏,破芒卯於華陽下…取魏之卷、蔡陽(應為蔡、中陽)、長社,趙氏觀津。且與趙觀津,益趙以兵,伐齊。 - ^ Thụy hổ địa Tần giản, "Biên niên kỷ":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương Vương] năm 33, công Thái, Trung Dương. Năm 34, công Hoa Dương.
Nguyên văn: (秦昭襄王)卅三年,攻蔡、中陽。卅四年,攻華陽。 - ^ Sử ký, Quyển 72, "Nhương hầu liệt truyện":
Lược dịch: Chiêu Vương năm thứ 32, Nhương hầu làm Tướng quốc, binh tướng tiến đánh nước Ngụy, phá Mang Mão, chiếm Bắc Trạch, liền vây thành Đại Lương. Lương đại phu Tu Giả duy thuyết với Nhương hầu... Nhương hầu nói: 'Tốt.' Bèn rút [quân] khỏi Lương.
Nguyên văn: 昭王三十二年,穰侯為相國,將兵攻魏,走芒卯,入北宅,遂圍大樑。梁大夫須賈說穰侯曰…穰侯曰:"善。"乃罷梁圍。 - ^ 《史记·卷七十九·范睢蔡泽列传》:今夫韩、魏,中国之处而天下之枢也,王其欲霸,必亲中国以为天下枢,以威楚、赵。楚强则附赵,赵强则附楚,楚、赵皆附,齐必惧矣。齐惧,必卑辞重币以事秦。齐附而韩、魏因可虏也。
- ^ Lương Ngọc Thằng (1981). Sử ký chí nghi 《史记志疑》 (bằng tiếng Trung). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục. tr. 158.
- ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Nguyên văn: 昭王四十三年,白起攻韩陉城…斩首五万。四十四年,白起攻南阳太行道,绝之。 - ^ 《史记·卷七十九·范雎蔡泽列传》:昭王四十三年,秦攻韩汾陉,拔之,因城河上广武。
- ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 45, đánh Dã Vương nước Hàn. Dã Vương hàng Tần, đường đi Thượng Đảng bị cắt đứt.
Nguyên văn:(秦昭襄王)四十五年,伐韓之野王。野王降秦,上黨道絕。 - ^ Chiến Quốc sách, Quyển 22, "Triệu sách 1", "Tần vương vị công tử tha":
Lược dịch: Hàn sợ, phái Dương Thành quân sang Tần, dâng đất Hiệu cùng Đảng để cầu hòa...là để Phùng Đình đến thay Cận Thẩu.
Nguyên văn:韩恐,使阳城君入谢于秦,请效和党之地以为和…乃使冯亭代靳黈。 - ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Nguyên văn: 其守冯亭与民谋曰:"郑道已绝,韩必不可得为民。秦兵日进,韩不能应,不如以上党归赵。赵若受我,秦怒,必攻赵。赵被兵,必亲韩。韩赵为一,则可以当秦。"因使人报赵。赵孝成王与平阳君、平原君计之。平阳君曰:"不如勿受。受之,祸大于所得。"平原君曰:"无故得一郡,受之便。"赵受之,因封冯亭为华阳君。 - ^ Sử ký, Quyển 43, "Triệu Thế gia":
Nguyên văn: 对曰:"夫秦蚕食韩氏地,中绝不令相通,固自以为坐而受上党之地也。韩氏所以不入于秦者,欲嫁其祸于赵也。秦服其劳而赵受其利,虽强大不能得之于小弱,小弱顾能得之于强大乎?岂可谓非无故之利哉!且夫秦以牛田之水通粮蚕食,上乘倍战者,裂上国之地,其政行,不可与为难,必勿受也。"…赵豹出,王召平原君与赵禹而告之。对曰:"发百万之军而攻,逾岁未得一城,今坐受城市邑十七,此大利,不可失也。"王曰:"善。"乃令赵胜受地…赵遂发兵取上党。廉颇将军军长平。 - ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Nguyên văn:(秦昭襄王)四十六年,秦攻韩缑氏、蔺(应为纶氏),拔之。四十七年,秦使左庶长王龁攻韩,取上党。上党民走赵。赵军长平,以按据上党民。四月,龁因攻赵。赵使廉颇将。赵军士卒犯秦斥兵,秦斥兵斩赵裨将茄。六月,陷赵军,取二鄣四尉。七月,赵军筑垒壁而守之。秦又攻其垒,取二尉,败其阵,夺西垒壁。廉颇坚壁以待秦,秦数挑战,赵兵不出。赵王数以为让。而秦相应侯又使人行千金于赵为反间,曰:"秦之所恶,独畏马服子赵括将耳,廉颇易与,且降矣。"赵王既怒廉颇军多失亡,军数败,又反坚壁不敢战,而又闻秦反间之言,因使赵括代廉颇将以击秦。秦闻马服子将,乃阴使武安君白起为上将军。而王龁为尉裨将,令军中有敢泄武安君将者斩。赵括至,则出兵击秦军。秦军详败而走,张二奇兵以劫之。赵军逐胜,追造秦壁。壁坚拒不得入,而秦奇兵二万五千人绝赵军后,又一军五千骑绝赵壁间,赵军分而为二,粮道绝。而秦出轻兵击之。赵战不利,因筑壁坚守,以待救至。秦王闻赵食道绝,王自之河内,赐民爵各一级,发年十五以上悉诣长平,遮绝赵救及粮食。至九月,赵卒不得食四十六日,皆内阴相杀食。来攻秦垒,欲出。为四队,四五复之,不能出。其将军赵括出锐卒自搏战,秦军射杀赵括。括军败,卒四十万人降武安君。武安君计曰:"前秦已拔上党,上党民不乐为秦而归赵。赵卒反复。非尽杀之,恐为乱。"乃挟诈而尽坑杀之,遗其小者二百四十人归赵。前后斩首虏四十五万人。赵人大震。 - ^ Thủy kinh chú, Quyển 9, "Bí thủy":
Nguyên văn: "秦坑赵众,收头颅,筑台于垒中,因山为台,崔嵬桀起,今仍号之曰白起台。"《括地志》曰: "头颅山在县西五里,白起台在其上。"又曰: "冤谷,在今高平城西二十里,旧称‘杀谷’。唐玄宗到潞州,路过致祭,又名‘省冤谷’。" - ^ Sử ký, Quyển 5, "Tần bản kỷ":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 48, Tần chia quân làm ba...Vương Hột dẫn quân đánh Vũ An, Bì Lao, Bạt Chi nước Triệu. Tư Mã Ngạnh phía bắc định Thái Nguyên, đóng ở Thượng Đảng nước Hàn.
Nguyên văn:(秦昭襄王)四十八年,秦军分为三军…王龁将伐赵武安、皮牢,拔之。司马梗北定太原,尽有韩上党。 - ^ Sử ký, Quyển 76, "Bình Nguyên quân, Ngu Khanh liệt
Lược dịch: Dẫn Tô Lâm nói: Bạch Khởi vì Tần mà đánh Triệu, phá quân [Triệu] ở Trường Bình, muốn nhân tiện diệt luôn Triệu, cử Vệ tiên sinh yêu cầu Chiêu vương tăng thêm binh lương, nhưng bị Ứng hầu phá hỏng, đại sự mới không thành.
Nguyên văn: 引苏林曰:白起为秦伐赵,破长平军,欲遂灭赵,遣卫先生说昭王益兵粮,乃为应侯所害,事用不成。 - ^ Sử ký, Quyển 76, "Bình Nguyên quân, Ngu Khanh liệt truyện":
Nhữ Thành dịch: Sau khi Tần đã giải vây Hàm Đan, Triệu Vương cho người vào chầu nước Tần, sai Triệu Hách phụng mệnh đi sứ ở Tần, cắt sáu huyện để giảng hoà.
Nguyên văn: 秦既解邯郸围(应为秦既破赵长平),而赵王入朝,使赵郝约事于秦,割六县而媾。 - ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Lược dịch: Hàn, Triệu sợ, cử Tô Đại [làm sứ giả] đem châu báu sang dâng lên Ứng hầu nước Tần [...] Thế là Ứng hầu nói với Tần vương rằng: "Binh Tần đã cực khổ, hay yêu cầu Hàn và Triệu cắt đất, hãy để co binh sĩ nghỉ ngơi." Vua Tần nghe theo, Hàn cắt Viên Ung, Triệu cắt sáu thành. Tháng giêng, bãi binh. Vũ An quân biết được, từ đó nảy sinh rạn nứt cùng Ứng hầu.
Nguyên văn: 韩、赵恐,使苏代(应为使者)厚币说秦相应侯…于是应侯言于秦王曰:"秦兵劳,请许韩、赵之割地以和,且休士卒。"王听之,割韩垣雍、赵六城以和。正月,皆罢兵。武安君闻之,由是与应侯有隙。 - ^
Sử ký, Quyển 76, "Bình Nguyên quân, Ngu Khanh liệt truyện":
Nhữ Thành dịch: Ngu Khanh nghe tin vào yết kiến nhà vua, nói:
– "Nguy quá! Ông Lâu làm cho Tần, như thế chỉ khiến thiên hạ thêm nghi, chứ có làm nước Tần được vừa lòng đâu! Tại sao ông ta lại không nói cách làm của ông là chỉ để cho thiên hạ thấy chỗ yếu của mình. Vả chăng thần nói đừng cho, không phải là nhất quyết đừng cho. Tần đòi nhà vua sáu thành, mà nhà vua lại đem sáu thành đút cho nước Tề. Nước Tề vốn là kẻ thù sâu sắc của Tần, nếu được sáu thành của nhà vua thì sẽ đem tất cả quân lực về hướng tây đánh Tần. Nước Tề sẽ nghe nhà vua, chắc không đợi nói hết lời. Như thế, tức là nhà vua mất đất cho Tề, nhưng sẽ được bù lại ở Tần. Thế là có thể trả cái thù sâu sắc của Tề và Triệu đối với Tần, và tỏ cho thiên hạ thấy ta có sức mạnh dám làm. Nếu nhà vua ban bố điều ấy ra thì binh chưa ra tới biên giới, thần cũng đã thấy Tần đem của cải quý báu đến Triệu và trái lại, chính Tần phải cầu hoà với nhà vua. Hàn, Ngụy, nghe nhà vua hoà với Tần, thế nào cũng trọng nhà vua. Họ trọng nhà vua tất sẽ mang vật tin đến cầu thân với nhà vua. Như vậy nhà vua làm một việc mà kết được tình hoà hảo của ba nước, đồng thời địa vị của mình đối với Tần cũng do đó mà thay đổi."
Triệu Vương nói:
– Phải!
Nguyên văn: 虞卿对曰:"今坐而听秦,秦兵不弊而多得地,是强秦而弱赵也。以益强之秦而割愈弱之赵,其计故不止矣。且王之地有尽而秦之求无已,以有尽之地而给无已之求,其势必无赵矣…秦索六城于王,而王以六城赂齐。齐,秦之深仇也,得王之六城,并力西击秦,齐之听王,不待辞之毕也。则是王失之于齐而取偿于秦也。而齐、赵之深仇可以报矣,而示天下有能为也。王以此发声,兵未窥于境,臣见秦之重赂至赵而反媾于王也。从秦为媾,韩、魏闻之,必尽重王;重王,必出重宝以先于王。则是王一举而结三国之亲,而与秦易道也。"赵王曰:"善。" - ^ Sử ký, Quyển 73, "Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện":
Lược dịch: [Tần Chiêu Tương vương] năm thứ 49, tháng giêng, [Vương] Lăng đánh Hàm Đan, không thu được thành quả. Tần phát thêm binh tăng viện Lăng. Quân Lăng thiệt hại 5 giáo.
Nguyên văn:(秦昭襄王)四十九年正月,陵攻邯郸,少利,秦益发兵佐陵。陵兵亡五校。 - ^ 史記無載兵力。《s:東周列國志/第099回》:秦王既殺白起,復發精兵五萬,令鄭安平將之,往助王齕,必攻下邯鄲方已。
- ^ 《战国策·卷三十三·中山策·昭王既息民缮兵》:应侯惭而退,以言于王。王曰:"微白起,吾不能灭照相乎?"复益发军,更使王龁代王陵伐赵。围邯郸八、九月,死伤者众,而弗下。赵王出轻锐以寇其后,秦数不利。武安君曰:"不听臣计,今果何如?"王闻之怒,因见武安君,强起之,曰:"君虽病强为寡人卧而将之。有功,寡人之愿,将加重于君。如君不行,寡人恨君。"武安君顿首曰:"臣知行虽无功,得免于罪。虽不行无罪,不免于诛。然惟愿大王览臣愚计释赵养民,以诸侯之变。抚其恐惧,伐其骄慢,诛灭无道,以令诸侯,天下可定,何必以赵为先乎?此所谓为一臣屈而胜天下也。大王若不察臣愚计,必欲快心于赵,以致臣罪,此亦所谓胜一臣而为天下屈者也。夫胜一臣之罨焉,孰若胜天下之威大耶?臣闻主爱其国,忠臣爱其名。破国不可复完,死卒不可复生。臣宁伏受重诛而死,不忍为辱军之将。愿大王察之。"王不答而去。
- ^ 《史记·卷七十九·范雎蔡泽列传》:秦大破赵于长平,遂围邯郸…任郑安平,使击赵。郑安平为赵所围,急,以兵二万人降赵。
- ^ 《史记·卷七十三·白起王翦列传》:秦王使王龁代陵将,八九月围邯郸,不能拔。楚使春申君及魏公子将兵数十万攻秦军,秦军多失亡。武安君言曰:"秦不听臣计,今如何矣!"秦王闻之,怒,彊起武安君,武安君遂称病笃。应侯请之,不起。於是免武安君为士伍,迁之阴密。武安君病,未能行。居三月,诸侯攻秦军急,秦军数却,使者日至。秦王乃使人遣白起,不得留咸阳中。武安君既行,出咸阳西门十里,至杜邮。秦昭王与应侯群臣议曰:"白起之迁,其意尚怏怏不服,有馀言。"秦王乃使使者赐之剑自裁。武安君引剑将自刭,曰:"我何罪于天而至此哉?"良久,曰:"我固当死。长平之战,赵卒降者数十万人,我诈而尽阬之,是足以死。"遂自杀。
- ^ 《战国策·卷七·秦策五·文信侯欲攻赵以广河间》:甘罗曰:"应侯欲伐赵,武安君难之,去咸阳七里,绞而杀之。"
- ^ 《史记·卷一百三十·太史公自序》:错孙靳,事武安君白起…靳与武安君坑赵长平军,还而与之俱赐死杜邮,葬于华池。
- ^ 《后汉书·卷五十一·李陈庞陈桥列传》:昔白起赐死,诸侯酌酒相贺。
- ^ 《史记·卷七十三·白起王翦列传》:死而非其罪,秦人怜之,乡邑皆祭祀焉。
Tham khảo
sửa- Lê Đông Phương, Vương Tử Kim (2007), Kể chuyện Tần Hán, Nhà xuất bản Đà Nẵng
- Lưu Chiếm Vũ chủ biên (2000), Mười đại tướng soái Trung Quốc, Nhà xuất bản Thanh niên.
Lỗi chú thích: Đã tìm thấy thẻ <ref>
với tên nhóm “lower-alpha”, nhưng không tìm thấy thẻ tương ứng <references group="lower-alpha"/>
tương ứng